Học trung cấp chuyên nghiệp trình độ văn hóa

Theo quy định tại Điều 7 Quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT thì các học phần văn hóa phổ thông trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp được quy định cụ thể như sau:

- Các học phần văn hoá phổ thông được thiết kế trong chương trình khung TCCN đối với hệ tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở bao gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh vật, Văn-Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý được chia thành 3 nhóm chính như sau:

+ Nhóm I gồm các học phần: Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn;

+ Nhóm II gồm các học phần: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh vật, Ngữ văn;

+ Nhóm III gồm các học phần: Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

- Việc lựa chọn các học phần văn hoá phổ thông trong CTK-TCCN phải phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục đào tạo. Nhóm I áp dụng cho các ngành thuộc các lĩnh vực: Công nghệ kỹ thuật, Kinh tế. Nhóm II áp dụng cho các ngành thuộc các lĩnh vực: Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Y tế, Thể dục Thể thao. Nhóm III áp dụng cho các ngành thuộc các lĩnh vực: Văn hoá Nghệ thuật, Du lịch, Hành chính, Văn thư, Pháp luật.

- Đối với các ngành đào tạo có tính chất đặc thù riêng, không phù hợp với các nhóm trên, thủ trưởng cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp xem xét kết hợp hai hay ba nhóm để lựa chọn các học phần văn hóa cho phù hợp, đồng thời dự kiến ba môn thi tốt nghiệp phần văn hoá phổ thông và triển khai thực hiện sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận bằng văn bản.

- Định mức khối lượng kiến thức tổng thể các học phần văn hóa phổ thông cho các hệ tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được quy định tại Phụ lục I của Quy định về CTK-TCCN này.

- Danh mục các học phần văn hóa phổ thông và định mức khối lượng kiến thức đối với từng học phần văn hóa phổ thông cho các hệ tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được quy định tại Phụ lục II của Quy định về CTK-TCCN này.

Đây không phải là cuộc làm việc đầu tiên giữa lãnh đạo chính phủ với hai vị "tư lệnh" ngành liên quan nhưng đến nay dường như vẫn chưa có một giải pháp trọn vẹn.

2 bộ vẫn "chỏi"

Năm 2020, Bộ GD-ĐT có văn bản quy định nếu các học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề muốn học thêm chương trình văn hóa để dự thi tốt nghiệp THPT, tức chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (chương trình 7 môn), các trường nghề phải phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy.

Dễ nhầm lẫn khi trường nghề vẫn được phép tự dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT (chương trình 4 môn). ThS Nguyễn Văn Huấn - hiệu trưởng Trường cao đẳng Bến Tre - giải thích điểm mấu chốt nằm ở việc với chương trình 4 môn, học sinh sẽ không thể thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Thay vào đó, các bạn chỉ có thể liên thông trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cao nhất đến hệ cao đẳng.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, học sinh có nhu cầu rất lớn muốn học chương trình 7 môn song song với học nghề để thi tốt nghiệp THPT. Mỗi năm cả nước có khoảng 350.000 học viên tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp thì khoảng 80% muốn vừa học nghề vừa tiếp tục học văn hóa. Bộ cũng cho rằng hiện cả nước có khoảng 400 trường cao đẳng, trung cấp hoàn toàn có đủ khả năng giảng dạy chương trình 7 môn này.

Ngược lại, gần đây nhất trong công văn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 19-4-2022, Bộ GD-ĐT khẳng định lại từ năm học 2022-2023, các trường nghề có dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (chương trình 7 môn) phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Bộ GD-ĐT lý giải theo quy định của Luật giáo dục 2019, chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học.

Trong khi đó, Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định "thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo". Do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ 1 đến 2 năm sẽ không thể vừa xong chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành chương trình văn hóa 7 môn.

Mặt khác, Luật giáo dục 2019 cũng quy định "học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông". Điều này là không thể nếu trung tâm giáo dục thường xuyên không dạy học viên.

Trường muốn giao, trường không

ThS Phạm Hồng Chương - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Quảng Nam - cho biết hiện trường phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh để giảng dạy chương trình 7 môn cho học sinh. Từ năm 2019 trở về trước, trường tuyển dụng đội ngũ giáo viên riêng để chủ động giảng dạy chương trình văn hóa. Sau khi quy định thay đổi, trường vẫn giữ lại khoảng 20 thầy cô dạy đủ các môn.

Theo thầy Chương, hiện dù trên danh nghĩa trường đang liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng 20 giáo viên văn hóa này của trường vẫn là lực lượng đứng lớp chính. Các thầy cô vẫn thuộc biên chế của trường, dạy cho hàng ngàn học sinh của trường nhưng nhiều công tác quản lý lại thuộc về trung tâm giáo dục thường xuyên.

"Mọi thứ khá chồng chéo. Giáo viên của chúng tôi tự dạy sẽ hợp lý hơn vì được chủ động trong giảng dạy, sắp xếp chương trình. Hiện nay mình muốn cho các em đi thực tập ở doanh nghiệp trong năm cũng rất khó vì phải phụ thuộc vào giờ học văn hóa của trung tâm giáo dục thường xuyên", thầy Chương nói.

TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội - nêu quan điểm việc giáo viên trường mình đứng lớp dạy nhưng chuyện quản lý phải phụ thuộc vào một bên khác sẽ rất lãng phí. Đôi khi từ đó lại gặp phải những phát sinh về tuyển sinh, hồ sơ đào tạo...

"Mỗi địa phương lại có sự "linh hoạt" riêng cho chuyện dạy văn hóa trong trường nghề, có nơi tạo điều kiện, có nơi không. Riêng tôi nghĩ các trường nghề luôn chú trọng làm thương hiệu cho mình. Họ không thể tự nhận dạy văn hóa, rồi dạy không ra gì, để ảnh hưởng đến uy tín" - ông Ngọc nói.

Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường cao đẳng tại quận 12 (TP.HCM) cho rằng từ lâu trường đã giao lại việc dạy chương trình 7 môn cho trung tâm giáo dục thường xuyên. Các thầy cô ở trung tâm sẽ gần như chịu trách nhiệm chính cho việc giảng dạy văn hóa ở trường.

"Chúng tôi giảm được nguồn lực giáo viên cho chương trình văn hóa này. Chúng tôi sẽ có thể dành sự tập trung lớn hơn cho việc dạy nghề thay vì phải phân tán nguồn lực với chuyện dạy văn hóa" - vị này nói.

Không thể rút gọn chương trình là xong

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - cho rằng các chương trình văn hóa trong trường nghề hiện được thiết kế trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông được rút gọn nên không phù hợp, không gắn với chuyên môn nghề nghiệp của người học.

Chẳng hạn, học sinh học nghề hàn cũng học các môn văn hóa tương tự như nghề xây dựng hay kế toán là hoàn toàn không hợp lý. Một số kỹ năng thiết yếu cho công việc như làm việc nhóm, kỹ năng về quản lý, kiến thức chung về công nghệ... dường như lại vắng bóng.

"Tôi nói thẳng nếu thiết kế chương trình văn hóa trong trường nghề chỉ để các bạn học như một học sinh cấp III và có thể thi tốt nghiệp THPT là đi ngược lại với thế giới. Ở các quốc gia phát triển, những kiến thức văn hóa trong trường nghề sẽ được dạy theo hướng gắn bó mật thiết đến nghề nghiệp đang học, qua đó vừa tạo thêm cho các em chiều sâu trong kiến thức vừa giúp các em đam mê hơn.

Để xây dựng chương trình tích hợp như thế rất cần sự hợp tác của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để hình thành các nhóm chuyên gia xây dựng chương trình văn hóa cùng ngồi làm việc với các giáo viên dạy kỹ năng nghề" - ông Vinh nói.

Tạo thuận lợi cho người học

Kết luận trong buổi làm việc ngày 29-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc, giải pháp để tiến hành dạy văn hóa trong các trường nghề theo đúng quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp.