Trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính

Trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính
Hướng dẫn người dân thực hiện ứng dụng di động “Quận 10 trực tuyến” nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. (ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Công văn gửi Thủ trưởng sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền và quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND TP về triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND TP về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới gắn với thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14; Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là đối với người đứng đầu UBND TP Thủ Đức, quận và phường trong việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân khi không tổ chức UBND quận, phường.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp; chủ động tham mưu đề xuất UBND TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nhận thức và kỹ năng công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở trong cán bộ, công chức, viên chức; Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực.

UBND TP cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài, không để phát sinh điểm nóng.

Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chương trình giảm nghèo bền vững; chăm lo các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số khó khăn.

Bên cạnh đó, tiếp tục lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khen thưởng kịp thời và có giải pháp nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.

Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”.

Long Hồ

Tin liên quan

Hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính”, người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính

Công chức xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính.

Để Chỉ thị số 13 mang lại hiệu quả, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, trong đó có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn, như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nghị quyết của HĐND tỉnh về giám sát thủ tục hành chính (TTHC); kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về CCHC; quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; quy định chấm điểm chỉ số CCHC... Đồng thời ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo, đốn đốc thực hiện công tác CCHC, như: Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chỉ thị về tăng cường các biện pháp nâng cao chỉ số CCHC; quy định thực hiện “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết TTHC... Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện một cách hiệu quả.

Có mặt tại bộ phận “một cửa” xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) để giải quyết TTHC, chị Bùi Thị Chung, thôn Minh Ngọc cho biết: “Tôi đến làm lại giấy khai sinh bị mất. Được công chức kiểm tra, xử lý hồ sơ rất nhanh rồi viết phiếu hẹn ngày trả kết quả. Tôi thấy, thời gian giải quyết TTHC đã được rút gọn, công chức ở đây hướng dẫn nhiệt tình, không có hiện tượng nhũng nhiễu người dân”.

Thực hiện phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, xã Minh Sơn đã có nhiều đổi mới trong CCHC. Anh Trịnh Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, cho biết: “Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, định kỳ hằng quý, lãnh đạo UBND xã tổ chức giao ban công tác CCHC để đánh giá kết quả thực hiện, trong đó lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cán bộ, công chức để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Hiện xã đang giải quyết 230 TTHC thuộc thẩm quyền, hầu hết các TTHC được thực hiện theo hướng minh bạch, đơn giản, giảm được chi phí cho tổ chức, cá nhân. Đến nay, các đồng chí lãnh đạo UBND xã đều xử lý thành thạo văn bản điện tử và ký số trên môi trường mạng nên có thể ký văn bản để giải quyết TTHC cho công dân ở mọi thời điểm. Vì thế, năm 2021, xã Minh Sơn không có TTHC nào giải quyết quá hạn”.

Xác định trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, năm 2021, lãnh đạo TP Thanh Hóa đã ban hành 23 văn bản (gồm 9 kế hoạch, 14 công văn) chỉ đạo thực hiện đồng bộ cả 6 nội dung CCHC. Phát biểu tại kỳ họp thứ tư HĐND TP Thanh Hóa diễn ra vào trung tuần tháng 12-2021, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa, cho biết: “Triển khai thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với CCHC giai đoạn 2021-2025, các đồng chí lãnh đạo TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị tập trung cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Trong năm, thành phố cũng đã tổ chức 17 hội nghị đối thoại, lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía người dân, doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, hàng tháng, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đều tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá thực hiện công tác CCHC để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bố trí tái định cư, nộp tiền sử dụng đất, tiền phạt nộp chậm... bảo đảm việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất”. Đối với các phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa, trong năm 2021 đã ban hành 136 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện công tác CCHC; thực hiện nghiêm công tác CCHC, đặc biệt là giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của người đứng đầu, năm 2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn và đúng hạn ở bộ phận “một cửa” UBND thành phố đạt 99,81%, bộ phận “một cửa” UBND phường, xã đạt 99,84%.

Sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là mấu chốt tạo nên thành công trong quá trình CCHC. Nhận thức rõ điều này, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên mọi lĩnh vực, phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các phòng chuyên môn và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm không chồng chéo hay bỏ sót nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các phòng chuyên môn. Cùng với đó, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, thực hiện, như kế hoạch CCHC, kế hoạch kiểm soát TTHC, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương... Để tạo bước đột phá mới về xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã yêu cầu các phòng chuyên môn đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc và giải quyết TTHC từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử. Đối với cấp xã, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm và cả giai đoạn 2011-2030 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các kế hoạch đã ban hành đều thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động CCHC, phân định rõ các phòng chuyên môn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện... Các vướng mắc của người dân khi thực hiện TTHC được cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC giải thích và hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, trong năm 2021, trên địa bàn huyện Thạch Thành không có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về giải quyết TTHC.

Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình CCHC. Vì vậy, người đứng đầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Minh Khôi