Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình

Chiến tranh và Hòa Bình là cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn người Nga Lev Tolstoy. Đây được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tolstoy, người mệnh danh là con sư tử của nền văn học Nga. Người Việt Nam chúng ta hầu như ai cũng biết tới tác phẩm này và cũng nghe nhiều đánh giá trong sách này sách nọ,… nhưng với tôi thì đây là cuốn sách rất khó đọc.

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình

Nội dung tác phẩm

Phần này dành cho những ai chưa đọc “Chiến tranh và hòa bình”, mà hẳn là rất nhiều người chưa đọc vì đây là tác phẩm không dễ đọc chút nào (tôi sẽ đề cập ngay phần sau). Tôi sẽ tóm tắt thật ngắn gọn, vì cuốn tiểu thuyết này thực sự quá lớn nên đoạn ngắn tóm tắt dưới đây chỉ là sự bóc tách hết sức sơ lược thôi nhé.

Nội dung cuốn tiểu thuyết gồm 2 sự kiện song song:

Chiến tranh: Tác phẩm đề cập đến các cuộc chiến tranh diễn ra năm 1805 và 1812 gồm những trận đánh Austerlitz và Borodino. Đây đều là những trận đánh cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới vận mệnh của dân tộc Nga. Trận Austerlitz được chỉ huy bởi Nga hoàng non kinh nghiệm nên thất bại thảm hại, còn trận Borodino dưới sự chỉ huy bởi nguyên soái lão luyện Koutouzov quân Nga đã đánh thiệt hại nặng quân Pháp, tuy sau đó quân Nga rút lui nhưng sĩ khí quân đội tăng lên rất cao. Trận Borodino là trận đánh then chốt để quân Nga chiến thắng Naponeon trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812.

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình
Cảnh trong phim “Chiến tranh và Hòa bình”

Hòa Bình: Đó là câu chuyện về lý tưởng và tình yêu của giới quý tộc Nga xoay quanh hai nhân vật chính là công tước Andrei Bolkonsky và Pierre (hai nhân vật này có những mối tình khác nhau chứ không phải tình yêu đồng giới như ngày nay nhé).

Về lý tưởng, tuy khác nhau về tính cách, một người khắc khổ về lý trí, một người hồn nhiên sôi nổi song Andrei và Pierre rất quý mến nhau và đều là những chàng trai trung thực, luôn khát khao đi tìm lẽ sống. Andrei vào quân đội để trở thành người đàn ông chân chính nơi chiến trường, còn Pierre đang tham gia vào hội Tam điểm với mong muốn làm việc có ích cho đời.

Về tình yêu, cái chết và sự phản bội trong tình yêu liên tục khiến các câu chuyện tình yêu trở lên phức tạp và đời thường. Nhưng cuối cùng cũng có một cái kết tạm coi là đẹp sau rất nhiều mất mát.

Các tình tiết và cốt truyện nói trên gắn bó khăng khít với nhau, và đề tài chiến tranh quán xuyến toàn bộ tác phẩm đan chéo với đề tài về hòa bình.

Đánh giá về “Chiến tranh và hòa bình”

Vì vốn dĩ thích tiểu thuyết lịch sử hơn nữa cuốn tiểu thuyết này quá nổi tiếng, hẳn không còn bàn cãi gì về chất lượng, nên tôi đã mua bộ “Chiến tranh và hòa bình” vào năm thứ 2 đại học với số tiền tích cóp được trong 1 tháng nhịn ăn sáng. Hình như mấy trăm nghìn gì đó, vào năm 2008 đó là một số tiền lớn.

Và khi đọc… thật đúng là ác mộng! Đây là một cuốn sách rất khó đọc! Câu văn lê thê với dài dằng dặc những biện luận rối rắm. Sau từng ấy năm trời, tôi vẫn chưa tìm ra lí do để có thể thích cuốn “Chiến tranh và hòa bình”. Có lẽ cuốn sách chỉ phù hợp với người Nga, văn hóa Nga chứ người Việt chúng ta thì không hợp lắm. Vì tôi nghĩ để đọc được cuốn sách này thì cần một lượng phông văn hóa Nga lớn với hiểu biết nhất định về lịch sử Nga. Thêm nữa, có nhiều cái tôi cũng không thích trong tác phẩm này.

Thứ nhất, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử. Nhưng khi đọc tác phẩm ta thấy bác Lép (Lev) đi nhiều vào tiểu tiết và cá nhân mà không đề cập mấy đến cái tổng thể nên rất khó nắm bắt diễn biến của các sự kiện, trận đánh. Khuyến cáo bạn đọc là nên đọc song song với Wikipedia không thì sẽ tù mù lắm. Như tác giả miêu tả trận Austerlitz, đang thấy mấy anh sĩ quan Nga hùng hổ tấn công, cướp cờ hiệu thì đùng một cái đạn bay vèo vèo, rồi chả biết tại sao thi nhau chạy qua sông băng,… tình thế thay đổi, quân Nga thua lúc nào mà không biết luôn! Với tôi, một bài miêu tả tốt thì phải miêu tả được cái không khí của trận đánh, đánh ra sao, đấm thế nào, cò cưa một lúc rồi ông này thắng thế, bất ngờ một sự kiện nào đó khiến tình huống đảo ngược… “Chiến tranh và hòa bình” ngay cả những đoạn chiến trận đọc cũng rất mệt và không cuốn hút.

Thứ hai, tôi không thích cách miêu tả nhân vật của bác Lép. Không được khách quan. Như Napoleon thì bác miêu tả như một anh chàng hài hước, hết sức điệu đà. Như việc ra lệnh cho quân tấn công, Napoleon rút cái găng tay trắng muốt ra phẩy một cái. Dĩ nhiên bác Lép đứng ở góc độ người Nga và có thể nhìn nhân vật dưới góc độ một người yêu nước. Nhưng chính vì thế nó hợp với người Nga, chứ không hợp với người của các dân tộc khác, bởi họ đâu có tình yêu với nước Nga. Tôi đọc nhiều sách sử và thấy Napoleon đúng là có cái chất lãng mạn của người Pháp nhưng là một vị hoàng đế dày dạn kinh nghiệm chiến trận, không giống với cách miêu tả của bác Lép. Viết truyện lịch sử thì nên có cái nhìn trung thực về các nhân vật lịch sử.

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình
Hình ảnh trong phim “Chiến tranh và Hòa bình”

Với các nhân vật khác của bác Lép thì cũng vậy, bởi vì những tràng lí luận liên miên nên rất khó nắm bắt tính cách. Với lại tính cách nhân vật không giống lắm một con người bình thường. Andrei, Pierre, Natasha,… tôi đều thấy tính cách nhân vật có phần gượng ép. Phải chăng vì tác giả muốn lãng mạn hóa nhân vật nên nó thiếu đi chất chân thực của một con người? Chẳng hạn như đoạn Andrei bị thương, tác giả không miêu tả nỗi đau của một con người mà miêu tả dưới khía cạnh lí tưởng, anh bị thương, nằm trên sa trường, ngắm bầu trời trong xanh, mơ về những điều tươi đẹp… giá mà cứ để anh đau tí rồi đến khi mê sảng rồi cho đoạn lí tưởng hóa kia vào có phải thực hơn không?

Chê một tác phẩm kinh điển rất dễ bị ăn gạch. Nhưng đứng từ góc độ sáng tác, tôi thấy bác Lép rất tham tiểu tiết nên làm cốt truyện bị loãng, khó theo dõi. Thời gian đầu tập tành viết tiểu thuyết, cái gì tôi cũng muốn đưa vào, rồi sau này đọc lại lại cắt xén, bỏ hết bảy tám phần. Tôi nghĩ tiểu thuyết là một kết cấu lớn, để người đọc dễ theo dõi, khi viết chỉ nên tập trung vào những tình tiết có tính thúc đẩy cốt truyện. Còn các tình tiết râu ria thì có thể bỏ qua hoặc tóm tắt. Đọc “Chiến tranh và Hòa Bình” quả thực có nhiều râu ria quá, đọc mệt, đọc xong rồi mà chả đọng lại tẹo nào trong đầu.

Cái này có thể không phải là bác Lép viết kém mà là sự khác biệt về thời đại. Có lẽ con người thời đó sống chậm, họ có thể ngồi cả ngày để nghiền ngẫm từng câu chữ của cuốn sách, còn thời hiện đại ngày nay, mỗi ngày có hàng tỉ lượng thông tin cần xử lý, câu chữ cần ngắn gọn xúc tích dễ hiểu để người ta đọc thật nhanh.

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình

Nhưng dù sao, tôi vẫn không đánh giá cao “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Nước Nga khi ấy có tác phẩm lớn khác là “Sông Đông êm đềm” – ra đời sau “Chiến tranh và Hòa bình” mấy chục năm. Trong khi con sư tử của nền văn học Nga bị hội đồng trao giải Nobel gạt phăng để rồi trao giải Nobel văn học cho một nhà Sử học- Theodor Mommsen, thì anh chàng Sholokhov ít tên tuổi lại được giải thưởng Nobel văn học danh giá.

Tôi đã đọc bộ tiểu thuyết “Sông đông êm đềm” và thấy nó đúng là ăn đứt “Chiến Tranh và Hòa Bình” về mọi mặt: tâm lý nhân vật phức tạp nhưng hết sức chân thực, miêu tả lôi cuốn, tạo ra được bầu không khí truyện để người đọc tiến nhập vào mà đắm mình trong tác phẩm. Cuốn “Sông đông êm đềm” dài không thua gì “Chiến tranh và hòa bình” nhưng đọc không thấy mệt, không phải “tua”.

Từ trước đến nay người ta cứ kêu không trao giải Nobel văn học cho Lev Tolstoy là bất công. Nhưng tôi thì thấy rất hợp lý, tôi sẽ chia sẻ sâu về vấn đề này ở bài viết khác. Còn về cuốn “Chiến tranh và Hòa Bình” thì tôi xin dừng lại ở đây.

Đông Tuyền

Xem thêm:

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình
Đại văn hào Lev Tolstoy và trang bìa ấn bản đầu tiên tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”.

Bộ phim “Chiến tranh và hòa bình” là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Xô viết do đạo diễn huyền thoại Sergey Bondarchuk dàn dựng. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Xôviết được trao giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phải mất 7 năm trời, vừa làm đạo diễn, vừa viết kịch bản chuyển thể, vừa thủ vai nam chính…

Cách đây hơn 5 năm, đứng đầu trong bảng xếp hạng 10 tác phẩm văn học được yêu thích nhất qua mọi thời đại do tạp chí Mỹ Newsweek xếp hạng và công bố là bộ trường thiên tiểu thuyết của đại văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy “Chiến tranh và hòa bình”.

Các tác giả của bản danh sách trên đã sử dụng số liệu của thư viện công Modern Library ở New York, danh mục sách đọc của Trường Saint Johns, từ điển mở Wikipedia, các báo The Guardian và The Telegraph cũng như của Nhà xuất bản (NXB) Modern Library chuyên về các sách cổ điển. Ngoài “Chiến tranh và hòa bình”, trong top-ten của danh sách trên còn có tiểu thuyết “Năm 1984” của George Orwell; “Ulysses” của James Joyce; tiểu thuyết “Lolita” của nhà văn người Nga Aleksandr Nabokov; “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner; “Người vô hình” của Ralf Ellison; các tác phẩm của Homer; tiểu thuyết “Lý trí và tình cảm” của Jane Austen, “Thần khúc” của Dante…

“Chiến tranh và hòa bình” là một bộ tiểu thuyết sử thi được NXB Russki Vestnik in lần đầu từ năm 1865 đến 1869. Đây là tác phẩm phản ánh chân thực và sống động một giai đoạn bi tráng của xã hội nước Nga, giai đoạn Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte xua đại binh vào nước Nga thời Sa hoàng Alexandr I. “Chiến tranh và hòa bình” được coi là một trong hai kiệt tác chính của Lev Tolstoy (tác phẩm thứ hai là Anna Karenina), đồng thời được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới.

Là cuốn tiểu thuyết lịch sử, “Chiến tranh và hòa bình” mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, như đã nói, đề cập tới một giai đoạn lịch sử của nước Nga vào thời gian trước và sau cuộc xâm lăng của Napoléon Bonaparte. Thứ hai, văn hào Lev Tolstoy đã phân tích và chứng minh những gì ông tin tưởng tại sao lịch sử đã diễn ra như thế. Tác giả tin rằng không phải những “anh hùng” đã tạo ra “thời thế”, kiểm soát được định mệnh con người, mà do “sự tác động” của quần chúng, của khát vọng dân tộc.

Bộ tiểu thuyết sử thi “Chiến tranh và hòa bình” là một thiên anh hùng ca, giống như trường ca Odyssey của Homer, với hàng trăm nhân vật, hàng ngàn tiểu tiết như một bách khoa toàn thư, đề cập tới các khía cạnh của đời sống con người. Với lòng tự hào dân tộc, tác giả đã kêu gọi sự đoàn kết dân tộc Nga, nhận ra những gì được coi là cá tính, giá trị của dân tộc Nga. Lev Tolstoy muốn cho độc giả nhận thấy sự ra đời của nước Nga, một quốc gia đa chủng tộc, với nhiều tập quán và ngôn ngữ khác nhau, có thể đoàn kết lại để chống kẻ xâm lăng.

“Chiến tranh và hòa bình” còn là một tiểu thuyết cung cấp cho độc giả các kinh nghiệm cá nhân khi đề cập tới 3 gia đình là Rostov, Bolkonsky và Bezuhov. Hình ảnh của gia đình Rostov là bản sao của gia đình Tolstoy trong khi các thành viên trong gia đình bà mẹ của đại văn hào được mô phỏng qua gia đình Bolkonsky. Hoàng tử Andrew và Pierre là bóng dáng của chính tác giả và các nhân vật khác trong truyện đã được Lev Tolstoy mô tả mang nhiều nét  tính cách đặc thù.

Đại tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” được dịch sang tiếng Anh vào năm 1886, gồm 4 cuốn, tổng cộng hơn 1.600 trang, được chia ra làm 15 phần, mỗi phần còn có nhiều chương. Đây là cuốn tiểu thuyết dài nhất của nước Nga vào thế kỷ XIX và của cả thế giới sau này. Để tạo ra 500 nhân vật trong truyện với 100 nhân vật chính, Lev Tolstoy đã nghiền ngẫm hầu như tất cả sách trong thư viện. “Chiến tranh và hòa bình” là một đại tác phẩm vẽ lên đời sống con người với nhiều cung bậc cảm xúc: hy vọng, tham vọng, thỏa mãn, đau thương, tương khắc…

Đại văn hào Lev Tolstoy đã tìm hiểu ý nghĩa của đời người với các mặt xấu như lòng ích kỷ, lòng tham vật chất và những yếu tố cản trở mặt tốt của con người phát triển, làm cho con người hạnh phúc. Qua đại tác phẩm này, các tương phản diễn ra qua hình ảnh các nhân vật: Andrey hạnh phúc và Pierre gian nan, đau khổ, Helene chạy theo vật chất, sống ích kỷ, vô luân, trái ngược với Natasha trong sáng và giàu lòng trắc ẩn, nhân hậu của dân tộc Nga.

Tác phẩm kinh điển của điện ảnh XôViết

Bộ phim “Chiến tranh và hòa bình” là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Xôviết  do đạo diễn huyền thoại Sergey Bondarchuk dàn dựng. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Xôviết được trao giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phải mất 7 năm trời, vừa làm đạo diễn, vừa viết kịch bản chuyển thể, vừa thủ vai nam chính…

Các nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình
Một cảnh trong phim: Nữ diễn viên Lyudmila Savelyeva trong vai Natasha.

Bondarchuk và ê-kíp làm phim đã hoàn thành 4 tập “Chiến tranh và hòa bình” với thời lượng 390 phút, vừa hoành tráng, vừa mang đậm tính sử thi, khắc họa thành công tính cách con người Nga trong chiến tranh và hòa bình. Cả một dàn diễn viên tên tuổi của điện ảnh Xôviết có mặt trong bộ phim này: Lydmila Savelyeva, Vyacheslav Tikhonov, Antonina Shuranova, Gennadi Ivanov, Irina Gubanova… trong đó 2 diễn viên chính là Vyacheslav Tikhonov – đóng vai Công tước Andrei Bolkonski – và Lyudmila Savelyeva vào vai nữ chính Natasha.

Trong lịch sử của nền điện ảnh Liên Xô, “Chiến tranh và hòa bình” được ghi nhận là bộ phim có kinh phí đắt nhất. Theo số liệu của báo Lao động Nga đăng tải, kinh phí để làm tất cả 4 tập phim “Chiến tranh và hòa bình” lên đến 100 triệu rúp (1 rúp khi đó tương đương khoảng 1 USD). Số tiền này hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước.

Bộ phim được khởi quay vào ngày 7-9-1967 bên tường Tu viện Novodevichy. Trận Borodino – trường đoạn trung tâm của tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” – còn được biết tới với tên Trận chiến Moscow, giữa quân đội Pháp do Napoléon chỉ huy và quân đội Nga dưới sự thống lĩnh của Đại tướng Kutuzov diễn ra tại khu vực Borodino, ngoại ô Moscow ngày 7-9-1812. Trận đánh kéo dài chỉ trong một ngày và được coi là trận chiến lớn thứ 3 và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon, với sự tham gia của hơn 250.000 binh sĩ của cả hai phía và số thương vong ít nhất lên đến trên 7 vạn người.  

Xưởng phim Mosfilm đã phải thành lập cả trung đoàn kị binh để phục vụ cho việc dựng cảnh. Theo yêu cầu của đạo diễn bộ phim, Bộ Nông nghiệp đã cung cấp 900 con ngựa các loại. Khung cảnh các trận chiến được quay vào tháng 12 tại thành phố Mukachevo. Đối với các cảnh quay của trận chiến Borodino, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã huy động vài chục nghìn chiến sĩ tham gia. Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thương mại, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô đã phải tăng số lượng nguyên vật liệu cần thiết để may các loại áo bành-tô của quân đội Nga thời đó, bởi vì các loại phục trang lịch sử không đủ để trang bị cho các diễn viên chính và diễn viên quần chúng.

Một số cảnh quay buộc phải làm đi làm lại đến 30 – 40 lần do chất lượng của phim không cao. Do độ nhạy của phim kém, cho nên nhiều khi phải chiếu sáng trường quay ngay cả ban ngày. Các khẩu súng đại bác được bắn bằng đạn cao su và cuồn cuộn bốc lên những cột khói đen như cuộc giao tranh thực sự. Công sức của tập thể đoàn làm phim đã được ghi nhận xứng đáng: Giải Vàng Liên hoan Phim quốc tế Moscow và sau đó là giải Oscar giành cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.

Phim còn được ghi vào Sách kỷ lục Guinness thế giới vì đã huy động số người tham gia trong các cảnh quay trận chiến lên đến hơn 120.000 người. Trường đoạn quay đại cảnh trận Borodino với 1.500 diễn viên quần chúng, sử dụng tới 23 tấn thuốc nổ, 40.000 lít dầu hỏa để làm khói lửa đã quay xong, nhưng khi đem đi tráng thì đạo diễn nhận đực tin như sét đánh: là phim hỏng! Bondarchuk gần như phát điên lên. Ông buộc quay lại đại cảnh đó…

Tác phẩm điện ảnh này được phát hành tại 117 nước trên thế giới và tại Liên Xô có hơn 135 triệu người đã xem bộ phim này. Bộ phim “Chiến tranh và hòa bình” cũng được công chiếu nhiều lần ở các rạp chiếu phim và trên truyền hình Việt Nam.

Đ.L. (tổng hợp)