Cơ quan điều tra kiến nghị xử lý vi phạm

29/11/2021 3:47:31 | Print

Năm 2021, VKSND tối cao xác định công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Ngành, thông qua đó kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Cơ quan điều tra kiến nghị xử lý vi phạm

Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ trì cuộc họp giao ban lãnh đạo đơn vị 

“Tuýt còi” những sai phạm của cán bộ tư pháp

Rạng sáng ngày 13/11/2020, các cán bộ, chiến sĩ Đội Điều tra tổng hợp và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an  quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng kiểm tra đột xuất quán karaoke Hải Sơn 86 trên địa bàn tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn phát hiện 28 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Qua test nhanh, có 25/28 đối tượng dương tính với ma túy. Tuy nhiên, sáng hôm sau, nguyên Trưởng Công an quận Đồ Sơn Trần Tiến Quang, đã giao cho nguyên Phó trưởng Công an quận Đồ Sơn Phạm Quang Tuấn, chỉ đạo vụ việc này. Tuấn đã chỉ đạo nguyên Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn Nguyễn Hữu Cường, không xử lý hình sự đối với các đối tượng, mà giải quyết theo hướng xử lý hành chính vì đã nhận tiền của người nhà những người bị phát hiện sử dụng ma túy trong quán karaoke Hải Sơn 86. Toàn bộ hồ sơ lập trước đó cùng vật chứng đã thu giữ được của vụ việc kiểm tra quán karaoke bị tiêu hủy.

Vụ việc khiến dư luận bức xúc, ngày 20/1/2021, VKSND tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án, thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp đối với một số bị can nguyên là cán bộ Công an quận Đồ Sơn về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Vụ án đang được Cơ quan điều tra VKSND tối cao mở rộng, điều tra làm rõ. Khi vụ án được khởi tố, dư luận đồng tình và đánh giá cao, vì những vi phạm của các bị can nguyên là cán bộ Công an quận Đồ Sơn đã bị Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định, làm rõ.

Cơ quan điều tra kiến nghị xử lý vi phạm

Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định bắt khẩn cấp

nguyên cán bộ Công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng

Ngày 29/4/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài (quận Ba Đình) 2 năm tù, 4 bị cáo khác từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 20 tháng tù, cùng về tội “Cướp tài sản”. Điều bất ngờ là vụ án này xảy ra năm 2016 tại quận Tây Hồ nhưng Công an quận này không xử lý hình sự(?). Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các bị cáo trên lần lượt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đầu thú nên vụ án mới được khởi tố, truy tố, xét xử. Tại tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài, được triệu tập với tư cách người liên quan, khai, trong quá trình Công an quận Tây Hồ thụ lý vụ án, người phụ nữ này đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận nhờ “chạy án” cho chồng(?)

Trong khi, trước đó, tháng 1/2021, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tử hình đối với Lê Thanh Hưng (Bắc Ninh) về cả hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, Hưng là cháu ruột bà N.T.N. (TP Bắc Ninh). Đáng chú ý, theo cáo trạng, Hưng đã khai, tháng 11/2019 bị TAND quận Tây Hồ xử phạt 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Để được mức án như trên, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ Công an quận Tây Hồ và thẩm phán thụ lý, giải quyết. Tiếp đó, Hưng lại muốn được chấp hành án tại Công an quận Tây Hồ nhưng không có tiền nên Hưng đã lập kế hoạch thực hiện hành vi giết bác ruột để cướp tài sản.

Cả hai vụ án trên đều xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ, hệ lụy của việc không xử lý nghiêm, dứt điểm nên dẫn đến hậu quả lớn cho xã hội. Những kẻ phạm tội không phải chịu sự trừng phạt sớm, lại tiếp tục gây ra vụ án khác, khiến nhân dân và dư luận bức xúc. Nhận thấy những vi phạm trên là rất nghiêm trọng, có liên quan đến cán bộ Công an quận Tây Hồ,  ngày 23/9/2021, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam Đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội, để điều tra về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” theo Điều 378 Bộ luật Hình sự. Những hành vi phạm tội này xảy ra khi bị can Phùng Anh Lê còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam Trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Tây Hồ, và một bị can nguyên là cán bộ Công an quận. Những cán bộ Công an trên bị đình chỉ do liên quan đến vi phạm trong một vụ án mà Công an quận Tây Hồ từng thụ lý điều tra.

Mới đây, ngày 9/11/2021, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Quốc Khanh, Thư ký TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Nguyễn Quốc Khanh bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự. Theo kết quả điều tra ban đầu, bị can Nguyễn Quốc Khanh đã làm giả bản án liên quan đến vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán đất. Vụ án đã bị đình chỉ, không xét xử, nhưng Khanh đã làm giả bản án, đưa cho bà Hồng ở TP Cần Thơ. Sau đó, bà Hồng đã mang bản án giả đề nghị Cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án.

Đây là một số trong nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp được Cơ quan điều tra VKSND tối cao kịp thời xác minh, khởi tố điều tra, được các cơ quan, tổ chức, dư luận xã hội quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao – nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành Kiểm sát

Năm 2021, VKSND tối cao xác định công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Ngành, thông qua đó kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Mặc dù, hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, công tác điều tra tội phạm của VKSND tối cao đã đạt nhiều kết quả tích cực; đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao; những tồn tại của năm 2020 đã được khắc phục triệt để. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã triển khai, đồng bộ một số giải pháp, cách làm hay, sáng tạo.

Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, bảo đảm tiến độ công việc trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách, tổ chức giao ban trực tuyến nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, đối với các vụ việc khẩn cấp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, Cơ quan điều tra đã chủ động phối hợp với các địa phương xác định mức độ dịch bệnh, đáp ứng các thủ tục do địa phương đề ra để kịp thời cử các Tổ công tác đến giải quyết bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao đổi mới phương pháp phát hiện tội phạm theo hướng chú trọng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp. Qua đó, nâng cao việc phát hiện, khởi tố, điều tra; bảo đảm hiệu quả, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc. Đồng thời, chủ động, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành trong công tác tiếp nhận, phát hiện, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự.

Đặc biệt, Cơ quan điều tra đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong Cơ quan điều tra VKSND tối cao và thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo để tổ chức, triển khai thực hiện việc bảo vệ công tác bí mật theo quy định của pháp luật, của ngành Kiểm sát nhân dân. Chú trọng, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm điều tra, nhất là điều tra kỹ thuật số. Đồng thời, Cơ quan điều tra đã từng bước triển khai thực hiện việc trang bị, quản lý, huấn luyện, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, phục vụ tích cực cho hoạt động điều tra, xác minh tội phạm thuộc thẩm quyền. Hướng tới xây dựng lực lượng điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyên nghiệp, hiệu quả.

Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp nhận 2.480 thông tin về tội phạm; đã xử lý, giải quyết 2.351 thông tin. Thụ lý giải quyết 141 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 131 tố giác, tin báo về tội phạm. Qua đó, đã khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình .

Thông qua công tác điều tra, ban hành 82 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm, các kiến nghị đều được tiếp thu, thực hiện nghiêm. Cơ quan điều tra VKSND tối cao tổng hợp các dạng vi phạm trong từng ngành tư pháp để ban hành 03 Kiến nghị tổng hợp gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, quán triệt khắc phục vi phạm và phòng ngừa chung; đồng thời ban hành văn bản rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân đối với các vi phạm, tội phạm xảy ra trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, nâng cao việc phát hiện, khởi tố, điều tra, bảo đảm hiệu quả, tiến độ giải quyết các vụ án.

Theo đồng chí Phạm Thanh Từng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao để làm tốt công tác khởi tố, điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đổi mới phương pháp phát hiện tội phạm theo hướng tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp. Nhất là các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh. Qua đó, nâng cao việc phát hiện, khởi tố, điều tra; bảo đảm hiệu quả, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.

Trong đó, từng bước xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài Ngành nhằm cung cấp thông tin để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Quá trình điều tra, xác minh, mỗi Cán bộ điều tra, Điều tra viên tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài Ngành, trên cơ sở tạo dựng hình ảnh, uy tín, thông qua hiệu quả công việc, nhằm chủ động phát hiện thông tin về tội phạm, tránh bị động và phụ thuộc vào nguồn đơn thư, tố giác.

Các Điều tra viên được phân công chủ động xây dựng “mối quan hệ có ích” trên cơ sở có chọn lọc để đón trước các vụ việc vi phạm, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Cơ quan điều tra quyết định.… Đồng thời, chủ động, tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành trong công tác tiếp nhận, phát hiện, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự; xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương trong việc cung cấp thông tin vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền và phối hợp kiểm tra, xác minh sơ bộ ban đầu các thông tin phản ánh có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Đặc biệt, Thủ trưởng hai đơn vị của Cơ quan điều tra và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6), VKSND tối cao đã thường xuyên trao đổi các vấn đề cụ thể, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Đồng thời, với đặc thù địa bàn điều tra trên phạm vi cả nước, trong khi lực lượng Kiểm sát viên chỉ có ở Hà Nội và một số đồng chí ở TP. Hồ Chí Minh nên Điều tra viên và Kiểm sát viên hai đơn vị đã thường xuyên, chủ động liên lạc, bám sát vụ việc để kịp thời trao đổi, đưa ra yêu cầu trực tiếp, giải pháp khắc phục khó khăn.

Cần trao thêm quyền lực, cơ chế đặc biệt cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao

Cơ quan điều tra kiến nghị xử lý vi phạm

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Tăng cường công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là điều rất cần thiết như tôi đã từng ý kiến khi còn làm tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng như trước Quốc hội. Tôi cho rằng, cần phải tăng cường năng lực, tạo mọi điều kiện để Cơ quan điều tra VKSND tối cao làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Bởi Cơ quan điều tra VKSND tối cao là cơ quan rất quan trọng.

Thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã vượt lên những khó khăn, rào cản để điều tra được những vụ án rất quan trọng trong lĩnh vực xâm phạm hoạt động tư pháp. Cử tri đánh giá rất cao nỗ lực của Cơ quan điều tra VKSND tối cao về sự quyết liệt, dũng cảm trong việc đấu tranh đến cùng với tội phạm, ngay chính trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tôi mong rằng, trong thời gian tới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ tiếp tục phát huy và làm mạnh hơn nữa, bản lĩnh, dũng cảm hơn nữa. Không chỉ dừng lại trong lĩnh vực xâm phạm hoạt động tư pháp mà những vụ án tham nhũng đặc biệt, Cơ quan điều tra VKSND tối cao nên quan tâm hơn nữa để thể hiện được bản lĩnh của mình.

Có thể nói, cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Cử tri, người dân rất ủng hộ tăng cường thêm cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao về mặt lực lượng, trình độ, trang thiết bị và năng lực. Tôi rất ủng hộ việc trao quyền lực lớn hơn cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao, bởi việc xâm phạm hoạt động tư pháp từ những cơ quan tư pháp đang nắm quyền lực mấu chốt như: cơ quan điều tra, cán bộ tòa án thoái hóa biến chất… Chính vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn những cán bộ thực sự có năng lực nổi trội, phẩm chất đạo đức vào Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Bởi cán bộ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra, kiểm sát những người có nhiệm vụ trong hoạt động tư pháp.

Tăng cường phát hiện các vụ việc từ các nguồn tin

Cơ quan điều tra kiến nghị xử lý vi phạm

PGS.TS Trần Văn Độ – nguyên Phó Chánh án TAND tối cao

Tội phạm trong lĩnh vực tư pháp có thể xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn tố tụng, từ khâu tiếp nhận thông tin, đơn, thư tố giác tội phạm cho đến các giai đoạn xử lý, giải quyết, điều tra, truy tố, xét xử… Mặc dù, so với các loại án hình sự khác thì loại án xâm phạm hoạt động tư pháp không nhiều, tuy nhiên, tính chất, mức độ và hậu quả của nó lại rất nghiêm trọng. Bởi vì, chủ thể của loại tội phạm này là những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ đấu tranh, điều tra, giải quyết, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, nhưng hành vi của họ lại trực tiếp xâm phạm đến quyền con người, như: bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan, sai người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Có thể nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư pháp như: Bao che cho cơ quan, tổ chức, người bị tố cáo; tìm lý do khác để không giải quyết, xử lý hành vi phạm tội; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thiếu căn cứ…

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, hoạt động tư pháp là một lĩnh vực “khép kín”, những người tiến hành tố tụng ít phải đối mặt với sự giám sát của quần chúng nhân dân hơn so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, pháp luật hiện nay chưa có những quy định về cơ chế giám sát của quần chúng nhân dân, cơ quan báo chí… đối với hoạt động tư pháp. Do đó, để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp cần phải có những giải pháp đồng bộ.

Bất cứ một vụ việc vi phạm nào, muốn xử lý được thì việc đầu tiên phải là công tác phát hiện. Muốn tăng cường công tác điều tra trong lĩnh vực tư pháp thì cần phải tăng cường sự phát hiện các vụ việc từ các nguồn tin.

Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện công tác điều tra, kiểm sát, xét xử. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát của quần chúng nhân dân, báo chí trong hoạt động tư pháp; Đề cao trách nhiệm pháp lý của cán bộ có chức danh tư pháp trong quá trình thực thi công vụ; nâng cao đạo đức nghề nghiệp và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Nhóm PV