Ung thư di căn sống được bao lâu

“Tôi sẽ sống được bao lâu?” Đó là câu hỏi của bệnh nhân và người thân hay hỏi nhất khi được chẩn đoán ung thư.

Tuy nhiên, bác sỹ không phải là người có thể tiên đoán trước được tương lai. Lúc này, bác sỹ sẽ phải dựa vào kinh nghiệm của những bệnh nhân đã mắc ung thư trước đó, trong các nghiên cứu, để đưa ra những ước tính trên những con số cụ thể. Những con số này được gọi là tỷ lệ sống thêm.

Ung thư di căn sống được bao lâu

1. Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân ung thư là gì?

Tỷ lệ sống thêm (survival rate), hay còn gọi là thống kê sống thêm (survival statistic), cho biết phần trăm những người bị ung thư có thể tiếp tục sống sau khoảng thời gian nhất định. Mốc thời gian thường được sử dụng là 5 năm.

Ví dụ, tỷ lệ sống thêm 5 năm của ung thư bàng quang là 77%. Điều này có nghĩa trong 100 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư bàng quang, có 77 bệnh nhân sẽ sống được ít nhất 5 năm. Và 23 bệnh nhân còn lại sẽ qua đời trong vòng 5 năm, tính từ khi được chẩn đoán ung thư.

Tỷ lệ sống thêm được xác định dựa vào nghiên cứu những thông tin thu thập được của hàng trăm hoặc hàng nghìn người, với cùng một loại ung thư cụ thể. Nhiều yếu tố được sử dụng để đánh giá tỷ lệ sống thêm như:

  • Loại ung thư
  • Giai đoạn bệnh
  • Tuổi
  • Thời gian diễn biến.

Tỷ lệ sống thêm thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn ung thư. Ví dụ, 56% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm sống ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán. Trong khi, ở giai đoạn muộn (còn gọi là giai đoạn di căn), tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân chỉ còn là 5%.

2. Ý nghĩa của tỷ lệ sống thêm

– Giúp tiên lượng: Kinh nghiệm của những bệnh nhân ung thư trước đó (với cùng tình trạng bệnh, tuổi và sức khỏe), có thể cho những gợi ý về khả năng chữa khỏi ở những bệnh nhân khác. Những gợi ý này sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của mình.

– Lên kế hoạch điều trị: Tỷ lệ sống thêm được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư. Những thông tin này sẽ giúp bác sỹ và bệnh nhân cân nhắc lợi và hại khi lựa chọn các phương pháp điều trị.

Ví dụ, nếu 2 phương pháp điều trị có hiệu quả như nhau về thời gian sống thêm, thì bệnh nhân nên lựa chọn phương pháp điều trị có ít tác dụng phụ hơn.

Một ví dụ khác, một phương pháp điều trị có thể mang lại cơ hội chữa khỏi cho 1 hoặc 2 người trong số 100 người. Với một số người, khả năng này là đủ để họ chấp nhận tác dụng phụ của điều trị. Nhưng với những người khác, khả năng chữa khỏi đó là quá thấp, và bệnh nhân cảm thấy không đáng để phải chịu đựng những tác dụng phụ đó.

3. Những hạn chế của tỷ lệ sống thêm

– Tỷ lệ sống thêm có thể khiến bệnh nhân ung thư lo lắng.

– Tỷ lệ sống thêm chỉ có thể đưa ra những gợi ý cho số đông bệnh nhân ung thư có cùng tình trạng bệnh, nhưng nó không thể đưa ra ước đoán cho từng bệnh nhân cụ thể. Ví dụ, tỷ lệ sống thêm 5 năm của ung thư bàng quang là 77%. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân không thể biết được mình sẽ nằm trong số 77 người còn sống, hay trong số 23 người không còn sống sau 5 năm kể từ khi chẩn đoán.

– Dữ liệu thống kê không thể chứa đựng tất cả những điều kiện y tế mà bệnh nhân có. Nếu sức khỏe tốt, thì bệnh nhân hoàn toàn có khả năng sống lâu hơn so với những con số thống kê trước đó.

– Không đánh giá được hiệu quả của những phương pháp điều trị mới nhất: Những người được thống kê, để đánh giá tỷ lệ sống thêm 5 năm, thì họ đã được chẩn đoán và điều trị ung thư hơn 5 năm về trước. Trong 5 năm đó, đã có nhiều thay đổi về phương pháp điều trị. Những phương pháp điều trị mới có thể làm thay đổi thời gian sống thêm của bệnh nhân. Nhưng hiệu quả này chưa được đánh giá và thể hiện trong tỷ lệ sống thêm 5 năm.

– Không thể chỉ cho bệnh nhân phương pháp điều trị tối ưu. Đối với nhiều người, họ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị mang lại cơ hội lui bệnh cao nhất. Nhưng một số khác lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào những yếu tố khác, như tác dụng phụ, giá và kế hoạch điều trị.

Một số người muốn biết tất cả về bệnh ung thư của họ. Do đó, họ rất quan tâm đến tỷ lệ sống thêm. Nhưng một số người khác thấy rằng tỷ lệ sống thêm không thể hiện tình trạng cụ thể của họ. Do vậy, một số bệnh nhân có thể tìm thấy sự vô nghĩa và vô ích với những con số thống kê. Đôi khi, những con số thống kê về thời gian sống thêm cũng có thể gây nhầm lẫn và sợ hãi cho chính bệnh nhân.

4. Khi nào bệnh ung thư được gọi là “khỏi”?

Từ “chữa khỏi” (cure) thường không được sử dụng trong ung thư. Đôi khi, chúng ta không thể phát hiện được những tế bào ung thư có thể vẫn còn trong cơ thể sau khi điều trị. Những tế bào này có thể khiến ung thư tái phát sau này.

Cộng đồng y khoa thường xem nhiều loại ung thư được gọi là “chữa khỏi” khi không thể tìm thấy ung thư sau 5 năm kể từ ngày chẩn đoán. Điều này không có nghĩa ung thư sẽ không tái phát sau 5 năm. Tuy nhiên, phần lớn ung thư, nếu không tái phát trong vòng 5 năm đầu sau khi được chẩn đoán, thì khả năng tái phát sau đó là rất thấp.

5. Tỷ lệ sống thêm của một số bệnh ung thư

Dữ liệu SEER (Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng) theo dõi tỷ lệ sống thêm 5 năm của những bệnh nhân ung thư tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dữ liệu SEER không chia thành bệnh nhân các giai đoạn ung thư theo AJCC (gồm các giai đoạn 1, 2, 3, và 4). Thay vào đó, các trường hợp được phân loại thành các giai đoạn: tại chỗ, khu trú và di căn xa.

– Giai đoạn tại chỗ: Không có dấu hiệu ung thư lan ra ngoài cơ quan.

– Giai đoạn khu trú: Ung thư lan ra xung quanh của cơ quan đến các cấu trúc lân cận hoặc hạch lympho.

– Giai đoạn di căn: Ung thư lan ra các cơ quan xa của cơ thể.

Dưới đây là tỷ lệ sống thêm 5 năm của 10 loại ung thư thường gặp.

Ung thư di căn sống được bao lâu

Tóm lại, hãy nhớ rằng tỷ lệ sống thêm là ước tính và thường dựa trên kết quả trước đó của một số lượng lớn những người mắc ung thư. Nhưng chúng không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra với từng trường hợp cụ thể. Những số liệu thống kê này có một số hạn chế. Đôi khi, có thể gây nhầm lẫn và lo lắng cho bệnh nhân. Câu hỏi “tôi sẽ sống được bao lâu?” sẽ không bao giờ có một câu trả lời chính xác.