Môi trường vĩ mô là gì cho ví dụ

Tuy không bị tác động thường xuyên như môi trường vi mô nhưng môi trường vĩ mô lại ảnh hưởng sâu sắc tới cách vận hành và hoạt động của doanh nghiệp. Các yếu tố trong môi trường vĩ mô mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội và thách thức. Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết về khái niệm môi trường vĩ mô và các câu hỏi liên quan nhé!

Môi trường vĩ mô (macro environment) là những yếu tố tác động bên ngoài có thể ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) đến các hoạt động của một tổ chức. Các tổ chức không thể hoàn toàn kiểm soát, quản trị và thay đổi được những yếu tố trong môi trường vĩ mô. Vậy nên, việc phân tích môi trường vĩ mô giúp hiểu rõ hơn về các tác động và thích nghi với những thay đổi nhằm đạt được mục đích kinh doanh của tổ chức.

Môi trường vĩ mô là gì cho ví dụ
Hình ảnh môi trường vĩ mô tác động khiến các doanh nghiệp phá sản (ảnh minh họa)

Ví dụ: Đại dịch COVID-19 xuất hiện vào năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp chịu tác động và ảnh hưởng bởi đại dịch này đã phải tuyên bố ngừng hoạt động, thẩm chí là phá sản. Tuy nhiên, một số tổ chức khác đã nắm lấy cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này (có thể kể đến như sản xuất khẩu trang, phát triển vaccone, bán thuốc điều trị, v.v…).

Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô

Môi trường vĩ mô bao gồm 6 yếu tố chính: nhân khẩu (dân số học), kinh tế, tự nhiên, công nghệ, chính trị và văn hóa.

  1. Nhân khẩu: Gồm các yếu tố liên quan đến con người như dân số, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ,… Môi trường nhân khẩu đóng vai trò trọng yếu trong môi trường vĩ mô bởi nhu cầu của con người chính là lý do để doanh nghiệp tồn tại. Việc phân tích nhu cầu của con người giúp cho các doanh nghiệp xác định được đối tượng khách hàng để từ đó giải quyết những vấn đề của họ, tạo ra lợi nhuận và tiếp tục phát triển.
  2. Kinh tế: Gồm các yếu tố liên quan đến thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm,… của con người. Các doanh nghiệp thường xuyên phải phân tích năng lực tài chính, xu hướng và hành vi tiêu dùng của con người để từ đó cung cấp sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, từng giá cả.
  3. Tự nhiên: Gồm các yếu tố khó có kiểm soát và lường trước như thời tiết, tài nguyên thiên nhiên (rừng, đất đai, khoáng sản,…), khí hậu,… ảnh hưởng chủ yếu đến nguồn lực đầu vào của doanh nghiệp. Các yếu tố tự nhiên thường được doanh nghiệp phân tích để đưa ra những biện pháp ứng phó thích hợp.
  4. Công nghệ: Gồm các yếu tố liên quan đến sự thay đổi và phát triển của công nghệ. Các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển dài lâu thì sẽ phải thường xuyên cập nhật về mặt công nghệ để thích nghi với sự thay đổi và cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành.
  5. Chính trị – pháp luật: Gồm các yếu tố liên quan đến pháp luật của quốc gia mà doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ. Việc tuân thủ những điều lệ vận hành doanh nghiệp giúp cho chính phủ hướng tới các mục đích chung như bảo vệ quyền lợi của con người hoặc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, v.v…
  6. Văn hóa – xã hội: Gồm các yếu tố định hình doanh nghiệp cần phải hướng tới cho các nhóm đối tượng cụ thể. Đó có thể là các chuẩn mực về giá trị, niềm tin, thái độ và nguyên tắc của con người.

Đặc điểm của môi trường vĩ mô

Môi trường vĩ mô có các đặc điểm chính như sau:

  • Các yếu tố bên ngoài thuộc môi trường vĩ mô thường có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ và bổ trợ cho nhau nhằm tác động đến các hoạt động của tổ chức – doanh nghiệp.
  • Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô như tự nhiên và công nghệ thường có xu hướng tác động gián tiếp đến hoạt động và kết quả kinh doanh của tổ chức.
  • Nhìn chung, các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có sức ảnh hưởng đến toàn bộ ngành và lĩnh vực khác nhau của mọi tổ chức. Đồng thời, hành vi tiêu dùng như chi tiêu hoặc đầu tư của doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
  • Môi trường vĩ mô là một tập hợp con các tác động bên ngoài của môi trường doanh nghiệp.

Vai trò của môi trường vĩ mô

Môi trường vĩ mô có vai trò to lớn đối với sự thành công của hoạt động kinh doanh. Cụ thể:

  • Môi trường vĩ mô trong doanh nghiệp: Ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất tới các doanh nghiệp cho nên từng chiến lược, kế hoạch và mục tiêu đều phải phân tích mọi khía cạnh do sự tác động của môi trường vĩ mô. Doanh nghiệp luôn phải thay đổi, đưa ra các quyết định dựa trên diễn biến của các yếu tố tác động trong môi trường vĩ mô, thúc đẩy cạnh tranh phát triển nhằm hướng tới một xã hội văn minh và hiện đại hơn.
  • Môi trường vĩ mô trong marketing: Là việc phân tích các tác động của môi trường vĩ mô nhằm đưa ra những chiến lược và giải pháp thay đổi sao cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu cao nhất. Môi trường marketing vĩ mô có thể kiểm soát phần nào các nhân tố ảnh hưởng, số khác không thể kiểm soát được đòi hỏi các doanh nghiệp phải chấp nhận hoặc thay đổi linh hoạt theo.

Môi trường vĩ mô và các yếu tố ảnh hưởng là những cơ hội và thức thách đối với doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, phân tích và lên kế hoạch để tích cực phát triển, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường vĩ mô.