Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Ảnh minh họa.

1. Bất ngờ khi nhận được lá thư tay của một bạn từ Hungary, thư tay của bạn lại viết về… thư tay.

Đã quen với tin nhắn, điện thoại, máy móc, đêm nay tôi được chậm rãi cùng bạn ngược về miền ký ức xanh thẳm. Tôi như đọc thuộc những con chữ nắn nót này: “Có lẽ, động lực thời xưa khi con người phát minh ra chữ viết và giấy bút cũng là để viết thư. Những bức thư đầu tiên tôi viết là thư gửi cho mẹ những khi mẹ đi công tác vắng. Tôi còn nhớ rõ cảm giác buổi chiều sau khi đi học về, tắm rửa sạch sẽ, chải đầu tóc gọn gàng rồi ngồi xuống viết. Ở trong lớp, không phải lúc nào tôi cũng được phiếu “vở sạch chữ đẹp”, vì hay làm quăn góc vở hay đánh đổ mực, làm nhòe chữ. Nhưng khi viết thư, tôi rất chăm chú, viết nắt nót, không tẩy xóa nhiều, phải nghĩ trước câu chữ sao cho rành rọt. Cũng tốn khá nhiều thời gian, nhưng khi tự đọc lại thư chính mình viết, cũng có cảm giác thích thú, tự hào. Sau này, sang Hungary du học, mẹ con tôi vẫn giữ thói quen viết thư. Năm đầu tiên ở ký túc xá trường học dự bị, cứ sau tiếng chuông của giờ học cuối cùng, tôi lại nhảy một lúc hai ba bậc thang xuống phòng thường trực. Ở đó, có một cái bàn to để ra tất cả những lá thư của sinh viên nước ngoài, cả lũ xông vào tranh nhau chọn thư của mình. Hầu như ngày nào tôi cũng có thư của bố mẹ hay bạn bè. Cũng có lúc đọc, do thấy nhớ nhà thì khóc, nước mắt cứ trào ra ướt cả thư; có lúc nhận được tin vui lại cười hớn hở, hay có chuyện muốn nhớ phải giở thư cũ ra đọc lại.

Tôi có một anh bạn quen biết đã lâu năm ở thành phố Budapest. Một lần đi chơi đâu đó cũng chỉ trong nước Hungary thôi, tôi thấy anh hý hoáy viết một cái bưu thiếp mua ngay tại khu tham quan để gửi cho mẹ anh cũng sống tại Budapest cách nhà anh có vài con phố. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi: “Ơ, thế anh không gặp mẹ anh thường xuyên à?”. Anh ấy bảo có chứ, nhưng bà vẫn thích cảm giác nhận được thư.

Viết thư tay, có lẽ là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa người với người. Không chỉ giúp lưu trữ, việc viết thư tay còn có thể khiến giảm thiểu sự xung đột giữa các cá nhân. Khi bạn viết điều gì đó ra giấy và gửi đi, mọi thứ đều chậm lại vài nhịp, nếu có cơn giận cũng nhẹ đi nhiều. Trong các dịp gặp gỡ nhiều trí thức, các nhà sưu tầm hay những gia đình bình thường có tủ sách lớn, tôi đều thấy họ có lưu trữ một lượng thư tay qua nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng. Có gia đình vẫn giữa thói quen viết thư tay cho nhau, khi đi vắng, khi cần trao đổi hoặc thảo luận, khi muốn nhắn gửi yêu thương, khi muốn chia sẻ bất cứ điều gì... Và họ đã làm điều đó trong nhiều năm qua, đời này truyền qua đời khác như một thói quen sinh hoạt, như một nếp nhà. Một điều đẹp đẽ hiển hiện tự nhiên và lặng lẽ như thế đã khiến tôi vô cùng xúc động!”.

Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Ảnh minh họa.

2. Một triển lãm độc đáo về những lá thư tay mang tên “Về một thời ngây ngô” thuộc bộ sưu tập của Dạ Thương. Có duyên với sách cũ, từng viết báo, lập mạng chuyên về sách cũ, mở hiệu sách nên Dạ Thương và từng có nhiều cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ các trí thức, Thương nhận ra việc ghi chép trong sổ, cùng thư từ qua lại là một cách để lưu trữ, cũng như giữ gìn nhiều kỷ niệm.

Trong không gian nhỏ nhắn, xinh xắn của một thư viện nơi con ngõ nhỏ ven sông Hồng, triển lãm mang đến cho người xem 100 bức thư tay Trần Dần viết gửi Dương Tường, thư Mộng Tuyết gửi bạn; thư từ trong nhà Vương Hồng Sển, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Đỗ Chu; thư gửi các nhà văn nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Chính Hữu… Có cả thư trao đổi tâm tình của những người bình thường thuộc về một thời kỳ đã xa. 

Tôi nhận thấy, cô gái trẻ muốn cổ vũ và phát triển việc viết tay, bởi viết tay theo Thương có thể giúp người ta sống bình thản hơn khi mà mọi suy nghĩ được viết ra tròn trịa và cẩn trọng hơn, và người nhận thư tay cũng dễ xúc động hơn. Cổ vũ việc viết thư tay và mong nét đẹp này trở lại, nhưng Thương hiểu rằng, những gì mà bạn đang làm chỉ là một “cơn gió nghịch mùa”, tuy ngọt lành, dịu mát nhưng chẳng thể đi ngược thời đại. Đời sống hôm nay, mọi thứ trôi đi quá nhanh, nên con người phải tìm đến những thứ chậm chạp để cân bằng lại. Có người chọn đạp xe hay yoga, và có người sẽ tìm đến những cánh thư tay trao gửi yêu thương, dành thời gian cho chữ nghĩa.

Chắc hẳn bất kỳ ai đi qua cái thời mà Internet chưa phát triển sẽ công nhận việc giữ liên lạc với người ở xa hết sức khó khăn. Do đó, cách phổ biến là viết thư tay. Những bức thư tay với phong bì mỏng và chiếc tem nhỏ đã đóng dấu vào ký ức tuổi thơ của nhiều người. Và tất nhiên vì thế, lá thư tay trở thành món quà ý nghĩa đối với người nhận. Những tin nhắn trên mạng xã hội hay trên điện thoại di động rồi cũng trôi theo thời gian, lưu trữ được lâu đấy, nhưng cũng dễ xóa. Còn với lá thư tay, những người yêu nhau có thể bày tỏ hết những suy nghĩ, tâm tình sâu kín, kể rất nhiều chuyện… Khi nhận được những lá thư tay ý nghĩa ấy, người nhận luôn cảm thấy hạnh phúc và xúc động. Họ sẽ cất giữ chúng trong ngăn kéo bàn học, bàn làm việc hay một “kho bí mật” riêng, để mỗi khi nhớ, có thể đem chúng ra đọc lại. Thư tay khiến người nhận có cảm giác hồi hộp và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Nó là thứ cảm xúc vô hình, nhưng dường như có thể cầm nắm, vuốt ve được. Có lẽ vì thế mà có những bức thư được trân trọng, giữ gìn qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.

Theo thời gian, những con chữ có thể bị nhạt đi, lá thư cũng có thể ngả màu, nhưng tình cảm ẩn trong đó vẫn còn nguyên vẹn. 

Cầm Thi/TC GĐ&TE

Nguyễn Thị Yến Thanh, 16 tuổi học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến Q.10, TP.HCM, chia sẻ: “Bây giờ có điện thoại hết rồi, gõ vài dòng chữ hẹn nhau ra chứ đâu “khổ” như các anh, chị ngày xưa mà phải “rình rập” từ nhà người này sang nhà người khác. Còn tỏ tình thì nhắn tin với nhau rồi gặp mặt nói chuyện chứ đâu còn kiểu viết thư tay nữa”.

Thư tay không còn cần thiết? 

Đúng như Yến Thanh đã nói, phần lớn các bạn trẻ hiện nay đã không biết về việc viết thư tay cho nhau như thế nào

Đó là những lá thư trong chiếc phong bì, là hình ảnh con tem và dấu bưu điện đi kèm theo, từng là nỗi trông ngóng của biết bao nhiêu người. Việc chờ thư của người mình yêu xem người ấy nói những gì hay chờ những lá thư của người thân đi làm ăn xa không biết cuộc sống ra sao….Tất cả đều chỉ có thể biết khi bạn nhận được thư mà thôi.

Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Người trẻ tham quan và lựa chọn bưu thiếp tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn

Ảnh: Tấn Đạt

 

Giống như Yến Thanh, Nguyễn Quỳnh Trang Đài, biên tập viên tại Công ty cổ phần công nghệ truyền hình Sài Gòn Phim Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Bây giờ có nhiều ứng dụng nhắn tin miễn phí lắm, ví dụ như Facebook, Zalo, Viber, vừa nhanh vừa tiện hơn chứ viết thư tay làm gì, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối 4G thì ở nữa vòng trái đất cũng có thể liên lạc với nhau chỉ với cú nhấp".

“Mình thấy việc viết thư tay trong thời đại hiện nay là không cần thiết, nó chỉ có ý nghĩa kỷ niệm, còn để ứng dụng vào đời sống hàng ngày thì rất phiền và tốn thời gian. Mình chưa bao giờ viết thư tay, vì chẳng có một luật định hay quy chuẩn nào dành cho cảm xúc cả, nhanh chóng và thuận tiện sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho 2 đứa, thời buổi này mà còn ngồi lọ mọ viết thư tay thì tốn thời gian và "sến" lắm, cả 2 đứa bọn mình đều thống nhất như thế và không thích viết thư tay”, Trang Đài cho biết.

Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Một người nước ngoài đang gửi thư cho người thân

Ảnh: Tấn Đạt

Viết cho những người mình yêu thương và trân trọng

Là thế hệ 8x, đã tiếp xúc với thư điện tử nhưng chị Lại Thị Kim Chi, 35 tuổi, làm việc tại đường Nguyễn Đình Chiểu Q.3, TP.HCM, vẫn còn giữ thói quen viết thư tay cho người mình yêu.

Chị Kim Chi tâm sự: "Những người yêu nhau, trong nỗi nhớ da diết, lại càng nóng lòng chờ những dòng thư viết tay hơn ai hết. Viết thư điện tử còn xóa được, viết thư này khó lắm nên mình rất trân trọng, và chỉ viết cho người mình thương hay vào dịp đặc biệt, cũng có thể là những lúc giận nhau mình không nói chuyện được thì chính những là thư tay là thứ “thay lời muốn nói”'.

 “Nhớ hồi đó, người yêu mình đi nghĩa vụ, cứ hai, ba tháng là viết thư một lần. Viết là phải “gò", nắn nót từng con chữ vì sợ người ta đọc không được, mỗi lần sai một chữ thôi là xé viết lại. Lâu lâu vẽ thêm mấy cái hình mặt cười, trái tim, rồi tạo viền cho lá thư bằng dòng chữ “em nhớ anh” nhiều lần nối đuôi nhau”, chị Kim Chi chia sẻ.

Vì sao mọi người vẫn còn dùng thư tay

Tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn phong bì thư được thiết kế với phong cách "ngày xưa" để người ta nhớ lại những kỷ niệm

Ảnh: Tấn Đạt

Võ Phi Thành Đạt, sinh viên năm 2 Trường Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng với nhịp sống thay đổi từng ngày bởi công nghệ và “đế chế mạng xã hội” có cái lợi lớn nhất là nhanh gọn và "nhanh tay"  nên mọi ngưởi  thường gửi bằng các ứng dụng xã hội hay thư điện tử. Những điều đó càng thể hiện rõ nét hơn cách sống vội và nhanh trong cuộc sống hiện nay. Và phải chăng đó chỉ là xu thế?.  "Thú thật rằng tận sâu trong lòng mình cũng như đa phần bạn trẻ vẫn thích cách bày tỏ qua thư tay hơn nhưng có vẻ vì nhịp sống quá vội nên đôi khi chúng ta đành quên những cách làm dễ thương ấy. Đối với mình việc viết thư tay là vẫn còn nhưng để dành cho những người mình yêu thương, ngày quan trọng như kỷ niệm ngày quen nhau hay lễ tình nhân . Đặc biệt lời nói từ lòng mình đến tai họ mới thực sự chân thành nhất', Đạt chia sẻ.

“Khi viết thư tay, chúng ta đặt hết tâm tư vào lá thư, từ khâu chọn mẫu giấy,  đến màu mực,  hương thơm của mực, nắn nót từng chữ để bày tỏ tình cảm một cách chân thành đến dại khờ để người kia cảm thấy mình trân trọng và yêu họ đến nhường nào ”, Thành Đạt trải lòng.

Toàn tâm toàn ý đem đến cảm xúc thật cho nhau mà nhớ nhau cả đời

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển giá trị sống TP.HCM, tình yêu vẫn cần mạnh mẽ để song hành cùng sự phát triển của công nghệ thời đại số. Mỗi người trong cuộc cần biết chấp nhận cái gọi là được và mất của sự hiện đại, khi mình cho rằng nó là lẽ đương nhiên thì tâm hồn sẽ trở nên nhẹ nhàng để đón nhận những yêu thương. Chỉ cần thêm chút xíu gia vị là đủ để giá trị vẫn mãi vẹn nguyên, cho nhau chút tự do, cho nhau thể hiện cái tôi riêng biệt, cho nhau sự tôn trọng dẫu đã là của nhau từ lâu lắm. Thời gian bên nhau cần đầu tư hơn nữa. Đôi khi chỉ vài phút giây ngắn ngủi nhưng toàn tâm toàn ý đem đến cảm xúc thật cho nhau, vậy thôi mà lại nhớ nhau cả đời. 

“Bạn không thể chỉ muốn nhận mà không biết cho. Bởi cuộc sống này công bằng lắm, bạn chẳng trao cho người khác giá trị thì không lý do gì bạn có quyền mong họ phải trao tặng lại cho bạn. Vậy nên chúng ta cần tập cách cho đúng, chân thành từ đáy lòng thì khi chúng ta nhận lại cũng là những gì đúng đắn, thật tâm từ trái tim”, bà Nguyễn Khánh Chi chia sẻ.  

Tin liên quan