Bài văn biểu cảm về chiếc cặp sách lớp 7

Hai tiếng “Tuổi thơ” in sâu trong tâm trí tôi như một kỉ niệm ngọt ngào mà thiêng thiêng nhất. Có ai lại chưa từng có một lúc nào đó chợt nhớ về tuổi thơ của mình, về những món quà không cao sang nhưng đầy ý nghĩa. Với tôi, món quà mà tôi yêu quý nhất, say mê nhất mà tôi còn giữ cho đến tận bây giờ chính là chiếc cặp sách bố tặng tôi khi tôi bước vào lớp Một.

Tôi sẽ không quên cảm giác ngày đầu tiên nhận được món quà quý giá ấy từ bố. Đó là buổi sáng đầu thu đón ngày khai giảng năm học lớp Một của tôi. Suốt cả ngày hôm trước, bố mẹ tất bật chuẩn bị cho tôi chu đáo mọi thứ, cuốn sách Toán và Tiếng Việt xin được của chị họ, hai quyển vở mới tinh, cả thước kẻ cả bút nữa. Bộ quần áo mới được giặt sạch sẽ thơm tho, là phẳng phiu được treo trên giá áo chỉ trực sẵn chờ tôi mặc vào. Buổi sáng hôm ấy, cả bố mẹ đều dậy từ rất sớm chuẩn bị cơm nước và đưa tôi đến trường. Chuẩn bị xong xuôi đâu đấy, bố mới khẽ nói vào tai tôi: “ Bố có món quà tặng con, hãy nhắm mắt lại nhé!” . Tôi làm theo lời bố, mở mắt ra tôi thấy trên tay bố là chiếc cặp sách nhỏ xinh, bố nhẹ nhàng đeo lên vai tôi và nói: “ Hãy cố gắng học thật giỏi con nhé, tương lai phía trước đang chờ đợi con!”. Trong lòng tôi tràn ngập một niềm vui sướng đến khó tả, bố thật tâm lí quá, món quà trở thành một báu vật tuổi thơ tôi.

Chiếc cặp sách bố mua được làm bằng vải, một số ngăn có kèm cả nhựa cứng để cặp không bị nhăn nheo khi sử dụng. Có lẽ các em nhỏ bây giờ không còn được biết đến nữa, trên cặp in hình những nàng tiên cá xinh đẹp với đủ mọi sắc màu. Cặp nhỏ xíu, chỉ đựng được vài ba cuốn sách vở là đã chật cứng rồi, nhưng cũng đúng thôi, tôi còn rất nhỏ làm sao có thể đeo được những chiếc cặp lớn cơ chứ. Tôi yêu quý nó không chỉ vì nó đẹp mà nó còn chứa đựng đầy tình cảm của bố dành cho tôi. Tôi thường để nó ở đầu giường thay vì cất lên giá sách, có lúc tôi ngắm nghía món quà này mà lòng tự hào vì có món quà là sự chắt chịu, dành dụm của bố, đó là tình cảm và cũng là sự quan tâm bố đã dành cho tôi.Tôi biết ơn bố rất nhiều, bố đã phải vất vả nhiều để cho tôi được sung sướng, bố còn cho tôi cả một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Tôi thật sự cảm ơn bố vì món quà quí giá này. Món quà đã cho tôi hiểu hơn về giá trị tầm quan trọng của học thức, đưa tôi đến chân trời rộng lớn của tri thức, của tương lai. Trong suốt năm tháng tôi cắp sách tới trường , món quà này đã trở thành người bạn thân thiết của tôi. Dù buồn hay vui tôi đều chia sẻ cùng nó. Nhìn thấy nó tôi thấy như được bố ở bên, đang nhắc nhở , động viên tôi : ” Hãy cố gắng lên con, đừng nản lòng , khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ cần con kiên trì và quyết tâm phấn đấu!”.

Những năm tháng tuổi thơ cứ thế trôi qua như dòng sông lững lờ đi ra biển cả và chẳng ngoái đầu lại bao giờ. Biết bao khó khăn vất vả, biết bao hạnh phúc buồn vui của tuổi học trò tôi đều có bố ở bên an ủi, động viên, nâng đỡ. Bố như một bóng cây cổ thụ xòe tán lá rộng che mát cho cuộc đời tôi. Chiếc cặp sách cũng thế, nó đã trở thành một vật thiêng liêng với tôi, nếu thiếu một trong hai, bố tôi hoặc nó, chắc cuộc sống của tôi sẽ mất hết ý nghĩa, sẽ không là gì giữa cuộc đời rộng lớn mênh mông, bộn bề xuôi ngược . Bố là người đã vạch ra đường đi lối bước cho tương lai của tôi, cặp sách bố tặng tôi lại là người bạn thân luôn theo sát từng bước tôi đi trên con đường học tập. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn giữ gìn kĩ lưỡng chiếc cặp như luôn trân trọng tình cảm của bố – người đã nuôi nấng và dạy bảo tôi những điều hay, lẽ sống trong cuộc đời, cho tôi được làm Người theo đúng nghĩa.

Năm nay tôi đã lên lớp Bảy, nhưng ấn tượng về món quà đầy ý nghĩa ấy vẫn luôn bên tôi như một kí ức không thể phai mờ. “Tuổi thơ như áng mây, rồi sẽ mãi bay về cuối trời,…” Dù cuộc đời có đưa tôi đi đến đâu, dù hai chữ “tuổi thơ” phải lùi lại phía sau hay xếp vào quá khứ, thì tôi vẫn sẽ mãi yêu món quà bố tặng – chiếc cặp sách tuổi thơ mang bao tình yêu thương và ý nghĩa sâu sắc trong tôi. Nó không chỉ là chiếc cặp mà nó còn là nguồn động viên, là niềm tin của bố dành cho tôi mãi mãi.

TOP 18 bài Thuyết minh về chiếc cặp sách hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, cấu tạo của chiếc cặp sách, để viết bài văn thuyết minh thật hay.

Bài văn biểu cảm về chiếc cặp sách lớp 7

Cặp sách là đồ dùng học tập không thể thiếu trong hành trang tới trường của mỗi học sinh. Với nhiều kiểu dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau. Với 18 bài văn Thuyết minh cặp sách hay nhất dưới đây, hy vọng sẽ giúp các em có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9 hơn.

Thuyết minh về chiếc cặp sách hay nhất

Dàn ý thuyết minh về chiếc cặp sách

Dàn ý chi tiết số 1

  1. MỞ BÀI

Dẫn dắt và giới thiệu đến đối tượng mà đề bài yêu cầu: Chiếc cặp sách.

Những ngày tháng đến trường, tôi có sách vở làm bạn, có những vật dụng thân thương gắn bó. Bên cạnh ấy, có một người bạn thân thiết mỗi ngày đều giúp tôi mang theo sách vở, đó chính là chiếc cặp sách.

II. THÂN BÀI

Nguồn gốc, xuất xứ

  • Nếu nói chính xác chiếc cặp có từ bao giờ thì nó đã có xa xưa, từ rất lâu rồi. Nhưng khi ấy, con người ta làm cặp rất đơn giản, chỉ là một tấm vải lớn, để sách bên trọng mà buộc lại hai đầu đối diện nhau rồi đeo lên một bên vai. Hay sau này cặp sách là dạng hình hộp chữ nhật dọc, làm từ gỗ, tre nứa đan vào… Các sĩ tử đi thi thời xưa hay dùng những chiếc cặp sách đặc biệt như thế đấy.
  • Còn nếu nói đến chiếc cặp có hình dáng gần nhất so với những chiếc cặp thời nay thì chính là vào năm 1988. Chiếc cặp đầu tiên mang phong cách cổ điển đã ra đời vào thời gian này tại nước Mĩ. Từ đó, loại cặp này được sản xuất với số lượng lớn, sử dụng rộng rãi tại Mĩ và rồi lan rộng ra cả thế giới.

Đặc điểm

  • Hình dáng: Các loại cặp hiện nay chúng ta dùng thường có hình chữ nhật, hình thang cân hoặc là một nửa hình tròn ghép lại với một hình chữ nhật và hình vuông. → Có thể nói, hiện nay hình dáng của cặp sách khá đa dạng, để người đọc tự do chọn lựa.
  • Kích thước: Tuỳ theo mong muốn của người dùng mà cũng có nhiều kích thước khác nhau sao cho phù hợp.
  • Màu sắc: Thường có màu đen đối với cặp của học sinh cấp 2 đổ lên. Với cặp của học sinh tiểu học thì sẽ có màu sắc đa dạng hơn.
  • Chất liệu: Chủ yếu là được làm từ vải nilon hoặc cotton nên rất bền chắc. Có một số loại cặp được làm từ da thú, vải mềm hay polime dẻo… đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Cấu tạo

  • Khung cặp: Đa số hiện nay, các loại cặp đều có khung cố định, chỉ trừ balo mà thôi. Thường thì khung cặp là yếu tố hình thành nên hình dáng của cặp. Khung hình chữ nhật thì cặp sẽ có hình chữ nhật, khung hình thang thì cặp sẽ có khung hình thang...
  • Quai cặp: Có 2 loại, gồm quai cặp để xách và quai để đeo. Quai cặp để đeo thường khá dài, dày và bên trong có bông để khi đeo lên vai không bị đau, ở phía sau cặp. Hai quai sẽ đối xứng với nhau ở hai bên. Ngoài ra, ta còn có thể chỉnh độ dài của quai đeo sao cho vừa với người. Còn quai để xách thì thường ở ngay phía trên cặp, được bọc bằng da mềm. Hiện nay, cặp sách đều đồng thời có 2 loại quai để người dùng linh hoạt sử dụng.
  • Khoá cặp: Thường được làm bằng nhựa, kim loại và ở phần ngoài cặp. Một số cặp như cặp tài liệu thì sẽ là khoá có số để có thể bảo mật.
  • Mặt trước, mặt sau: Tuỳ theo loại cặp mà mặt trước mặt sau sẽ có màu sắc, hình ảnh khác nhau. Cặp của học sinh tiểu học thường có màu sáng, mặt trước sẽ có những hình đáng yêu ngộ nghĩnh, của con trai là siêu nhân, con gái là công chúa… Còn cặp khác thì mặt trước sẽ có logo nhà sản xuất, mặt sau thường không có gì cả...
  • Ngăn cặp: Thường thì sẽ có từ 2 đến 6 ngăn to nhỏ khác nhau tuỳ theo loại cặp ra sao. Sẽ luôn có một ngăn lớn nhất để đựng sách, ngoài ra còn có các ngăn nhỏ hơn để đựng hộp bút hay quyển lịch, bùa bình an, khe để bút… Các ngăn cặp được đóng mở lại bởi dây kéo hoặc là khoá.

Phân loại

  • Cặp sách cấp 1: Đây là kiểu cặp sách hình chữ nhật, có khá nhiều màu sắc khác nhau, được trang trí đáng yêu và ngộ nghĩnh. Kiểu cặp này thường có quai đeo ở hai vai giúp học sinh đeo lên để không phải xách nặng. Một số cặp còn thiết kế thêm tay kéo với bánh xe, trông vô cùng thời thượng.
  • Cặp sách cấp 2, cấp 3: Loại cặp này được thiết kế chủ yếu là màu đen, có tay cầm và dây cặp đeo chéo người. Cặp có nhiều ngăn để có thể để được nhiều đồ sao cho gọn gàng ngăn nắp.
  • Balo: Loại cặp này không có khung, đa phần làm từ vải mềm, chỉ có 1 ngăn lớn duy nhất để sách cùng 1 ngăn bé để những vật dụng khác. Ngoài việc dùng để đựng sách, có thể đựng quần áo cùng rất nhiều thứ khác.
  • Cặp táp: Loại cặp này thường được dùng cho người lớn, để đựng tài liệu, đặc biệt là người làm công sở, văn phòng. Loại cặp này nhỏ gọn, dễ mang, lại có thêm ổ khoá số bảo mật nên được ưa dùng.

Công dụng

  • Trước hết, đây là đồ dùng để ta đựng sách vở, hộp bút, dụng cụ học tập và nhiều thứ khác mỗi khi đến trường. Nhờ vậy mà ta có thể mang được nhiều thứ thật dễ dàng. Nhiều loại cặp hiện nay có tác dụng chống nước giúp ta đi mưa mà không lo bị ướt sách bên trong.
  • Không chỉ vậy, cặp sách còn góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho người dùng nhờ những kiểu mã, cách đeo của nó. Học sinh cấp 1 thêm phần nhí nhảnh đáng yêu khi đeo những chiếc cặp quai đầy sắc màu và hình ảnh vui nhộn. Sinh viên đại học trông thật năng động trẻ trung và tri thức khi đeo những chiếc balo tối màu...

Cách sử dụng và bảo vệ

  • Cách sử dụng: Cách dùng vô cùng đơn giản, chỉ cần đeo quai cặp lên vai là được. Hay chúng ta có thể đổi thành cầm cặp nhờ phần quai phía trên để cho đỡ mỏi vai. Các chuyên gia cho rằng chúng ta không nên đeo cặp có trọng lượng vượt quá 15% trọng lượng của cơ thể, đồng thời, những đồ nặng nên xếp sâu vào phía trong, tức phần gần sát lưng nhất. Đồ dùng, sách vở nên xếp sao cho cân đối, gọn gàng...
  • Các bảo quản: Thường xuyên vệ sinh cặp sạch sẽ, không nên ném cặp hay vì tò mò, nghịch ngợm mà phá cặp ra...

III. KẾT BÀI

Nêu tình cảm và suy nghĩ của bản thân đối với chiếc cặp sách.

Ví dụ: Chiếc cặp sách - người bạn thân thương đã đồng hành cùng ta suốt những năm tháng đến trường, giúp ta mang bao sách vở tri thức mỗi ngày. Mỗi người nên bảo vệ và giữ gìn cặp cẩn thận để nó được bền lâu.

Dàn ý chi tiết số 2

1. Mở bài

Giới thiệu chiếc cặp sách: một trong những vật dụng quan trọng không thể thiếu, gắn bó với nhiều tầng lớp, thế hệ con người chính là chiếc cặp sách.

2. Thân bài

  1. Khái quát chung

Lịch sử hình thành: Vào năm 1988, nước Mỹ lần đầu tiên sản xuất ra chiếc cặp sách mang phong cách cổ điển. Từ sau 1988, cặp sách đã được sử dụng phổ biến nhiều nơi ở Mỹ và sau đó lan rộng ra khắp thế giới.

  1. Phân loại

Dựa vào hình dáng: balo, cặp đeo chéo, cặp khoác sau lưng, cặp cầm tay,…

Dựa vào công dụng: cặp đựng sách vở, cặp đựng tài liệu, cặp đựng đồ dùng,…

Với mỗi loại, chiếc cặp lại có hình dáng và kích cỡ khác nhau.

  1. Thuyết minh chi tiết

Cấu tạo: gồm phần bên ngoài và bên trong.

Bên ngoài cặp được trang trí những họa tiết khác nhau bắt mắt phù hợp với nhiều loại đối tượng.

Bên trong: được chia thành nhiều ngăn, có thể có khóa kéo hoặc không, mỗi ngăn có kích cỡ to nhỏ khác nhau để người sử dụng dễ dàng phân chia vật dụng vào các ngăn.

Chất liệu: bằng da, vải hoặc nhựa dẻo,…

  1. Sử dụng và bảo quản

Sử dụng: tùy vào tần suất sử dụng mà tuổi thọ của những chiếc cặp khác nhau. Nếu thường xuyên sử dụng và không biết giữ gìn thì cặp sẽ nhanh bị hỏng. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng hoặc nước mưa cũng là nguyên nhân khiến cặp nhanh bị hư hại.

Bảo quản: thường xuyên làm vệ sinh cặp (giặt ướt hoặc giặt khô tùy vào chất liệu cặp); giữ cho cặp tránh va đập mạnh, hạn chế tiếp xúc nắng mưa; không bỏ quá nhiều đồ vào cặp để tránh cặp nhanh bị giãn hoặc nặng quá,…

3. Kết bài

Khái quát lại những vai trò của chiếc cặp.

Dàn ý chi tiết số 3

  1. Mở bài
  • Giới thiệu chiếc cặp sách là người bạn đồng hành lâu dài với lứa tuổi học trò trong suốt thời gian cắp sách đến trường.

II. Thân bài

1. Nguồn gốc, xuất xứ:

  • Xuất xứ: Vào năm 1988, nước Mỹ lần đầu tiên sản xuất ra chiếc cặp sách mang phong cách cổ điển.
  • Từ sau 1988, cặp sách đã được sử dụng phổ biến nhiều nơi ở Mỹ và sau đó lan rộng ra khắp thế giới.

2. Cấu tạo:

– Chiếc cặp có cấu tạo rất đơn giản.

  • Phía ngoài: Chỉ có mặt cặp, quai xách, nắp mở, một số cặp có quai đeo,.
  • Bên trong: Có nhiều ngăn để đựng sách vở, bút viết, một số cặp còn có ngăn để đựng áo mưa hoặc chai nước,.

3. Quy trình làm ra chiếc cặp:

Có nhiều loại cặp sách khác nhau như: Cặp táp, cặp da, balo. Với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như: Của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc: Tian Ling, Ling Hao, mang những phong cách thiết kế riêng biệt. Tuy nhiên cách làm chúng đều có phần giống nhau.

  • Lựa chọn chất liệu: Vải nỉ, vải bố, da cá sấu, vải da,.
  • Xử lý: Tái chế lại chất liệu để sử dụng được lâu dài, bớt mùi nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chất liệu đó.
  • Khâu may: Thông thường các xí nghiệp sử dụng máy may để may từng phần của chiếc cặp lại với nhau theo thiết kế.
  • Ghép nối: Ghép các phần đã được may thành một chiếc cặp hoàn chỉnh rồi được tung ra thị trường với những giá cả khác nhau.

4. Cách sử dụng:

– Tùy theo từng đối tượng mà con người có những cách sử dụng cặp khác nhau:

+ Học sinh nữ: Dùng tay xách cặp hoặc ôm cặp vào người.

\=> Thể hiện sự dịu dàng, thùy mị, nữ tính.

+ Học sinh nam: Đeo chéo sang một bên

\= > Thể hiện sự khí phách, hiên ngang, nam tính.

+ Học sinh tiểu học: Đeo sau lưng để dễ chạy nhảy, chơi đùa cùng đám bạn.

\=> Thể hiện sự nhí nhảnh, ngây thơ của lứa tuổi cấp 1.

Các nhà doanh nhân: Sử dụng các loại cặp đắt tiền thường thì họ xách trên tay.

\=> Thể hiện họ thật sự là những nhà doanh nhân thành đạt và có được nhiều thành công cũng như sự giúp ích của họ dành cho đất nước.

– Nhìn chung, khi mang cặp cần lưu ý không nên mang cặp quá nặng, thường xuyên thay đổi tay xách và vai đeo.

5. Cách bảo quản:

– Học sinh chúng ta thường khi đi học về thì quăng cặp lên trên cặp một cách vô lương tâm khiến cặp dễ bị rách hay hư hao. Nên bảo quản cặp bằng những phương pháp sau đây để giữ cho cặp bền tốt và sử dụng được lâu:

  • Thường xuyên lau chùi hoặc giặt cặp để giữ độ mới của cặp.
  • Không quăng cặp hay mạnh tay để tránh làm rách cặp hay hư hao.
  • Cứ khoảng 1 – 2 lần mỗi năm, hãy làm mới cặp bằng xi đánh giày không màu.
  • Để sửa chữa cặp khi bị rách, đừng nên mang đến hàng sửa giày hay giặt khô vì như vậy sẽ có nguy cơ bị hỏng do dùng sai công cụ. Hãy đưa đến thợ sửa cặp chuyên nghiệp.
  • Đừng bao giờ cất cặp da trong túi nilon, nó có thể làm khô túi hoặc bị chất dẻo dính vào da.
  • Thường xuyên nhét giấy vụn hoặc áo phông cũ vào cặp để giữ hình dáng.
  • Đặt cặp trong túi nỉ của cửa hàng hoặc vỏ gối để giữ khả năng đứng thăng bằng của cặp.

6. Công dụng:

  • Cặp là vật để chúng ta đựng sách vở, bút viết mỗi khi đến trường.
  • Cặp cũng là vật để che nắng, che mưa cho sách vở. Một số bạn cũng sử dụng cặp để che mưa cho chính bản thân.
  • Cặp cũng là vật đã để lại không biết bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn, đồng thời cũng tô lên nét đẹp của tuổi học trò – cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

III. Kết bài

Cùng với những vật dụng tiện lợi khác, chiếc cặp sách đã trở thành một người bạn trung thành và luôn đồng hành với mỗi con người, đặc biệt là đối với những học sinh. Từ khi chiếc cặp sách ra đời đến nay nó đã thực sự đem lại sự tiện dụng to lớn trong cuộc sống con người.