Trong thực có hư trong hư có thực là gì năm 2024

Chứng ẩu, thổn, can ẩu, phát sinh đều thuộc cơ chế vị khí nghịch lên tạo thành. Vị khí nghịch lên có khi thuộc hư, có khi thuộc thực chứng.

Bên cạnh chứng ẩu thổ, còn có chứng “ố tâm”, có nghĩa là lợm giọng, buồn nôn; thường thấy cùng xuất hiện trên lâm sàng, ẩu thổ đa số kiêm ố tâm, còn ố tâm không nhất định dẫn tới ẩu thổ.

Về nguyên nhân bệnh và cơ chế bệnh, vị khí nghịch lên gây ra ẩu thổ hoặc do ngoại tà xâm phạm phủ vị gây bệnh, hoặc do thương thực, do vị hàn, vị nhiệt, vị âm hư; hoặc do cơ chế can vị bất hòa tạo thành, thấy nôn mửa có kiêm đắng miệng, mạch tượng huyền, rêu lưỡi vàng, gặp lúc tinh thần căng thẳng, thấy nôn mửa nặng thêm.

Dưới đây sơ bộ tìm hiểu cơ chế gây chứng nôn mửa theo sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược của Trương Trọng Cảnh:

Trường hợp nôn mửa mà không khát nước, điều 197 sách Kim quỹ yếu lược nói:

“Nói chung chứng nôn mửa phát sinh do cơ chế tân dịch tổn thương tạo thành, cho nên thường có hiện tượng khát nước. Dấu hiệu khát nước ấy là tiên lượng bệnh tà theo đường nôn mửa mà giải trừ. Trường hợp này, người bệnh chỉ nôn mửa mà không khát nước, đó chính là do bệnh chi ẩm (một loại của đàm ẩm) gây ra tủy ẩm tạo thành. Điều trị có thể dùng Tiểu bán hạ thang để táo thấp trừ ẩm”.

Bệnh đàm ẩm thường thấy phát sinh triệu chứng nôn mửa. Nói chung, triệu chứng nôn mửa thường làm tổn thương tân dịch, đáng lẽ phát sinh khát nước. Nhưng điều đáng chú ý là nôn mửa thuộc cơ chế đàm ẩm thì không phải như vậy. Trường hợp nói trong điều 197, có phát sinh nôn mửa mà không khát nước đó là do cơ chế thủy ẩm nội đình dưới vùng tâm. Ẩm là âm tà, cho nên không khát nước. Ẩm tà nghịch lên, gây ra nôn mửa. Phương pháp điều trị nên tiêu trừ thủy ẩm, dùng Tiểu bán hạ thang. Trong phương thang, Bán hạ phối hợp với Sinh khương, có tác dụng tán ẩm giáng nghịch, hòa vị ngừng nôn.

Trên lâm sàng, chứng đàm ẩm lấy nôn mửa làm triệu chứng chủ yếu, thường cùng xuất hiện với Linh quế truật cam thang chứng, Trạch tả thang chứng. Cho nên ba phương thang nói trên, có khi hợp dụng.

Chi ẩm là một chứng trong bệnh đàm ẩm, có các triệu chứng ho nghịch lên, không nằm được, phải ngồi dựa lưng để thở, thở dồn, mặt và mắt phù nề.

Tiểu bán hạ thang.

Bán hạ, Sinh khương.

Bán hạ vị tân, tỉnh táo. Vị tân có thể tán kết. Tỉnh táo có thể trừ thủy ẩm. Sinh khương chế ước tính mãnh liệt của Bán hạ. Toàn bài thuốc, có tác dụng tán nghịch, chỉ ẩu (tán ẩm kết, giáng khí nghịch, ngừng nôn mửa)); có cơ chế tác dụng tốt đối với các bệnh và chứng khí nghịch hàn tính có liên quan với ngoại tà trong thời tiết.

Đàm ẩm lưu ở trung tiêu thì bụng đầy trướng mà thấy miệng và lưỡi khô ráo, vì thức ăn uống vào phủ vị, tạo thành đàm ẩm, mà không thành tân dịch. Hoặc thấy sôi bụng lọc ọc tại vùng ruột. Có thể phối hợp với Kỷ tiêu lịch hoàng hoàn điều trị (Phòng kỷ, Tiêu mục, Đình lịch tử, Đại hoàng). Phòng kỷ, Tiêu mục trừ ẩm tà theo đường tiểu tiện. Đại hoàng, Đình lịch tử trừ ẩm tà theo dương đại tiện.

*

* *

Trường hợp đột nhiên phát sinh nôn mửa, điều 199 sách Kim quỹ yếu lược nói:

“Người bệnh có thủy ẩm ở vùng hung cách (vùng ngực và cơ hoành), đột nhiên phát sinh nôn mửa, vùng dưới tâm có cảm giác bĩ trướng, máy động, đồng thời kiêm triệu chứng chóng mặt, đó là do cơ chế thủy ẩm xung nghịch gây ra. Điều trị dùng phương pháp giáng nghịch lợi thủy, cho uống bài Tiểu bán hạ gia phục linh thang”. Đàm ẩm đình lưu ở phủ vị, xung nghịch lên cơ hoành, có thể phát sinh triệu chứng đột nhiên nôn mửa. Do ẩm tà đình lưu ở phủ vị, nghịch lên cơ hoành, cho nên phát sinh nôn mửa kiêm có cảm giác bĩ trướng dưới vùng tâm. Ẩm tà nghịch lên, khí thanh dương bị lấn át, cho nên có hiện tượng chóng mặt; khí trọc âm xâm lăng lên trên, do đó tâm quý động (tim đập mạnh); Thế bệnh tương đối trầm trọng. Điều trị dùng phương pháp hòa vị giáng nghịch, dẫn thủy đi xuống; cho uống bài Tiểu bán hạ gia phục linh.

Tiểu bán hạ gia phục linh

Bán hạ, Sinh khương, Bạch linh.

Bán hạ phối hợp sinh khương điều trị thượng tiêu dương hư, đàm phạm hung cách, tâm bị thủy ẩm xâm lăng phát sinh quý động. Bạch linh rút thủy, giáng thận nghịch để an thần, trị tâm quý động.

*

* *

Trường hợp “vị phản nôn mửa” được nói trong điều 310 sách Kim quỹ yếu lược. Vị phản còn gọi là “Phiên vị”, là chứng ăn vào lập tức nôn ra. Điều 310 nói:

“Mắc chứng nôn mửa, sau khi ăn uống, lập tức phiên vị nôn mửa mạnh. Nếu bệnh phát sinh do cơ chế tỳ vị hư nhược mạn tính, có thể dùng trị pháp tráng vị chỉ ẩu (Mạnh phủ vị, ngừng nôn mửa), cho uống bài Đại bán hạ thang”.

Đặc điểm của Tiếu bán hạ thang chứng Tiểu bán hạ gia Phục linh thang chứng là nôn mửa không ngừng; tuy không ăn uống mà vẫn nôn mửa. Còn Đại bán hạ thang chứng có đặc điểm sau khi ăn uống, lập tức nôn mửa; nếu không ăn thì không nôn mửa, hoặc chỉ có nôn mửa nhẹ.

Bán hạ tả tâm thang chứng là bệnh tại trường vị, cho nên có triệu chứng sôi bụng, tiêu chảy. Đại bán hạ thang chứng là bệnh tại thực quản hoặc miệng trên dạ dày (môn vị), trong phủ vị có khi phát sinh tiếng nước lọc ọc, nhưng tuyệt đối không có triệu chứng tiêu chảy.

Tiểu bán hạ thang chứng và Bán hạ tả tâm thang chứng thuộc cấp tính, còn Đại bán hạ thang chứng thuộc mạn tính.

Đại bán hạ thang

Bán hạ, Nhân sâm, Bạch mật

Bán hạ trợ táo khí để tiêu thức ăn uống. Nhân sâm bồi bổ nguyên khí để điều hòa phủ vị. Nếu không có Nhân sâm có thể tạm dùng Cát lâm sâm, hoặc Đảng sâm thay thế.

Bạch mật quấy trên 200 lần cho tan trong nước. Thủy được mật mà hòa hoãn, mật được thủy mà đạm thảm (thảm thấp, trừ thấp). Vị phản bình hòa mà nôn mửa ngừng. Theo kinh nghiệm điều trị, người có chứng hay nôn mửa, không nên dùng vị cam ngọt). Trong điều 310 dùng bạch mật điều trị là do tạng tỳ hư, theo nguyên tắc “Cam vị nhập tỳ, quy kỳ sở hỷ” (vào nơi nó thích, nó cần). Bán hạ là quân dược, vị tân ngừng nôn. Nhân sâm là tá dược, ôn khí bổ trung. Vị phản sẽ khỏi.