Báo cáo xử lý sau thanh tra

Ngày 8/6/2018, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 81/QĐ – TTr về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Xử lý sau thanh tra (XLSTTr). Theo đó, Phòng Xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra Bộ Tài chính có chức năng giúp Chánh Thanh tra tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra của Bộ trưởng và của Chánh Thanh tra; Xử lý các vấn đề phát sinh sau thanh tra; Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính; Thực hiện phân công, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo các kiến nghị, quyết định xử lý về tài chính của cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra; Tổ chức quản lý tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ.

Phòng Xử lý sau thanh tra có các nhiệm vụ:

1. Tiếp nhận, kiểm tra, rà soát hồ sơ của các Đoàn thanh tra, kiểm tra do Thanh tra Bộ tiến hành, hoặc chủ trì bàn giao; yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra bổ sung hồ sơ, tài liệu đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.

Tiếp nhận hồ sơ liên quan đến kiến nghị, quyết định xử lý về tài chính của cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra gửi đến Bộ Tài chính.

Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của các Đoàn thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đề cương, kế hoạch thanh tra, kiểm tra; đánh giá, nhận xét việc chấp hành các quy định, các quy trình nghiệp vụ của Đoàn thanh tra, kiểm tra và các thành viên Đoàn thanh tra, kiểm tra, báo cáo đề xuất Chánh Thanh tra biện pháp chấn chỉnh.

Nghiên cứu báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, kết luận thanh tra phát hiện thiếu sót, sơ hở, những vấn đề kết luận thanh tra chưa chính xác, chưa chặt chẽ, thiếu chứng lý... báo cáo Chánh Thanh tra để sửa đổi, bổ sung và chấn chỉnh kịp thời.

2. Chủ trì, phối hợp với các phòng thanh tra xây dựng kế hoạch hàng năm về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra công tác xử lý sau thanh tra. Xây dựng kế hoạch công tác thường xuyên, định kỳ theo quy định và báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện.

3. Khảo sát, xây dựng đề cương, kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra được Chánh Thanh tra giao.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với các Phòng Thanh tra và các đơn vị có liên quan tổng hợp, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra.

Chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính và của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính; kiểm tra việc thực hiện thanh tra và xử lý sau thanh tra của các Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính, Thanh tra Sở Tài chính các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

Đầu mối phân công, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo với các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, các Phòng trong cơ quan trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về tài chính của cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra; phối hợp với Kho bạc Nhà nước trong quyết toán ngân sách liên quan đến xử lý kết luận của các cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra.

Tiếp nhận, theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện các quyết định thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính các khoản tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra tài chính. Đối chiếu, xác nhận với Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước về số liệu phát sinh trên tài khoản tạm giữ. Làm thủ tục hoàn trả các đơn vị và trích nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản đến hạn theo quy định.

Lập báo cáo tình hình số liệu xử lý sau thanh tra, thực hiện kiến nghị, xử lý thu nộp ngân sách nhà nước tại các đơn vị theo từng tháng, quý, năm. Đề xuất biện pháp xử lý những vấn đề còn tồn tại và vướng mắc của các đơn vị khi thực hiện kiến nghị của các Đoàn thanh tra.

5. Chủ trì hoặc phối hợp với các Phòng giúp Chánh Thanh tra giải quyết những vấn đề mà đối tượng thanh tra, kiểm tra có văn bản kiến nghị, hoặc không thống nhất với kết luận thanh tra, kiểm tra và các khiếu nại, tố cáo liên quan đến các Đoàn thanh tra, kiểm tra.

6. Chủ trì hoặc phối hợp với Phòng Khiếu tố giúp Chánh Thanh tra xử lý giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của Bộ Tài chính về lĩnh vực xử lý sau thanh tra.

7. Chủ trì hoặc phối hợp với Phòng Thanh tra 7 hướng dẫn và thực hiện kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính.

8. Chủ trì hoặc phối hợp với Phòng Thanh tra 6 thực hiện nội dung thanh tra phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cuộc thanh tra do Phòng thực hiện; Tham mưu giúp Chánh Thanh tra xử lý các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực thanh tra do Phòng thực hiện.

9. Triển khai nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, nhật ký Đoàn thanh tra tài chính theo phương thức điện tử áp dụng trong ngành Tài chính.

10.Xây dựng, tổ chức thực hiện tốt Quy trình xử lý sau thanh tra và Quy trình Quản lý tài khoản tạm giữ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác xử lý sau thanh tra.

11. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc, quy trình xử lý công việc của phòng. Nghiên cứu khoa học và tham gia công tác hợp tác quốc tế theo phân công của Chánh Thanh tra.

12. Phân công và quản lý cán bộ; quản lý tài sản; lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo phân cấp của Chánh Thanh tra; đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, kỷ luật làm việc của cơ quan.