Tính khoa học của nghề giáo viên mầm non

Nghề Giáo viên Mầm non

Nghề Giáo viên Mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”.

Trước hết để trở thành một giáo viên mầm non, thì người giáo viên phải có lòng yêu trẻ vì đặc thù của nghề giáo viên mầm non đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu của người mẹ đối với trẻ. Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô (không tính giờ trẻ ngủ ở nhà). Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết: Kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất…và không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến, bảo vệ trẻ.  Tuy nhiên tình yêu của cô dành cho trẻ phải là tình yêu sáng suốt, tình yêu có cả sự dịu dàng và cả những yêu cầu mà trẻ phải thực hiện. Không chỉ yêu trẻ, mà giáo viên mầm non còn phải biết yêu điều mình dạy, nghĩa là yêu chính công việc của mình. Mỗi ngày 6 tiếng, 8 tiếng, có khi là 10 tiếng làm việc ở trường, nào tiếng trẻ khóc, nào là trẻ chạy va vào nhau ngã, trẻ đánh nhau, rồi soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học,… Tất cả đè nặng lên đôi vai người giáo viên, thử hỏi nếu không yêu trẻ và yêu nghề thì làm sao giáo viên có thể làm hết khối lượng công việc ở trường mà vẫn dịu dàng và yêu thương với trẻ, chưa kể còn áp lực từ phía phụ huynh và áp lực từ chính cuộc sống. Yêu trẻ và yêu điều dạy cho trẻ là đặc thù chung của những giáo viên mầm non. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, có những lúc tình cảm thầy trò cũng bị hiểu sai và tình yêu của cô dành cho trẻ đôi khi cũng bị người đời đánh đổi, tính toán chi li.  

Những bạn trẻ bắt đầu vào nghề và đang chập chững với nghề, để tồn tại và trở thành một giáo viên mầm non giỏi, trước hết hãy tập làm “Mẹ”. Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà bằng chính hành động, bởi: “Càng yêu nghề bao nhiêu, càng yêu người bấy nhiêu”. Nghề giáo viên mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề, những cô giáo mầm non hôm qua, hôm nay và mai sau đã và đang tiếp bước xây dựng trang sử 66 năm đổi mới ngành giáo dục mầm non ngày càng phát triển.

     Nếu bạn là người yêu thích trẻ nhỏ và là người khéo léo thì giáo viên mầm non là một nghề phù hợp dành cho bạn.Tuy nhiên nghề giáo viên mầm non không đơn giản như chúng ta thường thấy mà có những đặc điểm đặc thù của nghề giáo viên mầm non rất riêng.

     Nghề giáo viên mầm non có đơn giản chỉ là người giữ trẻ chỉ biết múa, biết hát như chúng ta thường nghĩ? Sự thật lại không phải như thế, người là giáo viên mầm non phải làm khá nhiều công việc không tên nữa và còn rất nhiều điểm đặc thù của nghề giáo viên mầm non mà các bạn chưa được biết.

     Có thể nói giáo dục mầm non rất quan trọng, được xem như một chiếc cầu nối từ khi các em còn bé cho tới khi các em bước vào lớp 1. Đến trường mẫu giáo các em được trang bị những hiểu biết cần thiết để chuẩn bị cho những bậc học tiếp theo ở trường tiểu học nên bất kỳ trẻ nào cũng nên được tham gia học mẫu giáo để theo kịp kiến thức của các bạn. Muốn trở thành một giáo viên mầm non tốt cần có những kỹ năng đặc biệt, bởi họ không giống với những giáo viên ở một cấp học nào khác, họ là người có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình phát triển của một đứa trẻ ở cấp độ mầm non.

Nghề giáo viên mầm non là gì?

     Giáo viên mầm non là những người có vai trò đặc biệt quan trọng, là một nghề rất đặc biệt trong việc nuôi dạy trẻ, không chỉ dạy mà còn phải dỗ, phải chăm sóc và hơn hết phải làm nghề này bằng một tình yêu trẻ vô điều kiện.Tình yêu đó dành cho trẻ phải là tình yêu sáng suốt, vừa dịu dàng nhưng cũng đủ răn đe trẻ thực hiện. Mỗi ngày làm việc từ 6-10 tiếng ở bên trẻ, nghe trẻ khóc, soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học…điều mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm được cho nên người dạy mầm non phải là những người rất yêu nghề, đam mê với con trẻ, chưa kể là còn có những áp lực đến từ phía nhà trường và phụ huynh.

Đặc thù của nghề giáo viên mầm non

     Nghề giáo viên mầm non hiện nay hay trước đây thì vẫn có những đặc thù chung, cụ thể đó là:

Là người rất yêu trẻ

     Giáo viên Mầm non có đặc thù là ngoài chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ thì giáo viên đó còn phải có lòng yêu trẻ như tình yêu của mẹ dành cho con mình và khi tiếp xúc với trẻ thì bạn cần phải là người biết vị tha, gần gũi và nâng niu trẻ em. Chẳng vậy mà người ta hay ví cô giáo như mẹ thứ 2, như người mẹ hiền ở bên con trong cả ngày tại trường. Từ dỗ trẻ ăn, ngủ cho đến dạy cho bé các kỹ năng sống, kiến thức về toán học, văn học, hội họa, thẩm mỹ, âm nhạc, thể chất,…

Có tinh thần trách nhiệm cao

     Giáo viên mầm non cũng có nhiệm vụ thông tin về việc học và ý thức học tập của con trên lớp đến phụ huynh, chịu trách nhiệm trao đổi với phụ huynh để giáo dục các em tốt nhất để giúp các em theo kịp bạn bè trong lớp.

Phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non

Yêu trẻ là yếu tố quyết định

     Chẳng lạ khi nói cô giáo mầm non yêu trẻ là yếu tố then chốt để thành công với nghề sư phạm mầm non vì công việc này diễn ra mỗi ngày, có lúc trở nên ức chế vì trẻ không nghe lời hoặc chịu tác động xung quanh, nếu không yêu và nâng niu con trẻ thì khó để bạn đi đến nghề này lâu dài.

Tính kiên nhẫn và kiềm chế bản thân

     Làm công việc này sẽ có lúc rất căng thẳng, bạn cần rèn luyện được khả năng kiên nhẫn với trẻ và kiềm chế được tính nóng nảy của bản thân mình, trẻ em dễ tổn thương nên bạn càng cần phải mềm mỏng.

Phải có những kiến thức, kỹ năng sư phạm cần thiết

     Giáo viên mầm non cần đảm bảo kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho mình để nuôi dạy trẻ tốt hơn. Phải biết chuẩn bị đồ dùng đồ chơi cho bé như kỹ năng cắt,vẽ, xé dán trang trí lớp sinh động. Phải biết múa, kiêm biên đạo và vừa hát, vừa múa vừa tự biên đạo múa cho các con.

     Giáo viên mầm non có cách ứng xử khéo léo cũng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.

Ý nghĩa của nghề giáo viên mầm non

Làm giáo viên mầm non bạn sẽ được:

     - Sống trong thế giới trẻ thơ, tâm hồn luôn trẻ và giúp bạn cảm nhận được cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Được sống lại quãng thời gian đẹp nhất, không lo toan hay suy nghĩ gì.

-Ren luyện được kỹ năng cần thiết của người mẹ đảm đang, biết chăm sóc con cái chu đáo, dinh dưỡng cho trẻ em, kỹ năng vui chơi cùng trẻ chu đáo và còn nhiều kỹ năng nữa mà nghề này sẽ dạy bạn.

     -Công việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ em sẽ khiến cho người giáo viên mầm non hình thành tính cách nhẹ nhàng, tình cảm và biết quan tâm người khác, thấu hiểu tâm lý người khác. 

     Bên cạnh những mặt tốt thì nghề giáo viên mầm non trong xã hội hiện đại cũng vướng phải một vài vấn đề khiến xã hội lo lắng, như giáo viên ngược đãi trẻ, giáo viên còn chưa có kỹ năng tốt với nghề, chưa hiểu được những đặc thù của nghề giáo viên mầm non.

                                                                                                                        ST

GIÁO VIÊN MẦM NON CẦN NHỮNG KỸ NĂNG GÌ?

Sau khi hoàn thành khóa học mầm non tại các trường, với những kiến thức và kỹ năng các giáo viên mầm non được trang bị tại trường các cô giáo cần trau dồi, tìm hiểu một số kỹ năng về xã hội, cuộc sống,… để thuận lợi trong công việc của bản thân sau này.

Nắm chắc những kỹ năng sư phạm giáo viên mầm non cần có

Hát, múa, đọc truyện, sử dụng nhạc cụ phổ thông, làm đồ chơi là những điều đầu tiên mà một giáo viên mầm non được dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đây là những kỹ năng yêu cầu các bạn bắt buộc phải thành thạo nếu muốn bước tiếp trên con đường làm nghề giáo viên mầm non. Nếu bạn biết sơ sơ tất cả hay nổi trội một hoặc một số kỹ năng nào đó thì đó cũng làm lợi thế rất lớn cho nghề nghiệp của bạn.

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử với trẻ mầm non

Một giáo viên mầm non tốt, có chuyên môn và yêu nghề là người trẻ nhỏ luôn yêu mến, hãy trau dồi và hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng xử, giao tiếp với trẻ mầm non. Có thể bạn mất nhiều thời gian để rèn luyện kỹ năng này dù trong trường sư phạm các bạn đã được học, nếu không có kỹ năng này bạn sẽ trở nên vô cảm với trẻ, với nghề nghiệp. Đây là kỹ năng rất quan trọng và được các giáo viên mầm non sử dụng thường xuyên trong công việc của mình.

Tính khoa học của nghề giáo viên mầm non
Hình ảnh minh họa

Giao tiếp với đồng nghiệp và phụ huynh

Khi bạn công tác tại một trường mầm non, ngoài việc tương tác trực tiếp với các trẻ thì muốn hay không bạn đồng thời phải thiết lập, xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiện, cùng chia sẻ với đồng nghiệp cũng là điều rất quan trọng và có lợi cho các bạn trong công việc, ngoài ra việc tạo dựng được mối quan hệ bền vững với phụ huynh sẽ giúp bạn hiểu được tính cách cũng như tâm tư tình cảm của từng trẻ qua đó dễ dàng hơn trong việc nuôi dạy và quản lý trẻ.

Tính khoa học của nghề giáo viên mầm non
Hình ảnh minh họa

Kỹ năng soạn kế hoạch giảng dạy và tổ chức các trò chơi, sự kiện

Làm nghề nuôi dạy trẻ không có nghĩa là sáng đến lớp tối đi về mà còn đòi hỏi những thầy cô giáo luôn phải lên trước những bài giảng, những hoạt động cụ thể cho từng ngày để giúp trẻ luôn được phát triển tốt và không cảm thấy nhàm chán, người giáo viên dạy giỏi là người luôn biết làm mới bản thân cũng như cách giảng dạy mỗi ngày. Thật khó, nhưng cũng cần phải cập nhật lại kiến thức, đổi mới để có sự sáng tạo hơn trong công việc.

Tính khoa học của nghề giáo viên mầm non
Hình ảnh minh họa

Kỹ năng y tế, sơ cứu và hướng dẫn trẻ khi có tai nạn xảy ra

Tại Nhật Bản, việc đầu tiên khi được học của các giáo viên mầm non luôn là học cách hướng dẫn cho trẻ nhỏ cách phải làm thế nào khi có động đất xảy ra, tại Việt Nam chúng ta thì không có động đất, nhưng cách dạy cho trẻ biết làm gì khi gặp tai nạn và bản thân biết làm gì, sơ cứu như thế nào cho trẻ nhỏ cũng là điều rất quan trọng mà mỗi giáo viên cần nắm vững. Và kỹ năng này thì cô giáo mầm non còn được ví như bác sỹ kiêm luôn y tá.

Tính khoa học của nghề giáo viên mầm non
Hình ảnh minh họa

Nắm bắt, sử dụng thành thạo máy tính

Hiện nay, việc soạn bài giảng, lên kế hoạch, thu thập thông tin hầu hết đều đã được thực hiện trên máy tính. Chủ yếu bằng phần mềm word, powerpoint, và hiện nay còn rất nhiều các phần mềm hỗ trợ soạn thảo bài giảng sinh động cho cô giáo mầm non. Nắm được những kỹ năng cơ bản sẽ giúp ích các bạn hơn rất nhiều về thời gian cũng như công sức trong công việc.

Kỹ năng xử lý tình huống sư phạm

Biết xử lý hợp lý một số tình huống sư phạm thường gặp trong các vấn đề liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ; ứng xử với đồng nghiệp, với trẻ và phụ huynh; về văn hoá trường học thuộc vào các tình huống:

+ Các vấn đề liên quan đến trẻ (khóc, tai nạn, lười ăn, đánh nhau…);

+ Các vấn đề liên quan đến phụ huynh (chuyển trường, nghỉ học, trao đổi giữa phụ huynh với giáo viên về trẻ, công tác phối hợp với gia đình…).

+ Các vấn đề liên quan đến đồng nghiệp (Ứng xử với đồng nghiệp khi có những phản ánh về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: giảng dạy, quản lý trẻ, cho điểm đánh giá xếp loại; về tác phong, lối sống; công tác phối hợp…)

Kỹ năng hài hước và lấy lòng con trẻ

Để làm được việc này với mỗi giáo viên cần phải là tấm gương là hình mẫu trước trẻ. Giáo viên mầm non có thể áp dụng một số phương thức rèn luyện kĩ năng bằng việc nhanh chóng giảm áp lực, giải tỏa căng thẳng, tăng cường các hình thức giao tiếp không lời, sử dụng sự hài hước hay nghệ thuật hình thể hoặc qua trò chơi,… để tạo ra không khí sôi nổi và lôi cuốn trẻ. Đây là kỹ năng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình tiếp xúc với trẻ.

Ngoài những kỹ năng trên, để trở thành một giáo viên mầm non giỏi và có chuyên môn tốt, mỗi người cần có ý thức luôn tự nỗ lực trau dồi, học tập bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham gia các khóa học bồi dưỡng, học hỏi bạn bè đồng nghiệp, tham quan và sáng tạo để ngày càng nâng cao trình độ của mình. Những căng thẳng, áp lực lớn giáo viên mầm non gặp phải nếu biết sử dụng trí tuệ cảm xúc tức biến những cảm xúc thành trí thông minh phục vụ cho công việc sẽ tạo động lực và tình yêu nghề của người giáo viên.
Kỹ năng tự làm đồ dùng, đồ chơi: Biết sử dụng, khai thác các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, đồ phế thải: Tre, nứa, chai nhựa, ống hút,… để làm đồ chơi cho trẻ ( cầu trượt, bập bênh, … hay lọ hoa đào, hoa hồng…) để sử dụng cho các bài giảng.

Nguồn tin: Nguồn tin Violet.