Thầy thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc nam nổi tiếng trong thời trần đó là ai

LTS: Khởi từ ông tổ thuốc Nam - danh y Tuệ Tĩnh với quan niệm “Nam dược trị nam nhân” đã xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ thầy thuốc y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam. Rồi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bậc danh y đã tổng kết kinh nghiệm của Trung y và YHCT, truyền đến tận ngày nay. Sau này, GS.Đỗ Tất Lợi đã điều tra, thống kê hàng ngàn cây thuốc, vị thuốc trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”. Hàng nghìn năm qua, YHCT (bao gồm Đông y và Nam y) đã được thực hành sâu rộng trong đời sống dân Việt đến tận ngày nay, kể cả khi Tây y phổ biến. Và những lương y, những thầy thuốc dân gian vẫn đóng vai trò đáng kể trong chữa bệnh, cứu người, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa. Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Báo Quảng Nam Cuối tuần đề cập những thầy thuốc, cây thuốc trong dân. 

NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN

Ngày nay, dù y học hiện đại ngày càng phát triển, nhưng YHCT cùng các lương y với những “cây thuốc quanh ta” vẫn có một vị thế riêng mình, góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Thầy thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc nam nổi tiếng trong thời trần đó là ai
Lương y Bảy Nhiều (xã Bình Nam, xã Thăng Bình) châm cứu miễn phí cho người dân. Ảnh: N.D

Chữa từ tâm

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - cho biết, lợi thế của YHCT (Đông y, Nam y) chính là chữa những bệnh mạn tính kinh niên, một số bệnh xuất hiện theo mùa, bệnh của người già, như: chấn thương về cơ gân, đau thần kinh tọa, phong, tê thấp khớp, dạ dày, di chứng sau các tai biến mạch máu não… “Nói về cấp cứu, hồi sức thì Đông y không thể so sánh với Tây y. Nhưng Đông y có mặt mạnh trong việc chữa trị về nguồn gốc của căn bệnh hoặc những di chứng để lại của chứng tai biến mạch máu não. Nói như thế không phải để so sánh cái nào tốt hơn, mà là để thấy những mặt mạnh của mình, từ đó phát huy được hiệu quả” - ông Sỹ nói.

Có một thầy thuốc đã từng nói với tôi rằng, YHCT ngoài việc bốc thuốc chữa bệnh thì còn chú trọng đến việc trị liệu tâm lý, thấu hiểu được cơn đau của người bệnh để từ đó sẻ chia, giảm bớt những nỗi lo trong lòng để góp phần giúp bệnh thuyên giảm. “Khí hành thì huyết hành”, nghĩa là khi con người được thoải mái, máu huyết cũng sẽ lưu thông, cộng với việc dùng các loại thuốc bổ trợ, bệnh sẽ giảm. Trong quá trình chữa bệnh thì cả thầy thuốc lẫn người bệnh đều phải đồng lòng cố gắng... Nói cách khác, YHCT luôn tìm đến nguồn cơn của cơn đau, tìm cách xoa dịu rồi triệt tiêu nó như triệt tiêu căn bệnh, nghĩa là chữa trị từ gốc.

Có lẽ vậy nên YHCT chưa bao giờ mất đi vị trí của mình cho dù y học hiện đại có phát triển đến đâu. Bởi những vị thuốc đơn giản nhưng hiệu quả cao, lại rất gần gũi trong cuộc sống, như: lá bưởi, củ sả, lá ngải cứu, lá hẹ... cũng có những công dụng hữu hiệu để bồi bổ, chữa bệnh thường ngày. “Y học hiện đại là y học chứng cứ, nghĩa là phân tích phim chụp, siêu âm hay citi cắt lớp, bị gãy khúc này, u khúc kia, cứ thế mà trị. Còn YHCT là y học của sự trải nghiệm được đúc kết qua hàng nghìn năm. Trong YHCT các yếu tố như: khí, âm dương, ngũ hành... trở thành những nguyên lý tối quan trọng. Khi bắt mạch, khám bệnh, cắt thuốc đều dựa trên những nguyên lý này, phải chú ý đến những yếu tố tương khắc, tương trợ nhau trong mỗi cơ thể, mỗi loại bệnh lý, để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của bệnh, từ đó đưa ra bài thuốc trị liệu hiệu quả nhất, tránh những tác dụng phụ cho người bệnh” - ông Sỹ cho biết.

Bà Đoàn Thị Yến (80 tuổi, trú tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết, bà bị những bệnh của tuổi già như khớp, tim mạch... Cứ đến định kỳ là phải lặn lội xuống các bệnh viện để xin thuốc uống. Từ khi đến đây điều trị, bệnh của bà đã đỡ hẳn, đi lại thoải mái hơn. “Nói thật, đến tuổi này thì đủ thứ bệnh trên đời. Dù có bảo hiểm chi trả bớt đi nữa cũng tốn kém, tội con cháu lắm. Giờ điều trị ở đây thì chi phí thấp hơn, lại được sống với những người cùng cảnh ngộ, thế là vui rồi” - bà Ngọc nói. Nếu so sánh về kinh tế giữa y học hiện đại và YHCT thì sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Hầu hết, những phương thuốc của YHCT được thu thập từ tự nhiên, giá thành theo đó cũng rẻ hơn. “Với những căn bệnh mạn tính, chữa trị lâu dài thì sử dụng thuốc YHCT sẽ tiết kiệm được chi phí nhiều hơn cho người bệnh. Những người vào bệnh viện điều trị phần lớn là người già, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc giá thành thuốc thấp cộng với bảo hiểm chi trả một phần nên tổn phí cũng thấp hơn rất nhiều” - bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh - cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thân, hiện nay, bệnh viện đã kết hợp giữa Đông y và Tây y để cải tiến phương pháp chữa bệnh cho người dân. Không phải cứ bảo thủ Đông y hay Tây y mà phải biết học hỏi những điều hay của nhau với mục đích là chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh. Với sự bổ trợ từ máy siêu âm, X-quang hay các phương pháp cận lâm sàng để tìm đích xác nguyên do của căn bệnh, từ đó điều trị đúng phương pháp, hiệu quả hơn. Đó là điều đáng học hỏi.

Phát triển dược liệu trong dân

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, hiện nay thuốc để dùng trong YHCT (tại các phòng chẩn trị hiện nay) bao gồm cả 2 nguồn: thuốc nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc và nguồn dược liệu tại chỗ,  được chế biến thành thuốc tại các địa phương trong nước. “Có một nghịch lý là  nước ta có đầy đủ loại cây dược liệu quý thế nhưng không biết tận dụng để rồi phải nhập từ nước ngoài về. Thậm chí, người ta vào nước mình thu mua những cây dược liệu đó về phơi khô, chế biến rồi bán lại cho chúng ta với giá cao gấp nhiều lần. Tại sao chúng ta không biết tận dụng nguồn thuốc vô tận này mà phải mua của người khác? Chẳng hạn trong 185 loài thảo dược được Bộ Y tế đưa vào danh mục cây thuốc thiết yếu thì tỉnh Quảng Nam đã có mặt tới 94 cây, nhiều loại cây có trữ lượng rất lớn. Vậy thì việc cần làm nhất hiện nay là phát triển và bảo tồn những loại dược liệu này ngay trong dân, trong các cấp chính quyền để làm nguồn thuốc thay thế, thuốc tại chỗ phục vụ cho việc chữa bệnh” - ông Sỹ cho hay.

Ông Sỹ cũng chỉ ra rằng, hiện nay nguồn dược liệu tuy có nhưng chưa tập trung mà phân bố rải rác. Hơn nữa người dân cũng chưa hiểu hết tác dụng của những loại cây thuốc này nên không chú trọng phát triển. Chính vì vậy, Hội Đông y tỉnh đã có đề án phát triển các loại cây thuốc Nam, sử dụng thuốc tại chỗ và thuốc thay thế trên toàn tỉnh thông qua các chi hội ở địa phương. “Việc này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà cả cho thầy thuốc. Hơn thế, nó mở ra một cách tiếp cận mới về nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu... Nhờ thế, chúng ta luôn chủ động nguồn hậu cần về thuốc YHCT có chất lượng mà giá thành lại thấp” - ông Sỹ nói thêm.

Các chi hội của Hội Đông y tỉnh đã tích cực phát động trồng những vườn cây thuốc Nam tại địa phương. Như các huyện: Hiệp Đức, Nam Giang, Thăng Bình, Phú Ninh... đã tiến hành trồng rất nhiều các loại cây dược liệu để làm nguồn thuốc phục vụ cho chữa bệnh. Lương y Đào Bội Thiên (thuộc Chi hội Đông y Hiệp Đức) đã trồng hơn 1ha dược liệu với các chủng loại chủ yếu như: đinh lăng, hoài sơn, thiên môn, mạch môn, sa nhân... “Không chỉ để phục vụ cho việc cắt thuốc chữa bệnh mà các cây dược liệu còn mang lại lợi ích kinh tế rất cao, vừa giúp mình khỏi phải mua thuốc ở ngoài, vừa dùng để bán cho những ai có nhu cầu mua về trồng trong nhà phòng khi đau ốm” - ông Thiên nói.

Ông Bùi Quang Nhẫn - Chủ tịch Hội Đông y huyện Phú Ninh - cho biết, hội thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn trong hội viên và giúp người dân hiểu được giá trị của việc điều trị từ cây thuốc Nam. “Đôi khi những cây thuốc rất đơn giản nhưng hiệu quả trị liệu lại cao. Chính vì vậy, hội thường bắt đầu bằng những bài thuốc đơn giản như hướng dẫn sử dụng nồi lá xông, thuốc xông, cách điều trị các bệnh thông thường như đau bụng, cảm cúm… cho người dân. Qua đó dần nâng cao hiểu biết của họ để cùng chung tay gìn giữ nguồn dược liệu của mình” - ông Nhẫn cho biết.

CÂY THUỐC QUANH VƯỜN NHÀ

Từ rất lâu, người dân xứ Quảng, cả người dân nước Việt, mỗi khi đau ốm, trở trời, lại đi quanh vườn nhà, tìm những loại cây cỏ. Việc trị nhiều bệnh thông thường bằng những loài cây thuốc dân gian đã ăn sâu vào nếp sống dân Việt, trở thành một ngành y học riêng biệt, là Nam y, và Đông y.

Thầy thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc nam nổi tiếng trong thời trần đó là ai
Việc bảo tồn và phát triển các cây dược liệu sẽ giúp cho nguồn thuốc Đông y chủ động và chất lượng hơn. Trong ảnh: Vườn dược liệu được trồng ở Nam Trà My. Ảnh: N.D

Phát triển vùng dược liệu

Gần đây, trên vùng đất Quảng Nam, câu chuyện YHCT được nhắc tới thường xuyên, bởi cái tên “vùng dược liệu” mà đất Quảng đang nắm giữ. Những loài dược liệu đặc hữu, cực kỳ quý hiếm như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi… xứ Quảng đã quá nổi tiếng. Hay, người vùng biển có cây rong mơ, xuất bán sang các nước mỗi mùa hè. Ở miền núi, từ những cây dược liệu mọc hoang, người dân vùng cao Quảng Nam đã biết tận dụng làm kế sinh nhai. Những tổ dược liệu, những vườn ươm cây thuốc, những vườn thuốc Nam khắp các vùng mở ra, mở thêm một lối phát triển mới, đầy hứa hẹn. Chưa kể, những bài thuốc bí truyền được rỉ tai nhau, những vị lương y danh đức mà người ở khắp chốn biết được, không dưng cái tên Quảng Nam lại trở thành một điểm để nhiều người cậy vào, tìm đến, như một nơi chốn để họ trao gửi hy vọng về sự sống.

Lý giải về những ưu đãi của thiên nhiên này, lương y Kiều Viết Thiện (Bệnh viện YHCT tỉnh) cho rằng, ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt, nóng ẩm nhiều như Quảng Nam thì sẽ được trời đất phú cho những cây thuốc, cây thảo mộc để trung hòa. Trong khi đó, với loại khí hậu này, sẽ sinh ra rất nhiều chứng bệnh về nhiệt như sốt, cảm, đau nhức. Người xứ Quảng lại ăn mặn, cơ thể đã nhiệt lại càng thêm nhiệt hơn. Nhưng may mắn rằng, trong vòng 50 cây số lấy từ bán kính mình ở, lại có những thảo mộc rất thích nghi với con người ở vùng đất đó.

Rất nhiều loại cây dược liệu – từ “cực phẩm” như nhân sâm, yến sào, đến “bần hàn” như cỏ gấu, sống đời… đã và đang được người dân khắp nơi khai thác, trị bệnh. Độ 2 năm nay, người dân Thăng Bình lại có thêm nguồn thu từ việc trồng và nhân giống loài thảo dược bạch hoa xà. Cây dược liệu này, thậm chí, đã xuất sang Mỹ và các nước châu Âu để bào chế thành những dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng ngừa và trị các bệnh về ung thư, viêm nhiễm dạ dày, đường ruột… Ông Phan Đức Phương - Chủ tịch Hội Đông y Thăng Bình - cho biết, hiện ở địa phương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây dược liệu, như cà gai, cà dây lai, cây bạch hoa xà... Hội Đông y huyện cũng đã hình thành một vườn cây thuốc Nam gần 1.000m2. “Vườn thuốc Nam đã trồng, nhân giống được hơn 40 loại cây thuốc có giá trị. Ngoài ra, hội phát động trồng cây thuốc nam trong nhân dân, mỗi năm thu được từ 50 đến 70 tấn dược liệu. Các hội viên đều có khoảng hơn 10 loại cây thuốc trong vườn nhà để phục vụ chữa bệnh” - ông Phương nói.

Tận tụy cứu người

Cùng với những câu chuyện thảo dã, là tấm lòng của rất nhiều lương y. Chính sự cần mẫn, tận tụy, tài năng và y đức của họ đã làm yên lòng người bệnh. Lương y Trần Văn Hiệu (Bình Nam, Thăng Bình) từ gần 40 năm nay, đã viết nên những câu chuyện cổ tích bằng tài châm cứu, chữa bệnh và cả tấm lòng của mình. Người ta tìm đến ông không phải vì ông hoàn toàn miễn các chi phí châm cứu hay bốc thuốc. Nhiều bệnh nhân từ tận Đắk Lắk, từ vùng Nông Sơn hay Điện Bàn… vẫn kháo nhau để tìm đến. Cũng như, ở cơ sở chữa bệnh của lương y Kiều Viết Thiện (Trường Xuân, Tam Kỳ), mỗi ngày có cả trăm người từ nam chí bắc, với những câu chuyện bệnh tật khác nhau, tìm tới, nhờ vào “bàn tay vàng” và các phương thuốc bí truyền của ông. Lương y Trần Văn Hiệu nói nhiều lúc chẳng để ý đến thời gian. “Bao nhiêu năm đã trôi qua tôi cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng, cứ còn khả năng là tôi còn chữa bệnh cứu người” - ông chia sẻ. Còn ông Thiện thì bảo rằng, hạnh phúc nhất là làm được công việc mình yêu thích và có thể giúp được người nào thì tốt người đó. “Mình ở đây là ông thầy thuốc ở trong dân mà. Chỗ chữa bệnh của mình cũng không có bảng hiệu không có tên tuổi. Người ta cứ có bệnh thì tìm tới. Mình đã nói, cái khát khao nội lực của người bệnh là quan trọng nhất, rồi thầy thuốc mới dựa vào đó mà cứu chữa” - lương y Kiều Viết Thiện nói thêm.

Là một thầy thuốc Đông y thì phải là chuyên gia về cây cỏ ngay chính vùng đất đó. Quan điểm đó đang được rất nhiều lương y của Quảng Nam nỗ lực hướng tới, đồng thời để mỗi người dân đều có thể tự mình tìm thấy những vị thuốc Nam chữa bệnh ngay trong vườn nhà mình… (LÊ QUÂN)

BÀI THUỐC HAY, TẤM LÒNG THƠM THẢO

Lương y Trần Trừng (sinh năm 1966) - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y thị xã Điện Bàn có được một số bài thuốc hay. Và, ông không hề giữ riêng để cầu lợi.

Thầy thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc nam nổi tiếng trong thời trần đó là ai
Lương y Trần Trừng khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân. Ảnh: CHÂU NỮ

Lương y Trần Trừng là người có nhiều kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh YHCT. Ông quan niệm: “Những bệnh gì nhiều người mắc nhưng có thể chữa bằng bài thuốc đơn giản, nhất là đối với những bài thuốc dùng một vị mà chữa được bệnh, thì nên phổ biến rộng rãi cho nhiều người biết. Ngược lại, có những bài thuốc tốt nhưng khó có thể chia sẻ rộng rãi do phải dùng nhiều vị, phương pháp sao tẩm phức tạp mà nếu không có sự hướng dẫn tỉ mỉ của thầy thuốc, người bệnh sẽ khó áp dụng”.

Những bài thuốc mà lương y Trần Trừng cho là “nên phổ biến” và trên thực tế ông đã phổ biến, giới thiệu rộng rãi với nhiều người đều là những bài thuốc đơn giản, rẻ tiền, dễ tìm, dễ sử dụng. Ví như bài thuốc chữa tóc bạc sớm. Dân gian thường quan niệm tóc bạc do “máu xấu” nhưng theo lương y Trần Trừng, tóc bạc sớm là do hao tổn khí huyết, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thời tiết biến đổi thất thường, thực phẩm kém an toàn, lao động trí óc quá mức khiến khí huyết dễ hư tổn. Nhiều người đến phòng khám của ông để cắt thuốc chữa bệnh tóc bạc sớm và được lương y hướng dẫn cách tự sao chế tại nhà, chỉ với dặn dò phải kiên nhẫn. Còn với bệnh nhân bị trĩ nội và trĩ ngoại, lương y Trần Trừng cũng hướng dẫn họ tự chữa bệnh bằng bài thuốc đơn giản. Hay nhiều phụ nữ bị nám da cũng được ông chia sẻ bài thuốc chữa trị. “Những bài thuốc gia truyền chỉ có giá trị khi được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng” - ấy là triết lý làm nghề thầy thuốc của lương y Trần Trừng.

Lương y Trần Trừng tiếp cận với Đông y từ nhỏ do gia đình ông có nhiều người làm nghề thuốc. Từ năm 1987 ông đã hành nghề. Sau đó, ông ra Hà Nội theo học với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Đông y ở Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, như GS. Nguyễn Tài Thu, GS-TS. Trương Việt Bình... Do đã có trải nghiệm thực tế nên khi học thêm, ông “thẩm thấu” khá nhanh. Ông quan niệm, để trở thành một lương y, chỉ giỏi về chuyên môn thôi chưa đủ, mà cần phải hoàn thiện về nhân cách. Và đấy cũng chính là lý do để ông được đồng nghiệp tôn trọng, bệnh nhân quý mến. Bây giờ, lương y Trần Trừng vẫn không ngừng học hỏi, ghi chép và nghiên cứu; vẫn thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, bí quyết nghề nghiệp với đồng nghiệp, đồng môn. Những bài thuốc dân gian của ông theo đó ngày một nhiều lên. Thậm chí, ông học cả ở bệnh nhân. Ví như nghe bệnh nhân kể đã uống loại thuốc gì đó mà bệnh thuyên giảm, ông ghi chép lại ngay và dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. (CHÂU NỮ)