Trung tâm điều hành thông tin vnpt quảng bình năm 2024

(QBĐT) - Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong nhiều năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sang chuyển đổi số (CĐS). Đồng hành cùng Quảng Bình trong công cuộc CĐS, VNPT Quảng Bình đã nỗ lực, trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai ứng dụng CNTT hiện đại, thúc đẩy các giải pháp CĐS để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai.

Trong bất kỳ thời điểm nào, phát triển hạ tầng số là nền móng quan trọng để đẩy nhanh tiến độ CĐS quốc gia. Đi trước, đón đầu, các nhà mạng viễn thông là đầu mối quan trọng để chuẩn bị chu đáo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Thực hiện “Thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và CNTT giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2015-2025”, VNPT Quảng Bình đã tiên phong thúc đẩy các giải pháp, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS và phát triển kinh tế số tại tỉnh. VNPT đã đầu tư xây dựng hạ tầng mạng viễn thông và internet đến 100% xã, phường và bảo đảm phủ sóng đến 90% khu vực dân cư bao gồm cả vùng nông thôn và miền núi, giúp người dân tiếp cận thông tin và tri thức kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Ông Trần Danh Việt, Giám đốc VNPT Quảng Bình khẳng định: “Đến nay, VNPT Quảng Bình đã đầu tư xây dựng đủ hạ tầng, nâng cao năng lực mạng lưới viễn thông, CNTT phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm QPAN, phòng chống thiên tai; luôn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ viễn thông và CNTT đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, CĐS; sẵn sàng đáp ứng và cung cấp đủ nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông và CNTT cho các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn và các khu dân cư trên địa bàn tỉnh”.

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong CĐS trên địa bàn, VNPT Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp và dịch vụ có tính cốt lõi, thúc đẩy nhanh CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các giải pháp chủ đạo được triển khai hiệu quả, gồm: Trung tâm Điều hành thông minh IOC cấp tỉnh, Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (I-Gate), Hệ thống hội nghị truyền hình, Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng, Hệ thống phản ánh hiện trường, Hệ thống phân tích thông tin xấu, độc trên mạng xã hội (VNPT-Social)…

Trung tâm điều hành thông tin vnpt quảng bình năm 2024
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tỉnh đoàn và VNPT Quảng Bình.

Triển khai tại TP. Đồng Hới từ năm 2016, đến nay, Hệ thống một cửa điện tử đã được nhân rộng tại 100% các đơn vị chính quyền các cấp, góp phần công khai, minh bạch và tiện lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, VNPT đã hỗ trợ tiếp tục triển khai và sẵn sàng giải pháp kỹ thuật, hạ tầng để đáp ứng 100% yêu cầu của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai ứng dụng này.

Ngày 24/9/2020 được coi là dấu mốc quan trọng khi UBND tỉnh phối hợp với VNPT Quảng Bình khởi động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh tích hợp với 12 hợp phần là các nền tảng ứng dụng của các ngành, lĩnh vực. Một ứng dụng hữu ích phục vụ người dân tương tác với chính quyền là Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường trên ứng dụng QUANG BINH-S. Thời gian qua, hệ thống này đã tiếp nhận 306 phản ánh hiện trường, trong đó có 210 phản ánh đã được điều phối đến các cơ quan, đơn vị xử lý, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân.

Đồng hành, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được VNPT ký kết, nhiều kế hoạch cũng đã được triển khai, từ đó góp phần hỗ trợ các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng cho lộ trình CĐS. Các giải pháp được VNPT triển khai cho ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp… đã góp phần tăng hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, để cùng địa phương phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, VNPT đã giới thiệu và triển khai Cổng du lịch thông minh, là một phần của nền tảng hệ sinh thái du lịch thông minh để tạo tiện ích, là cầu nối người dân, du khách với các doanh nghiệp du lịch và tương tác với chính quyền. Giải pháp này cũng cung cấp khả năng xử lý thông tin và xây dựng công cụ quản lý tạo thành một hệ tương hỗ nhằm công khai, minh bạch các thông tin và dịch vụ với sự giám sát, quản lý và điều hành hiệu quả của các cấp chính quyền.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) khẳng định, trong thời gian qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nói chung và trực tiếp là VNPT Quảng Bình đã tích cực đồng hành và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS tại tỉnh Quảng Bình, nhất là trong các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng số, chính quyền số, đô thị thông minh và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

“Nổi bật nhất trong những nỗ lực đó là đã phối hợp triển khai hiệu quả các nền tảng, hệ thống thông tin, dịch vụ số dùng chung của tỉnh hay số hóa và phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch, y tế, giáo dục… được các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế-xã hội”, Phó Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Xuân Ngọc chia sẻ thêm.

Năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về CĐS xác định là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”. Tại Quảng Bình, thực hiện Kế hoạch số 2656/KHUBND, ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh về thực hiện CĐS tỉnh năm 2024, Quảng Bình sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT, công nghệ số trong các cơ quan nhà nước hiện đại, đồng bộ, đồng thời xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số. Muốn vậy, các đơn vị viễn thông phải là trụ cột trong xây dựng, phát triển hạ tầng số-nền móng vững chắc của quá trình CĐS.

Theo ông Trần Danh Việt, thời gian tới, VNPT Quảng Bình quyết tâm tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh Quảng Bình. “Chúng tôi sẽ chú trọng nâng cấp, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G đồng bộ, thống nhất tại các khu đô thị mới, đồng thời tiếp tục ngầm hóa các tuyến cáp hiện hữu để chỉnh trang đô thị và giúp người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền được khai thác, sử dụng. VNPT Quảng Bình cũng sẽ không ngừng nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng số phục vụ công cuộc CĐS tỉnh Quảng Bình trên cả 3 trụ cột, đồng thời tiếp tục bổ sung các tiện ích và tăng cường trải nghiệm để tối ưu các dịch vụ do VNPT cung cấp”, Giám đốc VNPT Quảng Bình chia sẻ.