Ví dụ mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức

Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau.

1. Tác động của đạo đức tới pháp luật

Chuẩn mực đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì họ hiểu các quy định của pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc của đạo đức.

Nhiều quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành pháp luật, nhà nước không thể không tính tới các quy tắc chuẩn mực đạo đức.

>> Xem thêm:

(i) Đối với việc hình thành pháp luật:

+ Nhiều quan điểm đạo đức được thể chế hoá trong pháp luật, nhiều quy tắc đạo đức phù hợp với ý chí của nhà nước được thừa nhận trong pháp luật qua đó agóp phần tạo nên pháp luật.

+ Những quan niệm, quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ trở thành tiền đề để hình thành nên những quy phạm thay thế chúng, từ đó cũng góp phần hình thành nên pháp luật.

(ii) Đối với việc thực hiện pháp luật:

+ Những quan niệm, quy tắc đạo đức được thừa nhận trong pháp luật góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn, bởi vì chúng đã ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân nên ngoài những biện pháp của nhà nước, chúng còn được đảm bảo thực hiện bằng thói quen, bằng lương tâm và niềm tin của mỗi người, bằng dư luận của xã hội.

Ngược lại, những quan niệm, quy tắc đạo đức trái với ý chí của nhà nước sẽ cản trở thực hiện pháp luật trong thực tế.

+ Ý thức đạo đức cá nhân có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện pháp luật. Người có ý thức đạo đức cao trong mọi trường hợp đều nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Ngay cả trường hợp pháp luật có những “khe hở” thì họ cũng không vì thế mà có hành vi “lợi dụng”, để làm điều bất chính. Đối với nhiều trường hợp “đã trót” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ý thức đạo đức giúp chủ thể ăn năn, hối cải, sửa chữa lỗi lầm. Tình cảm đạo đức còn có thể khiến các chủ thể thực hiện hành vi một cách hào hứng, nhiệt tình, tận tâm, triệt để. Ngược lại, đối với những người có ý thức đạo đức thấp thì thái độ tôn trọng pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cũng không cao, họ dễ có các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Tác động của pháp luật tới đạo đức

Trong một số trường hợp, định hướng đạo đức muốn được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội thì phải thông qua các quy phạm pháp luật để thể hiện. Điều đó cho thấy ở một số khía cạnh nhất định pháp luật có ưu thế nổi trội hơn so với chuẩn mực đạo đức. Pháp luật không chỉ là sự ghi nhận các chuẩn mực đạo đức, mà còn là công cụ phương tiện bảo vệ chuẩn mực đạo đức một cách hữu hiệu bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Pháp luật có vai trò to lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển các quy tắc đạo đức phù hợp, tiến bộ trong xã hội.

– Pháp luật  có thể góp phần củng cố, phát huy vai trò, tác dụng thực tế của các quan niệm, quy tắc đạo đức khi chúng phù hợp với ý chí của nhà nước và được thừa nhận trong pháp luật, bởi vì ngoài việc đảm bảo thực hiện bằng lương tâm, niềm tin, dư luận xã hội,…chúng còn được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước.

– Pháp luật giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức của dân tộc, ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức. Bằng việc ghi nhận các quan niệm, chuẩn mực đạo đức trong pháp luật, nhà nước bảo đảm cho chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Một khi được thể chế hóa thành pháp luật, việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó trở thành nghĩa vụ của toàn thể xã hội, các cá nhân, tổ chức dù không muốn cũng phải thực hiện theo. Đặc biệt, bằng việc xử lí nghiêm những chủ thể có hành vi đi ngược với các giá trị đạo đức xã hội, pháp luật góp phần bảo vệ và giữ gìn các giá trị đạo đức của xã hội, ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức.

– Pháp luật cũng có thể loại bỏ các chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, cải tạo các chuẩn mực đạo đức, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp hơn với tiến bộ xã hội.

04(116)/2018

Ví dụ mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức

Mục lục

  • 1.Khái quát chung về pháp luật và đạo đức xã hội
  • 2.Những điểm giống nhau cơ bản giữa pháp luật và đạo đức
  • 3.Những điểm khác nhau cơ bản giữa pháp luật và đạo đức xã hội
  • 4.Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức xã hội
  • 5.Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật và đạo đức
  • 6.Tài liệu tham khảo

Pháp luật và đạo đức xã hội

NGUYỄN THỊ NGỌC MAI

04(116)/2018 - 2018, Trang 18-24

Ngày đăng: 10/05/2018

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Để tạo ra sự ổn định, trật tự giữa các thành viên riêng rẽ trong xã hội theo những mục tiêu nhất định, con người đã biết sử dụng rất nhiều các công cụ điều chỉnh khác nhau, trong đó quan trọng nhất là pháp luật và đạo đức xã hội. Bài viết trình bày những vấn đề cơ bản nhất về hai hiện tượng này, chỉ ra những điểm tương đồng, sự khác biệt cũng như mối quan hệ giữa chúng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật và đạo đức xã hội.


ABSTRACT:

In order to create stability and order among the individual members in society for certain purposes, people have learned to use a variety of adjustment tools, of which the most important are the laws and social morality. This article presents the most fundamental issues about these two phenomena, showing similarities, differences, and the relationship between them. Based on that, the author proposes some recommendations to improve the effectiveness of regulating the social relations of law and social morality.


TỪ KHÓA: quy phạm, đạo đức xã hội, pháp luật, công cụ điều chỉnh, quan hệ xã hội,

KEYWORDS: adjustment tools, social ethics, social relations, norms,


Trích dẫn:

×

NGUYỄN THỊ NGỌC MAI, Pháp luật và đạo đức xã hội, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 04(116)/2018, Trang 18-24

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=c65e57ea-a2ce-430e-8228-4f294d607538

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Khái quát chung về pháp luật và đạo đức xã hội

Trong xã hội loài người, để có thể tồn tại và phát triển, các cá nhân phải liên kết với nhau thành cộng đồng. Mô hình cộng đồng đòi hỏi phải có sự tham gia, phối hợp hoạt động của các cá nhân riêng rẽ theo những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, để đạt được những yêu cầu này, xã hội loài người đã sử dụng rất nhiều các công cụ điều chỉnh mang tính quy phạm như tập quán, tín điều tôn giáo, đạo đức... và đặc biệt là pháp luật.

Theo quan điểm pháp luật thực định, pháp luật được hiểu là phép tắc do nhà nước đặt ra để quy định hành vi của con người.[1]Nói cách khác, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội.[2]Như vậy, pháp luật là một hiện tượng xã hội đặc biệt quan trọng và vô cùng phức tạp nên cũng có rất nhiều quan niệm, nhận thức khác nhau. Chúng tôi cho rằng, mỗi cách tiếp cận pháp luật đều có tính hợp lý nhất định và xét cho cùng dù khác nhau về câu chữ, ngôn từ, về góc độ tiếp cận nhưng các định nghĩa này đều thừa nhận những đặc điểm chung của pháp luật là quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc, do nhà nước đặt ra, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm thiết lập trật tự xã hội.

Xét về mặt nguồn gốc, pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan: (i) pháp luật ra đời do nhu cầu đòi hỏi khách quan của xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định; (ii) pháp luật phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà nước, do nhà nước đặt ra trên cơ sở khái quát những quy luật của đời sống xã hội thông qua lăng kính chủ quan của nhà cầm quyền. Điều này cho thấy, pháp luật không đơn thuần chỉ là ý chí của lực lượng cầm quyền được đề lên thành luật, mà còn là sự phản ánh tập trung các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, là biểu hiện các quan hệ lợi ích của các nhóm xã hội, các cộng đồng người trong những điều kiện lịch sử cụ thể nhất định.

Với tư cách là những quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra, pháp luật có những dấu hiệu (thuộc tính, đặc trưng) mà các loại quy phạm xã hội khác không có như tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức, tính quy phạm phổ biến, tính được đảm bảo bởi nhà nước… Trong đời sống xã hội, pháp luật được đánh giá là công cụ quản lý xã hội quan trọng, hiệu quả và không thể thiếu của bất kỳ một nhà nước nào.

Mặc dù rất quan trọng nhưng pháp luật cũng không phải là công cụ duy nhất để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội. Hơn nữa, pháp luật cũng không thể và không cần thiết phải điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội. Để điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội, pháp luật cần “dành chỗ” cho các quy phạm xã hội khác trong đó có đạo đức. Có thể khẳng định, đạo đức tác động tới hầu hết các quan hệ xã hội quan trọng. Con người tham gia vào rất nhiều các mối quan hệ xã hội khác nhau từ đó hình thành ở họ những quan điểm, quan niệm về chân, thiện, mỹ, về trách nhiệm, bổn phận… Vậy đạo đức là gì?

Hiểu một cách chung nhất,đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.[3]Là chuẩn mực ứng xử của con người, đạo đức có vai trò chi phối, tác động tới hành vi của con người trong các mối quan hệ với cộng đồng nói chung.Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa:“Đạo đức là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Như vậy, đạo đức là một phạm trù vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Ở góc độ cá nhân, đạo đức chính là thước đo để mỗi con người tự đánh giá về hành vi, thái độ, cách ứng xử của mình. Ở góc độ xã hội, đạo đức cũng là chuẩn mực để đánh giá về những hành vi của các thành viên trong cộng đồng thể hiện ở dư luận xã hội, thái độ của xã hội đối với hành vi của các chủ thể.

Do đạo đức là quan điểm của con người nên nó cũng chịu ảnh hưởng bởi đời sống sinh hoạt vật chất của xã hội. Những quan niệm về đạo đức có thể thay đổi và có thể rất khác nhau tùy vào từng giai đoạn lịch sử, tùy vào từng vùng miền, lãnh thổ. Chính vì vậy, đạo đức cũng mang tính giai cấp. Thực tiễn cho thấy, sự đánh giá của xã hội và của cá nhân về một hành vi nào đó có thể thống nhất với nhau những cũng có thể trái ngược nhau. Ví dụ, hành vi của người mẹ bị ung thư phổi giai đoạn cuối đã từ chối điều trị để nhằm duy trì sự sống cho con mình và sau khi sinh con người mẹ đó đã chết lại nhận được rất nhiều quan điểm đánh giá khác nhau: có người cho rằng đây là sự hy sinh cao cả của người mẹ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác lại cho rằng đứa trẻ đó bất hạnh vì sớm mồ côi mẹ và suốt đời mang mặc cảm rằng vì nó mà mẹ nó chết.[4]Vì vậy, mỗi hành vi đạo đức được thực hiện trên thực tế thường hình thành ở chủ thể những xúc cảm, tình cảm thanh thản hay bị giày vò, cắn rứt đối với lương tâm của họ.[5]Có thể khẳng định rằng, đạo đức giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối sống của cộng đồng cũng như của mỗi cá nhân. Bên cạnh việc giúp con người hình thành nhân cách cá nhân, đạo đức cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố, duy trì sự ổn định, trật tự trong gia đình và xã hội. Nếu như pháp luật do nhà nước ban hành không thể và không cần thiết phải điều chỉnh tất cả các quan hệ thì đạo đức có thể tác động tới hầu hết các quan hệ xã hội từ quan trọng đến không quan trọng. Suy cho cùng có thể nói rằng pháp luật được ban hành để quản lý xã hội theo ý chí của lực lượng cầm quyền nhưng pháp luật đó muốn đi vào đời sống được thì phải xây dựng trên nền tảng đạo đức bởi“pháp luật sinh ra để phục vụ, vì con người chứ không phải con người tồn tại vì pháp luật”.


[1] Văn Tân (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 614.

[2] Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 288.

[3] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Nxb.Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2006, tr. 290.

[4] Câu chuyện của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm (sinh năm 1991) công tác tạiPhòng Tham mưu tổng hợp - Công an Hà Tĩnh từ chối điều trị bệnh ung thư để duy trì sự sống cho con, xem: Trần Hưng, “Mẹ từ chối trị ung thư để con chào đời xót xa mạng xã hội”, Báo điện tử Vnexpress, http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/me-tu-choi-tri-ung-thu-de-con-chao-doi-xot-xa-mang-xh-3437410.html, truy cập 10/3/2017.

[5] Nguyễn Văn Năm, “Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, Tạp chí Luật học, số 4, 2006.

2. Những điểm giống nhau cơ bản giữa pháp luật và đạo đức

Thứ nhất, pháp luật và đạo đức đều là công cụ điều chỉnh xã hội, là chuẩn mực, khuôn mẫu cho hành vi của các cá nhân, tổ chức

Trong đời sống xã hội, pháp luật không phải là“công cụ quản lý xã hội duy nhất và vạn năng”[6]để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội. Trong xã hội bao giờ cũng tồn tại một khoảng trống mà pháp luật chưa thể lấp đầy, khi đó các chuẩn mực xã hội khác, trong số đó có đạo đức sẽ làm nhiệm vụ“tạm thời lấp vào các lỗ hổng, các khoảng trống đó”. J.J.Rousseau cho rằng:“Phong tục tập quán và truyền thống đạo đức, nói chung là dư luận nhân dân, là một loại pháp luật quan trọng hơn cả. Luật này không khắc lên đá, lên đồng mà khắc vào lòng dân, tạo nên hiến pháp chân chính của quốc gia. Luật này mỗi ngày lại có thêm sức mới, khi các thứ luật khác đã già cỗi hoặc tắt ngấm thì luật này thắp cho nó lại sáng lên, hoặc bổ sung, thay thế nó, duy trì cả dân tộc trong tinh thần thể chế, lẳng lặng đưa sức mạnh của thói quen thay vào sức mạnh của quyền uy”.[7]

Thứ hai, pháp luật và đạo đức đều hình thành trên cùng một nền tảng cơ sở kinh tế - xã hội

Là các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng nên cả pháp luật và đạo đức đều chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng. Điều đó có nghĩa là quy tắc pháp luật hay quy tắc đạo đức sẽ không giống nhau ở trong những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Ví dụ, quy định pháp luật, quan niệm đạo đức trong thời kỳ phong kiến sẽ có những điểm khác biệt so với pháp luật và quan niệm đạo đức trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, pháp luật và đạo đức cũng có sự tác động ngược trở lại đối với cơ sở hạ tầng theo hai chiều hướng tích cực (nếu phù hợp với các quy luật phát triển kinh tế - xã hội) hoặc tiêu cực (nếu không phản ánh đúng các quy luật kinh tế - xã hội, thấp hơn hoặc cao hơn điều kiện kiện tế - xã hội).

Thứ ba, trong nhiều trường hợp cả pháp luật và đạo đức đều vừa phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền vừa phục vụ cho lợi ích của xã hội nói chung

Về nguyên tắc, trong nhiều trường hợp, đạo đức có thể thay thế pháp luật hoàn toàn trong quản lý xã hội. Đạo đức có thể tác động tới hầu hết các quan hệ xã hội, kể cả các quan hệ xã hội mà pháp luật không điều chỉnh như quan hệ tình bạn, tình yêu nam nữ... Lịch sử xã hội loài người đã từng trải qua một trạng thái xã hội như vậy - xã hội công xã nguyên thủy. Ở xã hội này không có pháp luật mà chỉ có đạo đức, tập quán là nhân tố quản lý xã hội.

Thứ tư, pháp luật và đạo đức có nhiều điểm tương đồng

Nhà nước thừa nhận và chuyển hóa nhiều quy tắc đạo đức thành pháp luật khi chúng phù hợp với nhu cầu xã hội như trách nhiệm và nghĩa vụ giữa cha mẹ với con, nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng… Phạm vi điều chỉnh của pháp luật và đạo đức trong nhiều trường hợp là thống nhất với nhau. Ví dụ, đạo đức lên án và pháp luật trừng trị hành vi giết người, trộm cắp tài sản, hủy hoại môi trường.

Pháp luật chủ yếu được xây dựng trên cơ sở nền tảng đạo đức xã hội nhưng chúng không đồng nhất với nhau. Thậm chí trong nhiều trường hợp chúng còn mâu thuẫn, cản trở nhau trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do đó, bên cạnh những điểm tương đồng, hai loại quy phạm xã hội này còn có những điểm khác biệt căn bản. Thực tiễn cho thấy, việc kết hợp các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, mức độ sử dụng chúng như thế nào trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội phải căn cứ trên những sự khác biệt này.


[6] Nguyễn Minh Đoan, Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 5.

[7] Jean Jacques Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 90.


3. Những điểm khác nhau cơ bản giữa pháp luật và đạo đức xã hội

Thứ nhất, về nguồn gốc hình thành

Đạo đức chủ yếu hình thành một cách tự phát trong đời sống xã hội do thành viên xã hội tự đặt ra, được xã hội chấp nhận và tự nguyện tuân theo. Những quy tắc đạo đức được hình thành từ rất sớm cùng với sự xuất hiện của xã hội con người. Pháp luật, theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ xuất hiện khi nhà nước ra đời, xã hội đã phát triển đến trình độ nhất định.

Thứ hai, về hình thức thể hiện

Được hình thành chủ yếu do tự phát nên các quy tắc đạo đức thường không có hình thức xác định, thường thể hiện dưới dạng bất thành văn và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trên thực tế, chúng ta có thể tìm thấy những quy tắc đạo đức này trong nhiều hình thức thể hiện phong phú khác nhau như ca dao, dân ca, tập quán. Pháp luật do nhà nước ban hành nên có hình thức xác định như tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật. Tùy vào từng thời kỳ lịch sử, từng nhà nước khác nhau mà hình thức pháp luật nào được coi là phổ biến. Ví dụ, tập quán pháp và tiền lệ pháp là hai hình thức pháp luật phổ biến của các nhà nước chủ nô, phong kiến nhưng đến các nhà nước hiện đại ngày nay thì nhiều quốc gia xác định văn bản quy phạm pháp luật là nguồn chủ yếu.

Thứ ba, về phạm vi tác động

Xuất phát từ nguồn gốc hình thành cũng như hình thức thể hiện của đạo đức trong đời sống xã hội cho nên phạm vi tác động của đạo đức là rất rộng so với pháp luật. Đạo đức không chỉ điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật mà còn tác động tới cả những quan hệ xã hội mà vốn dĩ pháp luật không thể điều chỉnh mặc dù những quan hệ này rất phổ biến như: quan hệ về đính hôn, tổ chức lễ cưới, quan hệ tình yêu, tình bạn…

Thứ tư, về khả năng áp dụng và cơ chế điều chỉnh

Cả pháp luật và đạo đức đều là khuôn mẫu hành vi. Tuy nhiên, nếu các quy định pháp luật thường chặt chẽ, chính xác, được áp dụng thống nhất trong phạm vi hiệu lực của nó thì các quy định của đạo đức thường rất khái quát, chung chung. Các chuẩn mực đạo đức không có tính đồng nhất. Có những chuẩn mực được thừa nhận chung là đạo đức truyền thống của cả một dân tộc đã được khẳng định qua thời gian và vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn cho đến ngày nay nhưng cũng có những chuẩn mực riêng cho những tầng lớp và nhóm dân cư nhất định. Vì vậy, việc vận dụng và áp dụng đạo đức như thế nào lại tùy thuộc vào từng chủ thể trong những tình huống cụ thể.

Nếu như pháp luật tác động tới các quan hệ xã hội bằng cách đặt ra các quy phạm quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật (như cấm đánh bạc, cấm hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức) thì quy tắc đạo đức điều chỉnh hành vi con người bằng cách quy định về bổn phận, về nghĩa vụ là chủ yếu: phải làm gì, nên làm gì, cần phải làm gì, không nên làm gì… (nên nhường chỗ cho người lớn tuổi trên xe buýt, trẻ em phải chào hỏi người lớn, con phải mời ông bà, cha mẹ khi ăn cơm...). Bên cạnh đó, nếu cơ chế điều chỉnh pháp luật có sự tham gia của rất nhiều yếu tố khác nhau[8]với nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau mang tính phức tạp thì ngược lại trong cơ chế điều chỉnh của quy phạm đạo đức chủ yếu do chủ thể tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với nhận thức của họ, mặc dù có thể họ vẫn chịu sự tác động của xã hội hay cộng đồng.

Thứ năm, về biện pháp đảm bảo thực hiện

Mặc dù đều là khuôn mẫu, chuẩn mực cho hành vi xử sự của con người nhưng biện pháp đảm bảo của hai loại quy phạm này là khác nhau. Nếu như các quy phạm pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện trên hai phương diện cụ thể là: (i) sự phù hợp về mặt nội dung của quy phạm pháp luật với nhu cầu điều chỉnh xã hội; (ii) đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cụ thể như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, bằng các biện pháp tổ chức, hành chính, kinh tế. Trong khi đó, các quy phạm đạo đức được bảo đảm thực hiện chỉ bằng các biện pháp mang tính xã hội như sự lên án của cộng đồng, sự tẩy chay của xã hội… Nhìn chung nếu nghiên cứu sâu hơn sẽ thấy trong quy phạm pháp luật thường có một bộ phận là biện pháp bảo đảm cho quy phạm được thực hiện (ở góc độ hẹp được hiểu là bộ phận chế tài) thì các quy tắc đạo đức hầu như không có bộ phận chế tài, “không nêu ra các biện pháp chế tài”.[9]


[8] Cơ chế điều chỉnh pháp luật gồm 07 yếu tố: quy phạm pháp luật; văn bản áp dụng pháp luật; quan hệ pháp luật; chủ thể quan hệ pháp luật; trách nhiệm pháp lý; y thức pháp luật; pháp chế. Vai trò của mỗi yếu tố là khác nhau.

[9] Nguyễn Văn Năm, tlđd, tr. 33 – 39.

4. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức xã hội

Pháp luật và đạo đức đều là chuẩn mực cho hành vi con người trong đời sống xã hội với mục đích cơ bản là làm cho xã hội ổn định trật tự và ngày càng phát triển hơn. Vì vậy, pháp luật và đạo đức luôn gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Thứ nhất, pháp luật được hình thành chủ yếu trên cơ sở nền tảng đạo đức xã hội

Chỉ khi nào các chuẩn mực pháp luật được xây dựng trên cơ sở đạo đức xã hội nó mới có thể tồn tại lâu dài, dễ dàng đi vào đời sống và dễ dàng thực hiện. Nội dung của pháp luật cho dù có phong phú, đa dạng, cao siêu đến đâu thì cũng phải chứa đựng, toát lên trong đó tinh thần, nội dung của đạo đức xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, pháp luật bao giờ cũng là một trong những biện pháp để khẳng định chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen. Hay nói cách khác, mọi kiểu pháp luật đều phải trở về với cơ sở đạo đức của nó. Trong Bộ luật dân sự Hy Lạp có ghi nhận một nguyên tắc nói rằng, việc sử dụng một quyền nào đó sẽ bị cấm, nếu nó vượt ra ngoài ranh giới của lương tri, đạo đức hoặc mục đích kinh tế và xã hội. Ở nhiều nước, tòa án có thể vận dụng các nguyên tắc mang tính đạo đức khi xử lý các vụ kiện dân sự mặc dù nguyên tắc này không được ghi nhận trong luật, người ta gọi đó là “sự điều chỉnh đạo đức”, chẳng hạn như nguyên tắc “việc cố ý nói không trung thực sẽ làm tiêu hủy các hậu quả pháp lý” hay nguyên tắc “ thể nhân không được quyền kiện về các hậu quả do chính mình gây ra và nhằm làm lợi cho chính mình”,...[10]Trong quản lý nhà nước, cùng với pháp luật, đạo đức xã hội hay nhân tâm con người là một thành trì vững chãi để giữ vững chế độ. Dưới triều Tây Sơn ở nước ta, ở trấn Quảng Nam gặp năm mất mùa dân đói, nhiều phủ, huyện sinh loạn, vua Cảnh Thịnh đã cho giao nữ tướng Bùi Thị Xuân vào làm trấn thủ Quảng Nam, vỗ yên xã tắc. Khi nhà vua hỏi làm cách nào để trị được nạn trộm cướp, giúp dân an cư lạc nghiệp, và khuyên bà nên sử dụng pháp luật để đánh diệt cướp trước rồi hãy làm cho dân yên, nữ tướng đã trả lời: ai được nhân tâm thì hưng thịnh, ai mất nhân tâm thì tan vỡ, ai cậy vào đức thì hùng cường, ai cậy vào sức thì sẽ mất.[11]

Thứ hai, pháp luật thể chế nhiều quy phạm đạo đức thành pháp luật

Sự tồn tại của đạo đức trong xã hội rất đa dạng, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà nước sẽ lựa chọn những quy phạm đạo đức nào phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, phù hợp với nhu cầu điều chỉnh và phát triển chung của xã hội để đưa vào trong pháp luật hoặc nhà nước sẽ bảo vệ, củng cố những quan điểm, tư tưởng đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, bằng việc đưa ra các quy định cấm, hạn chế, pháp luật loại trừ dần những quy tắc đạo đức không phù hợp với lợi ích giai cấp nói chung cũng như đi ngược lại tiến bộ xã hội. Ngoài ra, nhằm hình thành những quan niệm đạo đức tiến bộ, phù hợp với điều kiện xã hội mới cũng như nhằm chống lại sự xuống cấp của đạo đức xã hội, pháp luật đưa ra nhiều quy định khác nhau. Nhiều quy tắc đạo đức đã được luật hóa để bảo vệ, giữ gìn như quy tắc về nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa vợ và chồng… hay các quy tắc đạo đức nghề nghiệp…

Thứ ba, pháp luật góp phần hình thành những quan điểm, chuẩn mực đạo đức mới

Không chỉ xuất hiện trên cơ sở đạo đức, pháp luật còn góp phần hình thành những quan điểm, chuẩn mực đạo đức mới trong điều kiện cơ sở kinh tế - xã hội có sự thay đổi. Ví dụ, quan niệm thế nào là người tốt, người có đạo đức trong xã hội hiện nay. Với những quy định của mình, pháp luật góp phần định hình quan niệm, chuẩn mực đạo đức mới như phải là người có trình độ, yêu lao động và lao động đạt kết quả tốt, người sống và làm việc theo pháp luật,… chứ không phải là người làm công việc “sang” hay “hèn”,…[12]

Thứ tư, đạo đức hỗ trợ, góp phần đưa pháp luật vào đời sống

Đạo đức không chỉ là nền tảng xây dựng pháp luật mà nó còn góp phần đưa pháp luật vào đời sống. Trong nhiều trường hợp, pháp luật và các quy phạm đạo đức thống nhất nhau về phạm vi và mục đích điều chỉnh. Điều này có nghĩa là tuân thủ đạo đức cũng là thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, không phải mọi quan hệ xã hội đều thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật và đạo đức mà có trường hợp có quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của đạo đức nhưng không phải là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Ngược lại, cũng có những quan hệ xã hội chỉ có thể là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Bên cạnh đó, không phải lúc nào pháp luật và đạo đức cũng tác động cùng chiều mà cũng có tác động ngược. Do đó, thông thường những người có đạo đức tốt thì cũng là những người có ý thức thực hiện pháp luật và ngược lại người không có đạo đức tốt thì dễ vi phạm pháp luật.


[10] Đào Trí Úc, Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 41.

[11] Văn Lang, Nguyễn Anh, Quỳnh Cư, Danh nhân đất Việt (tập 4), Nxb. Văn học, 2013, tr. 79

[12] Nguyễn Minh Đoan, tlđd, tr. 172

5. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật và đạo đức

Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện không thể thiếu bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền tảng đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.[13]Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của pháp luật và đạo đức xã hội ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như:

Trong một số trường hợp, ranh giới điều chỉnh giữa đạo đức và pháp luật chưa rõ ràng hay sự thể chế hóa các quy phạm đạo đức của nhà nước không cụ thể dẫn đến khó ứng dụng vào đời sống. Trên thực tế, việc đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không trái với đạo đức xã hội không hề đơn giản, cùng một hành vi nhưng có thể có các đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau;

Trong xã hội hiện nay nhiều quan niệm, tư tưởng cổ hủ vẫn còn tồn tại mà chưa bị ngăn chặn đúng mức cần thiết như thói gia trưởng, tư tưởng cá nhân, phân biệt địa vị, đẳng cấp xã hội, trọng nam khinh nữ. Hiện tượng suy thoái về đạo đức thể hiện ở một số dạng chủ yếu như lối sống ích kỷ, cá nhân vụ lợi… diễn ra ngày càng phổ biến. Đặc biệt là sự “xuống cấp” đạo đức trong các mối quan hệ gia đình như cha mẹ - con, vợ - chồng. Sự suy thoái về đạo đức nghề nghiệp cũng có chiều hướng gia tăng. Tất cả thực trạng này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển ổn định và lành mạnh của xã hội.

Trên cơ sở phân tích, tác giả đề xuất:

Thứ nhất, xác định đúng về vị trí, vai trò của pháp luật và đạo đức trong đời sống xã hội

Trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhà nước phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức để chúng hỗ trợ nhau, phát huy được những ưu điểm cũng như khắc phục được những hạn chế của hai loại quy phạm quan trọng này. Tuy nhiên, pháp luật bao giờ cũng được ưu tiên áp dụng hơn so với đạo đức mặc dù pháp luật có thể được xây dựng trên nền tảng đạo đức. Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã khẳng định:“quản lý bằng pháp luật chứ không chỉ bằng đạo lý…”.[14]

Thứ hai,xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các chuẩn mực đạo đức phù hợp kết hợp với việc nâng cao ý thức cá nhân

Xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện, phù hợp, đồng bộ, hiệu quả là yêu cầu đặt ra cho bất kỳ một nhà nước nào trên thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các quy định pháp luật, Nhà nước cũng cần chú trọng khuyến khích và phát triển những quy ước mang tính đạo đức trong từng lĩnh vực, nghề nghiệp của đời sống xã hội như quy ước về đạo đức nghề luật, đạo đức nghề báo, đạo đức người kinh doanh. Khi đặt ra các quy phạm pháp luật, nhà lập pháp cần phải xem xét cân nhắc quy phạm đó có phù hợp với đạo đức không; có ảnh hưởng tới các chuẩn mực đạo đức truyền thống không; nếu có, mức độ ảnh hưởng như thế nào?Ngay cả khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh thì từng cá thể, nếu thực sự muốn, vẫn có thể cư xử một cách văn minh, có trách nhiệm theo đúng đạo đức của mình.

Thứ ba, tăng cường công tác phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức

Pháp luật và đạo đức là hai công cụ quản lý quan trọng của nhà nước và xã hội. Vì vậy, một cách hiệu quả nhất để đưa pháp luật và đạo đức vào đời sống là tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đạo đức trong các cộng đồng dân cư, các cá nhân, tổ chức và trên quy mô toàn xã hội. Khi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải kết hợp với giáo dục đạo đức và ngược lại nhưng phải đặc biệt nhấn mạnh tuân theo đạo đức nhưng phải tôn trọng và thực hiện sự nghiêm minh của các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhà nước cần chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng, tuyên truyền thực hiện các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong các lĩnh vực, đồng thời tạo môi trường xã hội minh bạch, thuận lợi để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp được phát huy trong các mối quan hệ xã hội.


[13] Lê Thị Tuyết Ba, “Vai trò của pháp luật đối với việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Triết học, https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-dan-su/vai-tro-cua-phap-luat-doi-voi-viec-hinh-thanh-va-phat-trien-y-thuc-dao-duc-o-viet-nam-trong-giai-doan-hien-nay.aspx, truy cập ngày 8/8/2016.

[14]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 120.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ luật Dân sự năm 2015 [trans: Civil Code 2015]

[2] Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003 [trans: Central Committee of Ideology and Culture, Research Paper of Ho Chi Minh Thought, National Political Publishing House, Hanoi, 2003]

[3] Lê Thị Tuyết Ba, “Vai trò của pháp luật đối với việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Triết học, [trans: Le Thi Tuyet Ba, “The Role of the Law in Forming and Developing Moral Consciousness in Vietnam in the Present Period,” Journal of Philosophy], https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-dan-su/vai-tro-cua-phap-luat-doi-voi-viec-hinh-thanh-va-phat-trien-y-thuc-dao-duc-o-viet-nam-phan-doan-hien-nay.aspx, accessed 8/8/2016

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1987 [trans: Communist Party of Vietnam, Documents of the 6th National Party Congress, National Political Publishing House - The Truth, Hanoi, 1987]

[5] Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Luật, Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2007 [trans: National University of Hanoi, Faculty of Law, Hoang Thi Kim Que (editor), General Theory of Law and the State, National University Publishing House, Hanoi, 2007]

[6] Nguyễn Minh Đoan, Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội (sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008 [trans: Nguyen Minh Doan, The role of law in social life (reference book), National Political Publishing House, Hanoi, 2008]

[7] Trần Hưng, Mẹ từ chối trị ung thư để con chào đời xót xa mạng XH, Báo điện tử Vnexpress, [trans: Tran Hung, “Mother refuses to cancer to give birth to social networks”, Vnexpress online newspaper], http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/me-tu-choi-tri-ung-thu-de-con-chao-doi-xot-xa-mang-xh-3437410.html, access on 10/3/2017

[8] Văn Lang, Nguyễn Anh, Quỳnh Cư, Danh nhân đất Việt (tập 4), Nxb. Văn học, 2013 [trans: Van Lang, Nguyen Anh, Quynh Cu, Vietnamese landlords (Volume 4), Literature Publishing House, 2013]

[9] Nguyễn Văn Năm, “Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức”, Tạp chí Luật học, số 4, 2006 [trans: Nguyen Van Nam, “Awareness of the relationship between law and ethics”, Journal of Laws, No. 4, 2006]

[10] Jean Jacques Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1992 [trans: Jean Jacques Rousseau, Social Contract, Publisher Ho Chi Minh City. Ho Chi Minh City, 1992]

[11] Đào Văn Tập, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951. [trans: Dao Van Tap, Vietnamese Dictionary, Vinh Bao Publishing House, Saigon, 1951]

[12] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận về nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007 [trans: Hanoi Law University, Theory of Law and theories, Justice Publishing House, Hanoi, 2007]

[13] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Tập bài giảng Lý luận về pháp luật [trans: Ho Chi Minh University of Law, lecture series Legal theory]

[14] Đào Trí Úc, Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 [trans: Dao Tri Uc, Theoretical Issues of Law, Social Science Publishing House, Hanoi, 1993]

[15] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2002 [trans: Institute of Linguistics, Vietnamese Dictionary (Hoang Phê editor) Da Nang Publishing House - Dictionary Center, 2006]

[16] Vân Tân (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992 [trans: Van Tan (editor), Vietnamese Dictionary, Social Science Publishing House, Hanoi, 1977]

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Ví dụ mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref