Ước vọng sống của các tín đồ tôn giáo ở việt nam là gì ?

Ngày đăng: 16/07/2019

Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào những hiện tượng mang tính chất huyền bí trong thế giới siêu nhiên. Các hoạt động hướng tới những hiện tượng đó tạo nên văn hóa tâm linh, một lĩnh vực văn hóa tạo nên bản sắc của mỗi tộc người, mỗi cộng đồng.

Tín ngưỡng do tầng lớp bình dân tạo ra, từ thời tiền sử đã xuất hiện tín ngưỡng thờ vật tổ (còn gọi là tô tem giáo). Tôn giáo ra đời muộn hơn, do tầng lớp trí thức tạo nên. (Phật giáo có từ TK V trước công nguyên, Ki tô giáo ra đời vào năm Công nguyên, Hồi giáo có từ TK V sau công nguyên…). Tín ngưỡng là sự tin theo, niềm tin của con người trong tín ngưỡng mang nhiều yếu tố cảm tính. Tín ngưỡng không có hệ thống kinh sách, không có tổ chức, trong khi đó tôn giáo có hệ thống giáo lý kinh bổn, có tổ chức và thiết chế rất qui củ… Niềm tin của con người vào tôn giáo tuy có sắc thái cảm tính, nhưng mang nhiều yếu tố lý tính sâu sắc.

 Người Việt quan niệm vạn vật hữu linh. Từ thủa còn sơ khai, người ta thờ các hiện tượng tự nhiên như trời, đất, thờ động vật như hổ, trâu, cóc, chó, chim, cá, rắn…Thờ cả một số loài cây như: cây đa, cây gạo, cây cau, cây dâu…thậm chí một tảng đá, một gò đất ở giữa hồ ao…cũng được người Việt thờ, vì quan niệm đa thần: Thần cây đa, ma cây gạo.

Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước như nước ta, thì việc cầu mong  mùa màng luôn được phong đăng, hòa cốc, cầu cho nhân khang, vật thịnh, cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở, phát triển là khát vọng muôn đời của người Việt. Với mong muốn sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, đông con nhiều cháu, người ta thờ hoặc rước những biểu tượng sinh thực khí âm dương trong lễ hội, đúc những hình tượng người giao phối được đúc trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, thờ và rước nõ – nường; Lin ga – Yoni của người Chăm…        Phải chăng đó là những biểu hiện âm dương với những ẩn ý là có âm có dương mùa màng mới sinh sôi nảy nở được?  Bởi thế cho nên mới có câu: Có nam có nữ mới nên xuân/ Có xôi có thịt mới nên phần.

Sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Khi con người còn yếu đuối trước thiên nhiên người ta phải phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến tín ngưỡng đa thần. Người ta sùng bái nhiều hiện tượng tự nhiên: Trời, đất, nước, mây, mưa, sấm, chớp…Trời cao, đất dày là những đấng thiêng liêng đem đến cho con người sự sống. Bởi vậy người ta gọi bầu trời gọi là ông trời, bà trời; Đất thì gọi là bà địa, ông địa; Mọi người đều cho rằng đất có thổ công, sông có hà bá …do vậy trước khi triển khai công việc đào móng dựng nhà, đào đất mai táng người chết…người ta đều sắm sửa lễ vật để cúng bái. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Mẹ), chúng ta thường thấy có ban thờ tam phủ, tứ phủ, Người Việt quan niệm trên bầu trời có một bà mẹ cai quản ở cõi trời; trên rừng núi có bà mẹ cai quản ở cõi sơn lâm; ở dưới sông biển lại cũng có một bà mẹ cai quản ở cõi nước. Vì vậy trong các ngôi đền thờ Mẫu thường gặp ban thờ tam phủ. Đó là Thánh mẫu Thượng thiên (bà mẹ cõi trời); Thánh mẫu Thượng ngàn (bà mẹ cõi rừng núi, sơn cước); Thánh mẫu Thoải (bà mẹ cõi nước). Ban thờ tứ phủ thì có thêm Thánh Mẫu Địa.

Cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt còn thờ cúng bà Mẹ của dân tộc, đó là thánh Mẫu Âu Cơ, Thánh Mẫu mẹ Gióng, Thiên Y A Na của người Chăm…Ngoài ra còn thờ những vị anh hùng, tiết liệt đã có công với dân, với nước, chống giặc ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan, Bà Đen, rồi Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), thờ các vị vua, quan có công với nước… Theo các nhà nghiên cứu hiện nay trên đất nước ta có 250 di tích thờ nữ thần, trong đó có 75 vị nữ thần được nhân dân thờ cúng.

Mây, mưa, sấm, chớp là những lực lượng thiên nhiên có nhiều tác động quyết định đến mùa màng, đến công việc trồng cấy của người Việt. Hệ thống tín ngưỡng tứ pháp (ở vùng Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh) gắn với sự tích Man Nương lưu truyền từ thế kỷ II, được nhiều tư liệu cổ ghi chép (Lĩnh nam chích quái; Kiến văn tiểu lục; Văn hiến thông khảo; An nam chí lược…) Đây là một tín ngưỡng bản địa kết hợp với Phật giáo nhập ngoại từ Ấn Độ. Tượng  Pháp Vân thờ tại chùa Dâu; Tượng Pháp Vũ thờ tại chùa Bà Đậu; Tượng Pháp Lôi thờ tại chùa Bà Tướng; Tượng Pháp Điện thờ tại chùa Bà Giàn. Các ngôi chùa Dâu, Đậu, Giàn, Tướng đều quay hướng tây, chầu về chùa tổ. Thoạt tiên Phật tứ pháp chỉ có tại các ngôi chùa Dâu, Đậu, Giàn, Tướng tại Luy Lâu, những các thế kỷ sau đã phát triển sang nhiều các ngôi chùa tại Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Nam Định…Hệ thống tứ pháp cho chúng ta thấy văn hóa bản địa đã thấm sâu vào văn hóa Phật giáo. Người Việt đã kết hợp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên và thờ Mẫu để tạo ra những vị Phật riêng của mình.

Nhiều dân tộc trên thế giới quan niệm con người gồm có hai phần, phần xác và phần hồn. Khi con người chết đi thì phần xác bị tiêu hủy, nhưng phần hồn tồn tại mãi mãi. Đó là cơ sở để cho tín ngưỡng thờ cúng người đã mất duy trì và tồn tại. Niềm tin ấy còn thể hiện lòng biết ơn những người có công sinh thành ra mình, ngoài ra còn cầu mong sự phù hộ độ trì, sự giúp đỡ của người đã chết đối với người đang sống, điều đó tạo nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

 Dân ta từ xưa đến nay vẫn luôn tâm niệm: Chim có tổ, người có tông, cây có rễ, nước có nguồn,  thực chất đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt…Trong mỗi gia đình người Việt đều có một bàn thờ tổ tiên được dựng lên nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, cho thấy lòng biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà và các thế hệ tổ tiên. Trong mỗi làng xóm lại có một ngôi đình để thờ Thành hoàng làng, là một người có công với dân làng, với đất nước. Một ngôi miếu thiêng hay một ngôi đền được xây dựng dưới gốc đa, gốc đề, gốc gạo ở đầu làng là thể hiện sự biết ơn của những người đã và đang sống tại nơi đó, muốn để tâm gìn giữ điều thiêng liêng cho cộng đồng, nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên nơi mình đang sống.

Hỡi ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba, đó là sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên, cội nguồn của dân tộc.  Một nghĩa trang liệt sỹ, một đài tưởng niệm được dựng lên để ghi công những người đã hy sinh vì nước, vì dân cho dân tộc có được ngày hôm nay cũng là ước mong của con người đương đại nhớ ơn đến các bậc các anh hùng liệt sỹ…Một võ miếu, văn miếu, một nhà thờ họ được dựng lên cho con cháu đời sau giữ gìn noi theo và tỏa sáng là thể hiện lòng biết ơn của những con người đang sống đối với tiền nhân, đó chính là tín ngưỡng thờ cúng, một nét đẹp trong đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.

 Họa sỹ – Thạc sỹ: Đỗ Hữu Bảng

Ước vọng sống của các tín đồ tôn giáo ở việt nam là gì ?
Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận vui đón lễ hội Ka tê. Ảnh: Nguyễn Văn Bình

Theo bản Hiến pháp về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, tại Điều 18 quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng có viết: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo, tín ngưỡng do mình tự lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác một cách công khai hoặt thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. Không một ai ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nhưng trước đó, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập, ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời, một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết lại”. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quan điểm vì dân của chính quyền mới được đông đảo nhân dân tán thành và ủng hộ.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng và ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Chính vì chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo mà trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có hàng triệu người con dù là Lương hay Giáo đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của dân tộc. Có gia đình cả nhà là linh mục, tu sĩ, nhưng đều theo kháng chiến như linh mục Phạm Bá Trực, sau này là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, gia đình linh mục - liệt sĩ Nguyễn Bá Luật.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các vị linh mục như Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm và rất nhiều vị linh mục khác đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến. Ông Huỳnh Cương là một nhà tu cũng đã hoàn tục để tham gia cách mạng và sau này, ông trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhiều nhà thờ Công giáo cùng với những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài đã là nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho sự sống còn của đất nước, của dân tộc, nhiều vị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Trong thế giới tinh khiết nơi cửa thiền, các nhà sư chăm lo sửa mình và sửa người về Phật pháp nhưng không quên đạo lý về cuộc đời, về con người. Từ trong bản ngã của người tu hành, nhà sư cảm nhận được những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc, hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của việc trừ tà, khuyến thiện, tìm thấy trong đó giá trị của cuộc sống là sự hy sinh với sự nghiệp xả thân cho cuộc sống nhân gian. Sâu thẳm trong mỗi người Việt Nam đều ơn công lao của các bậc sinh thành, người có công với dân, với nước. Triết lý nhà Phật không bao giờ xa rời cuộc sống nhân gian, lấy nhân tâm bảo vệ cho sự tồn vong của thế giới con người.

Cùng với đạo Phật, Thiên chúa giáo là một trong hai tôn giáo có số tín đồ đông đảo ở nước ta. Tự do tôn giáo, tự do hành đạo là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước Việt Nam. Bằng tất cả tấm lòng chân thành của người Công giáo, cha xứ, các vị chức sắc, bà con giáo dân ngoài việc chăm lo tới đời sống cộng đồng, còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, góp tiếng nói của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc. Linh mục và bà con giáo dân trong giáo xứ luôn tâm niệm, cùng chung nguyện ước: Kính Chúa, yêu nước, tốt đời, đẹp đạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc.

Tuy nhiên, lợi dụng tình cảm sùng kính Thiên chúa của một số đồng bào giáo dân, ở một số nơi, các chức sắc, tu sĩ đã kích động, kêu gọi bà con giáo dân cầu nguyện đòi đất, căng băng rôn, khẩu hiệu, ném gạch đá vào người thi hành công vụ, bắt người trái phép... Cũng cùng mục đích như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức phản động đã lợi dụng sự thật thà, cả tin, thiếu hiểu biết của bà con để dựng lên tà đạo Hà Mòn ở Tây Nguyên, đạo Thìn Hùng, Vàng Chứ ở Tây Bắc...

Chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh đã nhanh chóng chỉ rõ những thủ đoạn lôi kéo, kích động, gây rối của các tổ chức phản động bên ngoài để bà con cảnh giác đề phòng, đồng thời, phân tích những sai lầm để các đối tượng sai phạm đứng ra tự nói rõ việc làm sai trái của họ. Qua đó, bà con hiểu rõ thực chất của các tà đạo mà mình đang theo.

Sự thật, công lý, luật pháp và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của đồng bào sẽ chiến thắng tất cả những âm mưu, thủ đoạn đen tối của một số phần tử xấu trong và ngoài nước nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đảm bảo sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật, phù hợp với tiến trình xã hội, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đem lại thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc và của các giáo hội. Cơ sở thờ tự được sửa chữa, sửa sang, xây dựng mới ngày càng nhiều. Các ấn phẩm kinh sách được xuất bản và phát hành phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tu hành của tín đồ.

Cùng với đó, nhiều nghi lễ, nét đẹp văn hóa dân tộc đã được tiếp thu và đưa vào phục vụ lễ nghi của đạo như tục thắp hương trước vong linh người quá cố, các nhạc cụ, giai điệu dân ca của dân tộc cũng được sử dụng trong các buổi hành lễ. Quan hệ quốc tế của các Giáo hội và chức sắc tôn giáo mở rộng trên cơ sở nhiều hoạt động viếng thăm, hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về tôn giáo, văn hóa, từ thiện xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam.

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyệt đại đa số đồng bào dù theo tôn giáo này hay tôn giáo khác đều là nhân dân lao động, có lòng yêu nước nồng nàn, có những đóng góp tích cực cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc”, đồng bào lại tiếp tục kề vai, sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính từ sự hưởng ứng và tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo mà đại diện là các vị chức sắc, nhà tu hành đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển lên một bước với nhiều kết quả thiết thực. Nhiều tổ chức từ thiện được các Giáo hội thành lập cùng với MTTQ Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết, chăm sóc sức khỏe cho người mắc bệnh phong, HIV/AIDS.

Có thể nói, trong suốt 76 năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa trong dòng chảy lịch sử, sức mạnh được hun đúc từ mạch nguồn truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường đã cảm hóa, nuôi dưỡng và kết nối người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, ý thức hệ gắn bó khối đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Vân Anh