Ví dụ về pháp nhân thương mại phạm tội

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Theo đó, pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội thỏa mãn các điều kiện:

Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của tổ chức kinh tế mà theo pháp luật thì tổ chức kinh tế này là pháp nhân thương mại. Nếu họ không phải trong tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại.

Tuy nhiên, nếu một người được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân thương mại giao và khi thực hiện họ nhân danh pháp nhân thương mại đã ký hợp đồng hoặc uỷ quyền cho họ thì hành vi phạm tội của người này vẫn là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại mà họ ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền.

Ví dụ về pháp nhân thương mại phạm tội

Ảnh minh họa (nguồn intenet)

Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Khi một người hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu. Có thể nói, đây là một dạng hành vi “vượt quá của người thực hành” trong vụ án mà pháp nhân thương mại phạm tội.

Ví dụ:  Công ty TNHH một thành viên X giao cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B vận chuyển một số thiết bị y tế là hàng cấm mà Công ty mua được của một Công ty Y. Trong quá trình nhận và vận chuyển số hàng cấm trên, A và B đã bàn với nhau “nhân tiện” vận chuyển một số thuốc lá ngoại để tiêu thụ. Trên đường vận chuyển thì bị Công an bắt giữ. Khi bị bắt, để trốn tránh trách nhiệm A và B khai tất cả hàng trên xe là của Công ty X. Sau khi điều tra, xác minh thì số thuốc lá ngoại mà A và B vận chuyển không phải của Công ty X, mà của cá nhân A và B. Do đó, Cơ quan điều tra chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty X về hành vi vận chuyển hàng cấm là các thiệt bị y tế.

Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty.

Sự chỉ đạo, điều hành này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.

Ví dụ: Một số Công nhân của Công ty A có nhiệm vụ kiểm tra các van xả nước thải theo quy trình xả thải đã được thiết kế và được cơ quan chức năng chấp nhận. Tuy nhiên, khi kiểm tra các van xả thải thấy có nhiều van đã hỏng, một số đường ống đã vỡ làm cho nước thải chảy ra sông. Các công nhân này đã gọi điện về báo cáo Giám đốc tình hình xả thải như trên và đề nghị tiếp tục cho xả thải ra môi trường. Khi được báo cáo, Giám đốc công ty đã đồng ý với biện pháp của các công nhân, mà không có biện pháp khắc phục trong một thời gian dài gây ô nhiễm nguồn nước làm cho các sinh vật sống ở sồng chết hàng loạt.

Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Dù là người phạm tội hay pháp nhân thương mại phạm tội thì bao giờ BLHS sự cũng quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS năm 2015 tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015. Điều luật này đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015.

Theo đó, tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của BLHS năm 2015 (là các tội phạm mà pháp nhân thương mại thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Cũng như đối với người phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015), pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Khi áp dụng các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội cần chú ý:

Nếu người của pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân thương mại và pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tư cách là cá nhân. Quy định này chống việc lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện hành vi phạm tội nhằm thoát sự trừng trị của pháp luật.

Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong BLHS, mà chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của pháp nhân thương mại.

Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định tại các điều: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã). Trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung thì chỉ có 31 tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015  được sửa đổi, bổ sung thì ngoài 31 tội danh đã được quy định trong BLHS thì Quốc hội đã bổ sung thêm 2 tội, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Như vậy, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội.

Trong số 33 tội danh pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như  tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… nhưng cũng có tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như: Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền.

Xem thêm>>>

Mức tiền nộp để đảm bảo thi hành án của pháp nhân thương mại

Những trường hợp bị can, đại diện của pháp nhân phạm tội không được đọc và chép tài liệu vụ án

Đón đọc>>>

Hình phạt đối với pháp nhân thương mại

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc Hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015  (Bộ luật Hình sự năm 2015) đã có một bước tiến mới trong tư duy lập pháp hình sự trong việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (PNTM). Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và tranh cãi xoay quanh việc áp dụng tội danh và xác định hình phạt đối với PNTM và trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện theo pháp luật của PNTM. 

Sự cần thiết Truy cứu Trách nhiệm Hình sự đối với Pháp nhân Thương mại

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm, đòi hỏi Việt Nam phải bổ sung trách nhiệm hình sự của PNTM để phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tại Việt Nam, tình hình vi phạm pháp luật của các PNTM diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ và hậu quả. Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính tuy đã được điều chỉnh tăng mức phạt cao hơn so với trước kia, nhưng cũng không đủ sức răn đe. Vì vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM được cho là biện pháp hiệu quả đủ sức răn đe, phòng ngừa các tội phạm do PNTM gây ra.

Trên thực tế, hoạt động quản lý của các doanh nghiệp không chỉ được quyết định bởi cá nhân Giám đốc hoặc người điều hành doanh nghiệp, mà trong nhiều trường hợp, các quyết định đưa ra (bao gồm cả những quyết định vi phạm) trên cơ sở bàn bạc, biểu quyết tập thể. Vì vậy, nếu chỉ buộc một số cá nhân chịu trách nhiệm hình sự trong khi việc biểu quyết theo Hội đồng và cả tập thể được hưởng lợi là thiếu công bằng.

Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm hình sự của PNTM còn có ý nghĩa trong việc chuyển trách nhiệm chứng minh từ cá nhân người bị thiệt hại sang trách nhiệm chứng minh của Nhà nước – chủ thể thay mặt người dân trong việc buộc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại.

Từ những lý do trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của PNTM là phù hợp với thực tiễn và lý luận. Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý PNTM trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập thể hiện rõ ràng nhất là cho đến thời điểm hiện nay, trên cả nước chỉ 02 Quyết định khởi tố bị can đối với PNTM phạm tội . Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận, chất vấn tại nghị trường Quốc Hội.

Pháp nhân Thương mại bị Khởi tố Bị can khi nào?

Theo quy định tại Điều 74, Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể khẳng định không phải mọi pháp nhân đều trở thành tội phạm mà chỉ có PNTM phạm tội mới bị xem là tội phạm. PNTM là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên . Như vậy, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân tại Việt Nam là pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

PNTM chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của PNTM; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM; (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, PNTM chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh và vì lợi ích của PNTM, dưới sự điều hành, chấp thuận của chính PNTM đó.

PNTM chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi phạm tội cấu thành một trong 33 tội danh được quy định cụ thể tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các loại tội phạm này có thể chia làm 3 nhóm: (i) nhóm các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế như tội ‘Buôn lậu’; ‘Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới’; ‘Sản xuất, buôn bán hàng cấm’; ‘Trốn thuế’; ‘Đầu cơ’; ‘Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp‘; … (ii) nhóm các tội phạm trong lĩnh vực môi trường như tội ‘Gây ô nhiễm môi trường’; ‘Vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường’; ‘Đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam’; (iii) nhóm các tội phạm trong lĩnh vực an toàn công cộng như tội ‘Tài trợ khủng bố’; ‘Rửa tiền’.

Ví dụ điển hình về việc Khởi tố Bị can đối với Pháp nhân Thương mại

Nội dung vụ án

Theo điều tra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam) ký hợp đồng hợp tác sản xuất nhãn hiệu bia ‘Sai Gon Viet Nam’ với Công ty BiVa. Theo đó, Công ty BiVa chỉ được sản xuất bia ‘Sai Gon Viet Nam’ với nhãn hiệu và chất lượng do Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam cung cấp.

Tháng 6/2020, Công ty BiVa đã sản xuất và bán cho Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam 4.200 thùng bia nhãn hiệu ‘Sai Gon Viet Nam’, thu về hơn 365 triệu đồng. Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã bán 3.300 thùng bia cho khách hàng, thu về hơn 578 triệu đồng, số còn lại được làm quà tặng để quảng bá.

Ngày 23/6/2020, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty BiVa, địa chỉ Ấp Bắc 2, Xã Hòa Long, Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Vũ Tuấn Châu làm chủ cơ sở phát hiện 4.712 thùng bia Sài Gòn (BIA SAIGON VIETNAM) thành phẩm, 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy carton).

Cục Sở hữu Trí tuệ xác định lượng hàng hóa được gia công nêu trên trên có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu BIA SÀI GÒN đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).

Kết quả giám định cho thấy sản phẩm bia ‘Sai Gon Viet Nam’ do Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam thuê Công ty BiVa sản xuất có nhãn hiệu trùng và tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của SABECO.

Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam về tội ‘Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp’ quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vấn đề pháp lý phát sinh từ góc nhìn vụ án

Hành vi tương tự như hành vi của Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam ở Việt Nam xảy ra rất thường xuyên, tuy nhiên đa số các hành vi tương tự chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính bởi khó khăn trong việc xác định lỗi, khó khăn trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM. Từ vụ án ‘Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp’ của SABECO cho thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ ra khởi tố bị can đối với PNTM là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam mà không khởi tố cá nhân có liên quan như người đại diện theo pháp luật của Công ty. Việc không khởi tố cá nhân có liên quan theo tác giả là do cơ quan tiến hành tố tụng lo lắng trong việc một hành vi phạm tội có thể sẽ bị xử lý 2 lần nếu vừa khởi tố cá nhân, vừa khởi tố pháp nhân. Tuy nhiên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì không thể xác định được lỗi của pháp nhân vì suy cho cùng PNTM không thể tự thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này cũng chưa rõ Cơ quan điều tra chứng minh lỗi của PNTM dựa vào đâu? Vì vụ án vừa mới xảy ra nên không đặt ra yêu cầu xác định thời hiệu nhưng nếu phải xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM thì chắc có lẽ Cơ quan điều tra cũng không có căn cứ để xác định.

Sau đây tác giả sẽ phân tích một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự của PNTM để hiểu rõ khó khăn trong việc khởi tố PNTM.

Những Khó khăn khi Truy cứu Trách nhiệm Hình sự Pháp nhân Thương mại

Dưới góc độ pháp lý, PNTM là một thực thể pháp lý độc lập, có đầy đủ năng lực để thực hiện các hành vi pháp lý và giao dịch nhân danh chính mình. Do đó, PNTM phải tự chịu trách nhiệm hình sự là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, để xác định trách nhiệm hình sự của PNTM cần phải chứng minh lỗi của pháp nhân. Trong khi đó, PNTM không thể tự thực hiện hành vi mà mọi hành vi của pháp nhân thương mại đều được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền hoặc chủ sở hữu pháp nhân. Việc hiểu và tách bạch trách nhiệm pháp lý của cá nhân và PNTM hiện nay chưa rõ ràng. Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội […] do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc PNTM thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm […]”. Như vậy, có thể hiểu chủ thể của tội phạm ngoài cá nhân còn có PNTM. Quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là ‘hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM’; có thể hiểu PNTM không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn do cá nhân nhân danh PNTM trực tiếp thực hiện; hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân.

Theo ý kiến tác giả, nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM trước tiên chúng ta cần hiểu rõ việc quy định trách nhiệm hình sự của PNTM không làm phát sinh loại tội phạm thứ hai do PNTM thực hiện, mà chỉ có duy nhất một chủ thể của tội phạm – đó là cá nhân phạm tội và hai chủ thể của trách nhiệm hình sự – đó là cá nhân và PNTM. Vì tội phạm do cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) thực hiện và cá nhân này (hoặc nhóm cá nhân này) thực hiện nhân danh PNTM, vì lợi ích của PNTM, dưới sự chỉ đạo điều hành của PNTM, do đó, PNTM phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) đã thực hiện. Bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của PNTM chỉ là việc bổ sung chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự bên cạnh chủ thể là cá nhân về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện. Cách hiểu này cũng phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 rằng “Việc PNTM chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Như vậy, Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 cần sửa đổi lại theo hướng chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm.

Ngoài ra, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của PNTM cũng chưa rõ ràng và không thể áp dụng. Khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phân loại tội phạm do PNTM thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện. Việc phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt (trong đó bao gồm các hình phạt: hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, tù chung thân, tử hình). Tuy nhiên, các hình phạt này không được áp dụng đối với PNTM phạm tội, trừ hình phạt tiền là hình phạt được áp dụng chung cho cả cá nhân và PNTM. Vì vậy, nếu khung hình phạt áp dụng cho PNTM chỉ quy định về phạt tiền thì sẽ xác định PNTM phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp PNTM bị áp dụng khung hình phạt có quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không phân loại tội phạm được. Do đó, không có căn cứ để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của PNTM. 

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý đọc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến các tội phạm hình sự hoặc khởi tố bị can đối với pháp nhân thương mại, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định Bộ luật Hình sự Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Hình sự của chúng tôi tại .