Ý nghĩa cuộc sống là gì đọc hiểu

I/. Đọc - hiểu.

 Câu 1: - Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính.

+, Nghị luận.

 Câu 2: - Theo tác giả, sống đơn giản là sống sâu sắc hơn, quan tâm đến nhau hơn, thân thiết với nhau hơn. Cần phải thiết lập một mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con người và cảnh vật trong môi trường sống của chúng ta hơn.

 Câu 3: - "Chỉ có khi nào bạn cảm thấy thực sự nhẹ nhàng, bắt đầ sống an nhàn, có ý nghĩa thì bạn mới có thể phát hiện ra tinh hoa của cuộc sống này”. Có ý nghĩa là:

+, Khi con người ta sống biết quan tâm, gần gũi với mọi người, với cảnh vật, sống chân thực và không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ… thì lúc đó tâm hồn ta mới cảm thấy vui vẻ nhẹ nhàng, thư thái.

+, Từ đó ta phát hiện ra vẻ đẹp đích thực có ý nghĩa của cuộc sống mà ta đang sống.

 Câu 4: - Có, vì chúng ta phải thiết lập một mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con người và cảnh vật trong môi trường sống của chúng ta hơn. Trong cuộc sống hãy dành một khoảng thời gian và không gian của mình để tìm hiểu, gần gũi và yêu quý những con người sống xung quanh chúng ta.

II/. Làm văn.

  Câu 1:

      Có những câu hỏi khiến người ta băn khoăn mãi, có lẽ đi tìm mãi cũng chưa thấy một câu trả lời thật xác đáng, một trong số đó là “Để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng?”. Chỉ vỏn vẹn với 7 chữ nhưng câu hỏi này có lẽ là một câu hỏi khó để bản thân mỗi người tự đi tìm định nghĩa riêng cho mình. Để cuộc sôgs trở nên nhẹ nhang, trước hết con người nên sống thật với lòng mình, với chính bản thân mình. Để khi đó, con người không còn cảm thấy mông lung, chơi vơi khi không biết mình muốn gì, mục đích sống là gì, để không phí thời gian vào những việc vô bổ. Nhẹ nhàng không phải theo nghĩa mỗi ngày cứ trôi qua êm đềm tĩnh lặng như mặt nước. Ngay cả đến con sông cũng có lúc cuộn chảy thì không cớ gì nhẹ nhàng lại là tĩnh lặng. Sống thật với bản thân thôi chưa đủ, còn phải sống chân thật với mọi người xung quanh. Quan tâm đến nhau nhiều hơn thay vì vài lời chào hỏi suông vội vã. Niềm vui trong đời có thể đến khi nhìn thấy người khác hạnh phúc, nở nụ cười, đôi khi chỉ nhẹ nhàng như vậy thôi. Không lãng phí thời gian của bản thân vào việc so sánh ghen tị rồi sinh ra cảm giác mặc cảm với người khác. Bản thân sống cuộc đời của chính mình, để cho tâm hồn thanh thản, tự khắc sẽ sinh ra sự an nhàn, nhẹ nhàng trong cuộc sống.

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 9, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

VB1

Văn bản 1:

          “Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

          Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện - ác, chân - giả, chính - tà, đúng - sai..., biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.

          Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!.” 

("Để chạm vào hạnh phúc"- Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản . 

Câu 3. Trong văn bản có nhiều cụm từ in đậm được để trong ngoặc kép, hãy nêu công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép trong những trường hợp trên. Từ đó, hãy giải thích nghĩa hàm ý của 02 cụm từ “nhỏ bé” và “con người lớn” 

Câu 4. Theo quan điểm riêng của mình, anh/chị chọn cách “chạm” vào hạnh phúc bằng việc “làm những việc lớn” hay “làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn”. Vì sao? ( Nêu ít nhất 02 lý do trong khoảng 5 – 7 dòng) 

Lời giải chi tiết:

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản : Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên:

- Con người có năng lực tạo ra hạnh phúc, bao gồm: năng lực làm người, làm việc, làm dân.

- Để chạm đến hạnh phúc con người phải trở thành “con người lớn” bằng hai cách: làm việc lớn hoặc làm việc nhỏ với tình yêu lớn.

=> Con người tự tạo ra hạnh phúc bằng những vệc làm đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của xã hội dù đó là việc lớn hay nhỏ.

Câu 3:

- Công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép: làm nổi bật, nhấn mạnh đến một ý nghĩa, một cách hiểu khác có hàm ý…

- Nghĩa hàm ý của hai cụm từ “nhỏ bé”: tầm thường, thua kém, tẻ nhạt… và “con người lớn”: tự do thể hiện mình, khẳng định giá trị bản thân, thực hiện những ước mơ, sống cao đẹp, có ích, có ý nghĩa…

Câu 4: Nêu ít nhất 02 lí do thuyết phục để khẳng định lối sống mình chọn theo quan điểm riêng của bản thân. “Làm những việc lớn” gắn với ước mơ, lí tưởng hào hùng, lối sống năng động, nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng. Còn “tìm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn” lại chú trọng đến niềm đam mê, cội nguồn của sáng tạo.

VB2

Văn bản 2:

Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non 

Mấy trăm đời lấn luôn ra biển; 

Phù sa vạn dặm tới đây tuôn, 

Đứng lại; và chân người bước đến.

Tổ quốc tôi như một con tàu, 

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. 

Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.

Trùng điệp một màu xanh lá đước. 

Đước thân cao vút, rễ ngang mình

Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước! 

Tổ quốc tôi như một con tàu, 

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. 

(Mũi Cà Mau - Xuân Diệu, 10-1960)

Câu 5. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. 

Câu 6. Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn là từ loại gì? Chúng góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung của văn bản trên như thế nào?

Câu 7. Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng . 

Câu 8. Văn bản trên gợi cho anh/ chị cảm xúc gì đối với quê hương, Tổ quốc? (nêu cảm nhận ngắn gọn trong 4 - 6 dòng) 

Lời giải chi tiết:

Câu 5: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Phương thức miêu tả

Câu 6:

- Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn là số từ.

- Góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung: ca ngợi, tự hào về vùng đất Cà Mau tươi đẹp, trù phú, tràn trề nhựa sống với một quá trình phát triển lâu dài và bền vững, với hình ảnh rừng đước quen thuộc vững vàng, ôm lấy đất nước trong tư thế kiên cường.

Câu 7:

- Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp ngữ (mũi Cà Mau…), điêp kết cấu giữa hai đoạn (Tổ quốc…mũi Cà Mau)

- Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, điệp đi điệp lại nhằm nhấn mạnh vị trí của Cà Mau trên dáng hình Việt Nam: nếu đất nước là con tàu thì Cà Mau chính là mũi của con tàu ấy. Mũi tàu luôn đi trước, luôn hứng chịu gian lao thử thác trước và rẽ sóng mở đường cho thân…

Câu 8: Nêu được cảm nhận riêng: xúc động, yêu quý, tự hào.

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 7, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

Đề bài

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

        “Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

[Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997]

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên. 

Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên. 

Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? [Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng] 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia ?

Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..

Đứa bé đang lẫm chẫm muôn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống. 

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước tìmg bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơii dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

Câu 5: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. 

Câu 6: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên.

Câu 7: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời? 

Câu 8: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. 

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức nghị luận/ nghị luận.

Câu 2:

Nội dung chính của văn bản trên: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống sai lầm/bác bỏ một quan niệm sống sai lầm: sống bó hẹp trong ngưỡng cửa nhà mình.

Câu 3:

Tác giả đã so sánh cuộc sống của mỗi người (cuộc sống đầy đủ tiện nghi; cuộc sống biệt lập;cuộc sống lúc sóng gió; …) với một mảnh vườn (mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng; mảnh vườn có lớp rào bao quanh; mảnh vườn lúc dông tố nổi lên;…)

Tác dụng: việc sử dụng pháp so sánh khiến đoạn văn trở nên sinh động, truyền cảm, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao chứ không khô khan như khi chỉ sử dụng lí lẽ thuần túy.

Câu 4:

Nêu ít nhất 02 tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

Ví dụ:

- Không có kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp

- Hình thành lối sống ích kỉ, thụ động, rất dễ mắc bệnh trầm cảm

- Sự nghèo nàn về kiến thức xã hội.

Câu 5:

Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương.

Câu 6:

Nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản: Thông thường người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường.

Câu 7:

Nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời mà bài thơ đề cập đến là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, ý nghĩa sống, …

Câu 8:

Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp từ (đứa bé, bà cụ, …), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa, …), điệp cấu trúc (câu mở đầu của 2 đoạn có cấu trúc giống nhau, câu kết của 2 đoạn cũng vậy), điệp kết cấu giữa hai đoạn.

Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa giữa hai đoạn thơ, góp phần khẳng định nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống chính là nơi ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. 

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay