Hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai cho nam

Giáo dục làm mẹ an toàn là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ tai biến sản khoa cũng như tình trạng tử vong mẹ, và tử vong sơ sinh.

Siêu âm để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những bất thường ở thai nhi

Làm mẹ an toàn là các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản không những cho bà mẹ mà còn cho cả trẻ sơ sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, bảo vệ hạnh phúc của mỗi gia đình. Chính vì vậy, các nội dung giáo dục làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế Thế giới ngày càng quan tâm và đó là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.

Bác sỹ Phạm Thị Hương Trà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đề thực hiện làm mẹ an toàn, đòi hỏi người phụ nữ phải biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản từ khi có ý định mang thai cho đến khi sinh đẻ và nuôi con bằng sữa mẹ. Đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng theo từng thời kỳ, đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Nội dung các hoạt động làm mẹ an toàn bao gồm các hoạt động trước khi mang thai, khi mang thai và sau khi sinh con.

Trước khi mang thai, người phụ nữ cần tiêm phòng một số loại bệnh có thể gây ra dị tật bẩm sinh khi mắc. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo không quá gầy hoặc quá béo.

Trong khi mang thai cần thực hiện khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, tăng cả về số lượng và chất lượng, ưu tiên các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như: Thịt, cá, đậu phụ, tôm của, rau quả tươi…

Sau khi sinh cần được nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu protein, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 11 trường hợp tử vong sơ sinh và không có trường hợp tử vong mẹ. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9 năm 2023 đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong mẹ và 7 trường hợp tử vong sơ sinh. Đa số các trường hợp tử vong sơ sinh đều ở giai đoạn mang thai, qua đó cho thấy các hoạt động làm mẹ an toàn quan trọng nhất cần được quan tâm là ở giai đoạn mang thai. Vì ở giai đoạn này có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho cả mẹ và con, các bà mẹ cần thực hiện khám thai định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.

Thông qua khám thai định kỳ có thể nhận diện sớm được các nguy cơ để can thiệp kịp thời như: tiền sản giật, nhau tiền đạo, ra máu âm đạo, ối vỡ non, ối vỡ sớm, thai to, đa thai, ngôi bất thường hoặc người mẹ mắc bệnh tăng HA, bệnh phổi, bệnh thận và các bệnh về phụ khoa, sản khoa hoặc các vấn đề bất thường ở thai nhi.

Bác sỹ Phạm Thị Hương Trà cho biết thêm: Trong các hoạt động làm mẹ an toàn thì các hoạt động ở giai đoạn mang thai là quan trọng nhất. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở người mẹ lại thường xảy ra trong quá trình sinh đẻ và chăm sóc sau khi sinh. Do vậy sau khi sinh cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản sản phụ sớm phục hồi lại sức khỏe. Trong đó lưu ý những hiện tượng nguy hiểm sau sinh như: Ngất, bất tỉnh, ra máu nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi, vết mổ sưng đau rỉ máu, có phân nước tiểu chảy ra từ âm đạo, người mệt mỏi da xanh tái… cần đi khám hoặc báo ngay cho bác sỹ biết để can thiệp kịp thời.

Sau khi sinh là giai đoạn phục hồi, sản phụ cần duy trì các hoạt động từ từ để giúp cơ thể sớm bình phục. Ở giai đoạn này chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo là ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu protein như: thịt, pho mát, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng lượng sữa.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến cáo thực hiện càng sớm càng tốt. Không những giúp cho trẻ bổ sung dưỡng chất cần thiết tăng cường sức đề kháng mà còn giúp cho người mẹ mau chóng bình phục về cả thể chất và trạng thái tinh thần, góp phần tăng cường gắn bó tình cảm mẹ con, giảm nguy cơ trầm cảm và mắc ung thư vú ở người mẹ.