Triệu phú khu ổ chuột Tom tắt

Vì review cả sách & phim nên mình không đặt tên tác giả ở title như mọi khi.
Mình đã đọc cả sách & xem phim nên bài này sẽ có cả đoạn so sánh sách & phim khác nhau như nào, sẽ phân tích một chút và có cảm nhận đôi chút 🙂

Về Ấn Độ: trước tiên phải nói là với mình thì Ấn Độ chỉ là ấn – độ thôi. Nghĩ đến Ấn Độ chắc nhiều bạn nữ sẽ bất giác hoảng loạn hoặc rùng mình vì các tội ác hiếp dâm & coi thường phụ nữ của họ, do đó Ấn Độ cũng là quốc gia mình không muốn đến nhất trên thế giới này :)).
Ấn Độ trong tâm trí mình cũng là những đoàn tàu hỏa cũ kỹ, nhồi nhét & chen chúc những  người lao động nghèo. Họ thậm chí còn đu, leo trèo lên nóc các toa tàu để ngồi nữa cơ mà :v

Dạo gần đây TV bắt đầu chiếu nhiều thể loại phim Ấn Độ & cũng không ít bạn sẽ ngấy khi nhắc tới phim Ấn Độ nữa cơ :)) Tuy nhiên, từ nhỏ mình đã đọc được là Bollywood (nền công nghiệp làm phim của Ấn Độ) chỉ đứng sau Hollywood – tức là đứng thứ 2 thế giới ấy.
Ấn Độ không nghèo, nhìn trên phim là thấy. Họ có nhà cửa xa hoa, có quần áo rất đẹp – nhìn là biết phải đắt lắm vì lóng lánh óng ánh, diễn viên Ấn Độ thì rất xinhhhh :p Mỗi tội, với nền tảng luật pháp như vậy thì đúng là nghèo nàn & cổ hủ hết sức.

Về tác phẩm nói chung: Sau khi đọc xong & xem phim thì mình thấy đây là một tác phẩm đáng đọc/xem. Bộ phim được nhiều giải thưởng & được biết đến gần như trên toàn thế giới. Nó khắc họa rất rõ nét một Mumbai hiện đại nhưng cũng đói khổ, nhẫn tâm, mâu thuẫn tôn giáo tuy không rõ nét nhưng hiển hiện & thực sự.
Cốt phim khác hoàn toàn so với cốt truyện, dù nó vẫn bám chắc nội dung  về chàng chaiwalla (phục vụ) trả lời hết tất cả các câu hỏi trong Ai là Triệu phú. Mọi người vẫn nghi ngờ tại sao một chàng trai nghèo, ít học lại trả lời hết được những câu hỏi mà ngay đến giáo sư, bác sỹ hay luật sư cũng khó vượt qua vì kiến thức không thể phong phú như vậy. Tất nhiên, chàng trai Ram/Jamal cũng không gian lận, không quá thông minh – thậm chí còn rất thật thà, anh ta trả lời được hết những câu đố đơn giản vì anh ta đã trải qua những biến cố mà suốt đời anh ta không thể quên. Những câu hỏi lại tình cờ gắn với các chi tiết nhỏ trong các biến cố đó.
Bi kịch ở đây, là Jamal thà không chiến thắng trong trò chơi còn hơn, vì mỗi sáng thức dậy anh ta đều mong là mình chưa từng trải qua những khó khăn, đau khổ đó.

Trong truyện, Ram Mohamad Thomas & bạn thân Salim lớn lên ở trại trẻ mồ côi và thân thiết như anh em. Ram & Salim cùng được một tổ chức nhận nuôi, dạy dỗ theo năng khiếu của mỗi đứa. Vào ngày Salim được thể hiện năng lực hát ca, Ram phát hiện ra họ định làm mù mắt Salim – cũng như đã làm phế các bộ phận khác của những đứa trẻ khác để biến chúng thành những đứa trẻ ăn xin thực thụ ở Mumbai – nên hai đứa cùng bỏ trốn. Trải qua các biến cố, hai đứa trẻ lớn lên & bảo bọc nhau.
Khi Ram tham gia trò chơi &  dành 1 tỷ Rupee thì ông chủ của trò chơi giỏ trò cò quay. Sự thực ông ta không thể chi trả 1 tỷ Rupee, khoản tiền đó chỉ để lôi kéo tỷ lệ xem & kiếm tiền quảng cáo. Ram bị đánh đập & được nữ luật sự Smita giải cứu. Anh kể cho cô này nghe các biến cố đời mình tương ứng với từng câu hỏi.
Đoạn kết khá bất ngờ khi Smita chính là cô gái Guida ngày xưa Ram cứu. Ngoài ra còn một số tình tiết mình cho là phi lý như khi người dẫn chương trình đọc câu thứ 12 & nghỉ giải lao. Ram quá tự phụ nên nói cho hắn biết rằng cậu biết đáp án vì đã làm hướng dẫn viên du lịch 2 năm ở Taj Mahal. Gã MC lên sóng lại & tuyên bố câu hỏi đó để đánh lừa, chứ câu hỏi thật sẽ được đọc sau đây?? Thêm vào đó, việc người dẫn chương trình được phép nói chuyện riêng bên ngoài với người chơi quả thực hơi vô lý. Đơn giản vì nhà sản xuất nên tách hai người đó, nhỡ hai người cấu kết lại để chơi ăn gian thì sao?
Còn tình tiết bất ngờ nữa là Ram tham dự trò chơi để trả thù tên MC khốn kiếp, gã trai đã lừa Neelima tiền & đã châm thuốc lá lên khắp người Nita – cô gái điếm mà Ram đem lòng yêu?
Ở đoạn cuối, khi làm hướng dẫn ở Taj Mahal, Ram yêu Rita và sống chung khu trọ cùng Shankar. Cậu bé Shankar có vấn đề về thần kinh & chết vì chó dại cắn thực ra là con gái của một nữ vương thất thời. Shankar bắt gặp mẹ mình ngoại tình  nên bị bà ta bỏ mặc. Ram ăn trộm 40 vạn Rupee để chữa cho Rita nhưng phút cuối thì quyết định dành 40 vạn này để cứu con trai một giảng viên tiếng Anh nghèo. Điều này dẫn đến việc Ram thoát khỏi tội ăn cắp (vì khi lục soát thì không thấy tiền trên người Ram) và tấm danh thiếp của ông giảng viên tiếng Anh đã giúp Ram trả lời câu hỏi liên quan đến Văn học Anh.
Nói chung Vikas đã kết hợp rất tài tình các chi tiết của cuộc sống thực tại để làm thành may mắn ở trong mơ 🙂
Trong phim, Jamal & Salim là hai anh em mồ côi. Mẹ chúng bị người Hindu giết hại vì mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo (trong truyện chỉ có gia đình Salim bị giết, còn Ram là đứa trẻ bị bỏ rơi). Hai đứa trẻ bao bọc nhau & lang thang kiếm sống. Vào ngày những người Hindu tràn vào khu ổ chuột giết người đốt nhà, Jamal gặp Latika – cô bé anh yêu từ bé tới lớn, không ngừng tìm kiếm cô và được đoàn tụ với cô ở cuối phim – và cô bé tham gia vào chạy trốn cùng hai anh em Salim Jamal. 3 đứa bé cũng được hội bảo trợ nhận nuôi và trong một đêm, khi Salim phát hiện Jamal có thể bị móc hai mắt để đi hát rong thì 3 đứa đã quyết định bỏ trốn. Latika bị bắt lại và trở thành vũ công cho Maman (tên ông trùm của hiệp hội). Nhiều năm sau, Jamal tìm lại được Latika, Salim bắn chết Maman nhưng  đồng thời cũng cưỡng bức Latika sau đó đầu quân cho một trùm buôn ma túy khác, Jamal bỏ đi và mãi sau này mới tìm lại được Latika. Latika lúc này ở cùng lão trùm ma túy, Jamal rủ cô chạy trốn nhưng bất thành, Latika bị rạch mặt & họ chuyển đi nơi khác. Jamal lại lạc mất Latika lần nữa.
Jamal tham gia Ai là triệu phú cũng vì biết Latika sẽ xem show đó..

Nói chung cả phim & truyện đều khiến mình ấn tượng nhưng phim vẫn có điểm hơn :p Đơn giản vì nhìn cậu bé Jamal trong phim quá là dễ thương :)), nhất là đoạn vì muốn xin chữ ký & gặp thần tượng nhưng lại bị anh trai Salim nhốt vào nhà xí, Jamal đã dũng cảm nhảy xuống hố.. , quyết giữ tấm ảnh để lao đi gặp thần tượng. Cảnh ấy xem vừa hài vừa thương cho những đứa trẻ sống trong vùng đó, cho nước Ấn Độ nghèo đói & bẩn thỉu.
Phải nói mình bị đôi mắt & khuôn mặt dễ thương của thằng bé ấy hút hồn, dễ thương kinh khủng ấy :’>
Trong truyện thì mình thấy cảm động nhất là tình tiết cha Timothy bắn chết lão John – cha xứ trá hình. Đoạn đó cảm giác như mọi bi kịch lên cao trào, cái chết ruốt cuộc vẫn là lối thoát duy nhất của những người tuyệt vọng.
Thằng nhóc Ram đáng thương chỉ có duy nhất cha Tim làm chỗ dựa tinh thần, đã biết cố gắng làm chân sai vặt cho Cha vui, đã biết khác biệt giữa Cha xứ & Cha thường nay lại mồ côi, lại mất đi mái nhà yên ấm, kể cũng xót!
Cả đoạn cuối, khi Ram ôm Shankar đến nhà bà nữ vương, bắt bà trả tiền thuốc cho Shankar nhưng không được, đành ôm bạn mình về, đi lễ ở các thánh đường và nhỏ nước mắt nhìn bạn mình chết nữa.. Chi tiết này được Vikas miêu tả rằng khi chính ông đọc lại cũng thấy bất ngờ và xúc động về cái chết đó.
Cuộc đời Ram đã chứng kiến nhiều cái chết rồi, những cái chết của những người thân yêu, những lần cứ bình yên trên tấm thảm sạch lại bị số phận giật phắt một cái tấm thảm dưới chân.. Cũng bởi lẽ đó mà anh coi nhẹ tiền bạc, tiền cứ kiếm rồi lại mất, kiếm lại mất thôi mà. Chắc cũng vì lý do ấy mà Ram không hề hồi hộp khi đứng trước những câu trả lời mang tính được mất những chỗ khoản tiền to lớn của trò chơi 🙂
Dù thế nào, tác phẩm cũng giúp mình có cái nhìn rõ nét hơn về khu ổ chuột ở Ấn Độ. Tác giả có lẽ cũng không tài hoa mấy, bởi vì Ấn Độ vốn sẵn đã bẩn thỉu và phân biệt giai cấp, tôn giáo như vậy, cứ có cái bút hay bàn phím là viết chi tiết ra thôi ấy..

Nếu có một cuốn sách mà đọc xong là muốn quên đi thì đó chính là quyển sách này. Nhưng, tìm mãi cũng không có cách nào quên được, hoặc là thấy rất may đó chỉ là trên sách, nó cũng sẽ không sống dậy ám ảnh cuộc sống của mình được!
Dù gì đây cũng là một câu chuyện cổ tích có hậu cho cậu bé Ram vì đã không ngừng vươn lên không ngại thay đổi, không ngại dấn thân 🙂