Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp đọc hiểu

I – GỢI DẪN

Đặng Thai Mai (1902 – 1984) là một nhà văn, đồng thời là nhà nghiên cứu văn học lớn. Những bài phê bình, những công trình nghiên cứu của ông có giá trị lớn về học thuật, mang đến cho bạn đọc những nhận thức sâu sắc về tác gia, tác phẩm văn học, về ngôn ngữ dân tộc,…

Văn bản Sự giàu đẹp của tiếng Việt được trích từ bài Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc. Tuy chỉ là một đoạn trích, không thể hiện được đầy đủ tư tưởng của nhà văn trong bài viết này nhưng tác giả cũng đã trình bày khá đầy đủ và sâu sắc quan điểm về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Nêu chỉ xét trên phửơng diện đó thì văn bản này cũng là một bài văn nghị luận khá đặc sắc với đầy đủ các thành phần cấu tạo, được viết với một bút pháp điêu luyện, sắc sảo.

Tiếng Việt rất giàu và đẹp, quan điểm đó được tác giả thể hiện rất rõ ràng, xác đáng qua một hệ thống lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động, giàu sức thuyết phục trên nhiều bình diện: từ những nhận xét khái quát đến các biểu hiện cụ thể, các phương diện khác nhau của ngôn ngữ dân tộc.

Cũng giống như văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, đoạn trích này được tổ chức rất chặt chẽ, lô gích với hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng vừa sinh động vừa khoa học. Ngoài các yêu cầu chung khi đọc kiểu bài nghị luận (đã trình bày ở bài trước), cần chú ý đến tổ chức ngôn ngữ riêng, giọng điệu và cách hành văn riêng của từng tác giả, tác phẩm. Cụ thể, trong văn bản Sự giàu đẹp của Tiếng Việt, hệ thống lập luận được trình bày theo hướng từ khái quát đến cụ thể, từ thực tiễn đến lí luận, trong đó có cả lí luận về tiếng, về vần, về thanh, từ từ vựng đến ngữ pháp, ngữ âm,…

Nếu như trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, cấu trúc trùng điệp của văn bản có gây ít nhiều khó khăn cho việc đọc nhưng lại có thể giúp bạn đọc nắm bắt được nhịp điệu một cách nhanh chóng thì trong văn bản này, đặc điểm đó lại không được thể hiện một cách rõ ràng (dẫu tác giả có sử dụng biện pháp lặp cấu trúc). Yêu cầu chung với các văn bản nghị luận vẫn là tập đọc trước nhiều lần để nắm bắt được tư tưởng, nhất là mạch văn của tác giả, từ đó có sự điều chỉnh giọng đọc cho phù hợp.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Đây chỉ là một đoạn trích nên bố cục không hoàn chỉnh. Có thể chia thành các phần như sau : Phần mở đầu (đoạn 1, 2) : nêu luận điểm khái quát; Phần khai triển (còn lại) : vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Phần này gồm hai ý : Từ “Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó…” đến “rất ngon lành trong những câu tục ngữ” : tiếng Việt trong con mắt người nước ngoài; còn lại : Những yếu tố tạo nên vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.

Nhận định “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” được giải thích khá rõ ràng qua một cấu trúc lặp có nhịp điệu : “nói thế có nghĩa là nói rằng…” gồm hai vế. Ở vế thứ nhất, tác giả nêu những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt (hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyên trong cách đặt câu), vế thứ hai tiếp nối vế trước, nêu khả năng của tiếng Việt trong việc diễn tả tình cảm, tư tưởng và thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử.

Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã trình bày những ý kiến theo hai phương thức gián tiếp và trực tiếp.

Phương thức gián tiếp là trình bày các ý kiến về tiếng Việt của người nước ngoài, cả người biết cũng như người không biết tiếng Việt. Người biết tiếng Việt có thể đưa ra những nhận định cụ thể, người không biết tiếng Việt thì chỉ cần căn cứ vào âm thanh cũng nhận ra rằng, “tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc”. Phương thức này tuy không thể cung cấp những nhận định khái quát và đầy đủ nhưng có ưu điểm là rất khách quan.

Để bổ sung cho phương thức trên, tác giả trực tiếp phân tích, miêu tả các yếu tố ngôn ngữ của tiếng Việt trên các phương diện cơ bản. Về ngữ âm : tiếng Việt có hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú và rất giàu thanh điệu (sáu thanh), về ngữ pháp : tiếng Việt rất uyển chuyển, nhịp nhàng, về từ vựng : tiếng Việt gợi hình, giàu nhạc điệu. Tiếng Việt có khả năng dồi dào trong việc cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt. Tiếng Việt có sự phát triển qua các thời kì lịch sử về cả hai mặt từ vựng và ngữ pháp, cấu tạo và khả năng thích ứng với sư phát triển là một biểu hiện về sức sống mạnh mẽ của tiếng Việt.

Về nghệ thuật nghị luận, bài viết này có nhiều ưu điểm nổi bật : Tác giả đã kết hợp hài hoà giữa giải thích, chứng minh với bình luận. Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ : nêu nhận định khái quát, giải thích bằng nhiều phương thức linh hoạt, tiếp đó dùng các chứng cứ để chứng minh. Các dẫn chứng được dẫn ra khá bao quát, toàn diện.

Để cho bài viết thêm ngắn gọn, súc tích, tác giả đã nhiều lần sử dụng biện pháp mở rộng thành phần câu. Ví dụ : “Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” vả chỉ nghe thôi. Hoặc “Một giáo sĩ nước ngoài (chúng ta biết rằng nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa nước ngoài cũng là những người rất thạo tiêng Việt) đã có thể nói…”. Cách mở rộng câu như vậy giúp tác giả không phải viết nhiều câu, đồng thời lại làm cho các ý gắn kết với nhau chặt chẽ và mạch lạc hơn.

III – LIÊN HỆ

1.”Nhà văn Đặng Thai Mai sinh ngày 15 tháng 12 năm 1902. Quê quán : làng Dương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 25 tháng 9 năm 1984 tại Hà Nội. Giáo sư văn học, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Đặng Thai Mai xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và giàu lòng yêu nước. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở quê nội. Từ năm 1915 : Học trường tiểu học Pháp – Việt rồi trường Cao đẳng tiểu học Vinh. Năm 1925 : Ông vào học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội và năm 1928 ông là Giáo sư trường Quốc học Huế. Năm 1932 ông ra Hà Nội sống và dạy học tư. Là một trong những người thành lập trường tư thục Thăng Long. Thời kì Mặt trận Dân chủ, ông tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, tham gia viết và biên tập các báo tiếng Việt và viết tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương (Le Travail En avant. Notre Voix Tin tức) là một trong những người sáng lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Từ sau Cách mạng tháng Tám ông lần lượt đảm nhiệm các công việc và giữ các trọng trách sau : Đại biểu Quốc hội các khoá : I, II, III, IV, V, uỷ viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Giáo duc (1945 – 1949), Giáo sư Trường Đại học Văn khoa Liên khu IV (1948 – 1951), Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV (1952). Sau hòa bình (1954) ông vừa đảm nhiệm các chức vụ trong ngành giáo đục : Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 – 1957), Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 – 1959), vừa tham gia Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1984). Từ 1959, ông làm Viện trương Viện văn học và Chủ nhiệm Tạp chí Văn học của Viện (cho đến 1977).

Tác phẩm đã xuất bản : Văn học khái luận (nghiên cứụ, 1944) ; Lỗ Tấn (nghiên cứu, 1944) ; Tạp văn trong Văn học Trung Quốc ngày nay (nghiên cứu, 1945) ; Triết học phổ thông (nghiên cứu, 1949) ; Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kì văn hoá Phục hưng (nghiên cứu, 1949) ; Giảng văn “Chinh phụ ngâm” (chú giải, bình giảng, 1950, 1992) ; Lịch sử ĩn học hiện đại Trung Quốc (biên khảo, tập I, 1958) ; Văn thơ Phan Bội Châu (nghiên cứu, 1958) ; Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX (nghiên cứu, 1961) ; Trên đường học tập và nghiên cứu (nghiên cứu, phê bình, 3 tập, 1959, 1969,1970) ; Đặng Thai Mai tác phẩm (2 tập, 1978 – 1984); Hồi kí(1985) .

Ngoài ra ông còn dịch, giới thiệu nhiều tác phẩm : Thê’giới hiện đại (dịch chung, 1946) ; Lịch sử Triết học phương Tây (tập I, 1949, tập II, 1957) ; Lôi vũ (1945,1958); A Sim (1957) ; Nhật xuất (1958),. ..

Ông đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1982) ; Giải A Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 (cuốn Hồi kỉ) ; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1, 1996)”.

(Theo Nhà văn Việt Nam hiện đại,NXB Hội Nhà văn, H., 1997)

2. “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu ; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta ; bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu đời và phong phú, kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm, bởi những kinh nghiệm sống của bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt chúng ta phản ánh sư hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và của tập thể lớn là dân tộc, quốc gia.

Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp ; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

Xem thêm  Tuyển tập 60 đề thi học kỳ I môn Toán lớp 7 – Đề 14

Hai nguồn của cái giàu và cái đẹp của tiếng Việt là ở chỗ nó là tiếng nói của quần chúng nhân dân, đầy tình cảm, hình ảnh, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa, đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ mà những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v. những nhà văn và nhà thơ hiện nay ở miền Bắc và ở miền Nam, đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật, khiến cho nó trở nên trong sáng, đẹp đẽ lạ thường. Chính cái giàu đẹp đó đã làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt, kết quả của cả một quá trình và biết bao công sức dồi mài…

Tôi xin lấy một câu ca dao làm ví dụ :

Hỡi cô tất nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?

Và một ví dụ nữa lấy trong Truyện Kiều :

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

Đó là những câu rất hay, là hai hòn ngọc. Một hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian, và một hòn ngọc đã qua tay người thợ thiên tài. Rõ ràng tiếng nói của chúng ta phản ánh đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào, phong phú của dân tộc, dồi dào, phong phú về hình ảnh, màu sắc và âm điệu.

Trong những bài thơ, bài văn hay của nền văn học nước ta, chúng ta càng thấy rõ cái tinh hoa đặc sắc và độc đáo của tiếng Việt, nhiều câu thơ vừa là hoạ lại vừa là nhạc, ví dụ thơ Nguyễn Du tả Từ Hải (lấy ví dụ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, vì chúng ta đương kỉ niệm Nguyễn Du) :

Gươm đản nửa gánh non sông một chèo

Câu thơ tám chữ đã miêu tả một đấng anh hùng, một nhân sinh quan đồng thời là một bức tranh tuyệt đẹp.

Giàu và đẹp là như vậy. Ở đây tôi nhấn mạnh cái giàu của tiếng Việt chúng ta. Tiếng Việt hiện nay có khả năng rất lớn, phải nói là khả năng không bờ bến để diễn tả đời sống tư tưởng và tình cảm ngày càng phong phú, đẹp đẽ của dân tộc ta. Bản thân nó đã giàu, nó lại còn có khả năng biến hoá vô cùng, nếu chúng ta biết giữ nó, dùng nó, biết phát triển nó.

Chúng ta có thể lấy rất nhiều ví dụ. Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả rất nhiều ý ; hoặc ngược lại, một ý nhưng lại có bao nhiêu chữ để diễn tả. Vì vậy, nếu nói tiếng Việt của ta có những khả năng rất lớn để diễn đạt tư tưởng và tình cảm trong nhiều thể văn thì điều đó hoàn toàn đúng. Không sợ tiếng ta nghèo, chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta”.

PHẠM VĂN ĐỒNG (Tuyển tập văn học, NXB Văn học, H., 1996)

File PDF

Xem thêm