Cuốn tiền cổ việt nam gs đỗ văn ninh

(HNM) - Đây là bộ sách in hình bộ sưu tập tiền cổ - hàng trăm đồng tiền khác nhau thuộc mười vương triều Việt Nam. Tác giả sách là nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử, người đã nhiều năm vào Nam ra Bắc, lại ra cả nước ngoài dõi tìm, thu thập tiền cổ.

Nói về giá trị bộ sưu tập tiền cổ, cũng là giá trị của bộ sách, GS Đỗ Văn Ninh khái quát trong lời đề tựa chỉ với hai từ Hiếm và Phong phú. Hiếm vì sách giới thiệu với bạn đọc hầu như đủ bộ các đồng tiền của hàng nghìn năm. Có những đồng mà lúc đương thời người ta đúc với số lượng ít, số còn đến ngày nay là vô cùng hiếm, như đồng Thiên Cảm Nguyên bảo mặt sau còn có chữ Càn Vương, đúc vào năm vua Lý Thái Tông phong cho con trai Nhật Trung tước Càn Vương. Phong phú vì không chỉ mỗi niên hiệu vua có một đồng, như với tiền Cảnh Hưng (1740-1786) nhà sưu tầm có hàng ngàn đồng. Và không chỉ là tiền vua đúc, tức tiền chính triều, mà còn có cả tiền do các hoàng thân đúc ra như tiền Chiêu Đại vương nha do nha vương phủ Trần ích Tắc đúc.

Ông Xiong Bao Kang, nguyên giám đốc Bảo tàng Tiền cổ Quảng Tây, trong một bài tựa khác, có nhận xét: “Bộ sưu tập của ông Sử thâu tóm khái quát được lịch sử các vương triều Việt Nam…Trong bộ sưu tập tiền này có những đồng tiền vô cùng quý hiếm. Người ta chỉ biết đến những đồng tiền này qua sự ghi chép của sách vở mà ít ai được tận mắt nhìn thấy chúng”.

Thực ra tiền cổ góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu sử. Như để định đoán niên đại một di chỉ khảo cổ, đồng tiền với niên hiệu ghi trên mặt nó giúp khẳng định một khung thời gian đáng tin cậy. Ví dụ, khai quật một ngôi mộ mà lượm được đồng tiền Chiêu Thống thì dứt khoát ngôi mộ đó không thể có trước năm 1787 hoặc 1788 vì Chiêu Thống chỉ làm vua có một năm, từ giữa năm 1787 đến giữa năm 1788.

Hoặc, thông qua tiền cổ người ta có thể biết sức sản xuất và tiêu dùng của từng vương triều : tiền to nhỏ, nặng nhẹ, đẹp xấu phản ánh một phần tình hình kinh tế, tài chính, trình độ phát triển của một vương triều. Tiền cổ còn có thể giúp nghiên cứu về kỹ thuật đúc, pha chế hợp kim và cả mỹ thuật (qua trang trí, thư pháp chữ viết trên đồng tiền).

Ở nước ta, việc đúc tiền ở các vương triều xuất hiện lần đầu ở vương triều Đinh với đồng tiền Thái Bình hưng bảo - niên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng (970-980) và cáo chung vớiđồngBảo Đại - niên hiệu vị vua cuối cùng triều Nguyễn (1926-1945). Tổng cộng có đến 70 triều vua, triều nào cũng đúc tiền, kể cả triều thoán nghịch như Dương Nhật Lễ đời Trần.

Có nhiều triều đúc vài ba loại tiền ứng với những lần đổi niên hiệu, như Lý Nhân Tông có tới 8 niên hiệu; vua Cảnh Hưng nhà Lê tuy chỉ có 1 niên hiệu song ở ngôi tới 46 năm nên cũng có nhiều loại tiền Cảnh Hưng. Theo thời gian, vì nhiều lý do mà nhiều loại tiền trở nên hiếm hoi và như trên đã nói, do giá trị đóng góp cho việc nghiên cứu mà ngành Cổ tiền học ra đời. Bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam đầu tiên là của học giả Pháp D.Lacroix. Năm 1900, ông này xuất bản Cổ tiền học An Nam - gồm 2 tập, giới thiệu hình dáng tiền các đời, cũng kể như đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu tiền cổ Việt Nam. Sau này, còn xuất hiện bộ sưu tập tiền cổ của J. Permer, có nhiều hiện vật hơn nhưng vẫn không so được với bộ của Nguyễn Đình Sử.

Giá trị của bộ sách cho thấy kỳ công và tâm huyết của một doanh nhân Hà Nội, người đã giữ gìn minh chứng cho bề dày văn minh đất nước. Đó cũng là cống hiến đáng giá cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những đồng tiền không chỉ có giá trị vật chất, tiêu dùng. Đằng sau đó còn là câu chuyện của con người, triều đại, lịch sử. Đồng tiền tự hào khẳng định độc lập. Có đồng tiền lại mang đậm tư tưởng Nho giáo, tôi trung vua hiền. Có đồng tiền ngoại giao. Lại có những đồng tiền bất chấp quy luật kinh tế và sau đó mau chóng không được lưu hành... Nhìn vào câu chuyện sau những đồng tiền để thấy nhiều giá trị khác.

  • Phát hiện đồng tiền vàng niên đại 1.600 năm tuổi tại Israel

Cuốn tiền cổ việt nam gs đỗ văn ninh
Những hiện vật tiền Thái Bình Hưng Bảo còn lại tới nay. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Tiền Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.

Niềm tự hào của nhà Đinh

Khi PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, tổ chức nhà trưng bày của cố đô Hoa Lư, ông đã không phải suy nghĩ nhiều trong việc chọn các hiện vật tiêu biểu. “Hiện vật quý nhất là đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo - đồng tiền đầu tiên của triều Đinh. Sau khi xưng đế năm 968, tới năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng phát hành đồng Thái Bình Hưng Bảo này với khát vọng cháy bỏng cho sự hưng thịnh của đất nước. Ngoài ra còn có hiện vật quý giá không kém là viên gạch có chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, nghĩa là gạch xây quân thành nước Đại Việt. Cả hai hiện vật đều thể hiện ý chí tự lập tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập thống nhất”, PGS-TS Trí cho biết.

GS Đỗ Văn Ninh, Viện Khảo cổ học, cũng khẳng định trong cuốn Tiền cổ Việt Nam: “Cho tới nay, mọi người đều thừa nhận rằng đồng tiền đầu tiên trong lịch sử nước ta được đúc dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968 - 980)”.

Tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc bằng đồng. Tiền tròn, lỗ vuông, có gờ với viền mép và viền ô cả ở mặt tiền lẫn lưng tiền. Chữ đọc chéo từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. GS Đỗ Văn Ninh cũng đặt ra vấn đề liệu có đồng tiền nào của Trung Quốc cũng có tên là Thái Bình Hưng Bảo để có thể bị lẫn với tiền Thái Bình Hưng Bảo thời Đinh của nước ta hay không.

Theo GS Ninh, ở Trung Quốc, đời Tống Thái Tông, nhà Bắc Tống đặt niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc vào những năm 976 - 983. Vào thời này, tiền thông bảo, tiền mang niên hiệu nhà vua đã ra đời. Tuy nhiên, ghi chép về tiền tệ Trung Quốc cho hay vua Tống Thái Tông chỉ đúc tiền Thái Bình Thông Bảo. Đồng tiền này sau lưng không có chữ gì nên không khó phân biệt với tiền Thái Bình Hưng Bảo của ta. Vua Liêu Thái Thông những năm 1021 - 1030 cũng có niên hiệu Thái Bình nhưng lại không đúc tiền theo niên hiệu của mình.

Theo khảo cứu của GS Đỗ Văn Ninh, sách Quan tự đắc trai tùng thư viết rằng tiền có chữ Đinh ở phía lưng là tiền Thái Bình Hưng Bảo của nhà Đinh nước ta. “Về mặt hình dáng, tiền Thái Bình Hưng Bảo khác hẳn các loại tiền Trung Quốc với niên hiệu này. Do vậy, vấn đề đồng Thái Bình Hưng Bảo là sản phẩm đúc thời Đinh Tiên Hoàng không còn điều gì đáng phải bàn thêm”, GS Ninh đánh giá.

Đồng tiền chúc phúc, mừng độc lập

PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia, cho biết kỹ thuật đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo tương đối thô. Căn cứ vào tiêu bản mẫu vật có thể phân biệt tiền Thái Bình Hưng Bảo làm 2 loại chủ yếu. Thứ nhất là loại lưng trơn. Tiền này có nhiều bản, có loại tiền to chữ to, tiền nhỏ chữ nhỏ, có loại nét chữ mảnh, có loại nét chữ thô to. Loại thứ hai, tiền mặt lưng có chữ Đinh là họ của vua. Mặc dù vậy, mặt tiền thuần phác, phong cách cơ bản thống nhất, có nhiều điểm giống với tiền thời Ngũ Đại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Quân, tiền Thái Bình Hưng Bảo cũng có những điểm khác biệt so với các loại tiền Trung Quốc trước và đồng thời với nó. Trước thế kỷ 10, hầu hết các loại tiền Trung Quốc đều ghi chữ “thông bảo”, ngoài ra còn ghi “nguyên bảo”, “trọng bảo”. “Chữ Hưng trong tiền Thái Bình Hưng Bảo của Đinh Bộ Lĩnh là một điểm sáng tạo của tiền Việt Nam.

Hưng Bảo tức là khác với loại tiền thông bảo truyền thống của Trung Quốc. Câu này còn mang ý nghĩa chúc phúc nước Đại Cồ Việt quốc vận hưng thịnh, đời đời hưởng thái bình”, PGS-TS Phạm Quốc Quân phân tích.

PGS-TS Quân cho rằng giai đoạn đầu của triều Đinh, chiến tranh liên miên, nông dân phiêu tán, nông nghiệp đình đốn, thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ việc chế tạo vũ khí. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đinh Bộ Lĩnh bắt đầu khôi phục sản xuất, nông dân trở về quê cũ, thương nghiệp thành thị bắt đầu xuất hiện. Sau khi triều Đinh được thành lập đúc tiền niên hiệu Thái Bình, tức loại tiền Thái Bình Hưng Bảo.

Ông Quân cũng cho biết tiền Thái Bình Hưng Bảo có lẽ được đúc tập trung trong khoảng niên hiệu Thái Bình từ năm thứ nhất đến năm thứ 8. “Sau đó, nội bộ chính quyền nhà Đinh không ngừng tranh chấp, chính cuộc rối ren, việc đúc tiền có phần bị hạn chế, hoặc ngừng hẳn. Tiền Thái Bình Hưng Bảo chủ yếu được sử dụng ở miền Bắc Việt Nam, lưu thông trong địa bàn của chính quyền nhà Đinh”, ông Quân cho biết.

Chính vì thế, ông Quân cho rằng: “Tiền Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập. Cho dù phạm vi lưu thông còn hạn chế, nhưng đối với lịch sử phát triển tiền tệ Việt Nam có một ý nghĩa vô cùng trọng yếu”.