Bộ chỉ huy quân sự macv ra đời khi nào năm 2024

(QK7 Online) - Đến giữa năm 1966, tổng số quân chiến đấu Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam lên gần 300.000 gồm lục quân, hải quân, lính thủy đánh bộ, không quân, tuần duyên, chưa kể quân các nước đồng minh của Mỹ (Hàn Quốc, Thái lan, Australia, Philippines, New Zealand). Để chỉ huy các lực lượng trên, Mỹ hợp nhất cơ quan Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV - The US Military Assistance Command, Vietnam) với Phái bộ cố vấn quân sự (MAAG - Military Assistance Advisory Group) thành cơ quan chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam.

Bộ chỉ huy quân sự macv ra đời khi nào năm 2024
Xe Jeep quân cảnh Mỹ trúng đạn tại Tổng hành dinh MACV (1-2-1968) Ảnh: Tư liệu

Để xây dựng tổng hành dinh, MACV yêu cầu chính quyền Sài Gòn cấp một khu đất trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, Nha Căn cứ hàng không không đồng thuận với yêu cầu này. Trong phiếu trình ngày 25-5-1966 gửi Ủy viên công chánh, Nha Căn cứ hàng không viện các lý do để từ chối: “1- Nếu cho MACV xây cất tổng hành dinh, các hành khách, nhất là các thượng khách ngoại quốc lúc rời nhà ga sẽ thấy ngay tổng hành dinh này sừng sững trước mặt, điều này sẽ rất có hại cho uy tín và thể diện quốc gia; 2- Đây là khu đất trống duy nhất còn lại có thể dùng để mở mang phi cảng vì hầu hết đất trống trên khu vực dân sự đều đã được cấp cho quân lực Hoa Kỳ sử dụng; 3- Khu đất hiện thời sắp thực hiện các công trình: cư xá của nhân viên Nha Căn cứ (phía Nam), Phòng thí nghiệm đất (phía đông), khu dự trữ vật liệu (phía Bắc), đường vào phi trường sẽ thiết lập thêm để giải tỏa bớt lưu lượng xe cộ trên đường vào hiện hữu (phía Tây); 4- Lưu lượng trên trục giao thông Tân Sơn Nhứt - Đô thành (các đường Cách Mạng, Công Lý, Trương Minh Giảng, Võ Tánh) đã đến mức làm cho nạn ứ đọng xe cộ trên trục giao thông này gần như thường xuyên; nay nếu dời tổng hành dinh MACV lên Tân Sơn Nhứt ở địa điểm dự định nạn ứ đọng này sẽ trở thành nan giải”.

Mặc dù Nha Căn cứ hàng không không đồng ý, nhưng trước sức ép của Mỹ, chính quyền Sài Gòn buộc phải cắt đất cho MACV xây tổng hành dinh. Ngày 31-5-1966, tại Nha căn cứ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện các bên Hoa Kỳ và Việt Nam đã thống nhất “hoạch định ranh giới khu đất mà Thiếu tướng, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương đã chấp thuận cấp cho Phái bộ MACV để xây cất tổng hành dinh và thảo luận những vấn đề liên quan đến việc xây cất này”. Đi đôi với việc xây dựng trụ sở làm việc, trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất, MACV thiết lập đài radar để kiểm soát và báo động không phận (Air Control and Warning Station) và các công trình khác như nhà nghỉ, câu lạc bộ, khu vui chơi thể thao… MACV còn yêu cầu chính quyền Sài Gòn quy định giới hạn chiều cao các công trình xây dựng không quá 20m trong bán kính 3.000m (tính từ chân đài radar) vì nhu cầu hoạt động của đài radar này.

Như vậy, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trở thành nơi đặt sở chỉ huy của MACV, về danh nghĩa là cơ quan chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, có quyền hạn chỉ huy về mặt quân sự toàn bộ lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và quân đội các nước đồng minh tại Nam Việt Nam. Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành bản doanh quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh của Mỹ tại Việt Nam. Ngoài tổng hành dinh của MACV, sân bay Tân Sơn Nhất còn là nơi đóng quân của nhiều tổ chức đơn vị khác, như Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ thứ 7, nhà Đại tướng Westmoreland - Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nhà của Tướng Vốt, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Đông Nam Á, kiêm Phó Tổng chỉ huy lực lượng quân viễn chinh Mỹ tại Đông Dương.

Để bảo đảm an toàn các căn cứ nói trên, Mỹ cung cấp tài chính và chỉ đạo quân đội Sài Gòn thiết lập hệ thống bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất cực kỳ nghiêm mật. Khắp các khu vực đều được bố trang thiết bị báo động hiện đại. Bao bọc xung quanh sân bay là hàng rào kẽm gai bùng nhùng dày 22 lớp, giữa các lớp rào là các loại mìn sáng, mìn díp, mìn cóc, claymo, vỏ đồ hộp phát tiếng động. Phía ngoài hàng rào là con đường rải nhựa dành cho xe cơ giới tuần tra, cứ 15 phút có một tốp xe chở lính đi tuần tiễu. Phía trong hàng rào là con hào sâu hơn 2m rộng 8m, hệ thống lô cốt, công sự dã chiến trang bị đầy đủ máy truyền tin, súng đại liên, đèn pha cao áp cực mạnh. Lực lượng bảo vệ sân bay gồm 1 tiểu đoàn quân cảnh Mỹ (có chó berger), 1 tiểu đoàn quân cảnh Sài Gòn, 1 tiểu đoàn an ninh phi trường. Khu vực xung quanh sân bay được phát quang, trong các khu dân cư có mạng lưới thám báo, gián điệp trà trộn nhằm phát hiện mọi động tĩnh có khả năng gây mất an toàn căn cứ. Ngoài lực lượng bảo vệ tại chỗ, sân bay Tân Sơn Nhất còn được các lực lượng ở các căn cứ pháo binh Cổ Loa, thiết giáp Phù Đổng, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, Yếu khu quân sự Vĩnh Lộc, Trại Hoàng Hoa Thám sẵn sàng ứng cứu.

Năm 1973, thực hiện Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải rút hết quân chiến đấu và quân đội các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Trưa ngày 29-3-1973, tại sở chỉ huy MACV trong sân bay Tân Sơn Nhất, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Uâyen làm lễ hạ cờ, rút hết quân Mỹ về nước. 16 giờ 25 phút cùng ngày, những người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.