Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán. Loại bánh này được làm từ gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh và lá dong. Đây là chiếc bánh để con cháu tưởng nhớ đến cha ông, tổ tiên và đất trời. Chiếc bánh chưng mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống nên thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách khi tới dải đất hình chữ S.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: bazantravel

Nguồn gốc của bánh chưng gắn liền với truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Khi đó, vua Hùng muốn chọn một người con để truyền ngôi vua nên đã họp các người con lại và bảo rằng: “Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Các vị hoàng tử đua nhau đi tìm các món ngon, vật lạ cao sang để dâng vua với hy vọng sẽ được truyền ngôi. Chỉ có người con thứ 18 tên là Lang Liêu vì mẹ mất sớm, chàng không có người hướng dẫn nên lo lắng không biết làm thế nào. Một đêm, chàng nằm mơ thấy một vị thần hiển linh chỉ bảo rằng: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng trưng cho đấng sinh thành". 

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Hình minh họa hoàng tử Lang Liêu làm bánh chưng theo lời của thần hiển linh. Ảnh: tikibook

Hoàng tử Lang Liêu đã làm theo lời thần chỉ bảo. Chàng lựa những hạt gạo nếp trắng tinh, nguyên vẹn, đem vo sạch rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân vào giữa rồi mang đi luộc chín, bánh này gọi là bánh chưng. Lang Liêu còn mang gạo nếp mang đi xay thành bột, nhào thành hình tròn tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày. Khi Lang Liêu giải thích về ý nghĩa món bánh chưng, bánh dày trong ngày dâng lễ vật, vua Hùng rất hài lòng và truyền ngôi cho chàng.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Ảnh: @banhbeo

Kể từ đó, cứ mỗi dịp Tết đến, vua lại lệnh cho người dân làm bánh chưng để cúng trời đất. Tục lệ nấu bánh chưng ngày Tết cũng vì thế mà hình thành và được lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Cách gói bánh chưng của người Việt Nam

Bánh chưng là sự kết hợp giữa gạo nếp, đậu xanh xay nhuyễn, thịt mỡ, thịt nạc. Thông thường, vào những ngày cuối của tháng 12 âm lịch (khoảng tháng 1-2 dương lịch) các gia đình, nhất là ở vùng thôn quê, sẽ bắt đầu công đoạn làm bánh chưng. Bánh muốn ngon thì phải lựa nguyên liệu thật chu đáo. Gạo nếp phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to tròn đều và mới được thu hoạch. Đỗ xanh là loại đỗ mới, ruột vàng, hạt mẩy và bở. Thịt lợn làm nhân bánh là loại ba chỉ hoặc thịt vai, không nên quá nạc hoặc quá mỡ. Loại lá dùng để gói bánh là lá dong có màu xanh mướt, không quá già cũng không quá non và phải lành lặn.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Các nguyên liệu để gói bánh chưng. Ảnh: baomoi.com

Cách làm bánh chưng khá cầu kỳ. Đầu tiên, người ta ngâm gạo rồi đãi thật kỹ. Đậu xanh mang nấu đến khi vừa chín tới. Thịt rửa sạch, thái miếng dày khoảng 1cm rồi ướp các loại gia vị như muối, tiêu. Lá dong rửa sạch, để cho khô nước hoặc lấy khăn lau nhẹ 2 mặt lá. Lạt buộc được chẻ từ ống giang sao cho mỏng, mềm, dẻo, dai.

Cách gói bánh chưng. Video: Youtube

Sau khi sơ chế xong các nguyên liệu là đến công đoạn gói bánh. Người ta đặt 2 lá dong ở 2 góc so le nhau rồi cho 1 bát gạo, 1/2 nắm đậu xanh dàn mỏng đều lên gạo, xếp 2 miếng thịt vào giữa rồi cho đậu xanh và phủ gạo lên trên cùng. Tiếp đến, bẻ gập lá để gói thành hình vuông rồi dùng dây lạt buộc chặt thành nhiều vòng thành hình chữ thập trên bánh.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Các bước gói bánh chưng. Ảnh: quantrimang

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng sau khi gói xong sẽ có hình vuông sắc cạnh. Ảnh: @nkkn007

Bánh sau khi gói xong cần mang đi luộc ngay để giữ được màu xanh của lá. Người ta xếp bánh chưng vào một nồi to, đổ nước ngập mặt bánh rồi luộc trên bếp củi. Bánh sẽ được luộc suốt khoảng 8-10 tiếng liên tục. Đây là thời gian vừa đủ để bánh có độ mềm lý tưởng, không quá cứng mà cũng không bị nhão.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Xếp bánh chưng vào nồi rồi đổ ngập nước. Ảnh: bestie

Thời điểm canh bánh chưng là lúc mọi người trong gia đình quây quần lại. Bên nồi bánh chưng với bếp lửa hồng, các thành viên cùng nhau trò chuyện, có thể thưởng thức một vài món ăn nhẹ quen thuộc như khoai nướng, lạc rang... Không khí lúc này thật sự rất ấm cúng.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Các thành viên trong gia đình cùng thức canh nồi bánh chưng. Ảnh: dantri

Sau khi luộc xong, bánh chưng được vớt ra ngoài để cho ráo nước và để bánh se lại. Tiếp đó bánh được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên hoặc đem làm quà Tết biếu nhau.

Trước khi thưởng thức, bóc bánh là phần cũng rất quan trọng. Để bóc bánh chưng  không bị nát, vẫn giữ được hình dạng vuông vức là cả một nghệ thuật. Người ta không dùng dao để cắt bánh vì gạo nếp dẻo dính vào sẽ rất khó rửa sạch mà sử dụng dây lạt. Đầu tiên, đặt bánh lên đĩa rồi lần lượt bóc hết lá ở mặt trên. Tiếp đến, dùng dây lạt buộc bánh đã được tước nhỏ để đặt lần lượt lên mặt bánh sao cho chia bánh chưng thành 16 phần. Điều đặc biệt là bạn cần nhớ thứ tự đặt các dây lạt để bước tiếp theo cắt bánh cho chuẩn. Kế tiếp, bánh được lật ngược lại, lúc này phải giữ sao cho những dây lạt ở mặt kia của bánh không bị rơi hoặc bị xô đẩy. Công đoạn tiếp theo là bóc nốt lớp lá ở mặt còn lại của bánh. Cuối cùng bạn cầm hai đầu của một sợi dây lạt kéo ngược từ bên nọ qua bên kia thật dứt khoát để cắt bánh. Sợi dây lạt nào đặt trước cần kéo trước để đảm bảo bánh được cắt đẹp và gọn gàng, nếu kéo sai thứ tự dây lạt, phần nhân của bánh sẽ bị dây lạt kéo rơi ra ngoài mất thẩm mỹ.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Cách đặt dây lạt để cắt bánh và người bóc phải nhớ thứ tự đặt các dây lạt. Ảnh: beptruong.edu.vn

Khi vừa bóc bánh ra, bạn sẽ ấn tượng với lớp gạo nếp được nhuộm màu xanh non mát mắt của lá dong gói ở bên ngoài. Hương thơm dịu nhẹ của lá phảng phất hòa với hương gạo nếp cùng hình ảnh miếng bánh chưng đầy đủ màu sắc sẽ kích thích vị giác bạn ngay lập tức. Bánh chưng khi ănvừa béo ngậy mùi thịt mỡ, lại thơm mùi đậu xanh và dẻo dẻo vị nếp mới.

Người ta thường ăn bánh chưng với dưa hành (hay hành muối, là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ muối chua theo phương thức lên men vi sinh). Lý do là vị chua chua của dưa hành khi thưởng thức cùng bánh chưng sẽ giúp món ăn thêm ngon, hấp dẫn hơn, giảm độ ngấy của gạo nếp, thịt mỡ. Chính vì vậy mà dân gian thường có câu "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ" để nói về những thứ đặc trưng của Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng thường ăn kèm dưa hành. Ảnh: dienmayxanh.com

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: @giahoang12345

Bánh chưng còn có thể chế biến thành món rán cũng rất ngon. Người ta thường bóc bánh chưng, cắt nhỏ thành nhiều phần và mang chiên trong chảo ngập dầu. Sau khi bánh vàng đều hai mặt thì vớt bánh ra và thưởng thức. Vỏ bánh khi ăn giòn tan ngậy thơm hòa với vị dẻo thơm, béo bùi của lớp gạo và phần nhân bên trong. Bạn có thể thưởng thức bánh kèm với ít tương ớt hoặc sốt mayonaise để tăng thêm vị đậm đà.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng rán cũng là món ăn biến tấu ngon trong ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Ảnh: @bepmemup

Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết

Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước. Thời xa xưa, đời sống của người dân trên mảnh đất này đã phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Chính vì vậy, bánh chưng xuất hiện trong các mâm cúng thần linh, trời đất từ rất lâu. Người dân dùng bánh chưng để cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu trong suốt một năm qua. 

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Mâm cúng Giao thừa trong dịp Tết Nguyên Đán luôn có chiếc bánh chưng xanh để thể hiện tấm lòng nhớ ơn tổ tiên và đất trời. Ảnh: dienmayxanh

Không những vậy, việc bánh chưng xuất hiện trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến cũng được xem như một món ăn trang trọng, cao quý để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn đối với những người đi trước.

Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng còn mang trong đó niềm mơ ước về một cuộc sống bình yên của con người. Đậu xanh vàng, thịt mỡ chín... tượng trưng cho hình ảnh của một cánh đồng lúa chín vào mùa vụ, cho việc chăn nuôi của người dân.

Giới thiếu phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Đậu xanh vàng, thịt mỡ chín... tượng trưng cho hình ảnh của một cánh đồng lúa chín vào mùa vụ, cho việc chăn nuôi thành công của người dân. Ảnh: daynauan.info

Ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi màu xanh của bánh chưng. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành một nét văn hóa lâu đời ở Việt Nam. Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân và đang được giữ gìn một cách trân trọng nhất.