Theo anh (chị), tại sao Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu

TRƯỜNG THPT NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Vụ việc Nhật Bản đang truy tìm người viết tiếng Việt lên di tích quốc gia nước này không gây ngạc nhiên với những người đã sống ở nước ngoài, bởi họ từng chứng kiến hoặc có những hành động phản cảm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp – thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Nhật – cho biết, ý thức bảo vệ công trình công cộng của Nhật rất cao. Tình trạng dùng sơn vẽ bậy lên tàu, lên tường hay cào bẩn tại điểm công cộng ở Nhật vô cùng hiếm. Đa số người nước ngoài đến Nhật cũng có tinh thần này. Tuy nhiên, chị đã tận mắt thấy không dưới 10 lần người ta vẽ, viết bằng tiếng Việt lên di tích. Sống tại Nhật 4 năm, chị Diệp biết tới nhiều hành vi thiếu văn minh của đồng hương ở xứ này, đặc biệt là tình trạng ăn cắp đồ trong siêu thị như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi mang đi bán. Tờ Kyodo của Nhật hồi tháng 4 dẫn số liệu của cảnh sát Nhật Bản, cho biết “trộm cắp trong các siêu thị và cửa hàng là hành vi phạm pháp phổ biến nhất của người Việt, với hơn 2.000 vụ được ghi nhận năm ngoái”.(…) Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, chuyện người Việt có các hành vi gây phản cảm khi ra nước ngoài khá phổ biến, nó thể hiện thói quen tùy tiện bắt nguồn từ nếp sống tiểu nông vẫn tồn tại tới ngày nay, nhiều người chưa kịp hoặc không chịu thay đổi khi có điều kiện ra nước ngoài văn minh, (…) nhiều người không chú ý tới cách ứng xử khi ở nơi công cộng.

(Trích Nhiều người Việt ra nước ngoài bị ghét vì hành xử phản cảm – TheoVnexpress, ngày 6/11/2018)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, những hành vi nào của người Việt ở nước ngoài bị xem là thiếu văn minh?

Câu 3. Đoạn trích trên đề cập đến vấn đề gì?

Câu 4. Anh/ Chị nghĩ gì khi ở Nhật Bản “Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói”?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, tr.111 – NXB Giáo dục, 2017)

Từ đó, liên hệ với đoạn thơ sau để thấy được tình yêu quê hương đất nước của hai nhà thơ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, tr.29 – NXB Giáo dục,2017)

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là Nghị luận

Câu 2: Những hành vi thiếu văn minh của người Việt ở nước ngoài: vẽ, viết chữ lên di tích quốc gia nước bạn; ăn cắp đồ trong siêu thị như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi đem đi bán.

Câu 3: Vấn đề được đề cập ở đoạn trích trên: Hành vi thiếu văn minh của người Việt ở nước ngoài.

Câu 4: Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ cá nhân và có sức thuyết phục

Ví dụ:

– Một bộ phận người Việt Nam sống ích kỷ, làm theo ý thích cá nhân, coi thường luật pháp, những hành động phản cảm của họ đang làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài.

– Mỗi cá nhân cần có ý thức về pháp luật, có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của chính mình, hình ảnh của đất nước trước bạn bè quốc tế trong thời đại hội nhập.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: Suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ hiện nay

I. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề, nêu tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay.

– “Ứng xử” vốn được coi như một tiêu chuẩn, một thước đo để khẳng định kiến thức của con người. Đối với nhiều người hiện nay, chỉ cần qua cách ứng xử thôi là có thể biết được tính cách cũng như học thức của người đối diện như nào.

II. Thân bài:

– Giải thích ứng xử là gì?

+ Ứng xử được hiểu là một biểu hiện của giao tiếp, chính là cách mà con người phản ứng lại trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định. Ứng xử còn được thể hiện cụ thể qua thái độ, hành động, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người với cá nhân, tập thể xung quanh.

– Ứng xử mang lại điều gì cho con người?

+ Một người có ứng xử tốt chắc chắn sẽ được nhiều người yêu quý, tôn trọng.

+ Và ngược lại, những kẻ nói tục chửi bậy, thô lỗ bất lịch sự,… có những hành vi ứng xử không tốt, tiêu cực sẽ bị xa lánh và ghét bỏ. Những người ứng xử kém không chỉ cho thấy rằng bản thân đang không tôn trọng người khác mà chính họ cũng đang không tôn trọng mình. Họ vô tình tạo nên một hình ảnh xấu trong mắt những người xung quanh.

+ Một học sinh ngoan ngoãn, vâng lời và luôn chào hỏi thầy cô sẽ được yêu quý hơn những học sinh ăn nói xấc xược, có thái độ vô lễ đúng không bạn?

+ Hay như trong các cuộc thi hoa hậu cũng vậy. Ở vòng chung kết bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi về kiến thức xã hội để kiểm tra cách ứng xử của thí sinh dự thi. Người nào mà có câu trả lời thông minh, sắc bén sẽ luôn được lòng mọi người và ban giám khảo đánh giá cao và có khả năng trở thành hoa hậu cao hơn những thí sinh khác trong cùng một cuộc thi khi cơ hội của mọi người là như nhau.

– Ngay từ bây giờ trong mỗi chúng ta hãy có những hành động đúng mực, tập cho mình những hành vi, lối sống tích cực. Và hơn hết là điều đó sẽ giúp bạn có một lối sống ứng xử tốt.

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4

Ngày xưa, có một vị vua cai trị cả một vương quốc rộng lớn. Một ngày nọ, ông quyết định vi hành đến những vùng đất xa xôi nhất của đất nước. Khi trở về cung điện, ông phàn nàn rằng chân ông rất đau. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là lần đầu tiên ông thực hiện một chuyến đi dài như vậy, trong khi đó, những con đường ông đi qua đều gập ghềnh, sỏi đá. Bực mình vì bị những cơn nhức mỏi hành hạ, ông ra lệnh cho tất cả các con đường trong vương quốc phải được bao phủ bằng da súc vật. Tất nhiên đây là một mệnh lệnh rất khó thực hiện và tốn kém cả về sức người, sức của nhưng vẫn không ai dám khuyên can nhà vua.

Thế rồi cuối cùng, một người hầu khôn ngoan đã dũng cảm đứng ra ngăn cản nhà vua. Anh ta nói:

– Tại sao quốc vương lại có thể tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy ạ? Tại sao Người không cắt những miếng da bò êm ái phủ quanh đôi chân trần của mình?

Như vậy, không những chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá nữa mà cả vương quốc cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, của cải!

Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu, nhưng rồi sau đó ông cũng đã đồng ý. Vậy là đôi giày đầu tiên trong lịch sử đã ra đời.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không cần bắt cả thế giới phải thay đổi theo mình, điều chúng ta cần, đơn giản chỉ là thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân mà thôi.

(Hạt giống tâm hồn, trithucvn.net)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2: Anh (chị) hãy đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 3: Theo anh (chị), tại sao Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu?

Câu 4: Anh (chị) có đồng ý rằng mỗi người chúng ta “ không cần bắt thế giới phải thay đổi theo mình” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc“ thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân” để đạt đến thành công trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người.

Anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:

– Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 Tập 1, NXB GD, 2010, Tr 109)

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Tự sự

Câu 2: Có thể đặt nhan đề cho văn bản như: Đừng thay đổi thế giới, Sự ra đời của chiếc giày, Hãy thay đổi bản thân….

Câu 3: Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của người hầu vì:

– Trước đó không ai dám góp ý vì sợ nhà vua sẽ trách mắng

– Lời đề nghị của anh hầu đi ngược lại những điều nhà vua yêu cầu mọi người cần làm.

Câu 4: Nêu lên quan điểm của mình đồng ý hay không đồng ý với ý kiến trên và đưa ra lý lẽ thuyết phục

Ví dụ:

– Đồng ý với quan điểm vì thế giới rộng lớn, bao la nên cá nhân chúng ta không bao giờ có thể thay đổi cục diện. Chúng ta chỉ là “hạt cát” giữa “ sa mạc” bao la nên không thể dùng sức mạnh của mình để cải biên xã hội.

– Không đồng ý vì xã hội chỉ thay đổi nếu mỗi cá nhân ra sức để dựng xây, cố gắng xoay chuyển. Cả cộng đồng cùng thay đổi thì cuộc sống xã hội cũng sẽ chuyển biến theo.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: Gợi ý làm bài

– Thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân là thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về sự việc, con người của mỗi cá nhân trong những thời điểm khác nhau.

– Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần có tầm nhìn bao quát, nghĩ rộng hơn, suy nghĩ sâu hơn, luôn có thái độ tích cực, lạc quan để giải quyết mọi tình huống một cách thấu đáo.

– Đừng chỉ chìm đắm trong lối suy nghĩ tiêu cực, thất vọng vì những điều diễn ra không như mong muốn. Thay vào đó, hãy nhìn những trở ngại đó là thách thức cần phải vượt qua bằng mọi cách. Người có suy nghĩ tích cực thì cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.

– Phê phán những người bảo thủ, không chịu thay đổi để thích nghi, dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành động lệch lạc. – Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của việc cần phải thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ. Từ đó tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ, cố gắng thay đổi chính mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi người khác và thế giới.

—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.

(Phong cách sống của người đời – Nhà báo Trường Giang. www.chungta.com)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, vì sao lãng phí thời gian là mất tuyệt đối? (0,5 điểm)

Câu 3. Anh/ Chị  hiểu như thế nào về ý kiến: Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay?(1,0 điểm)

Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với quan niệm: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước? Vì sao?(1,0 điểm)

II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)

“… Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 156)

Cảm nhận của Anh/ Chị về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy ( Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 43) để thấy sự gặp gỡ và khác biệt trong khát vọng hi sinh dâng hiến của con người.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả, lãng phí thời gian là mất tuyệt đối vì:

– Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe.

– Thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được.

Câu 3: Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay vì: Trong thời đại trí tuệ này, nền kinh tế tri thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Nhịp sống rất hối hả, khẩn trương, các nước đang phát triển với tốc độ như vũ bão…

Câu 4: Trình bày quan điểm riêng đồng tình hoặc không đồng tình và đưa ra những lý lẽ thuyết phục để chứng minh cho quan điểm của mình. Ví dụ: Có thể theo hướng đồng tình với quan niệm: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước. Vì:

– Thời gian vô cùng quan trọng, là quà tặng kì diệu của tạo hóa, không lặp lại.

– Thời gian là sẽ giúp ta làm lên những giá trị đích thực. Lãng phí thời gian sẽ dần rơi vào sự lạc lõng, chán nản – trở thành đời thừa…

– Đời người chỉ sống có một lần và duy nhất. Và cuộc sống là một cuộc “ chạy” tiếp sức của các thế lực.

II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)

Dàn ý tham khảo

a. Mở bài

Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng, vị trí và cảm hứng trữ tình nổi bật của hai khổ thơ và vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài: Cảm nhận về hai khổ thơ

– Về nội dung:

+ Khổ 1: Nhận thức về sự hữu hạn của đời người

  • Tương phản về thời gian: cuộc đời (hữu hạn)  –  năm tháng (vô hạn)
  • Tương phản về không gian: Biển (đã rộng, vô hạn); Mây vẫn bay qua biển (về xa) -> cũng là hữu hạn  chỉ có không gian vũ trụ mới là vô hạn.

=> Lo âu, trăn trở về sự hữu hạn của đời người, sự mong manh, nhỏ bé của cuộc đời, của kiếp người, của hạnh phúc.

+ Khổ 2: Thể hiện được khát khao, mong muốn mãnh liệt, chân thành, thiết tha vô cùng của mình trong tình yêu: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng…-> Khao khát được hi sinh, được dâng hiến. “ Tan ra” không phải để biến mất trong hư vô mà là để hòa nhập với vĩnh hằng, tồn tại với vĩnh hằng, được yêu hết mình, được sống hết mình, hi sinh tận độ, tận hiến cho tình yêu.

-> Tình yêu lớn đến mức có thể tan hòa vào không gian mênh mông của biển lớn, cùng với biển lớn, cùng với không gian ấy, người phụ nữ trong Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn hóa, muốn hoá thân thành tình yêu muôn thuở.

=> Hai khổ thơ bộc lộ một cái tôi trữ tình, cái tôi của người phụ nữ luôn khát khao tình yêu, khát khao được hi sinh, dâng hiến, vĩnh  viễn hóa, bất tử hóa. Đó là một tình yêu vừa lớn lao, cao thượng nhưng cũng rất khát khao trong hạnh phúc đời thường, rất vị tha, nhân hậu.

– Về nghệ thuật:

  • Thể thơ 5 chữ vừa gọn ghẽ, vừa miên man…
  • Cách nói: nhượng bộ – tăng tiến (tuy, dẫu – vẫn) -> Làm tăng tính chất suy tư (nỗi suy tư, day dứt lớn).
  • Biện pháp tu từ Ẩn dụ, Hoán dụ: Ngàn năm…

—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng

Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi

Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội

Ta nhận ra mình đang lớn khôn…

Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ

Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ

Biết kéo về cả một sắc trời xanh

Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

“Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ

Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

(Trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp đẽ của những năm tháng tuổi trẻ được tác giả nhắc đến trong đoạn trích.

Câu 3: Nêu hiệu quả của việc sử dụng phép điệp trong hai khổ thơ cuối của đoạn trích.

Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm của tác giả trong những câu thơ sau hay không? Vì sao?

Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành

“Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ

Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ

Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

Câu 2: (5,0 điểm)

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr 110)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Liên hệ với đoạn thơ sau trong bài thơ Từ ấy, từ đó, nhận xét về sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

(Trích Từ ấy, Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 44)

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ được sử dụng là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2: Những hình ảnh đẹp đẽ của năm tháng tuổi trẻ: màu mực tím, nét chữ thiếu thời, bối rối sắc hồng, hoa phượng…

Câu 3:

– Phép điệp từ: “Biết ơn”

– Tác dụng: Khiến cho lời thơ giàu nhạc điệu, nhấn mạnh sự thức nhận và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với những gì bé nhỏ gần gũi, với mẹ đã giúp mình lớn khôn và biết trân trọng tuổi trẻ.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ  sau và thực hiện các yêu cầu:

… Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí

Óc nghĩ suy không thể mượn vay

Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay

Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.

Ta tin ở sức mình, vô hạn

Như ta tin ở tuổi 25

Của chúng ta là tuần trăng rằm

Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.

Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại

Những sông Thương bên đục, bên trong

Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng

Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại…

(Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?

Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm; Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?

Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2. Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy?

Câu 4 (1,0 điểm). Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về niềm tin của tuổi trẻ vào chính mình được gợi ra từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do

Câu 2: Hai câu thơ nói lên sức mạnh của tuổi trẻ: dám ước mơ và hành động để thực hiện những lí tưởng cao đẹp của mình- sẽ làm chủ tương lai của đất nước….

Câu 3: 

– Biện pháp tu từ được sử dụng:

  • So sánh: “Như ta tin ở tuổi 25; tuổi 25 Của chúng ta là tuần trăng rằm”.
  • Điệp ngữ: Ta tin
  • Liệt kê: Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái

– Hiệu quả: Nhấn mạnh và biểu đạt sâu sắc, sinh động, gợi cảm sức mạnh, niềm tin của tuổi trẻ vào hành động, lý tưởng và ước mơ.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !