Đánh giá về koi to uso

Mùa Anime Summer 2017 đã trôi qua hơn nửa, và đây là Review và ranking list các bộ tôi vẫn còn theo dõi tính đến thời điểm này. Điểm số từ giờ cho đến cuối mùa sẽ ít có sự thay đổi nhiều, trừ trường hợp bộ nào đấy có kết thúc cực ấn tượng bắt tôi phải suy nghĩ lại điểm số (rất hiếm, họa chăng chỉ 1/100 trường hợp thôi :v ).

Ranking list này chia ra làm 2 loại: những bộ nên xem và những bộ “tạm được” (có thể bạn sẽ thích).

  • Tất cả những bộ không có trong list sẽ là những bộ rơi vào các trường hợp: tôi bỏ sót, đã drop hoặc chỉ xem để giết thời gian =))

_______________

Những bộ bạn nên xem: (part 1)

1/ Owari ss2:

Shaft ôm bom, trong thoáng mắt là xong hết cả Owari ss2. Tác phẩm kết thúc viên mãn mạch truyện chính của dòng monogatari anime chuyển thể mà Shaft cùng Isin Nisio đã hợp tác cho ra mắt từ năm 2009. Cả series là chuyến hành trình kéo dài 8 năm với biết bao nước mắt (Kizu mãi mới ra sau vài năm delay <(“) ), niềm vui, những nút thắt bất ngờ và các nhân vật quen thuộc.

Owari finale mang đến người xem yếu tố fanservice, ở đây chẳng phải theo kiểu hở hang gì đâu, mà là qua sự giới thiệu lại của đa phần nhân vật – những cô nàng đã gắn bó với người xem trong suốt 8 năm hành trình, và ai cũng có một cái kết đẹp. Khán giả sẽ được gặp lại bé sên Mayoi những tưởng đã không bao giờ có dịp gặp lại, họ sẽ theo chân Koyomi đến với buổi hẹn thân mật cùng Hitagi và rất nhiều chi tiết khác sẽ làm bạn mỉm cười trong suốt Owari ss2.

Chất Shaft vẫn lộ rõ qua từng khung hình, cảnh nền, từng cái nghiêng đầu, nhéo mày của nhân vật với các góc máy và gam màu được xử lý tài tình. Owari ss2 là tác phẩm mang lại sự kết thúc thỏa mãn cho dòng fan series monogatari.

Wait, what do you mean it’s not over yet? Okay, here we go again Shaft.

\=> 9.0/10

2/ New game ss2:

New Game không còn đơn thuần chỉ là moe show, ss2 xoáy sâu hơn vào vấn đề làm game, dẫn đến nhiều tình tiết drama đủ để tạo cảm xúc lên khán giả.

Do nhân vật đã được xây dựng từ trước, tác phẩm không tốn nhiều thời gian giới thiệu lại mà đẩy nhân vật ngay luôn vào các thử thách: đó là sự đối đầu trực tiếp giữa Aoba và Kou (một senpai, một lead artist đi trước cô rất kính trọng), liệu mối quan hệ đối đầu trong công việc có làm rạn nứt sự gắn kết giữa hai người?

Tôi sẽ ko spoil mà để bạn tự cảm nhận. Đan xen vào đó, các nhân vật khác trong nhóm cũng được dành khá nhiều thời lượng phát triển, mở rộng thêm cá tính (đặc biệt là nhân vật Hifumi, cô dần thoát khỏi vỏ ốc mà hòa đồng hơn với mọi người). Phần 2 sẽ dẫn bạn đến mặt tối trong việc làm game ở Eagle Jump, cuộc sống ko phải chỉ một màu hồng.

DogaKobo vẫn làm đắm say người xem với những cử động mượt mà uyển chuyển và dễ thương của từng nhân vật nữ. Màu sắc sáng sủa, nét art giữ được chất lượng không đổi. Nếu bạn có hứng thú với công việc làm game, New Game ss2 không hề tệ. Nếu bạn chỉ đơn thuần thích moe show, thích thứ gì đó nhấm nháp giải khuây hàng tuần nhưng lâu lâu vẫn có những khoảnh khắc làm bạn ấm lòng, New Game là tác phẩm must pick.

\=> 8.5/10

3/ Made in abyss

Một tác phẩm sáng giá khác trong mùa, Made in Abyss cuốn người xem vào chuyến hành trình của Rico cùng cậu bé người máy Regu thám hiểm chuỗi vực thẳm kỳ bí. Vns đã có làm một bài giới thiệu tác phẩm này nên sẽ ko dài dòng (đọc tại đây: ).

Made in Abyss vẫn giữ phong độ ổn định, các nút thắt dần được hé lộ (nhất là về thân phận của cô bé Rico) sẽ khiến người xem ngỡ ngàng. “Cái gì thuộc về vực thẳm, sẽ có một ngày tìm lại vực thẳm” là câu in đậm trong tâm trí người xem theo chiều tiếp diễn câu chuyện. Sự xuất hiện của Ouzen cũng góp phần tạo sự đa dạng và tính chất ly kì cho tác phẩm. Chất lượng hình ảnh không sụt giảm, đáng khen cho Kinema Citrus!

Made in Abyss xứng đáng là bộ top của mùa dành cho bạn nào thích thể loại khám phá, sinh tồn với cốt truyện đầy tình tiết bất ngờ hấp dẫn.

\=> 8.4/10

4/ Koi to uso:

Tôi không quan tâm lắm chuyện nhiều người chê manga bộ này tệ, đơn giản vì tôi chưa đọc qua. Tuy nhiên, tôi tin rằng anime nên được đánh giá như là một tác phẩm độc lập và Koi to Uso đã vượt mức mong đợi của tôi. Ban đầu cứ nghĩ bộ chỉ là bản sao của Kuzu no Honkai thôi (vốn là tác phẩm romance khác tương đối chất), nhưng càng xem tôi lại càng thấy thích Koi to Uso hơn.

Nhân vật phát sinh tình cảm nhưng họ lại bị đẩy vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan, buộc phải ra đưa ra sự lựa chọn. Tác phẩm cũng dấy lên chủ đề: liệu hạnh phúc và tình yêu có thể được sắp đặt, định đoạt trước bằng khoa học và các con số? Hay chính cảm xúc con người mới nắm quyền quyết định?

Koi to Uso có phần xây dựng nhân vật rất tinh tế, nhất là Ririna. Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy và người xem hoàn toàn có thể cảm nhận sự xung đột trong cô. Một phần, cả Misaki và Yukari đều là những người bạn cô quý trọng. Nhưng tình cảm dần nảy sinh với Yukari, buộc Ririna phải chọn lựa và thay đổi. Mặt khác, Misaki quyết định giữ im lặng, từ chối tiết lộ cho Ririna biết thứ cảm xúc “tình yêu” là gì (Ririna vẫn còn non nớt khi nói về chuyện tình cảm), thể hiện bản chất “ích kỷ” trong tình cảm. Các nhân vật khá người, làm dấy nên cảm xúc nơi khán giả.

Đây là bộ hiếm hoi kể từ White Album 2 mà tôi đều không muốn ai trong số 2 nhân vật nữ chính đau khổ =/. Koi to Uso có sự đầu tư mạnh về mặt hình ảnh, bạn chỉ cần xem qua tập đầu để tự cảm nhận ra thôi. Những khung cảnh, cách tô màu, bài trí góc quay luôn đa dạng, thể hiện nên câu chuyện dưới nhiều góc độ. Hoạt họa lưu loát, nét art vẫn giữ chất lượng ổn định xuyên suốt cho đến hiện tại. Nếu bạn là fan của romance, thích nhân vật có chiều sâu thì Koi to Uso là bộ không tồi.

\=> 8.3/10

5/ Princess principal

Cùng studio đã mang đến Flip Flappers vốn là tác phẩm rất đặc sắc, được cộng đồng nước ngoài đánh giá cao. Pripri là tác phẩm khác của họ được hợp tác với Actas (studio đã làm ra Girls Und Panzer).

Pripri vẫn giữ phong độ rất ổn định: lối kể chuyện phi tuyến tính khá thông minh luôn đòi hỏi người xem phải vận dụng đầu óc và sự tinh ý nắm bắt các tình tiết để móc nối cốt truyện lại với nhau. Thế mà cốt truyện vẫn có sự gắn kết. Đặc biệt hơn, với lối kể phi tuyến tính, người xem sẽ khó đoán ra nguyên nhân – kết quả, để rồi mỗi tập luôn mang lại cho người xem các bất ngờ thú vị. Qua từng tập, ta sẽ xoáy sâu và đi vào quá khứ của từng nhân vật. Đó là những mảnh đời bất hạnh nhưng lại có chung đích đến: họ muốn thay đổi xã hội thối nát.

Bạn có thể thấy rõ sự đầu tư mạnh ở Pripri qua cách thể hiện góc máy rất chuyên nghiệp, phác họa câu chuyện trôi chảy, dưới mọi góc độ bằng hình ảnh cho người xem thưởng thức (Ange is best girl :”>). 3Hz vẫn giữ danh tiếng của họ với chất lượng animation chăm chút và mượt mà. Điểm trừ duy nhất: bối cảnh mang tính nghiêm túc nhưng có dàn nhân vật toàn là nữ sẽ làm bạn khó chịu nếu như không quen. Tuy vậy, nếu xem đc Sora no wo to và Girls und Panzer, tôi nghĩ bạn sẽ rất thích Pripri.

\=> 8.3/10

6/ Gamers

Không nghĩ tôi sẽ enjoy Gamers đến vậy. Tác phẩm khởi đầu rất bình thường, không ấn tượng lắm cho đến khi dàn nhân vật được giới thiệu và có nhiều đất diễn hơn. Sự xuất hiện của họ đã dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười với các mối quan hệ phát sinh do hiểu lầm, làm rối rắm phức tạp vấn đề (theo nghĩa tích cực). Nhất là pha tỏ tình do … nói nhầm của anh chàng, càng xem càng vui.

Thế mạnh của Gamers là tương tác nhân vật đa dạng, tình huống hài rất tự nhiên, không gây gượng gạo. Điểm trừ duy nhất là về mặt hình ảnh, nét vẽ có phần méo mó trong một số đoạn cảnh (nhưng nhìn chung ko gây ảnh hưởng lắm đến độ enjoyment).