Tình hình chính trị việt nam 2023

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 3/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta. Cuộc xung đột kéo dài tại U-crai-na, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc; thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng ở Trung Quốc, các nước EU,... đã làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia và đối tác lớn.

Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn: Phải tiếp tục xử lý những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, đã tích tụ từ lâu và trầm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19; kiểm soát dịch COVID-19, phòng, chống dịch cúm A, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ Châu Phi và các loại dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, trái quy luật khác; giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân...

Tổng Bí thư yêu cầu, trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.

Gợi mở những nội dung cần lưu ý thảo luận, Tổng Bí thư đặt vấn đề: Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển? Ví dụ như: Trên thực tế tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế nước ta, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Chúng ta vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, biến động mạnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao và thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác tư tưởng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân vẫn phải đối mặt với thực tế thiếu nhân lực, thuốc và vật tư y tế. Tình trạng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là công nhân, lao động tự do ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn; công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới...

Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ Báo cáo, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ và thực tế ở bộ, ngành, địa phương nơi công tác, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện.

“Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới” – Tổng Bí thư nêu rõ./.

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

(MPI) - Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tình hình chính trị việt nam 2023
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo được xây dựng công phu, chi tiết; các nhận định, đánh giá cơ bản đã bám sát Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay; tiếp thu tối đa theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội tại phiên họp thẩm tra; thể hiện sự chủ động, công tác phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.

Về thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số nội dung về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; Xây dựng dự toán thu, chi NSNN; việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ; Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế;...

Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu theo Báo cáo của Chính phủ, theo đó kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn; rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm quốc gia.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và đề nghị tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội và các giải pháp điều hành mà Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023. Ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2023. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã phân tích trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; chính sách tài khóa, nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô; chính sách an sinh xã hội; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước; ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Sớm hoàn thành trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành kịp thời các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ban hành quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn; sớm ban hành giá mua điện mới đối với điện gió. Nghiên cứu cơ chế phân cấp cho các địa phương mạnh hơn nữa về lĩnh vực đầu tư. Rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương

Đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để thực chất tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng nội lực, bằng những điểm mạnh vượt trội so với các quốc gia khác.

Tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư