Bị bệnh trĩ là gì

Cùng Bs CKI. Vũ Hồng Quang - Khoa Ngoại Tổng quát đi vào tìm hiểu "Tổng quan của bệnh trĩ" nhé !

Chia sẻ hữu ích của Bs CKI. Vũ Hồng Quang - Khoa Ngoại Tổng quát

1. Bệnh trĩ là gì?

  • Trĩ là một bệnh rất phổ biến, tỷ lệ mắc trong cộng đồng khoảng 35%. Bản chất của trĩ là hiện tượng dãn của các tĩnh mạch hậu môn trực tràng.
  • Trĩ hình thành so sự dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ.

2. Nguyên nhân là gì?

     a. Thuyết cơ học: Các mô sợi cơ đàn hồi giữ đám rối tĩnh mạch chùng dãn dần, mô lỏng lẻo nhất là khi áp lực xoang bụng tăng gây ra sa trĩ.

     Các nguyên nhân:

  • Táo bón.
  • Bí tiểu.
  • Ngồi nhiều.
  • Đứng nhiều.
  • Mang vát nặng.
  • Tuổi: càng lớn tuổi,các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tục dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa,….

     b. Thuyết động học: Cơ chế đóng mở các shunt động - tĩnh mạch vùng ống hậu môn.

3. Trĩ có mấy loại:

     a. Trĩ ngoại: Nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.

     b. Trĩ nội:

Nằm bên trong trên đường lược ống hậu môn,được chia làm "4 độ":

  • Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
  • Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
  • Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
  • Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.

Bị bệnh trĩ là gì
Hình ảnh thể hiện của từng cấp độ của "trĩ"

4. Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh trĩ ?

  • Đi ngoài ra máu tươi.
  • Cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn.
  • Sưng vùng quanh hậu môn.
  • Một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau.
  • Búi trĩ sa ra ngoài.

5. Cách điều trị trị thế nào?

Tùy thuộc vào từng phân độ của trĩ mà có cách điều trị khác nhau:

     5.1. Điều trị nội khoa:

          a. Điều trị bảo tồn và chế độ sinh hoạt:

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ là phương pháp điều trị hữu hiệu cho trĩ xuất huyết, hạn chế các chất kích thích như rượu, ớt. Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón.
  • Ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm giúp cải thiện triệu chứng.
  • Dùng thuốc: Có thể dùng các thuốc bôi hoặc nhét tại chỗ, thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch

     5.2 Điều trị ngoại khoa:

  • Đối với các trường hợp trĩ có các biến chứng huyết khối: bệnh trĩ có huyết khối nên được can thiệp sớm bằng cách thực hiện phương pháp cắt bỏ theo các phương pháp kinh điển hoặc phối hợp lấy huyết khối kèm cắt trĩ bằng các phương pháp khác.
  • Thủ thuật thắt búi trĩ bằng dây thun hoặc chích xơ mạch máu đến nuôi búi trĩ, thường được áp dụng cho các trường hợp trĩ mức độ nhẹ.
  • Chích xơ chỉ định trong "trĩ độ 1 và 2", không chỉ định cho trĩ ngoại, trĩ có huyết khối, trĩ nội bị viêm loét hoặc hoại tử. Đối với thủ thuật điều trị chích xơ, 1-2 ml chất làm xơ (thường là natri tetradecyl sulfate hoặc phenol 5%, quinine, urea hydrochloride, polidocanol) được tiêm bằng kim 25-gauge vào lớp dưới niêm của búi trĩ.
  • Thắt bằng dây thun - Vòng thắt cao su được đặt bao quanh búi trĩ, thắt gây ra sự thiếu máu cục bộ, búi trĩ bị xơ, teo lại và tự rụng đi. Ưu điểm là dễ thực hiện, đơn giản, rẻ tiền, có thể điều trị ngoại trú cho những bệnh nhân "trĩ độ 2 và 3".
  • Phương pháp Longo (stapled hemorrhoidectomy-PPH, 1998) được thừa nhận ở nhiều nước châu Âu, châu Á. Phương pháp này đã trở thành một lựa chọn được chấp nhận rộng rãi trong phẫu thuật cắt bỏ trĩ để điều trị "trĩ nội độ 3 và độ 4". Đây là phương pháp không cắt trĩ mà nguyên lý là làm gián đoạn các mạch máu trĩ trên và giữa, sau đó khâu niêm mạc hậu môn - trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về vị trí trong ống hậu môn do đó làm teo mô trĩ. Ưu điểm ít gây khó chịu hơn vì không cắt bỏ vùng da hậu môn.
  • Phương pháp khâu triệt mạch THD được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm để làm tắc mạch cung cấp máu cho hậu môn, do đó làm giảm sự phình búi trĩ.
  • Cắt trĩ bằng các phương pháp kinh điển: Miligan Morgan, Ferguson, White Head, các phương pháp này can thiệp trực tiếp vào búi trĩ nên thường gây đau.

**Lưu ý khi điều trị bệnh trĩ:

  • Không có chỉ định phẫu thuật ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc những người có viêm đại tràng thể hoạt động. Phẫu thuật trĩ cấp cứu đi kèm tỷ lệ biến chứng cao hơn.
  • Biến chứng cấp tính liên quan đến điều trị bệnh trĩ bao gồm đau, nhiễm trùng, chảy máu tái phát và bí tiểu. Biến chứng muộn bao gồm không kiểm soát do tổn thương cho cơ thắt hậu môn trong quá trình mổ xẻ.

Bị bệnh trĩ là gì
Các phương pháp phổ biến điều trị bệnh trĩ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng dễ dàng đi qua lỗ hậu môn. Để ngăn ngừa trĩ và giảm triệu chứng trĩ, hãy làm theo các phương pháp sau:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám ví dụ lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,... giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ để tránh xì hơi quá mức.
  • Uống nhiều nước. Uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.
  • Xem xét chất bổ sung chất xơ. Hầu hết mọi người không nhận đủ lượng chất xơ được khuyến cáo 25 gram mỗi ngày đối với phụ nữ và 38 gram mỗi ngày đối với nam giới trong chế độ ăn uống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như Metamucil và Citrucel, giúp cải thiện các triệu chứng và giảm chảy máu từ búi trĩ. Những sản phẩm này giúp giữ phân mềm và đi cầu đều đặn mỗi ngày. Cần lưu ý khi sử dụng chất chất xơ bổ sung, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước hoặc các chất lỏng khác mỗi ngày. Nếu không, các chất bổ sung có thể gây táo bón hoặc làm táo bón nặng hơn.
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu.
  • Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó hơn đi cầu hơn.
  • Tập thể dục. Duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân.
  • Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, bạn hãy ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc và uống nhiều nước

Tóm lại, đa số bệnh nhân nghĩ rằng có thể tự điều trị mà không cần đến chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, đừng quá tự tin vào khả năng tự chẩn đoán của chính bản thân đặc biệt đối với những người trên 40 tuổi. Chảy máu từ hậu môn trực tràng ngoài trĩ còn rất nhiều bệnh lý khác từ lành tính đến ác tính như ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn, polyp đại trực tràng, ngoài ra trĩ còn có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác gây nên . Nếu thay đổi thói quen đi tiêu, thay đổi màu sắc phân hãy nhờ đến sự tư vấn từ bác sĩ.

Cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ nếu chảy máu đi kèm đau, chảy máu thường xuyên hay chảy máu nhiều, hoặc không cải thiện triệu chứng khi đã được chỉ định dùng thuốc tại nhà. Cần đến bệnh viện ngay khi chảy máu nhiều từ hậu môn, chóng mặt, choáng váng hoặc ngất.

Theo Bs CKI. Vũ Hồng Quang - Chuyên khoa Ngoại Tổng quát tại Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn.

-----------------------------------------------------------

▶ Đặt lịch khám với Bs. Hồng Quang tại: TẠI ĐÂY