Chính sách ngoại hối là gì năm 2024

Thưa Luật sư, sắp tới tôi có dự án đầu tư ở Lào, tôi muốn chuyển tiền VNĐ sang Lào để thực hiện cho hoạt động đầu tư, tôi muốn hiểu hơn về cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối cũng như những lợi ích, rủi ro trong hoạt động thị trường này?

Chính sách ngoại hối là gì năm 2024

Lịch sử phát triển của nền giao thương đều gắn liền với các quan hệ trao đổi. Trong đó, đơn vị tiền tệ của cộng đồng dân cư, quốc gia, dân tộc này cũng có thể được sử dụng để làm trung gian trao đổi, tích luỹ ở cộng đồng dân cư, quốc gia, dân tộc khác. Những đơn vị này được gọi chung là ngoại hối. Vậy pháp luật Việt Nam hiện hành có quy định như thế nào đối với hoạt động thị trường ngoại hối? Mời các bạn theo dõi bài viết sau đây của công ty luật Siglaw.

1. Ngoại hối là gì

Ngày nay, mối quan hệ giao thương giữa các quốc gia không chỉ sử dụng các đơn vị thanh toán cổ điển như vàng, tiền mặt mà đã phát triển thành đa dạng các thể thức thanh toán, thuận tiện cho cả bên mua lẫn bên bán như séc, thẻ thanh toán quốc tế, quyền rút vốn đặc biệt... Các phương tiện thanh toán này đều được gọi chung là ngoại hối.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản, khái niệm ngoại hối là thuật ngữ dùng để chỉ ngoại tệ và các phương tiện thanh toán có giá trị như ngoại tệ được dùng để thanh toán giữa các quốc gia. Tùy theo quan niệm của luật quản lý ngoại hối của mỗi nước, khái niệm ngoại hối có thể có sự khác nhau.

2. Thị trường ngoại hối hoạt động thế nào?

2.1. Đối tượng giao dịch ngoại hối

Đối tượng của giao dịch ngoại hối là các loại ngoại hối được phép giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và các dịch vụ về ngoại hối.

Pháp luật Việt Nam quy định ngoại hối bao gồm các thành phần sau:

  • Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu u và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (ngoại tệ);
  • Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ , gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
  • Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
  • Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
  • Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Đây là những đối tượng đặc biệt nên các hành vi pháp lý liên quan thường được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nhằm hạn chế tình trạng thất thoát nguồn vốn chuyển đổi ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ ra nước ngoài,... Ngoài ra, ở một số quốc gia khác, ngoại hối còn bao gồm cả các đơn vị tiền mã hoá trên công nghệ chuỗi khối như Bitcoin, Ethereum,...

2.2. Chủ thể giao dịch ngoại hối

Chủ thể giao dịch ngoại hối gồm các tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi pháp lý, trực tiếp tham gia vào các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối. Căn cứ vào từng tính chất của giao dịch sẽ tương ứng với các điều kiện cụ thể mà các chủ thể cần phải đáp ứng khi tham gia giao dịch ngoại hối.

Một số chủ thể giao dịch ngoại hối phổ biến, bao gồm:

  • Chính phủ và Ngân hàng trung ương, một số có thể kể đến như Cục dự trữ Liên Bang (FED), Ngân hàng Trung ương Anh Quốc và Ngân hàng Trung ương Châu u.
  • Một số ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank và Citibank…. Những giao dịch này được thực hiện cho chính ngân hàng, khách hàng và các công ty, các cơ quan chính phủ lớn và các cá nhân có giá trị ròng cao.
  • Nhà môi giới ngoại hối: Là tổ chức cung cấp quyền truy cập vào thị trường ngoại hối toàn cầu cho các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới thông qua các sàn giao dịch trực tuyến.
  • Các cá nhân là công dân trong hoặc ngoài nước có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, cho vay, đi du lịch có thể chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường ngoại hối để hưởng lợi nhuận nhờ chênh lệch giá
  • Doanh nghiệp tham gia thị trường ngoại hối nhằm thực hiện chức năng xuất nhập khẩu, giảm rủi ro mất giá đồng tiền.

2.3. Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối

2.3.1. Tổng quan về cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối

Tiền tệ trên thị trường ngoại hối luôn được giao dịch theo cặp. Đồng nghĩa với việc khi một cá nhân, tổ chức “mua" một đơn vị ngoại tệ thì cũng đồng nghĩa với việc “bán" đơn vị ngoại tệ khác đi. Ví dụ, tổ chức, cá nhân sử dụng đồng EUR để mua đồng USD, thì trong quá trình chuyển đổi ngoại tệ, cả hai đơn vị EUR và USD đều sẽ được mua và bán cùng một lúc. Tương tự như chứng khoán, đầu tư giao dịch vào một loại tiền tệ cũng nhằm mục đích hưởng phần lợi nhuận chênh lệch. Sự biến động của tỷ giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy luật cung cầu, tình hình chính trị thế giới, tình trạng kinh tế xã hội của quốc gia nơi đồng tiền được mua vào là đơn vị tiền pháp định. Chẳng hạn, khi một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt và ngày càng thịnh vượng thì đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng mạnh hơn và ngược lại. Các yếu tố chính trị cũng có thể làm suy yếu một đơn vị tiền tệ quốc gia, điển hình như trong cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ đến từ Mỹ và EU đối với khí đốt và dầu thô đã khiến đơn vị đồng Rúp của Nga bị sụt giảm kỷ lục.

2.3.2. Lợi ích của việc đầu tư vào thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối có thể đáp ứng các chức năng khác nhau tùy thuộc vào mối quan tâm của các nhóm chủ thể.

Đối với các cá nhân, tổ chức kinh tế, thị trường ngoại hối là cơ chế hữu hiệu đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác.

Đối với Quốc gia và Ngân hàng Trung ương, thị trường ngoại hối là công cụ để điều tiết nền kinh tế thông qua thực hiện các chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, nếu Chính phủ muốn khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, Ngân hàng Trung ương có thể yêu cầu can thiệp thông qua mua ngoại tệ với số lượng lớn, từ đó làm gia tăng giá trị của nguồn ngoại tệ đó và giảm giá trị của ngoại tệ xuất khẩu ra, khiến cho hàng hoá xuất khẩu trở nên ưu đãi hơn trong khi hàng hoá nhập khẩu trở nên cao hơn.

Đối với các nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức. Các ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường ngoại hối có thể thu về lợi nhuận từ phần chênh lệch thông qua việc mua ở thị trường này giá rẻ hơn và bán lại ở thị trường khác giá cao hơn. Không chỉ có các ngân hàng mà các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu cơ vào thị trường ngoại hối cũng có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn từ hình thức đầu tư này.

3. Rủi ro trong hoạt động đầu tư ngoại hối

Đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch ngoại hối ở Việt Nam cần phải lưu ý những rủi ro sau.

Thứ nhất, chỉ được giao dịch ngoại hối tại các tổ chức tín dụng được cấp phép theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, trừ một số trường hợp khác.

Theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013, quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.”

Qua đó, theo quy định hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được phép. Ngoài ra, hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối còn có thể bị xử lý hành chính từ cảnh cáo tới cao nhất là 250.000.000 đồng đối với cá nhân căn cứ theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối

Thứ hai, rủi ro lừa đảo.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối đối với các tổ chức, cá nhân chỉ xảy ra khi được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép. Trái lại, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức mà không thuộc các đối tượng nêu trên đều là hành vi vi phạm pháp luật. Trong những thời gian gần qua, thị trường ngoại hối ở Việt Nam phát sinh nhiều sàn giao dịch ngoại hối trái phép. Theo Công an Thành phố Hà Nội, tính đến quý II/2021, tại Việt Nam, có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép tồn tại, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.

Các tổ chức này sẽ lợi dụng lòng tin của người dân để dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư bằng việc hứa hẹn cam kết lợi nhuận và ưu đãi hấp dẫn, đồng thời thuyết phục nhà đầu tư tăng thêm thu nhập thông qua phát triển mạng lưới, đội nhóm riêng bằng việc vận động, lôi kéo người khác cùng tham gia, một hình thức của đa cấp trá hình. Thời gian qua, chỉ tính riêng các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn Forex do Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá, số tiền người tham gia đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh một số sàn Forex bị phát hiện và triệt phá, còn rất nhiều sàn vẫn đang hoạt động ngầm và tiếp tục lừa đảo các tổ chức, cá nhân tham gia để chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, rủi ro tỷ giá hối đoái.

Việc nhà đầu tư mua bán tiền tệ qua trao đổi ngoại tệ đồng nghĩa với việc đang đặt cược và việc các đơn vị tiền tệ của các quốc gia sẽ thay đổi giá trị như thế nào so với giá trị của nhau để hưởng phần chênh lệch. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái được liên kết chặt chẽ với các chính sách tiền tệ của quốc gia, sự biến động trong kinh tế - chính trị, các sự kiện bất khả kháng,...đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới mức tỷ giá. Vậy nên, các nhà giao dịch ngoại hối cần phải chú ý tới các mối quan hệ này trước khi bắt đầu giao dịch.

4. Một số câu hỏi thường gặp

Câu 1: Mua bán, chuyển đổi ngoại tệ vì mục đích du lịch, khám chữa bệnh có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời: Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về những trường hợp vi phạm quy định về ngoại hối. Các cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tùy theo giá trị ngoại tệ được trao đổi. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 18/VBHN-NHNN thì các cá nhân có thể trao đổi ngoại tệ miễn là tại các tổ chức tín dụng được cấp phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân liên quan tới học tập, du lịch, khám chữa bệnh,...

Câu 2: Hàng hoá được giao dịch chủ yếu trên thị trường ngoại hối là những loại hàng hoá nào?

Trả lời: Tiền chính là đơn vị hàng hoá chủ yếu được giao dịch trên thị trường ngoại hối. Bên cạnh các cặp tiền thì thị trường ngoại hối hiện nay còn cho phép nhà đầu tư giao dịch các loại tài sản khác như kim loại quý (vàng, bạc, platinum, palladium…), năng lượng (dầu thô, khí gas…), chỉ số chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tiền điện tử, nông sản… Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối và khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì những loại tài sản ngoại hối trên chưa được giao dịch tại Việt Nam.

Câu 3: Thời gian giao dịch thị trường ngoại hối diễn ra vào lúc nào?

Trả lời: Thị trường ngoại hối hoạt động liên tục suốt 24 giờ một ngày và 5 ngày một tuần, trừ các ngày lễ và 2 ngày cuối tuần. Khi một thị trường đóng cửa sẽ có một thị trường khác thay thế, luân phiên nhau hoạt động, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.

5. Cơ sở pháp lý

  • Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH hợp nhất Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13.
  • Văn bản hợp nhất số 18/VBHN-NHNN hợp nhất Thông tư số 20/2011/TT-NHNN và Thông tư số 24/2018/TT-NHNN Quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.
  • Nghị định số 88/2019/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
  • Nghị định số 70/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Hotline: 0967 818 020

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: [email protected]

Chi nhánh Miền Trung: Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

Chi nhánh Miền Nam: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.