Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương

Mục lục bài viết

  • 1. Bộ máy hành chính nhà nước là gì?
  • 2. Những đặc trưng cơ bản của bộ máy hành chính nhà nước
  • 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
  • 4. Các yếu tố cấu thành bộ máy hành chính nhà nước
  • 5. Vai trò của hành chính nhà nước ở trung ương

1. Bộ máy hành chính nhà nước là gì?

Bộ máy hành chính nhà nước được hiểu theo hai nghĩa:

Một là, theo nghĩa rộng chung của các nước đó là bộ máy thực thi quyền hành pháp. Tức triển khai tổ chức thực hiện pháp luật; đưa pháp luật vào đời sống. Đây chính là bộ máy đang tồn tại ở rất nhiều nước.

Hai là, theo nghĩa hẹp, đúng với bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam. Trong trường hợp này, khi nghiên cứu bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam, Hội đồng Nhân dân không thuộc phạm trù bộ máy hành chính nhà nước. Điều này cũng chỉ mang tính tương đối. Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác đều ghi “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”. Chính vì vậy, phạm vi hành chính nhà nước chỉ bao gồm chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Những đặc trưng cơ bản của bộ máy hành chính nhà nước

Mục tiêu của bộ máy hành chính nhà nước

Mỗi tổ chức được thành lập để nhằm đạt được các mục tiêu của nó. Mục tiêu của các tổ chức hướng đến không giống nhau, nó tuỳ thuộc vào từng loại hình các tổ chức đó. Mục tiêu của bộ máy hành chính nhà nước nói chung và mục tiêu của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước nói riêng có những đặc điểm khác biệt với mục tiêu của các loại tổ chức khác.

+ Mục tiêu của bộ máy hành chính nhà nước do pháp luật quy định. Tất các các cơ quan cấu thành cả bộ máy hành chính nhà nước đều hướng đến một mục tiêu chung là thực thi quyền hành pháp, đảm bảo hiệu lực quản lý của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Tất cả các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đều hướng đến các mục tiêu mang tính chính trị của đảng chính trị cầm quyền, hay giai cấp cầm quyền. Đây là sự khác biệt rất cơ bản trong mục tiêu của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nước nói riêng cũng như bộ máy hành chính nhà nước nói chung. Bộ máy hành chính nhà nước là một thiết chế chính trị - hành chính, là công cụ để thực thi các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền hay giai cấp cầm quyền.

+ Hoạt động quản lý hành chính nhà nước bên cạnh các mục tiêu thực hiện chức năng mang tính quản lý, nó còn phải mang tính phục vụ cho nhân dân, cho lợi chung của cộng đồng, các sản phẩm của quản lý hành chính nhà nước thường không mang tính lợi nhuận, kinh doanh.

Cách thức thành lập hay vị trí pháp lý của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước

Mỗi cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước có một cách thức thành lập riêng trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Bộ máy hành chính nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên các quy định chặt chẽ của pháp luật, các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước chỉ được thành lập khi có các văn bản quy phạm pháp luật cho phép.

Các văn bản pháp luật cho phép thành lập mang lại các địa vị pháp lý khác nhau cho từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chi nhà nhà nước. Địa vị pháp lý của từng cơ quan được xác định rõ ràng trong các hoạt động của từng cơ quan, tổ chức và của cả bộ máy hành chính nhà nước.

Mỗi cơ quan, tổ chức được thành lập để thực hiện một hoặc một nhóm chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm tính chất độc lập tương đối và tạo thành chỉnh thể cho bộ máy hành chính nhà nước.

Vấn đề quyền lực - thẩm quyền

Quyền lực của các tổ chức nói chung là sức mạnh, là điều kiện cần để cho các tổ chức hoạt động nhằm đạt được mục tiêu của mình, quyền lực đó phải được tạo ra hoặc do các cơ quan có thẩm quyền trao cho nó.

Bộ máy hành chính nhà nước được nhà nước trao cho quyền lực của nhà nước để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Đây là quyền lực đặc biệt của nhà nước, bắt buộc xã hội và công dân phải thi hành các quyết định trong quản lý hành chính nhà nước. Quyền lực của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước được trao mang tính pháp lý, thể hiện:

- Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật buộc các cơ quan cấp dưới trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, các tổ chức khác trong xã hội, và công dân phải chấp hành, thực hiện.

- Quyền kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quyết định quản lý.

- Tiến hành các biện pháp giáo dục, thuyết phục, khen thưởng ,kỷ luật, và cưỡng chế khi cần thiết trong quản lý hành chính nhà nước.

Thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước là sự phù hợp giữa chức năng nhiệm vụ với quyền hạn được trao. Mỗi cơ quan hành chính nhà nước được trao một hoặc một nhóm chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đồng thời với chức năng nhiệm vụ đó, các cơ quan này cũng được nhà nước trao cho những quyền lực tương xứng để thực thi nhằm đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Sự phù hợp giữa chức năng, nhiệmvụ với quền hạn được trao tạo thành thẩm quyền pháp lý cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động.

Tuỳ thuộc vào địa vị pháp lý và chức năng nhiệm vụ, các cơ quan hành chính nhà nước được trao thẩm quyền chung hoặc thẩm quyền riêng để hoạt động. Thẩm quyền chung được trao cho những tổ chức hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên những quy mô rộng và nhiều lĩnh vực, vừa mang tính chất ngành, vừa mang tính chất lãnh thổ ,ví dụ như Chính phủ, UBND các cấp.Thẩm quyền riêng được trao cho những tổ chức thực hiện chức năng quản lý hành chính theo ngành hoặc các lĩnh vực cụ thể, ví dụ như các bộ, ngành...Sự phân chia theo ngành, lĩnh vực trong quản lý hành chính nhà nước giúp cho việc thực thi quyền hành pháp của bộ máy hành chính nhà nước được chuyên môn hoá, tuy nhiên sự phân chia này có thể chỉ là tương đối.

Quy mô hoạt động

Quy mô hoạt động của một tổ chức nói chung là một phạm trù được thể hiện trên nhiều góc độ như các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, nhân sự, và không gian tác động, các đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động quản lý của nó. Nói đến quy mô của một tổ chức là nói đến sự lớn, nhỏ của các tổ chức đó. Bộ máy hành chính nhà nước là một hệ thống tổ chức có quy mô rộng lớn nhất cả về tổ chức cũng như hoạt động trong xã hội.

Bộ máy hành chính nhà nước là một hệ thống từ trung ương đến địa phương, bảo đảm các chức năng trong quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được trao. Từng bộ phận cấu thành của hệ thống đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực hay lãnh thổ cũng là những tổ chức có quy mô rất lớn.

Vấn đề nguồn lực

Nguồn lực cho hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được chia thành hai nhóm:

+ Nguồn nhân lực: đó là con người làm việc trong các cơ quan tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước, họ là người của Nhà nước, được Nhà nước thuê và sử dụng, họ phải tuân thủ theo các quy định của nhà nước. Mỗi người được trao một nhiện vụ cụ thể theo từng vị trí, chức vụ.

Những người làm việc trong các cơ quan, tổ chưc của bộ máy hành chính nhà nước là những người thực thi những công việc đặc biệt : thực thi công vụ, họ được nhà nước quản lý và sử dụng theo các quy định riêng của pháp luật.

+ Nguồn tài chính: nguồn tài chính để cho các tổ chức hành chính nhà nước hoạt động cũng như chi trả lương cho đội ngũ công chức lấy từ ngân sách của nhà nước. Các hoạt động chi tiêu liên quan đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước được tuân thủ theo pháp luật, được kiểm soát chặt chẽ bởi kiểm toán nhà nước. Sự kiểm soát này nhằm bảo đảm cho việc sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả cao nhất, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

3. Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Tổ chức hành chính nhà nước là một hệ thống cơ cấu các mối quan hệ trong hoạt động thực hiện chức năng của nền hành chính nhà nước - hoạt động thực thi quyền hành pháp. Nó phải bảo đảm mối quan hệ ổn định, vững chắc và thông suốt từ trung ương đến tận các đơn vị hành chính cơ sở thấp nhất. Vì vậy, cơ cấu tổ chức hành chính nhà nước là một hệ thống thứ bậc, được phân định theo các tiêu chí khác nhau.

- Cơ cấu tổ chức theo cấp bậc hành chính - lãnh thổ

Đó là cơ cấu tổ chức bảo đảm cho hệ thống hành chính nhà nước thông suốt từ trên xuống tận cơ sở. Theo khái niệm này, hệ thống hành chính nhà nước chia ra: một là, bộ máy hành chính trung ương, hoặc cũng có thể gọi là bộ máy Hành chính Nhà nước với nghĩa là các cơ quan Hành chính Nhà nước trung ương có vai trò quản lý toàn quốc; hai là hành chính địa phương, bao gồm toàn bộ các tổ chức Hành chính Nhà nước tại địa phương nhằm thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.

- Cơ cấu tổ chức theo chức năng

Cơ cấu tổ chức theo chức năng là cơ cấu tổ chức được phân định theo chức năng và được chuyên môn hoá, tạo thành những cơ quan quản lý các ngành, các lĩnh vực khác nhau của nền hành chính nhà nước.

Theo khái niệm này bộ máy hành chính Trung ương (Chính phủ) chia ra thành các bộ; bộ máy hành chính của tỉnh chia ra nhiều Sở, Ban. Tương tự như vậy, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy hành chính nhà nước. Đó là cấu trúc bên trong của từng cơ quan hành chính thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng Chính phủ; cơ cấu tổ chức bộ máy của một bộ hay một Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Các yếu tố cấu thành bộ máy hành chính nhà nước

Tất cả các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được đặt trong một môi trường rất cụ thể về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; phong tục tập quán và các yếu tố khác.

Các yếu tố cấu thành bộ máy hành chính nhà nước được chia thành 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất: chia bộ máy hành chính nhà nước theo trật tự thứ bậc mang tính lãnh thổ.

Theo nhóm này, chia bộ máy hành chính nhà nước thành 2 nhóm:

Hành chính nhà nước trung ương tức hệ thống các tổ chức cấu thành bộ máy hành chính nhà nước trung ương hay hay hành pháp trung ương;

Hành chính nhà nước địa phương hay chính quyền địa phương tức bộ máy hành chính nhà nước, bộ máy thực thi quyền hành pháp ở địa phương.

Tùy theo từng quốc gia, hành chính nhà nước địa phương hay chính quyền địa phương chia thành nhiều cấp khác nhau.

Nhóm thứ hai: chia bộ máy hành chính nhà nước thành các nhóm mang tính chức năng hoặc mang tính chuyên môn. Tuy nhiên, phân chia thành chức năng hay chuyên môn chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào cách thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nói chung và của từng cơ quan hành chính nhà nước cụ thể.

5. Vai trò của hành chính nhà nước ở trung ương

Hành chính nhà nước trung ương thực hiện các hoạt động quản lý hành chính nhà nước mang tính chất chung, vĩ mô dựa trên những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia để thực thi các hoạt động lập quy mang tính hướng dẫn chung cho cả quốc gia thực hiện chi tiết việc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật. Đồng thời bảo đảm cho cách quản lý hành chính nhà nước (triển khai thực hiện pháp luật) thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Hành chính nhà nước trung ương có trách nhiệm hoạch định chính sách chung về đối nội, đối ngoại quốc gia; đại diện bênh vực quyền lợi quốc gia, không bị ảnh hưởng quyền lợi của các địa phương; bảo đảm điều phối lợi ích quốc gia, lợi ích chung các địa phương và kiểm soát mọi quá trình quản lý xã hội.

Trong một chừng mực nào đó, Chính phủ còn thay mặt cho cả quốc gia, đại diện cho tất cả các thiết chế nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, các cơ quan nhà nước khác có thể đình trệ, không hoạt động, nhưng chính phủ không thể không hoạt động. Điều đó cho thấy chính phủ có vị trí quan trọng như thế nào trong bộ máy nhà nước. Vai trò của chính phủ các nước trên thế giới được thể hiện trên các phương diện sau:

- Trong mối quan hệ của chính phủ với các đảng phái chính trị.

- Vai trò của chính phủ thể hiện trong mối quan hệ của chính phủ với nghị viện.

- Vai trò của chính phủ trong mối quan hệ với nguyên thủ quốc gia.

Hầu hết chính phủ của các quốc gia nắm giữ quyền hành pháp một trong những nhóm quyền lực nhà nước song song với quyền lập pháp, tư pháp và là vũ khí cơ bản thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước. Hoạt động của chính phủ gắn liền với hoạt động của đảng cầm quyền, chính phủ trở thành một bộ phận quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước. Hoạt động của chính phủ, đứng về mặt các thiết chế xã hội, đã cho phép nhà nước của các quốc gia giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong xã hội và tận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại thúc đẩy sự phát triển.