Về đẹp tiếng nói của người Hà Nội

GIỌNG HÀ NỘI (Người viết: Nguyễn Chí Dũng)

Hồi đang huấn luyện tân binh cùng các bạn từ khắp các miền quê, được các bạn trong lớp kéo đến thăm. Nói là bạn lớp tôi, nhưng lên đến đơn vị thành bạn của cả trung đội. Các bạn đồng ngũ của tôi khoái được nghe giọng Hà Nội lắm. Ai cũng mong các bạn lớp tôi tuần nào cũng lên chỉ cốt để được nghe Giọng Hà Nội.

Lúc đó, tôi không để ý đến nhận xét chân thật đó. Chỉ có đến lúc đến cả năm trời toàn nghe tiếng nước ngoài, chợt một hôm nghe được một câu từ băng catxet: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Lúc đó mới rưng rưng cảm động. Nỗi xúc động được nghe tiếng nói từ Tổ quốc chuyển tải qua giọng Hà Nội, làm cho nỗi nhớ nhà càng thêm đậm hơn. Và tôi cũng bắt đầu hiểu ra tại sao các bạn tôi thích nghe giọng Hà Nội.

Giọng Hà Nội gần đây nghe không còn nhẹ nhàng ấm áp và cũng dần trở nên hiện đại hơn, cứng cỏi hơn. Có một lần qua Pháp, tôi vô tình gặp thăm một gia đình trí thức di cư từ những năm 1954. Các cụ vẫn sử dụng giọng Hà Nội từ những năm đó. Các cụ truyền khẩu dạy cho con cháu ở thế hệ tiếp sau. Cũng là giọng Hà Nội thật đấy mà nghe sao tôi thấy là lạ quen quen, như mình đang ở nhà ông bà tôi ngày xưa. Tiếng gọi Cậu, Mợ được dùng để chỉ Bố, Mẹ đã không còn được truyền từ ông bà tôi sang gia đình bố mẹ tôi nữa. Vì thế tôi cũng không còn sử dụng tiếng gọi đó để truyền cho các con tôi. Tiếng Cậu, Mợ vẫn còn đâu đó trong các ngóc ngách hun hút tối mờ của những con phố Hàng …nơi trung tâm Thủ đô Hà Nội. Và thật kỳ lạ là giọng Hà Nội vẫn sống dẻo dai tồn tại giữa Thủ đô nước Pháp. Tiếng Mợ phát âm nhẹ kéo dài nghe như hơi có âm gió của từ “mự” lần khuất bên trong giúp cho tiếng Hà Nội 1954 nghe thật truyền cảm nhẹ nhàng.

Tiếng “Mẹ” của người Hà Nội bây giờ, dù cho không còn thêm hơi gió thoảng nhẹ nhàng như xưa, nhưng vẫn không lẫn được với tiếng gọi mẹ từ giọng các vùng miền khác. Từ Mẹ của người Hà Nội, với cách phát âm có một chút hơi chìm xuống ở cuối từ là vẫn bảo toàn được tính cách nhẹ nhàng trong giọng Hà Nội. Ngôn từ để chỉ đấng sinh thành ra mình sau gần 50 năm, nay đã đổi từ âm “Mợ” sang âm “Mẹ” mà cất đi chút gió thoảng của tiếng “Mự”. Biết đâu với “sự phát triển mạnh mẽ” của ngôn ngữ chát chít thế hệ 9X, 10X hiện nay, thì 50 năm sau, từ “Mẹ” cao quý cũng lại bị cắt gọt chỉ còn chữ “M” cô độc??? Nếu chuyện đó xảy ra thì thật đáng thương và tội nghiệp cho Giọng Hà Nội. Tôi là người hoài cổ nên phải chăng tôi đang lo nghĩ linh tinh?

Trong ngôn ngữ của người Hà Nội, hiện nay cũng đang dần dần biến mất đi một số từ, một số cách nói vì những người sống ở Hà Nội nay chọn được cách diễn đạt khác tiện hơn. Sẽ là “Hôm nào rảnh đến nhà chơi chơi nhá” cùng một cái bắt tay lắc giật bỗ bã. Còn đâu thấy cảnh nhẹ nhàng tiễn khách với hai bàn tay nắm hờ, với dáng lưng thả nhẹ hơi chùng xuống, kèm câu “Kính bác lại nhà ạ” được chủ nhà nói khẽ khàng khi tiễn khách với thái độ trân trọng. Một câu nói tiễn khách khuôn sáo cùng với ánh mắt hướng dõi theo khách. Và phải đợi cho tới khi người khách đã khuất đi nơi ngã rẽ thì chủ nhân mới chậm rãi quay về nhà. Cái lịch thiệp của người Hà Nội là cái lịch thiệp tự mình biết với mình, đâu cần phải để phô ra cùng thiên hạ.

Tôi vẫn tiếc chữ “Xơi cơm” trong các bữa cơm gia đình của người Hà Nội mà gần đây bị mai một đi, khi chữ “Ăn cơm” tiện lợi, đơn giản hiện đại hơn thay thế. Cũng đúng thôi phải không các bạn? Ai lại có thể “Xơi lẩu” được trên vỉa hè Phùng Hưng được, mà phải là “Ăn lẩu” mới đúng điệu.

Câu mời ăn cơm “Con mời bố, mời mẹ ra xơi cơm ạ!”, dùng trong bữa cơm gia đình Hà Nội thật là đượm ấm tình cảm gia đình. Tôi không nói từ “ăn” là thô, là phô nhưng “Xơi cơm” những tưởng loại bỏ được hơi hướng phàm tục có trong từ ăn. Người Hà Nội xưa trân trọng mời nhau đến nhà “dùng cơm” chứ không mời đến “ăn cơm”, “ngắm hoa” “thưởng rượu” chứ không “xem hoa” “uống rượu”. Ngày nay cũng không ít gia đình Hà Nội lưu lại ngôn ngữ bị coi là cổ điển đó. Đây phải chăng cũng là một phần trong cách thanh lịch của người Hà Nội.

Nếu đâu đó có nói người Hà Nội nói tiếng Việt không chuẩn thì cũng phải chịu thôi. Nếu biết rung lên khi nói những âm R, TR, S thì tôi có thể tin chắc là chủ nhân của những phát âm đấy không phải là người Hà Nội. Không bao biện cho cái sai, cái thiếu sót của cách phát âm như vậy của giọng Hà Nội đâu. Tôi công nhận sai. Nhưng với tôi, khiếm khuyết này như chiếc răng mọc lẫy trên một khuôn mặt dễ thương của người con gái Hà Nội. Chiếc răng khểnh sẽ chỉ làm rực rỡ hơn cho nụ cười trên khuôn mặt dễ thương kia mà thôi. Giọng Hà Nội thêm duyên vì có thêm chiếc răng khểnh phải không các bạn?

Con gái thấy tôi trầm ngâm mà không viết đã lâu, bèn hỏi: – Bố ơi, bố không viết nữa ạ?!

– Không, bố không cần phải viết nữa đâu con.

Ngôn ngữ văn học

Đâu rồi, tiếng Hà Nội?

ANTD.VN - “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là câu ca dao hàm ý về sự ứng xử giao tiếp bằng ngôn ngữ trong đời sống sao cho lịch lãm, đẹp lòng nhau. Quả thật, lời nói chẳng tốn kém vật chất nhưng nó lại giữ một vai trò quan trọng trong đời sống.

Hà Nội, đô thị có hàng nghìn năm tuổi lại ở vị trí quan trọng là Thủ đô của cả nước. Nơi trung tâm của văn hóa và mọi phương diện khác. Bởi vậy cái sự ăn nói càng cần phải được coi trọng. Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội vốn xưa nay chuẩn mực với những đặc thù rất riêng so với ngôn ngữ vùng miền trong cả nước. Hà Nội với sự phân bố đô thị gồm những làng cổ có truyền thống lâu đời cùng các khu phố cổ vốn là nơi tập trung sản xuất, buôn bán và những khu phố cũ hay còn gọi là phố Tây.

Về đẹp tiếng nói của người Hà Nội

Ở những khu dân cư riêng biệt này tiếng nói cũng có những nét khác biệt nhưng về cơ bản có sự thuần nhất trong cách phát âm. Người Hà Nội có cách phát âm nhẹ, thẳng không uốn lưỡi đối với các cặp phụ âm “tr”, “ch” hay “s”, “x” hoặc “r” với “d”, “gi”… nhưng lại tách bạch phân biệt rõ ràng với âm “l”, “n”. Đi đâu người Hà Nội vẫn giữ được bản sắc giọng nói của mình. Tôi đã đi khắp nước và cả nước ngoài nếu gặp người đồng hương hiển nhiên nghe giọng nói là có thể đoán định được.

Tiếng nói người Hà Nội nhất là phụ nữ luôn dịu nhẹ, tình cảm. Đàn ông thì trầm trầm, ấm áp. Ít có sự băm bổ, ộn ạo trong cách nói của người Hà Nội gốc. Tất nhiên ở đây chỉ nói đến cái chung đa số còn thì với những cung bậc khác ở một số người thì giọng nói, cách nói lại phụ thuộc ở tính cách.

Quy luật phát triển thời hiện đại biến Hà Nội thành một đô thị lớn nhất nhì đất nước với số dân tăng gấp nhiều lần so với chỉ vài chục năm trước. Sự phân bố khu vực dân cư cũng đã thay đổi. Những làng cổ Hà Nội biến mất. Thay vào đó là các khu dân cư, khu đô thị mới và những làng ngoại thành sáp nhập vào nội thành. Những làng ngoại thành đa số là các làng nghề của Hà Nội trước đây với những tập quán lâu đời và tiếng nói cũng mang bản sắc địa phương truyền thống.

Nhưng thay đổi lớn nhất là sự nhập cư của cộng đồng dân các vùng miền vào Hà Nội. Có thể khẳng định Hà Nội bây giờ là một quần thể dân cư người Việt. Trong đó có đủ người ngoại tỉnh không sót một vùng miền nào. Người mỗi địa phương đến Hà Nội mưu sinh lập nghiệp đương nhiên là mang theo giọng nói của nơi mình đến.

Sự hòa trộn này khiến cho tiếng nói của người Hà Nội mới có những âm điệu, ngữ điệu vô cùng phong phú. Thế nên gọi là tiếng nói của người Hà Nội hôm nay cũng đã là một sự nan giải rất khó thống nhất. Nhưng điều đó tôi nghĩ lại không phải là quan trọng. Quan trọng hơn cả là thái độ ứng xử cộng đồng thông qua lời nói mà câu ca dao trên đề cập đến.

Lời nói của người Hà Nội hôm nay hiển nhiên khác trước. Với số dân đông và mang nhiều nét văn hóa vùng miền du nhập thì điều đó là tất yếu. Những chuẩn mực cũ của nếp sống truyền thống dần bị xâm thực bởi nếp sống hiện đại. Ngôn ngữ về cơ bản không thay đổi nhưng cách nói lại khác trước nhiều. Người Hà Nội bây giờ ra đường nhiều khi thấy bất ổn về cách cư xử trong đó lời nói là những biểu hiện rõ nhất.

Một vụ va chạm giao thông nhẹ trên đường lẽ ra chỉ cần một lời xin lỗi là xong nhưng đôi khi lại biến thành ẩu đả. Câu chửi bung ra trong tiết trời nóng nực, một ánh nhìn thiếu thiện cảm cũng có khi thành một cuộc xung đột. Và những lời lẽ dung tục nhất được văng giữa thanh thiên bạch nhật. Người Hà Nội cũ có cách giao tiếp khoan thai và nói năng mềm mỏng, thưa gửi rất lễ độ.

Con cái, phận dưới bao giờ cũng khuôn phép với cha mẹ và các bậc bề trên. Ra đường sự nhường nhịn được coi là ứng xử chủ đạo. Không phải lý do dân nhập cư vào Hà Nội làm mất đi sự thanh lịch mà chính là cách sống hiện đại hôm nay với những hệ lụy từ nhiều bất cập xã hội cùng sự xuống cấp của đạo đức đã biến lời ăn tiếng nói của cộng đồng người Hà Nội bị biến dạng.

Dễ dàng nhận thấy từ cách phát âm giờ cũng đã có quá nhiều điều đáng nói. Phát âm sai, thiếu chuẩn, lẫn lộn về âm là điều rất bình thường. Thậm chí trong lớp trẻ còn tạo dựng ra những nhóm sử dụng ngôn ngữ kiểu như mật ngữ với những lối nói tắt, viết tắt cực kỳ khó hiểu. Nói lái, nói lóng thời nào cũng có nhưng bây giờ những cách nói này phát triển một cách không thể kiểm soát.

Nhưng đáng nói nhất là nói đệm, nói tục, nói bậy có ở đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở thanh thiếu niên. Ở những nơi công cộng, sự tục tĩu trong ngôn ngữ được thể hiện công khai và không một chút nào e dè. Đáng sợ nhất là cách nói này có không ít ở các bạn trẻ, đặc biệt là bạn nữ. Nơi tôn nghiêm nhất là trường học thì bây giờ cũng không còn là thành trì bất khả xâm phạm. Nghe những nhóm học sinh đối thoại nhiều khi người lớn phải đỏ mặt.

Lời ăn tiếng nói thể hiện cách hành xử. Từ lời nói dễ dàng nhận thấy sự ứng xử của người Hà Nội hôm nay với nhau đang ở mức dưới chuẩn mực đẹp. Không mất tiền mua thật nhưng cái sự lựa lời kia cần phải có sự chung sức của tất cả người Hà Nội để có được cái kết đẹp lòng nhau.

Phạm Ngọc Tiến

Trở về đầu trang

Các tin khác

  • Du lịch tâm linh tỉnh Tuyên Quang
  • Những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở Lạng Sơn
  • Đi dọc dải đất chữ S để thưởng thức hết những đặc sản trái cây ở Việt Nam
  • Đền Bắc Lệ: Điểm du lịch tâm linh của xứ Lạng
  • Những vườn trái cây trĩu quả gần TP HCM
  • Thực nghiệm bắn nỏ thần: Tìm về truyền thuyết để minh chứng lịch sử oai hùng
  • Đình - Chùa Hộ Lệnh điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách
  • Đền Xương Rồng – Thành Phố Thái Nguyên
  • Huyền thoại về đền Quán linh thiêng
  • Đình Hùng Vương uy linh ở Thái Nguyên
  • 12345...>>