Thông kê điểm IELTS Việt Nam 2022

Ở kỳ xét tuyển đại học năm 2021, Nguyễn Thanh Phương, cựu học sinh THPT Xa La (Hà Nội) sớm biết kết quả trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao theo phương thức xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh kết hợp điểm học bạ. Với IELTS 7.5 và kết quả học tập THPT nổi bật, em vào được ngôi trường mơ ước mà không phải quá lo lắng với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi chỉ cần tốt nghiệp, em sẽ đủ điều kiện nhập học.

Giống Phương, rất nhiều học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn, cũng học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, phổ biến hơn cả là IELTS. Việc này đem lại nhiều lợi ích như giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ - yếu tố quan trọng trong học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp sau này; được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh (nếu đạt IELTS 4.0); miễn các học phần tiếng Anh ở trường đại học (tùy quy định từng trường).

Đặc biệt trong bốn năm trở lại đây, IELTS giúp học sinh nâng cao khả năng trúng tuyển đại học. Năm 2021, có hơn 30 trường từ Bắc chí Nam, từ công lập tới tư thục sử dụng chứng chỉ này trong xét tuyển đại học chính quy. Năm nay, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phần lớn các trường không thay đổi nhiều về phương án tuyển sinh, nên dự kiến có một số lượng tương tự áp dụng chính sách ưu tiên đối với IELTS.

Điều này góp phần khiến chứng chỉ tiếng Anh - được triển khai từ năm 1980 và thu hút hàng triệu thí sinh toàn cầu tham dự mỗi năm - trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Không chỉ ở các thành phố lớn, học sinh ở nhiều tỉnh, thành cũng bắt đầu tìm hiểu khi nhận ra tầm quan trọng của chứng chỉ này.

Quảng cáo

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Cụm từ "chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế" hay cụ thể hơn là IELTS, TOEFL xuất hiện trong đề án tuyển sinh của Đại học Kinh tế quốc dân từ 2017. Theo đó, thí sinh có IELTS 6.5 hoặc TOEFL ITP 575, TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm hai môn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - gồm Toán và một môn khác Tiếng Anh - từ 15 trở lên thuộc diện được xét tuyển kết hợp. Không nêu cụ thể chỉ tiêu cho đối tượng này, nhưng tổng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp (gồm hai nhóm đối tượng khác) năm đó chỉ 5-10%. Không nhiều người lúc đó để ý tới phương thức này.

Đến năm 2018, thêm một số trường như Đại học Ngoại thương hay Sư phạm kỹ thuật TP HCM đưa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào xét tuyển. Từ chỗ chỉ các trường kinh tế top đầu tiên phong sử dụng IELTS, nhiều trường thuộc khối kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội và TP HCM hay các trường đào tạo y dược như Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP HCM hay Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp với thí sinh có chứng chỉ IELTS.

Năm 2021, các trường thuộc khối công an gồm Học viện Quốc tế, Chính trị Công an Nhân dân, An ninh Nhân dân, Cảnh sát Nhân dân cùng Đại học An ninh Nhân dân và Cảnh sát Nhân dân cũng ghi tên vào nhóm này.

Quảng cáo

Khi xét tuyển có sử dụng điểm IELTS, các trường thường theo ba hướng: xét tuyển kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ (như Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân), xét tuyển kết hợp với học bạ THPT (Học viện Ngoại giao, Báo chí và Tuyên truyền) hoặc ưu tiên trong xét tuyển (Đại học Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y Dược TP HCM).

Phương thức của Học viện Ngoại giao năm ngoái là một ví dụ về xét tuyển kết hợp với học bạ THPT. Trường này xét tuyển thẳng thí sinh có điểm trung bình cộng kết quả học tập của ba học kỳ bất kỳ lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên kết hợp chứng chỉ IELTS 7.0 trở lên. Với ưu tiên xét tuyển, Đại học Y Hà Nội quy định thí sinh muốn vào ngành Y - ngành có điểm cao nhất, mà có chứng chỉ IELTS 6.5 sẽ được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn không quá 3 so với bình thường.

Với xét tuyển kết hợp, điểm IELTS được quy sang thang điểm 10, mức quy đổi cũng rất đa dạng và tùy thuộc từng trường. Nhiều trường IELTS ở mức 5.0-5.5 đã được quy đổi thành 8-9 điểm. IELTS 6.0 tương đương 9-10. Một số trường yêu cầu mức IELTS cao hơn. Năm vừa rồi, Đại học Kinh tế Quốc dân thậm chí quy mức 8.0 IELTS sang thành 15 điểm, tạo ra động lực rất lớn để thí sinh sử dụng chứng chỉ này. Điểm quy định này sẽ được cộng kết hợp với các yếu tố khác, tùy từng trường.

Mức quy đổi của một số đại học.

Đến nay, chưa có bất cứ trường đại học nào tuyển thẳng thí sinh chỉ dựa vào chứng chỉ tiếng Anh. Các hình thức xét tuyển kết hợp EILTS chỉ chiếm khoảng 5-20% tổng chỉ tiêu xét tuyển của mỗi trường, việc hàng loạt trường ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sử dụng IELTS cùng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển khiến chứng chỉ này dần trở nên quen thuộc, quan trọng và được thí sinh tận dụng trong cuộc chạy đua giành lợi thế vào đại học.

Năm 2022, các đại học vẫn tiếp tục đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn được ưa chuộng, bên cạnh những chứng chỉ năng lực quốc tế khác như SAT, ACT hay A-Level.

Với xu hướng các trường đại học tăng chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh thờ ơ nhiều môn học khác, chỉ để tập trung luyện chứng chỉ này.

Những năm trước, chỉ có một vài trường dùng tiêu chí này, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Một số giáo viên ở Hà Nội cho biết học sinh lơ là nhiều môn vì tập trung vào thi IELTS, tuy nhiên cũng khó trách các em bởi tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng phương thức gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội, và là thực tế diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ đổ tiền vào học là sẽ có kết quả IELTS cao và học sinh đó không phải môn nào cũng học tốt.

Thông kê điểm IELTS Việt Nam 2022
Theo cô Hà:"Nói chứng chỉ Tiếng Anh IELTS là tốt thì không sai, nhưng có lẽ chỉ tốt cho trường đại học, nhưng nó không mang lại sự công bằng cho học sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước". Ảnh: NVCC.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Cô Hà chia sẻ: “Nếu để nói mặt bằng chung thì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS, theo học các khóa đã rất tốn tiền, mà chưa chắc thi một lần đã đạt được số điểm mong muốn để vào trường top đầu, dẫn đến phải tiếp tục ôn luyện và thi nên rất tốn kém.

Nói chứng chỉ Tiếng Anh IELTS tốt thì không sai, có lẽ chỉ tốt cho trường đại học, nhưng nó không mang lại sự công bằng cho học sinh ở tất cả các vùng miền trong cả nước.

Nếu đã là đại trà chung thì Hà Nội hoặc vài thành phố lớn học sinh sẽ có điều kiện hơn về kinh tế, sẽ được ôn luyện từ bé. Nhưng mặt khác, nói về công bằng trong xã hội thì không phải ai cũng có điều kiện luyện IELTS như nhau, nếu cả nước đều được học trên mặt bằng chung, hoặc cùng điều kiện như nhau thì sẽ lại là chuyện khác.

Nhưng giờ xét vào đại học lại ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, rồi các môn học khác lại không được coi trọng bằng, nhiều thí sinh lại giỏi những môn khác nhưng lại không đỗ vào đại học thì cũng rất là tội cho các em học sinh.

Nếu để đi du học nước ngoài, hoặc theo học tại các trường quốc tế, học chương trình quốc tế nâng cao thì chứng chỉ tiếng Anh IELTS sẽ rất tốt và phù hợp. Nhưng nếu chỉ theo học tại các trường đại học trong nước, hoặc các trường top dưới thì theo tôi chỉ cần dùng chứng chỉ tiếng Anh B1, B2,…của Việt Nam thì phù hợp hơn, chi phí về kinh tế cũng sẽ vừa phải, lại có thời hạn mãi mãi, đó cũng là một lợi thế".

"Giỏi ngoại ngữ là tốt, có chứng chỉ IELTS cũng rất tốt, nhưng nếu tất cả các trường đại học trong nước lấy ưu tiên hơn một chút thôi thì được, chứ tất cả đều “nghiêng” về IELTS quá nhiều, đạt 8.0 đã được kết hợp tuyển thẳng vào trường đại học, như vậy là “hết suất” của những em khác có thể không có điều kiện, không giỏi tiếng Anh nhưng lại giỏi Toán, Lý, Hóa, giỏi về năng khiếu…Theo tôi nếu để tạo công bằng trong xã hội thì các trường đại học cũng phải xem xét lại vấn đề này”, cô Hà nhấn mạnh.

Xu hướng “bỏ rơi” các môn học khác?

Theo cô Hà: “Có khá nhiều học sinh đã nói rằng chỉ cần chứng chỉ IELTS, còn các môn khác chỉ cần 5 điểm, do đó các em chỉ tập trung vào luyện tiếng Anh. Đành rằng đó là sự lựa chọn cá nhân của từng học sinh, các em cũng xác định được mục đích, căn cứ vào các điểm chuẩn của các trường đại học, có thể là cần chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cần các hoạt động xã hội, tham gia các cuộc thi năng khiếu để tìm kiếm cơ hội.

Hiện nay, nếu các trường đại học không quá căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì sẽ dẫn tới kết quả học tập của học sinh nói chung sẽ khác, các em sẽ chỉ tập trung vào những gì có lợi cho việc xét tuyển đại học và như vậy rõ ràng là học “lệch”, trong khi kiến thức rất cần toàn diện.

Theo tôi, phương án khoảng 50% điều kiện xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 50% còn lại cho các điều kiện khác, như vậy sẽ công bằng với tất cả học sinh. Em nào không giỏi ngoại ngữ nhưng giỏi chuyên môn sẽ có cơ hội rộng mở vào đại học, chưa kể như vậy sẽ giúp các em học đều các môn hơn, sẽ tốt hơn cho nền giáo dục và cũng sẽ lựa chọn được nhiều nhân tài hơn cho đất nước.

Một đất nước phát triển đâu chỉ có trông cả vào ngoại ngữ, mà cần phải có các môn khoa học khác nữa”.

Cô Hà chia sẻ: “Các trường đại học đưa thêm vào tiêu chí xét tuyển bằng một số chứng chỉ tiếng Anh trong nước, như vậy sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn cho học sinh, và những chứng chỉ này đều có quy đổi. Chứng chỉ tiếng Anh B1, B2, Vstep của Việt Nam theo tôi cũng nên đưa vào xét tuyển đại học để tạo sự công bằng cho các em học sinh”.

Thông kê điểm IELTS Việt Nam 2022
Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh thờ ơ nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này. Ảnh minh họa: G.H.

Chuẩn ngoại ngữ cả đầu vào chỉ nên ở mức tương đối?

Cùng vấn đề này, cô Nguyễn Hoàng Hương - Giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nêu quan điểm: “Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, chỉ nên là tiêu chuẩn đầu vào cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc chương trình quốc tế, chương trình liên kết nước ngoài.

Đành rằng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp giỏi ngoại ngữ thường có cơ hội làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp với thu nhập cao hơn người không giỏi lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu áp đặt ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ tiếng Anh IELTS làm tiêu chuẩn đầu vào, các trường đại học trong nước có thể lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh có năng lực, ý chí, nhưng chưa giỏi tiếng Anh vì điều kiện học tập của những em này chưa được tốt, vì kinh tế gia đình,...

Chuẩn ngoại ngữ đầu vào chỉ nên ở mức tương đối, vì thế có thể dùng các chứng chỉ tiếng Anh trong nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xét tuyển. Hãy để sinh viên phấn đấu học ngoại ngữ trong quá trình học tập trong trường đại học với những mục tiêu, động lực của riêng mình. Và sau khi đi làm, họ sẽ tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ phù hợp với yêu cầu của công việc, chứ cứ yên tâm đã có chứng chỉ IELTS đầu vào mà bỏ bê không học, không trau dồi kĩ năng tiếng Anh thì sau một vài năm là sẽ mất hết kiến thức. Như vậy liệu có thực chất hay không, hay chỉ là thi đối phó lấy chứng chỉ để xét tuyển.

Không phải đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế rồi là sẽ giỏi mãi mãi, mà việc này cần phải được sử dụng thường xuyên, hàng ngày. Thực tế đạt điểm IELTS cao chưa chắc là năng lực tiếng Anh tốt, và ngay cả khi năng lực tiếng Anh tốt cũng chưa hẳn đã đạt điểm IELTS cao như mong muốn. Bởi vì IELTS là dạng bài thi cố định, không thay đổi định dạng qua hàng ngàn lần thi. Vì vậy, càng luyện nhiều thì thành tích thi càng cải thiện. Thi IELTS đòi hỏi các kỹ năng làm bài thi nhiều hơn là kỹ năng ngôn ngữ.

Nhiều học sinh đổ xô đi học IELTS thay cho đầu tư học 3 môn thi xét tuyển đại học, tuy nhiên học ngôn ngữ là thấm dần qua thời gian, không thể có được trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, nếu chỉ dồn sức chạy đua để có chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh có thể chểnh mảng các môn học khác, dẫn tới không đạt mục tiêu kỳ vọng. Học sinh còn rất nhiều con đường vào đại học như: Dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực tư duy; Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả của quá trình học tập...”.

Cuối cùng, cô Hương nhận định: “Việc các trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cường xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của, qua chứng chỉ tiếng Anh quốc tế,.. khiến nhiều học sinh và phụ huynh hốt hoảng, thực tế nhiều em thi lấy chứng chỉ IELTS đạt 7.0 mà vẫn lo trượt đại học bởi hiện nay rất nhiều phụ huynh ở thành phố cho con theo học và thi lấy chứng chỉ này.

Chính vì vậy lại ôn luyện, lại thi tiếp với mục tiêu cố đạt 8.5 thì may ra mới đỗ, việc này khiến tạo thêm áp lực cho học sinh và gia đình các em, tiêu tốn thêm kinh phí, và còn dẫn tới chểnh mảng các môn học khác”.

Tùng Dương