Đất ở thương mại dịch vụ là gì

Đất đai là một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và khan hiếm, cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả lâu dài. Trong đó, đất thương mại dịch vụ là một trong những loại đất được pháp luật Việt Nam thừa nhận, với nhu cầu sử dụng tăng cao đặc biệt là trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, người sử dụng đất thương mại dịch vụ phải hiểu rõ những quy định của pháp luật hiện hành về loại đất này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy diện tích không lớn, nhưng đất thương mại dịch vụ thường tọa lạc ở những vị trí “đắt giá” trên thị trường. Vậy thế nào là đất thương mại dịch vụ? Loại đất này có những đặc điểm gì khác so với các loại đất thông thường? Pháp luật nước ta hiện nay quy định về loại đất này như thế nào? Việc nắm rõ những thông tin cơ bản về đất thương mại dịch vụ có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định mua bán hợp lý. Hãy cùng Goland tìm trả lời cho những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây nhé!

Đất thương mại dịch vụ là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 và Khoản 1 Điều 153 Luật đất đai 2013, đất thương mại dịch vụ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, bao gồm đất để xây dựng cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoặc các công trình khác nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ. Hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa, số lượng đất thương mại dịch vụ ngày càng tăng tương đương với nhu cầu sử dụng của xã hội ngày càng nhiều.

Theo chính sách thu hồi đất, nhà nước bắt buộc phải bồi thường đất nông nghiệp tương đương với diện tích đất hoặc cùng loại với đất bị thu hồi cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất. Do đó, đất thương mại dịch vụ, hay còn gọi tắt là đất dịch vụ được cấp để hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Mảnh đất này có thể chuyển đổi sang hình thức kinh doanh dịch vụ thương mại nhưng không được sử dụng cho mục đích để ở. Ngoài ra, còn có một số loại đất dịch vụ khác thuộc loại đất đấu thầu các khu vực công cộng chẳng hạn như bến xe hoặc chợ…

Đặc điểm của đất thương mại dịch vụ?

Đất ở thương mại dịch vụ là gì

Đặc điểm của đất thương mại dịch vụ?

Để xác định đất có thuộc đất thương mại dịch vụ hay không, cần căn cứ vào những đặc điểm nổi bật như:

  • Đất thương mại dịch vụ có diện tích dao động trong khoảng 40-50 m2. Do các khu đất nông nghiệp thường được thu hồi để phát triển khu đô thị nên đất thương mại sẽ được chính quyền xây dựng sẵn cơ sở hạ tầng sau đó mới bàn giao.
  • Phần lớn các khu đất thương mại dịch vụ đều được quy hoạch tại các vị trí đẹp, nằm gần các khu đô thị sầm uất với hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng thuận tiện. Nhờ đó, tạo điều kiện cho người dân được mua bán kinh doanh dịch vụ, giúp họ ổn định cuộc sống.
  • Sở hữu vị trí đẹp nhưng giá đất thương mại dịch vụ chỉ bằng ½ hoặc ⅔ so với giá đất để ở.
  • Khi được chuyển đổi bồi thường, cá nhân hay hộ gia đình không cần nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà có thể vào sử dụng ngay.

Cuối cùng, theo quy định tại Khoản 4, Điều 125 Luật Đất đai 2013, đất thương mại dịch vụ đã sử dụng trong thời gian dài và sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ, được phép xây nhà cao tầng để ở hoặc kinh doanh mua bán.

Có thể bạn quan tâm: Đất ODT là gì – Có nên mua đất ODT để ở hay không

Phân loại đất thương mại, dịch vụ

Có thể phân loại đất thương mại dịch vụ thành 2 loại chính bao gồm:

  • Đất thuộc quỹ đất cộng đồng, thường ở khu vực công cộng như: bến xe, chợ,…
  • Đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp hay còn được gọi là đất thương mại dịch vụ 5%, 7% hay 10% .Đây là các tỉ lệ bồi thường hoặc giao đất theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.

Những điều cần lưu ý khi ra quyết định đầu tư đất thương mại dịch vụ

Đất ở thương mại dịch vụ là gì

Những điều cần lưu ý khi ra quyết định đầu tư đất thương mại dịch vụ

Người sử dụng đất thương mại dịch vụ có quyền và nghĩa vụ gì?

Đất thương mại dịch vụ là một trong những loại đất đã được pháp luật thừa nhận, tức là người sử dụng sẽ có quyền và nghĩa vụ chung theo quy định. Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình, nhà đầu tư cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ này.

Theo quy định tại Điều 153, 166, 167 Luật Đất đai 2013, chủ sở hữu đất thương mại dịch vụ sẽ được các quyền sau:

  • Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được thuê hay thuê lại, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế từ cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức kinh tế khác;
  • Được bồi thường khi bị thu hồi đất đúng theo quy định của nhà nước;
  • Được hưởng thành quả đầu tư trên khu đất cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên khu đất;
  • Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về vấn đề tranh chấp đất đai hoặc khi quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bị xâm phạm.

Người sử dụng đất thương mại dịch vụ có nghĩa vụ:

  • Phải sử dụng đất đúng mục đích được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đúng ranh giới của thửa đất, đảm bảo giữ gìn các công trình công cộng trong lòng đất theo quy định về vấn đề sử dụng độ sâu trong lòng đất, độ cao trên không và các quy định khác;
  • Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính;
  • Đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ đất đai, môi trường, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng bất động sản liền kề;
  • Giao trả lại đất khi Nhà nước có lệnh thu hồi hoặc khi hết thời gian sử dụng đất nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt việc gia hạn thời hạn sử dụng.
  • Khi tìm thấy hiện vật dưới lòng đất phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan;

Thời hạn sử dụng đất thương mại dịch vụ là bao lâu?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, thời hạn sử dụng đất được chia thành đất có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài và đất có thời hạn nhất định. Trong đó, đất thương mại dịch vụ thuộc hình thức đất có thời hạn sử dụng nhất định.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 126, Luật Đất Đai 2013, thời hạn sử dụng đất dịch vụ, thương mại không vượt quá 50 năm. Khi hết thời hạn, trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng sẽ được nhà nước xem xét gia hạn nhưng không vượt quá thời hạn theo quy định trên.

Tuy nhiên, một số dự án đầu tư thương mại dịch vụ có vốn đầu tư lớn, quá trình thu hồi vốn chậm, hay các dự án thuộc khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn cần thời hạn đầu tư dài hơn thì thời hạn sử dụng đất tối đa là 70 năm.

Mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ là gì?

Dựa theo khoản 1 Điều 153 của Luật đất đai, đất thương mại dịch vụ chỉ được sử dụng cho các mục đích: Xây dựng cơ sở thương mại dịch vụ và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ thương mại dịch vụ.

Hơn nữa, chỉ đất ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn mới được phép xây dựng nhà ở. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn xây dựng nhà ở trên đất thương mại dịch vụ, phải chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền và trả lại hiện trạng ban đầu, hay buộc phá dỡ nhà ở). Chính vì vậy, trước tiên nhà đầu tư cần xin phép Uỷ ban nhân dân cấp huyện tại khu vực đó. Đồng thời, cần chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục xin phép chuyển đổi. Căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp huyện sẽ phê duyệt quyết định có cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ hay không. Cụ thể, theo điều 52 Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dựa trên 02 tiêu chí:

  • Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
  • Nhu cầu sử dụng đất được thể hiện rõ ràng trong giấy xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Trên đây là những chia sẻ của Goland về đất thương mại dịch vụ. Hy vọng những thông tin hữu ích trên có thể phần nào giúp quý khách hàng giải đáp cho câu hỏi đất thương mại dịch vụ là gì, mục đích sử dụng cũng như các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến loại đất này. Qua đó, có thể nhận thấy đây là một loại đất khá đặc biệt với các yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần lưu ý một số điểm quan trọng trong quá trình sử dụng.