Tim người có bao nhiêu ngăn

Tôi rất thích những vần thơ này - đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ thời cách mạng. Thế nhưng Góc Tò Mò xin được đính chính rằng : trái tim của bất cứ ai, kể cả của “anh” chiến sĩ đầy nhiệt huyết ở trên sẽ có nhiều hơn ba phần. Đó là một kiến thức y học nho nhỏ mà tôi muốn được giới thiệu với mọi người trong bài viết này.

Nội dung

1. Trái tim con người có mấy ngăn?

Nếu là một loài động vật bậc thấp ( ví dụ như giun đốt ) thì trái tim rất chung thủy chỉ có một ngăn duy nhất. Ở loài cá đã có sự phân đôi làm ngăn ( 1 tâm nhĩ và 1 tâm thất ). Đến các loài bò sát, lưỡng cư thì rắc rối hơn một tẹo  – 3 ngăn. Cuối cùng là chim, động vật có vú và cao nhất là con người thì trái tim tổng cộng có 4 ngăn tất thảy.

Như vậy, trái tim của động vật được cấu tạo phức tạp dần lên theo mức độ tiến hóa.

2. Mô tả sơ lược về “ biểu tượng tình yêu ” bốn ngăn của con người

Tim là một khối cơ rỗng gồm có 3 lớp, lớp màng ngoài bao bọc có một ít chất nhầy giúp nó dễ dàng hoạt động co giãn. Lớp thứ 2 là lớp cơ tim, yếu hơn cơ xương nhưng rất quan trọng,  có chức năng co bóp để vận chuyển máu, đồng thời phối hợp với các động mạch vành trên bề mặt tim lưu thông máu duy trì hoạt động của chính nó. Lớp thứ 3 là một lớp biểu mô, giúp giảm ma sát giữa máu với thành tim.

Cân nặng của tim thì từ 200 – 350gr tùy theo giới tính. Tim nằm giữa trung tâm lồng ngực nhưng hơi lệch về bên trái.

Bên trong là các ngăn tim và van tim. Tim người được chia làm bốn phần : tâm nhĩ phải , tâm nhĩ trái ( ở trên ) – tâm thất phải, tâm thất trái ( ở dưới ). Giữa hai tâm nhĩ có một vách ngăn là vách liên nhĩ. Tương tự, giữa hai tâm thất là vách liên thất.

Nhưng giữa tâm nhĩ và tâm thất ( trên – dưới ) lại có các van : van hai lá ( liên thông tâm nhĩ trái và tâm thất trái ), van ba lá ( liên thông tâm nhĩ phải và tâm thất phải ). Giữa tâm thất phải với động mạch phổi lại có van động mạch phổi. Giữa tâm thất trái và động mạch ngoài có van hình bán nguyệt ( hay còn gọi là van tổ chim ). Các van này có chức năng như một vòi nước, kiểm soát việc đưa máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất ở hai bên, từ tim đi đến phổi hay từ tim đưa vào động mạch. Cứ mỗi một giai đoạn nhận – chuyển máu, các van sẽ tự mở - đóng vừa là để dẫn máu đi, vừa là ngăn không cho máu trào ngược trở lại.

Xung quanh quả tim là các mao mạch, tĩnh mạch và động mạch chủ nối liền với các tâm nhĩ, tâm thất . Tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa máu chứa CO2 vào tim - bắt đầu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, sau đó qua van động mạch phổi, vào các động mạch và tĩnh mạch phổi đi đến 2 lá phổi chuyển hóa CO2 thành O2.  Máu sẽ trở lại tim từ các mạch khác, vào tâm nhĩ trái rồi đi xuống tâm thất trái. Từ tâm thất trái, một phần nhỏ lượng máu sẽ qua động mạch vành nuôi sống tim, phần lớn còn lại vào động mạch chủ đi đến nuôi các cơ quan khác trong cơ thể.

Cho nên hai tâm nhĩ sẽ có thành mỏng hơn so với  hai tâm thất, nhất là tâm thất trái ( có độ dày hơn 1cm ). Thành tâm thất trái dày gấp hai, ba lần so với tâm thất phải, vì nó phải chịu trách nhiệm bơm máu với áp lực cao hơn sức cản của hệ thống tuần hoàn.

Còn 1 điều có thể bạn chưa biết :máu có CO2  ở trong tâm nhĩ, tâm thất bên phải nên thành ra 2 khoang này màu sắc của máu luôn đỏ thẫm hơn so với tâm nhĩ, tâm thất bên trái đã nhận máu có O2 ( màu sẽ đỏ tươi hơn ).

3. Những điều lí thú về tim người có thể bạn chưa biết

- Tim hoạt động hầu như không ngừng nghỉ từ lúc chúng ta còn trong bụng mẹ cho đến khi về cõi vĩnh hằng. Nhưng khi chúng ta mới ngừng thở, chỉ cần kịp thời kích hoạt tim đập trở lại, chúng ta vẫn còn cơ hội để sống.

- Khoa học đã nghiên cứu, nếu tim không còn ở trong cơ thể nhưng lại được nuôi dưỡng trong một môi trường thích hợp có các chất cần thiết, đặc biệt là có đầy đủ O2 thì tim sẽ còn hoạt động thêm một thời gian nữa.

- Trung bình tim đập khoảng 72 lần/ phút, lúc cơ thể rơi vào trạng thái ngủ thì nhịp tim giảm lại còn khoảng 50 – 60 lần/phút. Khi vận động mạnh tim có thể đập lên đến 90 – 100 lần/ phút ( thậm chí hơn ).

- Trong khoảng 70 năm cuộc đời của con người, tim sẽ đập khoảng 2,5 tỷ lần với thành quả là bơm khoảng 250 triệu lít máu, trung bình mỗi ngày tim sẽ nhận và chuyển đi khoảng hơn 7000 lít máu vào tất cả các mạch máu có chiều dài gần 100,000 km trong cơ thể ( tương đương với 2 lần vòng quanh Trái Đất )

- Tim co bóp được là nhờ cơ tim. Nhưng cơ tim lại có tính hưng phấn khi dẫn truyền do ảnh hưởng bởi sự điều khiển của hệ thần kinh. Vậy nên ta mới có câu “ cảm xúc của trái tim ” là vì vậy. Khi con người xúc động, hồi hộp hay xuất hiện những cảm xúc cao độ hơn bình thường, trái tim đập “ loạn lên ” hay bị “ lỗi nhịp ” cũng là vì thế.

Kết Luận

Tuy chỉ là một câu hỏi ngắn nhưng qua bài viết này, tôi nghĩ rằng các bạn đã thu thập thêm được một số kiến thức bổ ích. Trái tim cũng như não bộ là một trong những bộ phận quan trọng nhất để duy trì sự sống của chúng ta. Vì vậy bạn hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh để có một sức khỏe dồi dào và cuộc sống viên mãn.