Bài kiểm tra 1 tiết văn bản lớp 8 năm 2024

Thời gian qua, hẳn các em học sinh đã tích cực ôn tập củng cố kiến thức chuẩn bị kiểm tra học kì I môn Ngữ văn. Nhưng để bài kiểm tra có kết quả tốt, các em cần lưu ý một số điều sau đây.

1. Nắm rõ cấu trúc đề kiểm tra và biểu điểm mỗi phần của đề bài

Cấu trúc đề kiểm tra gồm 2 phần, có thể gọi là Phần tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 8 và Phần ngữ liệu ngoài.

Phần tác phẩm, văn bản văn học trong chương trình khoảng 6 – 7 điểm. Phần này gồm các câu hỏi nhỏ, câu hỏi đọc hiểu và một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về một vấn đề trong tác phẩm văn học đã cho.

Phần ngữ liệu ngoài chiếm khoảng 3 – 4 điểm, yêu cầu học sinh đọc hiểu ngữ liệu hoặc trả lời các câu hỏi Tiếng Việt liên quan đến ngữ liệu đã cho và làm một đoạn văn hoặc văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội.

2. Cách làm các câu hỏi đọc hiểu, câu hỏi kiểm tra kiến thức Tiếng Việt và văn bản

- Học sinh lưu ý, trong một câu hỏi có thể chứa nhiều ý hỏi. Các em cần xác định câu hỏi có bao nhiêu ý để từ đó trả lời rõ ràng từng ý, không gộp lẫn lộn nhiều ý trong một câu trả lời.

Ví dụ: Cho đoạn văn sau đây:

“Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.”

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Ai là tác giả? Nêu thể loại và xuất xứ của tác phẩm ấy.

Câu hỏi trên có 4 ý. Khi trả lời, các em tách từng ý như sau:

- Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Tôi đi học”.

- Tác giả: Thanh Tịnh.

- Thể loại tác phẩm: Truyện ngắn

- Xuất xứ: truyện được trích từ tập truyện “Quê mẹ” (1941)

- Ở các câu hỏi đọc hiểu khác, câu trả lời cần có lời dẫn và đúng cấu trúc ngữ pháp, đủ chủ ngữ, vị ngữ.

Ví dụ: Cho đoạn văn sau đây:

“Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.”

2. Ghi lại một câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh và nêu tác dụng của phép so sánh ấy trong việc thể hiện nội dung câu văn.

Trả lời:

- Câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh là: “Họ như con chim con đứng bên bờ tổ nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.”

- Trong câu văn, tác giả đã so sánh những cậu học trò mới vào lớp một với “con chim con đứng bên bờ tổ …”.

Phép so sánh này có tác dụng diễn tả tâm trạng vừa rụt rè, e sợ vừa khao khát khám phá môi trường mới của mấy cậu học trò lớp một. Bên cạnh đó, hình ảnh “con chim con cũng thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên, non nớt của mấy cậu học trò lần đầu tới trường.

3. Cách làm đoạn văn nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học

Thông thường, đoạn văn này sẽ có yêu cầu về kiểu lập luận, số câu và tích hợp sử dụng các kiến thức Tiếng Việt. Khi tiến hành làm đoạn văn, các em không nên bỏ qua các bước sau:

- Xác định yêu cầu về hình thức đoạn văn (bao nhiêu câu, cách lập luận là gì, tích hợp kiến thức Tiếng Việt nào?) và nên có dự kiến luôn câu chủ đề đoạn văn, kiến thức Tiếng Việt cần tích hợp trong đoạn văn.

- Xác định yêu cầu về nội dung đoạn văn (đoạn văn viết về vấn đề gì? Vấn đề ấy được thể hiện qua mấy ý?) để dựa vào đó lập ý, chia số câu tương ứng với mỗi ý.

Việc dự kiến câu chủ đề, kiến thức Tiếng Việt; lập ý, chia câu cần làm ra nháp, nhanh gọn trong khoảng 5 – 7 phút.

- Dựa vào phần lập ý, chia câu để triển khai viết đoạn văn. Khi viết đoạn văn, cần ưu tiên đủ ý, đúng ý, câu văn đúng ngữ pháp hơn là mất thời gian để tìm cách dùng từ, diễn đạt câu văn cho bay bổng, hoa mĩ.

- Cần duy trì từ ngữ chủ đề trong đoạn văn, nhắc lại khoảng 3 – 4 lần từ ngữ chủ đề ấy (có thể nhắc chính xác từ hoặc dùng từ đồng nghĩa với từ ấy).

Ví dụ: Đề yêu cầu nghị luận về phẩm chất tự trọng của nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao thì từ ngữ chủ đề sẽ là “lòng tự trọng”. Cụm từ ấy cần được nhắc lại vài lần trong đoạn văn để duy trì chủ đề.

- Mỗi một ý kiến, nhận xét đưa ra trong đoạn văn cần lấy dẫn chứng trong tác phẩm để minh hoạ, làm rõ.

Ví dụ: Để làm rõ cho ý kiến “Cô bé bán diêm có hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp.”, ta cần minh hoạ bằng những dẫn chứng sau:

+ Em bé mồ côi mẹ từ sớm.

+ Người bà vô cùng thương em cũng đã giã từ em để lên thiên đàng.

+ Em phải sống với người cha nghiện rượu, hung bạo, hay đánh đập em.

+ Đêm giao thừa, nhà nhà sum họp đoàn tụ mà em vẫn phải đầu trần, chân đất đi bán diêm.

- Tích hợp các yêu cầu Tiếng Việt bằng việc sử dụng các “công thức”.

+ Đề yêu cầu viết câu bị động thì ta nên sử dụng kiểu câu:

(Chủ đề NL) đã được tác giả khắc hoạ rõ nét.

Ví dụ: Trong truyện ngắn “Lão Hạc”, lòng tự trọng của nhân vật lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao khắc hoạ rõ nét.

+ Đề yêu cầu viết câu ghép thì ta nên sử dụng kiểu câu chứa các cặp từ “Vì – nên”, “Nếu – thì”, “Tuy – nhưng”, “Không những – mà còn”.

Ví dụ: Lão Hạc không những là người cha thương con mà lão còn là người nông dân giàu lòng tự trọng nữa.

Vì lão Hạc rất thương con nên lão đã tìm đến cái chết để mong giữ trọn mảnh vườn cho con.

Tuy lão Hạc rơi vào bước đường cùng nhưng lão vẫn giữ gìn phẩm chất trong sạch.

+ Đề yêu cầu sử dụng từ mượn, từ Hán Việt thì ta dùng ngay từ “tác giả”, “tác phẩm”.

- Đừng quên gạch chân và chú thích các kiến thức Tiếng Việt tích hợp trong đoạn văn.

3. Cách làm đoạn văn nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học

Với đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội, em cần lưu ý những điểm sau:

- Dung lượng đoạn văn: từ 2/ 3 trang giấy đến 1 trang giấy. Nếu ngắn hơn dung lượng quy định nói trên, đoạn văn sẽ thiếu ý. Nếu dài hơn dung lượng ấy, đoạn văn có thể rất lan man, thiếu trọng tâm.

- Đoạn văn cần có đủ các ý sau:

+ Giới thiệu vấn đề (chỉ cần 1 – 2 câu văn).

+ Giải thích khái niệm liên quan đến vấn đề (chỉ cần 1 – 2 câu văn). Nên dùng các từ ngữ “là”, “nghĩa là”, “được hiểu là”, “có thể hiểu là” khi giải thích khái niệm.

+ Trình bày biểu hiện, dẫn chứng. Biểu hiện của vấn đề cần phong phú, đa dạng nhiều mặt. Dẫn chứng cần tiêu biểu, là những nhân vật, sự việc mà nhiều người biết tới, nhiều người công nhận.

Khi trình bày dẫn chứng, cần đặc biệt lưu tâm không nên kể chuyện dài dòng, chú ý công thức: tên nhân vật + từ khoá chủ đề + sự việc gắn với chủ đề.

Ví dụ: Khi nghị luận về tinh thần lạc quan, ta chỉ cần phân tích dẫn chứng ngắn gọn như sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi rơi vào hoàn cảnh tù đày vẫn không hề nao núng mà còn ung dung, tự tại làm thơ để “đợi ngày tự do”.

+ Trình bày ý nghĩa của vấn đề. Nếu lúng túng trong việc trình bày ý nghĩa, em hãy đặt câu hỏi “Tại sao” và đi trả lời cho câu hỏi tại sao ấy là ta sẽ phần nào nêu được ý nghĩa của vấn đề.

Ví dụ: Tại sao ta cần tự tin? Tại sao chiến thắng chính mình lại là chiến thắng hiển hách nhất? Tại sao hoàn cảnh khó khăn sẽ là cơ hội để ta khám phá bản thân?

+ Phản đề và mở rộng vấn đề. Để bài nghị luận sâu sắc hơn, cũng cần nêu biểu hiện trái ngược trong xã hội hoặc nhìn vấn đề ở một góc độ khác.

Ví dụ: Khi nghị luận về tình thương con của cha mẹ, ta có thể nêu trong xã hội vẫn còn những bậc cha mẹ ruồng rẫy, đối xử thậm tệ với con cái. Nhưng cũng cần hiểu rằng, yêu con phải đúng cách, không được nuông chiều, dung túng cho con khiến con hư hỏng, làm điều sai quấy.

+ Liên hệ bản thân. Từ vấn đề nghị luận, em cần rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn cho bản thân mình. Hãy trình bày phần liên hệ trong khoảng 3 – 5 dòng.

4. Cách trình bày bài kiểm tra

Trình bày bài kiểm tra cũng là điều hết sức quan trọng. Các em cần lưu ý những điểm sau:

- Giấy kiểm tra chứa đầy đủ thông tin tên, họ, lớp, môn kiểm tra.

- Chữ viết gọn gàng, đều, đủ dấu, đủ nét, hoặc thẳng, hoặc nghiêng trái, ngoặc nghiêng phải chứ không nghiêng ngả lộn xộn.

- Không để trống giấy giữa các câu trả lời. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

- Chỉ dùng một loại bút, một màu mực, không dùng bút chì, bút xoá.

- Nếu có sai sót cần gạch bỏ thì phải dùng thước kẻ đặt ngang dòng chữ cần bỏ, kẻ thẳng; không nên đóng ngoặc đơn phần cần gạch bỏ. Viết nội dung trả lời tiếp theo cách phần gạch bỏ 1 dòng.

- Giữa các câu trả cần cách 1 dòng để người chấm dễ nhìn và tạo tính thẩm mĩ trong trình bày bài kiểm tra.