Thực trạng quản lý ngân sách cấp xã

Bài thảo luận của đồng chí Nguyễn Đình Hiếu - Giám đốc Sở Tài chính tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX

Kính thưa: Chủ tọa kỳ họp

Kính thưa: Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Được sự cho phép của Chủ tọa kỳ họp, sau đây tôi xin tham luận nội dung “Giải pháp tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, chống thất thu trên địa bàn tỉnh”.

Trong những năm qua, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực; nhiều biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tập trung triển khai thực hiện. Tốc độ tăng thu NSNN liên tục tăng cao (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 24,8%/năm). Năm 2021 trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 15.745,3 tỷ đồng, bằng 156,1% dự toán, tăng 26,9% so với thực hiện năm 2020. Trong đó: Thu nội địa: 14.145,3 tỷ đồng, đạt 158,3% dự toán, tăng 27,7% cùng kỳ.  Cả 16/16 chỉ tiêu, khu vực thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán giao; 10/10 huyện, thành phố vượt dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước thực hiện 1.600 tỷ đồng, đạt 139,1% dự toán, tăng 20,2% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu thảo luận

Chi NSNN ngày càng được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả và tuân thủ pháp luật; tăng cường các biện pháp tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý thu, chi NSNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Cơ cấu thu ngân sách chưa thực sự bền vững; thu cân đối nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) bình quân giai đoạn 2016-2020 mới đáp ứng được khoảng 37% nhu cầu chi thường xuyên của tỉnh; đến năm 2021 đáp ứng khoảng 47% nhu cầu chi thường xuyên của tỉnh; nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, thực hiện Đề án, cơ chế, chính sách của tỉnh còn khó khăn; công tác quản lý, khai thác một số nguồn thu còn chưa triệt để, vẫn còn thất thu ở một số lĩnh vực như: hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh nhà trọ, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; tình trạng trốn thuế còn diễn biến phức tạp, chậm nộp thuế còn xảy ra; công tác xử lý nợ đọng thuế hiệu quả chưa cao; kỷ luật, kỷ cương tài chính có nơi chưa nghiêm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn... 

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thu, chi ngân sách nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước chưa thường xuyên, hiệu quả thấp; công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, thường xuyên, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách. Năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức làm công tác quản lý thuế, tài chính, ngân sách chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và xu thế phát triển; ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về thuế, tài chính của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, chi NSNN, đặc biệt là chống thất thu  trên địa bàn tỉnh; trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp sau:

1. Về công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN hàng năm. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách, nhất là các biện pháp chống thất thu, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ thu NSNN hằng năm trên địa bàn; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14-16%/năm và từng bước tiến tới tự cân đối thu, chi thường xuyên của tỉnh. Cụ thể:

- Hằng năm công tác lập, giao dự toán thu NSNN đảm bảo bao quát hết nguồn thu; rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu mới phát sinh, doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh mới ra kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có rủi ro cao như: ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, karaoke, kinh doanh bất động sản…các doanh nghiệp hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để quản lý thuế kịp thời theo quy định. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

- Thực hiện nghiêm các biện pháp đôn đốc, xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tích cực phối hợp rà soát đối chiếu nợ, xác định chính xác số nợ đọng thực tế của người nộp thuế để có biện pháp thu hồi nợ đọng theo đúng quy định, phấn đấu đến ngày 31/12 hằng năm tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu dưới 5% tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; rà soát, xác định những nguồn thu còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào một số lĩnh vực như: Các khoản thu từ đất; kinh doanh thương mại điện tử; xây dựng cơ bản; kinh doanh xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có khoản thu từ phí chuyển sang giá dịch vụ mà Nhà nước không định giá; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh.

- Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu NSNN do yếu tố khách quan gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách các cấp. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn và phát hiện, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm; trong đó chú ý các mặt hàng: xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia,...

3. Về công tác quản lý chi NSNN

Từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, gắn với đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả các khoản chi từ NSNN; bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành chi của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Cụ thể:

- Quản lý chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai; chỉ bổ sung ngân sách ngoài dự toán đối với các trường hợp thật sự cần thiết và phải được sự đồng ý của thường trực cấp ủy, HĐND cùng cấp.

- Thực hiện phân bổ chi ngân sách tập trung, tránh dàn trải, lãng phí; việc phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách phải tuân thủ Luật Đầu tư công. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án khác để thanh toán khối lượng hoàn thành; hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

- Nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư vi phạm theo pháp luật hiện hành.

- Thực hiện nghiêm việc đầu tư xây dựng, mua sắm xe ô tô, tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm, công khai, minh bạch.

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lâp, ̣nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tập trung thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ công theo lộ trình; nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ công.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quản lý thu, chi NSNN

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý thu, chi NSNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; theo dõi thi hành pháp luật về NSNN; tiếp tục thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, thuế, hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong các vụ án liên quan đến sai phạm về lĩnh vực thuế, tài chính, ngân sách nhà nước; kịp thời áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm để cảnh báo, phòng ngừa vi phạm.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu ổn định, bền vững

- Rà soát các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tích cực đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho NSNN.

- Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

5. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực tài chính, NSNN.

- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra,... đảm bảo có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đề cao sự liêm chính trong thi hành công vụ. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống cho công chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát công chức trong quá trình thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước.

- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong công tác quản lý thu, chi và sử dụng NSNN tại cơ quan, đơn vị.

Trên đây là Báo cáo tham luận về các giải pháp tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, chống thất thu trên địa bàn tỉnh của Sở Tài chính.

Xin trân trọng cảm ơn!