Mất thị giác là gì

Đời sống ngày càng phát triển, phố xá trở nên đông đúc, chật chội. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cho ra đời nhiều thiết bị điện tử. Các bệnh về mắt cũng từ đó mà xuất hiện nhiều dần lên. Bên cạnh cận thị, viêm dây thần kinh thị giác cũng là một vấn đề đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay. Vậy viêm dây thần kinh thị giác là gì? Hãy cùng các chuyên gia YouMed tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Viêm thần kinh thị giác là gì?

Thần kinh thị giác là thần kinh dẫn các tín hiệu ánh sáng thu nhân được từ mắt đến não. Viêm thần kinh thị giác là tiến trình viêm làm phá huỷ dây thần kinh này. Tình trạng viêm làm đau và mất thị lực tạm thời một bên mắt.

Viêm thần kinh thị giác còn có thể liên quan đến bệnh lí đa xơ cứng. Bệnh lí này gây ra viêm và phá huỷ các dây thần kinh ở não và cột sống. Trong đó, các triệu chứng của viêm thần kinh thị giác có thể là chỉ điểm đầu tiên của bệnh.

Phần lớn bệnh nhân mới mắc lần đầu, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thị giác có thể sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Mất thị giác là gì
Cấu trúc của dây thần kinh thị giác

2. Triệu chứng viêm thần kinh thị giác

Viêm thần kinh thị giác thường ảnh hưởng một bên mắt. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau mắt. Đau mắt là triệu chứng gặp ở hầu hết người mắc bệnh. Bệnh nhân cảm thấy đau tăng khi cử động mắt. Đôi khi, bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ ở phía sau mắt.
  • Giảm thị lực một bên mắt. Hầu hết bệnh nhân có giảm thị lực thoáng qua. Mức độ giảm thường thay đổi, có người giảm ít, có người giảm nhiều hơn. Giảm thị lực đáng kể thường xuất hiện sau một vài giờ tới vài ngày. Thị lực có thể hồi phục sau vài tuần hoặc vài tháng nếu được điều trị đúng. Tuy nhiên, có thể gặp giảm thị lực vĩnh viễn ở một vài trường hợp.
  • Giảm thị trường: Thị trường làkhoảng không gian màmắtchúng ta bao quát được. Người mắc bệnh này có thể bị mất tầm nhìn phía bên ngoài hoặc bên trong mắt.
  • Mất cảm nhận màu sắc. Bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng phân biệt màu sắc của mắt. Người bệnh sẽ nhìn thấy màu sắc ít sống động hơn bình thường.
  • Loá mắt. Đôi khi người bệnh thấy những đốm sáng chớp nháy khi cử động mắt.
Mất thị giác là gì
Viêm thần kinh thị giác có nguy hiểm không ?

3. Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Bệnh lý ở mắt luôn phải được lưu tâm một cách đúng đắn. Để giữ được thị lực, điều quan trọng nhất là phải phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất có thể. Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu:

  • Xuất hiện triệu chứng mới, như đau mắt hoặc giảm tầm nhìn
  • Các triệu chứng nặng dần lên, hoặc không cải thiện với điều trị ban đầu
  • Xuất hiện triệu bất thường, như tê hoặc yếu tay chân. Điều này có thể chỉ điểm một bệnh lí thần kinh.
Mất thị giác là gì
Đau mắt có thể là một biểu hiện của bệnh viêm thần thị giác

4. Nguyên nhân viêm thần kinh thị giác

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết chính xác. Người ta cho rằng, đây là quá trình cơ thể tự sản xuất ra các tác nhân chống lại vỏ bao của dây thần kinh thị, gây ra tình trạng viêm và phá huỷ vỏ bao này.

Vỏ bao dây thần kinh giúp các tín hiệu truyền từ mắt đến não nhanh hơn. Vỏ bao bị phá huỷ khiến cho quá trình này bị rối loạn, dẫn đến giảm thị lực.

Có một số bệnh lí được cho là có liên quan đến viêm thần kinh thị giác:

  • Đa xơ cứng. Đây là bệnh lí trong đó hệ miễn dịch của chúng ta tấn công vỏ bao của các dây thần kinh ở não và cột sống. Thần kinh thị giác cũng nằm trong số bị tấn công và thường là biểu hiện đầu tiên.
  • Viêm tuỷ thần kinh thị. Đây là bệnh lí tương tự đa xơ cứng. Tuy nhiên, sự phá huỷ thường tập trung ở thần kinh thị và tuỷ sống. Bệnh này ít khi phá huỷ các dây thần kinh ở não.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
  • Nhiễm trùng. Các bệnh lí nhiễm khuẩn như sốt mèo cào, giang mai,.. hoặc các bệnh lí nhiễm siêu vi như sởi, herpes,
  • Do thuốc. Một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét và một số loại kháng sinh.
  • Các nguyên nhân khác. Các bệnh lí như sarcoidosis (bệnh u hạt vòng) hoặc lupus có thể gây ra viêm thần kinh thị giác tái đi tái lại.
Mất thị giác là gì
Bệnh đa xơ cứng ảnh hưởng tới viêm thần kinh thị giác

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

  • Viêm thần kinh thị thường xuất hiện ở tuổi từ 20 đến 40
  • Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới
  • Những người mang các đột biến gen có thể dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường.

6. Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về diễn tiến bệnh, khám mắt để có cái nhìn sơ lược về bệnh. Các xét nghiệm cũng sẽ được thực hiện để xác nhận chẩn đoán và giúp đánh giá bệnh tốt hơn. Bao gồm những xét nghiệm sau:

  • Soi đáy mắt. kiểm tra các cấu trúc ở sau mắt, trong đó có dây thần kinh thị giác.
  • Thử phản xạ ánh sáng của đồng tử. Bác sĩ sẽ di chuyển một nguồn sáng trước mắt của bạn để kiểm tra phản xạ của đồng tử. Ở mắt bị bệnh, độ co nhỏ của đồng tử sẽ không được như ở mắt bình thường.
  • Một số xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm máu
    • Chụp cộng hưởng từ
Mất thị giác là gì
Soi đáy mắt xác định viêm thần kinh thị giác

7. Điều trị bệnh như thế nào?

Viêm thần kinh thị giác thường hồi phục tự nhiên. Trong một số trường hợp, thuốc kháng viêm (steroid) có thể được sử dụng để giảm viêm ở dây thần kinh thị giác.

Điều trị bằng thuốc kháng viêm thường được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc kháng viêm có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục thị lực. Tuy nhiên, thuốc kháng viêm không quyết định mức độ hồi phục thị lực. Điều này tuỳ thuộc vào mức độ viêm của dây thần kinh thị giác. Điều trị bằng thuốc kháng viêm có thể giảm nguy cơ mắc đa xơ cứng hoặc làm chậm tiến trình của bệnh.

Khi điều trị bằng thuốc kháng viêm thất bại và thị lực bị giảm kéo dài, điều trị thay thế huyết tương có thể giúp một số người hồi phục thị lực.

Viêm thần kinh thị giác là một bệnh thường gặp và có thể gây giảm thị lực lâu dài. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thị lực có thể hồi phục hoàn toàn. Đây còn là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đa xơ cứng. Bài viết trên cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm dây thần kinh. Qua đó bạn có thể tự phát hiện bệnh và đến khám bác sĩ sớm nhất có thể. Điều này có thể giúp phòng ngừa giảm thị lực vĩnh viễn, cũng như giúp phát hiện các bệnh lí nguy hiểm khác.

Bác sĩ : Sử Ngọc Kiều Chinh