Focus trong máy ảnh là gì

lay-net-trong-nhiep-anh

Một trong những kỹ thuật quan trọng cần được nắm vững trong nhiếp ảnh, đặc biệt là đối với người mới bắt đầu, chính là khái niệm về lấy nét. Nếu bạn không lấy nét bức ảnh chính xác, các chủ thể và đối tượng chính sẽ bị mờ đi ngay cả khi tất cả các thiết lập của bạn đã được điều chỉnh chính xác.

Đây là nhiệm vụ có thể dễ dàng hoặc khó khăn tùy thuộc vào tình huống bạn gặp phải, chẳng hạn như khung cảnh tĩnh lăng so với chuyển động của một chú chim đang bay nhanh. Bài viết này sẽ bao gồm mọi thứ bạn cần biết để thực hiện đúng và chụp được những bức ảnh sắc nét.

Lấy Nét Là Gì?

Đối với mỗi bức ảnh bạn chụp, sẽ luôn có một mặt phẳng tiêu điểm (plane of focus). Đây là vùng không gian trong bức ảnh có khả năng hiển thị sắc nét nhất.

Một số nhiếp ảnh gia coi mặt phẳng tiêu điểm như một cửa sổ chắn ngang khung hình bạn đang chụp. Và bất kì đối tượng nào trong bức ảnh chạm được vào cửa sổ được cho là đang nằm trong vùng lấy nét. Khi bạn di chuyển mặt phẳng này về phía sau hoặc trước, bạn đang cố gắng thay đổi độ sắc nét của chủ thể bạn mong muốn, hành động này được gọi là lấy nét (focusing).

Với các thiết bị hiện đại này nay, việc lấy nét thường do ống kính của bạn đảm nhận. Các ống kính này được trang bị các phần tử thủy tinh bên trong có thể di chuyển tới và lui để thay đổi đường đi quang học của ánh sáng.

Trên cùng một đường thẳng, nếu bạn di chuyển ống kính của mình, bạn sẽ thay đổi vị trí của mặt phẳng tiêu điểm (đây cũng là cách mà các ống kính macro hoạt động).

Đây là thao tác có thể diễn ra hoàn toàn tự động hoặc thủ công. Nếu bạn lấy nét tự động, hệ thống của máy ảnh sẽ di chuyển các phần tử trong ống kính để thay đổi tiêu điểm. Nếu thủ công, bạn sẽ phải tự điều chỉnh vòng lấy nét cho tới khi đạt điểm sắc nét phù hợp.

lay-net-la-gi

Lấy Nét Tự Động (Autofocus) Và Lấy Nét Thủ Công (Manual Focus)

Trong những ngày đầu của nhiếp ảnh, mọi ống kính đều chỉ có thể lấy nét bằng tay (ngay cả với nhiều ống kính hiện đại ngày nay). Lấy nét tự động hay Autofocus xuất hiện lần đầu trên thị trường vào năm 1977 nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những phát minh có ý nghĩa quan trọng nhất đối với ngành nhiếp ảnh.

Hệ thống lấy nét tự động (Autofocus) sử dụng một mô tơ trong máy ảnh hoặc ống kính để lấy nét đối tượng theo cách thủ công hoặc tự động. Đây là chức năng cực kì hữu dụng khi bạn chỉ cần nhấn một nút trên máy ảnh (thường là nút chụp), nó sẽ tập trung vào chủ thể bạn đã chọn hoặc tự chọn cho bạn nếu bạn chưa thể đưa ra quyết định của mình.

Hầu hết các nhiếp ảnh gia lựa chọn trường phái tự động thường xuyên hơn thủ công. Lý do chính đến từ sự đơn giản và tiện lợi của nó.

Tự động lấy nét cũng hoạt động nhanh hơn và trong nhiều trường hợp, nó cũng chính xác hơn (chẳng hạn như theo dõi trên một đối tượng chuyển động). Đây là lý do tại sao các nhiếp ảnh gia thể thao và hoang dã có xu hướng phụ thuộc vào tính năng Autofocus.

Tuy nhiên, lấy nét thủ công vẫn có những lợi ích riêng của nó. Nếu máy ảnh của bạn gặp sự cố khi ở chế độ tự động, chẳng hạn như trong điều kiện thiếu ánh sáng, lấy nét thủ công có thể khắc phục mọi vấn đề và thực hiện các điều chỉnh mà máy ảnh có thể đã bỏ qua.

Bên cạnh đó, nó cũng cho phép khóa lại một tiêu điểm cố định cho một loạt ảnh liên tiếp. Mặc dù hầu hết các nhiếp ảnh gia sử dụng lấy nét tự động nhiều hơn, bạn nên làm quen với cả hai chức năng này để phục vụ cho nhiều tình huống khác nhau.

Không Phải Tất Cả Các Thiết Bị Máy Ảnh Đều Có Chế Độ Autofocus!

Để sử dụng được Autofocus, ít nhất máy ảnh hoặc ống kính của bạn phải được trang bị mô tơ có chức năng này. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế, không phải tất cả ống kính trên thị trường đều được tích hợp sẵn lấy nét tự động! Cụ thể, nếu bạn sử dụng dòng máy Nikon D3500 hoặc D5600 (hoặc các kiểu máy cũ hơn trong cùng dòng sản phẩm này), hãy chú ý đến thông tin được ghi trên ống kính của bạn. Bạn sẽ muốn một ống kính có kí hiệu AF-S hoặc AF-P chứ không phải là AF-D.

lay-net-tu-dong-va-lay-net-thu-cong

Lấy Nét Theo Pha (Phase Detection) Và Lấy Nét Tương Phản (Contrast Detection)

Vậy ở khía cạnh kĩ thuât, Autofocus hoạt động như thế nào? Bạn có thể không cần biết về các yếu tố khoa học đằng sau nó, nhưng bạn vẫn nên làm quen với hai hệ thống tự động phổ biến hiện nay: lấy nét theo pha và lấy nét tương phản. Mỗi cái đều có ưu và khuyết điểm của riêng chúng:

  • Lấy nét theo pha hoạt động rất nhanh và hiệu quả trong việc theo dõi các đối tượng đang chuyển động, vì nó không yêu cầu quá nhiều tính toán từ hệ thống máy ảnh. Tuy nhiên, nó cũng dễ xảy ra sai sót và những tính toán đôi khi không chính xác sẽ khiến việc lấy nét của bạn gặp khó khăn. Một số dòng máy sẽ cho phép bạn hiệu chỉnh hệ thống theo pha nhằm giảm thiểu tối đa những lỗi không mong muốn.
  • Lấy nét tương phản sẽ yêu cầu máy ảnh của bạn xử lý nhiều dữ liệu hơn, đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian hơn để cố định điểm lấy nét. Và điều hiển nhiên là nó sẽ chỉ hoạt động tốt nhất với các đối tượng và khung cảnh tĩnh. Mặt khác, lấy nét tương phản lại cho ra kết quả chính xác hơn, vì lúc này hệ thống đang đo trực tiếp dữ liệu được trích xuất từ cảm biến máy ảnh của bạn. Đây là lý do khiến lấy nét tương phản trở nên phù hợp với những chủ đề nhiếp ảnh không có nhiều chuyển động nhanh như nhiếp ảnh phong cảnh, đường phố hay kiến trúc.

Vậy làm cách nào để thiết lập hai tính năng này trên máy ảnh của bạn?

Trên hầu hết máy ảnh DSLR, tính năng lấy nét theo pha sẽ được sử dụng khi bạn lấy nét tự động qua kính ngắm (viewfinder) còn tương phản sẽ hoạt động khi bạn sử dụng màn hình LCD phía sau thân máy. Vì vậy bạn chỉ cần lựa chọn hình thức nào là phù hợp tùy thuộc vào tình huống mà bạn đang tác nghiệp. (Trái ngược với DSLR, dòng máy Mirrorless (không gương lật) chỉ có một chức năng duy nhất, thường là sự kết hợp của hai tính năng kể trên, do đó bạn sẽ không thể thực hiện chuyển đổi được)

Hãy nhớ rằng, luôn luôn có một mặt phẳng tiêu điểm lý tưởng đâu đó xung quanh chủ thể của bạn và cả hai tính năng lấy nét này đều có thể giúp bạn tìm ra nó. Điểm khác biệt là lấy nét theo pha sẽ giúp bạn thực hiện nhanh hơn và theo dõi tốt hơn các đối tượng chuyển động, trong khi tương phản cho ra kết quả chính xác hơn với các đối tượng tĩnh.

Continuous Và Single-Servo Autofocus

Một quyết định quan trọng khác mà bạn phải thực hiện khi sử dụng lấy nét tự động là chọn chế độ phù hợp. Hai tùy chọn quan trọng và phổ biến nhất là Continuous-servoSingle-servo.

  • Continuous-servo còn được gọi là AI Servo (Canon) và AF-C (Nikon). Về cơ bản, nó có nghĩa là máy ảnh của bạn sẽ liên tục điều chỉnh tiêu điểm bất cứ khi nào bạn giữ nút chụp để lấy nét. Đây là chế độ lý tưởng khi bạn muốn chụp một đối tượng chuyển động và đang cố gắng theo dõi vị trí của nó.
  • Single-servo còn được gọi là One-Shot (Canon) và AF-S (Nikon). Trong trường hợp này, khi máy ảnh của bạn đã chọn được tiêu điểm thích hợp, nó sẽ không điều chỉnh lại cho đến khi bạn buông nút lấy nét và thử lại. Đối với những đối tượng và khung cảnh hoàn toàn tĩnh lặng và không cần phải điều chỉnh liên tục thì đây chính là chế độ phù hợp cho bạn.

Một số máy ảnh sẽ có chế độ thứ ba Auto-Servo Autofocus hệ thống sẽ tự phân tích hình ảnh và chọn giữa hai tùy chọn kể trên. Tuy nhiên, ngay cả khi máy ảnh của bạn có chức năng này, điều quan trọng vẫn là hiểu rõ từng chức năng của mỗi chế độ vì những thiết lập tự động đôi khi sẽ xảy ra những lỗi không đáng có.

Nếu bạn đang sử dụng tính năng tự động, Mê Chụp Ảnh khuyên bạn nên sử dụng Single-servo cho các bức ảnh phong cảnh, kiến trúc điển hình và Continuous-servo cho hầu hết các loại hình nhiếp ảnh khác, chẳng hạn như thế giới hoang dã hoặc thể thao.

continuous-servo

Autofocus Arena Modes Chế Độ Vùng Lấy Nét Tự Động

Một trong những nhiệm vụ chính của việc lấy nét là chọn chế độ vùng lấy nét tự động. Các chế độ này cho phép bạn lựa chọn vị trí bất kì trên khung hình và chiến lược lấy nét thích hợp từ đó máy ảnh có thể đưa ra quyết định tốt nhất về cách theo dõi và lấy nét đối tượng của bạn.

Điều quan trọng về hệ thống tự động mà bạn cần biết là nó được tạo thành từ tập hợp các điểm lấy nét, tương ứng các vùng mà máy ảnh hiển thị. Ví dụ về hai bản đồ điểm lấy nét trên máy ảnh DSLR dưới đây:

autofocus-area-modes

Về lý thuyết, số lượng điểm lấy nét nhiều hơn sẽ tốt hơn. Như vậy bạn sẽ có một vùng bao phủ tổng thể tốt hơn, bắt được nhiều chi tiết sắc nét hơn. Việc theo dõi đối tượng chuyển động sẽ dễ dàng hơn khi máy ảnh của bạn có số điểm sắc nét bao phủ một phần lớn hình ảnh.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần cho máy ảnh biết cách sử dụng những điểm đó như thế nào, nếu không nó sẽ trở nên vô ích. Đây là lúc các chế độ vùng lấy nét tự động phát huy tác dụng:

  • Single-Point Autofocus: Ở chế độ này, máy ảnh sẽ chỉ sự dụng một tiêu điểm mà bạn đã chọn để lấy nét tự động. Đây là lựa chọn lý tưởng khi máy ảnh và chủ thể của bạn gần như không di chuyển và bạn không thực sự cần bất kì khả năng tracking nào của hệ thống.
  • Dynamic Autofocus: Cũng giống như Single-point, bạn sẽ chọn một điểm làm dấu cho máy ảnh. Tuy nhiên, lúc này nó có thể theo chuyển động của đối tượng với một số tiêu điểm xung quanh (bạn có thể chỉ định số lượng tiêu điểm cụ thể cần chú ý cho hệ thống). Điều này khiến Dynamic trở nên cực kì thích hợp với nhiếp ảnh hoang dã.
  • 3D Tracking Autofocus: Máy ảnh sẽ theo dõi đối tượng của bạn khi nó di chuyển qua các tiêu điểm. Không giống như chế độ Dynamic, bạn không cần thiết phải di chuyển máy ảnh của mình xung quanh để giữ đối tượng của bạn gần nhất có thể với tiêu điểm ban đầu bạn đã chọn.
  • Group-Area Autofocus: Máy ảnh sẽ sử dụng đồng thời nhiều điểm lấy nét tự động, thường là năm điểm. Tất cả các điểm này đều có mức độ ưu tiên như nhau và tập trung vào đối tượng gần nhất nằm trên bất kỳ điểm nào trong số năm điểm. Điều này cực kì hữu ích cho các tình huống phức tạp, chẳng hạn như một chú chim đang bay rất nhanh.
  • Auto-Area Autofocus: Lúc này, máy ảnh của bạn sẽ tự động quét cảnh và quyết định chủ thể của bức ảnh (thường là đối tượng gần máy ảnh nhất hoặc một khuôn mặt chẳng hạn). Mechupanh không khuyến nghị chế độ này vì nó cung cấp cho bạn ít quyền kiểm soát hơn.

Không phải tất cả các máy ảnh đều có đầy đủ các tùy chọn nêu trên và một số máy ảnh có thể được trang bị nhiều tính năng bổ sung khác, đặc biệt là tự động lấy nét video. Tên gọi cụ thể cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng dòng máy ảnh nhưng đây sẽ là cấu trúc chung của hầu hết các tùy chọn mà bạn sẽ tìm thấy.

Bạn sẽ nhanh chóng hiểu và tìm được những chế độ phù hợp với sợ thích của bản thân và một số tình huống nhất định. Tuy nhiên, để làm chủ hoàn toàn các chế độ này cần nhiều thời gian và công sức chứ không phải chỉ trong một sớm một chiều.

Nút AF-On Trên Máy Ảnh

Mặc định ở hầu hết các máy ảnh, hệ thống sẽ tự động lấy nét khi bạn nhấn giữ nút chụp. Đây có thể là một tính năng hay nhưng đôi khi bạn sẽ muốn hai hành động lấy nét và chụp ảnh tách biệt với nhau. Phần lớn các máy ảnh đều cho phép bạn thực hiện việc này bằng cách gán chức năng lấy nét cho một nút khác, thường được gọi là AF-On.

AF-On hoạt động giống hệt như việc bạn nhấn giữ nút chụp nhưng đã được chuyển sang một vị trí khác. Điều đó nghe có vẻ thừa thãi nhưng có rất nhiều tình huống mà bạn sẽ vô tình lấy nét lại (mất tiêu điểm ban đầu) khi nhấn nút chụp, vì vậy AF-On là một chức năng khá quan trọng.

Mê Chụp Ảnh khuyên bạn nên sử dụng nó nếu máy ảnh của bạn cho phép. Chỉ với một chút điều chỉnh nhỏ nhưng sẽ mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Vậy, AF-On thực sự giúp gì cho bức ảnh của bạn?

  1. Nếu bạn muốn cố định điểm lấy nét với cùng một loạt ảnh. Bạn chỉ cần nhấn nút AF-On để lấy nét, sau đó giữ nguyên thiết lập này cho đến khi bạn hoàn thành lượt ảnh mình mong muốn. Điều này nhanh hơn so với việc chuyển ống kính của bạn sang chế độ thủ công.
  2. Nếu bạn cần lấy nét và bố cục lại hình ảnh. Giả sử vì một lý do gì đó bạn muốn bố cục chủ thể nằm ở rìa bức ảnh nhưng tiêu điểm lúc này lại ở quá xa. Lúc này, bạn có thể sử dụng nút AF-On để chọn lựa một vài điểm lấy nét hợp lý sau đó di chuyển bố cục theo ý muốn của bản thân. Điều này sẽ tự nhiên và dễ dàng hơn so với việc phải vừa di chuyển vừa nhấn giữ nút chụp đúng không.
  3. Nếu bạn cần một ít thời gian chờ trước khi chụp. Đôi lúc bạn sẽ gặp phải tình huống cần lấy nét nhưng lại không thể chụp ngay được mà cần phải đợi chủ thể xuất hiện. Ví dụ như khi bạn muốn chụp những chú thỏ rời khỏi tổ, bạn sẽ cần lấy nét trước rồi canh đúng thời điểm chúng xuất hiện để chộp lấy khung hình. Sử dụng AF-On sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cũng như dễ dàng bắt được những khoảnh khắc mình mong muốn mà không sợ bị mất nét bức ảnh.

Những lý do này kể trên, Mê Chụp Ảnh thực sự khuyên bạn nên chuyển máy ảnh của mình từ lấy nét khi nhấn giữ nút chụp sang nút thay thế AF-On. Tuy việc làm quen lúc đầu sẽ có chút bối rối nhưng mình chắc chắn các bạn sẽ không phải hối tiếc. (Với một số máy ảnh không có nút AF-On, bạn sẽ luôn có thể tùy chỉnh một trong các nút bất kì để sử dụng tính năng này)

nut-AF-On

Lựa Chọn Điểm Lấy Nét

Trong phần lớn tình huống, bạn chỉ nên tập trung vào chủ thể chính của bức ảnh. Nếu bạn đang chụp ảnh một người, hãy hướng điểm tiêu điểm vào một trong hai mắt của họ. Tương tự với chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh sự kiện, v.v..

Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ có một chút tự do nghệ thuật và sáng tạo. Giả sử rằng bạn đang chụp ảnh một bông hoa, theo bạn thì nên lấy nét vào cánh hoa gần nhất hay vào nhụy hoa tràn đầy màu sắc? Không có lựa chọn đúng sai nào ở đây cả. Nó phụ thuộc vào hiệu ứng mà bạn muốn tạo nên cho bức ảnh của mình.

Các đối tượng sắc nét sẽ là các đối tượng nổi bật nhất trong bức ảnh của bạn. Bạn có thể biến điều này thành lợi thế của mình. Nếu bạn muốn, bạn có thể lấy nét một vị trí nào đó bất ngờ để thu hút sự chú ý của người xem vào một phần cụ thể trong bức ảnh.

Ví dụ: khi chụp ảnh chân dung , hãy tập trung vào bàn tay của người đó thay vì đôi mắt của họ. Không có quy tắc nào về lấy nét trong nhiếp ảnh là không thể bị phá vỡ. Đó là lý do vì sao nhiếp ảnh là tổng hợp của những quyết định sáng tạo, đầy tính nghệ thuật.

Kỹ Thuật Focus Stacking

Một kỹ thuật chuyên nghiệp mà bạn có thể thỉnh thoảng nghe nói đến được gọi là Focus Stacking. Với phương pháp này, bạn sẽ chụp một loạt ảnh với các điểm lấy nét khác nhau của cùng một khung cảnh, sau đó bạn kết hợp các vùng sắc nét nhất của những tấm ảnh này với nhau. Nếu thành công, hình ảnh thu được sẽ hoàn toàn sắc nét ở mọi vị trí mà bạn muốn.

focus-stacking

Focus Stacking sẽ cực kì hữu ích nếu sử dụng đúng cách, đặc biệt là đối với chụp ảnh macro và chụp ảnh phong cảnh, hai thể loại nhiếp ảnh mà bạn khó có thể có được một bức ảnh đủ sắc nét từ trước ra sau bằng bất kỳ phương pháp nào khác. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm nhất định.

Nếu có bất kì thứ gì chuyển động trong bức ảnh của bạn, việc thực hiện focus stacking sẽ gần như là không thể. Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc xử lý hậu kì. Nhưng đôi khi đó sẽ là cách duy nhất để bạn duy trì đủ độ sâu trường ảnh cho bức ảnh mình mong muốn.

Kết Luận

Lấy nét là một chủ đề quan trọng trong nhiếp ảnh và cần thời gian để tìm hiểu. Khi ảnh của bạn được lấy nét thích hợp, chúng sẽ sắc nét, chi tiết và nổi bật. Điều này áp dụng cho mọi loại hình nhiếp ảnh, từ thể thao đến phong cảnh. Bạn đọc nên tìm hiểu và làm quen với nó càng sớm càng tốt để không mắc phải những thói quen xấu trong quá trình tác nghiệp.

Hy vọng rằng Mê Chụp Ảnh sẽ trở thành điểm đến quen thuộc của những đọc giả yêu thính Nhiếp Ảnh trên mảnh đất hình chữ S. Nếu cảm thấy Website bổ ích, đừng ngần ngại đánh giá bài viết, để lại bình luận cũng như chia sẻ tới bạn bè của mình. Mê Chụp Ảnh xin cảm ơn và tiếp tục đồng hành với mọi người trong tương lai.

Bài viết trước: Chương 8: Các Chế Độ Hoạt Động Của Máy Ảnh Kỹ Thuật Số

Bài tiếp theo: Chương 10: Cách Sử Dụng Đèn Flash Máy Ảnh Hiệu Quả

Đọc thêm Chuyên mục: Nhiếp Ảnh Cơ Bản