Nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về tầm quan trọng của giấc ngủ và những hậu quả đến từ việc gián đoạn giấc ngủ. Vì vậy, trong phần này, chúng ta sẽ nói về một loại rối loạn giấc ngủ (sleep disorder) cụ thể - rối loạn mất ngủ (insomnia). Những người có rối loạn mất ngủ thường trằn trọc, ngủ không sâu giấc hoặc có chất lượng giấc ngủ kém ít nhất 3 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và các hoạt động thường ngày của họ [1].

Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 30% dân số thế giới có rối loạn mất ngủ. Trong số đó, phụ nữ, người lớn tuổi, và những người làm ca đêm có tỷ lệ có rối loạn mất ngủ cao hơn những nhóm khác [1,2]. Do tính chất kinh niên của rối loạn này, rất nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng cuộc sống của những người có rối loạn mất ngủ thường bị suy giảm [1]. Các báo cáo cho thấy mức độ đau đớn, cảm xúc và sức khỏe tinh thần của những người có rối loạn mất ngủ nặng đều chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với nhóm người được chẩn đoán trầm cảm hoặc bị suy tim sung huyết [3]. Khả năng hoạt động hằng ngày của những người có rối loạn này có khuynh hướng giảm nhiều đến mức họ có rủi ro gặp tai nạn cao gấp 2.5 tới 4.5 lần so với người bình thường [4]. Hơn nữa, những người có rối loạn mất ngủ thường có những bệnh đồng diễn (comorbidity) về dạ dày và thoái hóa thần kinh [5].

Lý do dẫn đến mất ngủ được cho là do người có rối loạn mất ngủ có phản ứng tăng nhạy cảm quá độ và cảnh giác hơn suốt cả ngày và sự tăng động này có thể được giải thích bởi cả hai mô hình sinh lý (physiological model) và mô hình nhận thức (cognitive model) [6]. Mô hình sinh lý cho rằng sự tăng động là do các yếu tố sinh lý hoặc sinh lý thần kinh [1]. Nghiên cứu về mô hình này cho thấy những người có rối loạn mất ngủ có nhịp tim khi ngủ và tỷ lệ trao đổi chất cao hơn so với người bình thường, cho thấy cơ thể họ luôn hoạt động quá mức, ngay cả khi cơ thể cần thư giãn [1,7]. Mô hình nhận thức cho rằng việc lo âu và suy ngẫm về những căng thẳng trong cuộc sống sẽ khiến chúng ta khó ngủ và khó ngủ lại khi tỉnh giấc [8]. Những đợt mất ngủ cấp tính này dần khiến chúng ta lo lắng về hậu quả của việc không ngủ đủ giấc, làm chúng ta càng căng thẳng hơn, dẫn tới mất ngủ [8]. Vì thế, người có rối loạn mất ngủ hay suy ngẫm (ruminate), thường có ý nghĩ xâm phạm (intrusive thoughts), có tâm trạng trầm cảm, lo âu, và có cơ chế đối phó (coping mechanism) kém[9]. Ngay cả khi người có rối loạn mất ngủ ngủ đủ số giờ được khuyến nghị, họ vẫn sẽ có cảm giác ngủ chưa đủ giấc [9].

Rối loạn mất ngủ và rối loạn trầm cảm

Với hơn 90% người có rối loạn trầm cảm (major depressive disorder) có rối loạn mất ngủ, đã có nhận định rằng rối loạn mất ngủ có mối liên kết chặt chẽ với trầm cảm [10]. Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ này phát sinh từ việc cả hai rối loạn đều liên quan đến các cơ chế sinh lý của giấc ngủ và điều chỉnh tâm trạng. Giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu, được cho là có tác dụng "chống căng thẳng". Đây có thể là lý do vì sao ở những người có rối loạn giấc ngủ nồng độ cortisol, nội tiết tố liên quan tới phản ứng căng thẳng, thường cao hơn người không có rối loạn mất ngủ [11,12]. Điều này cũng lý giải vì sao người có rối loạn mất ngủ không cảm thấy sảng khoái khi thức và cảm giác như mình ngủ như không ngủ [12]. Ngoài ra, rối loạn mất ngủ cũng được cho là có liên quan đến ý nghĩ về tự tử (ngay cả ở những người không có rối loạn tâm thần) và sự tái phát của trầm cảm [13,14]. Các nhà nghiên cứu đã thử điều trị rối loạn mất ngủ ở những người có rối loạn trầm cảm bằng liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive-behavioral therapy hay CBT) [15]. CBT giúp người có rối loạn hiểu cách suy nghĩ và hành vi hiện tại của họ, đồng thời dạy cho họ cách thay đổi nhận thức và hành vi không phù hợp. Kết quả cho thấy khi chất lượng giấc ngủ được cải thiện, triệu chứng trầm cảm và tỷ lệ tái phát giảm nhanh và đáng kể.[15,17] 

Rối loạn mất ngủ và rối loạn lo âu

Tương tự trầm cảm, rối loạn lo âu cũng có mối liên hệ khá chặt chẽ với rối loạn mất ngủ. Trong một nghiên cứu về những người có rối loạn mất ngủ ở Pháp, rối loạn lo âu là loại rối loạn đi kèm được báo cáo nhiều nhất [18]. Những người có các loại rối loạn lo âu khác như rối loạn hoảng sợ (panic disorder), rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder), ám ảnh sợ hãi chuyên biệt (specific phobia), ám ảnh sợ xã hội (social phobia hoặc social anxiety disorder), và ám ảnh sợ không gian rộng (agoraphobia) đều rất hay ngủ không đủ giấc, có chất lượng giấc ngủ không tốt, khó ngủ, gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày, và cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày [19,20]. Vì ⅔ số người có rối loạn sợ xã hội (hay ám ảnh sợ xã hội) có rối loạn mất ngủ đi kèm, rối loạn mất ngủ có thể được sử dụng để dự đoán mức độ nghiêm trọng của rối loạn lo âu xã hội [10,21]. Ngoài ra, rối loạn hoảng sợ về đêm (nocturnal panic) xảy ra thường xuyên ở người có rối loạn ngưng thở khi ngủ và có thể khiến bệnh nhân phát triển rối loạn hoảng sợ, dẫn tới mất ngủ [10,22].

Rối loạn mất ngủ và các rối loạn khác

Triệu ứng của rối loạn mất ngủ cũng được thấy ở các rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng chân không yên (restless leg syndrome), rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ (periodic limb movement disorders), rối loạn thở liên quan đến giấc ngủ (như ngáy, khó thở, ngưng thở khi ngủ), cũng như loạn thần (psychosis) và rối loạn lạm dụng chất kích thích (substance use disorder) [23,24]. 

Mất ngủ trầm trọng là một dấu hiệu và cũng là một yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới sự tái phát loạn thần nên điều trị rối loạn mất ngủ có thể giúp phòng ngừa và điều trị loại rối loạn tâm thần này [10,25]. Đối với những người có tâm thần phân liệt, các vấn đề về giấc ngủ có ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức bình thường và rối loạn nhịp sinh học [26,27].

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ có rối loạn mất ngủ cao gấp ba lần ở những người có rối loạn lạm dụng chất kích thích [28]. Điều này là do các chất kích thích có thể tác động lên các thụ thể và hệ thống dẫn truyền thần kinh có liên quan đến giấc ngủ [10]. Ngoài ra, vì nhiều người hay uống rượu để dễ ngủ hơn, những người có rối loạn mất ngủ có nguy cơ hình thành các vấn đề liên quan đến rượu cao gấp đôi so với những người không bị mất ngủ [10]. Tuy nhiên, khi cai rượu, họ có thể bị mất ngủ nhiều tuần đến nhiều tháng sau đó, và rồi mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến tái phát rối loạn lạm dụng chất gây nghiện [10].

Kết

Rối loạn mất ngủ có liên hệ chặt chẽ với các rối loạn tâm thần khác và, theo ước tính, khoảng 40% người có rối loạn mất ngủ còn đối diện với một rối loạn tâm thần khác song song đó [1]. Ngoài ra, rối loạn mất ngủ còn được cho là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với sự hình thành của các rối loạn tâm thần [1]. Trong khoảng 56% trường hợp có rối loạn khí sắc (mood disorder), các triệu chứng mất ngủ thường xuất hiện trước khi các triệu chứng của rối loạn khí sắc tái xuất hiện [30]. Nhưng ngược lại, ở những người mất ngủ kinh niên có rối loạn lo âu, triệu chứng của rối loạn lo âu đa số thường xuất hiện trước triệu chứng của rối loạn mất ngủ [29]. Vì thế, chúng ta vẫn chưa biết chắc liệu mất hay thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới rối loạn tâm thần, hay ngược lại, hay hai hội chứng này tác động lẫn nhau. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về mối liên kết giữa các rối loạn tâm thần và các rối loạn liên quan đến giấc ngủ.

Biên tập: Thuy-Anh Nguyen | Minh họa: Uyen Truong

Tham khảo
[1] Roth T. Insomnia: definition, prevalence, etiology, and consequences. J Clin Sleep Med. 2007 Aug 15;3(5 Suppl):S7-10.  

[2] Ancoli-Israel S, Roth T. Characteristics of insomnia in the United States: results of the 1991 National Sleep Foundation Survey. I. Sleep. 1999 May 1;22 Suppl 2:S347-53. 

[3] Katz DA, McHorney CA. The relationship between insomnia and health-related quality of life in patients with chronic illness. J Fam Pract. 2002 Mar;51(3):229-35. 

[4] Balter MB, Uhlenhuth EH. New epidemiologic findings about insomnia and its treatment. J Clin Psychiatry. 1992 Dec;53 Suppl:34-9; discussion 40-2.

[5] Katz DA, McHorney CA. Clinical correlates of insomnia in patients with chronic illness. Arch Intern Med. 1998 May 25;158(10):1099-107. doi: 10.1001/archinte.158.10.1099. 

[6] Bonnet MH, Arand DL. 24-Hour metabolic rate in insomniacs and matched normal sleepers. Sleep. 1995 Sep;18(7):581-8. doi: 10.1093/sleep/18.7.581. 

[7] Bonnet MH, Arand DL. Heart rate variability in insomniacs and matched normal sleepers. Psychosom Med. 1998 Sep-Oct;60(5):610-5. doi: 10.1097/00006842-199809000-00017.

[8] Harvey AG. A cognitive model of insomnia. Behav Res Ther. 2002 Aug;40(8):869-93. doi: 10.1016/s0005-7967(01)00061-4.

[9] Fernandez-Mendoza J, Calhoun SL, Bixler EO, Karataraki M, Liao D, Vela-Bueno A, Jose Ramos-Platon M, Sauder KA, Basta M, Vgontzas AN. Sleep misperception and chronic insomnia in the general population: role of objective sleep duration and psychological profiles. Psychosom Med. 2011 Jan;73(1):88-97. doi: 10.1097/PSY.0b013e3181fe365a. 

[10] Khurshid KA. Comorbid Insomnia and Psychiatric Disorders: An Update. Innov Clin Neurosci. 2018 Apr 1;15(3-4):28-32. 

[11] Johns MW, Gay TJ, Masterton JP, Bruce DW. Relationship between sleep habits, adrenocortical activity and personality. Psychosom Med. 1971 Nov-Dec;33(6):499-508. doi: 10.1097/00006842-197111000-00003. 

[12] Fernandez-Mendoza J, Vgontzas AN. Insomnia and its impact on physical and mental health. Curr Psychiatry Rep. 2013 Dec;15(12):418. doi: 10.1007/s11920-013-0418-8. PMID: 24189774; PMCID: PMC3972485.

[13] Manber R, Edinger JD, Gress JL, San Pedro-Salcedo MG, Kuo TF, Kalista T. Cognitive behavioral therapy for insomnia enhances depression outcome in patients with comorbid major depressive disorder and insomnia. Sleep. 2008 Apr;31(4):489-95. doi: 10.1093/sleep/31.4.489. 

[14] Franzen PL, Buysse DJ. Sleep disturbances and depression: risk relationships for subsequent depression and therapeutic implications. Dialogues Clin Neurosci. 2008;10(4):473-81. doi: 10.31887/DCNS.2008.10.4/plfranzen.

[15] Chouinard S, Poulin J, Stip E, Godbout R. Sleep in untreated patients with schizophrenia: a meta-analysis. Schizophr Bull. 2004;30(4):957-67. doi: 10.1093/oxfordjournals.schbul.a007145. 

[16] Fenn, K, Byrne M. The Key Principles of Cognitive Behavioural Therapy. InnovAiT. 2013 Sep;6(9): 579–85.

[17] Perlis ML, Giles DE, Buysse DJ, Tu X, Kupfer DJ. Self-reported sleep disturbance as a prodromal symptom in recurrent depression. J Affect Disord. 1997 Feb;42(2-3):209-12. doi: 10.1016/s0165-0327(96)01411-5.

[18] Ohayon MM. Prevalence of DSM-IV diagnostic criteria of insomnia: distinguishing insomnia related to mental disorders from sleep disorders. J Psychiatr Res. 1997 May-Jun;31(3):333-46. doi: 10.1016/s0022-3956(97)00002-2. 

[19] Ramsawh HJ, Stein MB, Belik SL, Jacobi F, Sareen J. Relationship of anxiety disorders, sleep quality, and functional impairment in a community sample. J Psychiatr Res. 2009 Jul;43(10):926-33. doi: 10.1016/j.jpsychires.2009.01.009.

[20] Potvin O, Lorrain D, Belleville G, Grenier S, Préville M. Subjective sleep characteristics associated with anxiety and depression in older adults: a population-based study. Int J Geriatr Psychiatry. 2014 Dec;29(12):1262-70. doi: 10.1002/gps.4106. 

[21] Kushnir J, Marom S, Mazar M, Sadeh A, Hermesh H. The link between social anxiety disorder, treatment outcome, and sleep difficulties among patients receiving cognitive behavioral group therapy. Sleep Med. 2014 May;15(5):515-21. doi: 10.1016/j.sleep.2014.01.012.

[22] Su VY, Chen YT, Lin WC, Wu LA, Chang SC, Perng DW, Su WJ, Chen YM, Chen TJ, Lee YC, Chou KT. Sleep Apnea and Risk of Panic Disorder. Ann Fam Med. 2015 Jul-Aug;13(4):325-30. doi: 10.1370/afm.1815.

[23] Phillips B, Hening W, Britz P, Mannino D. Prevalence and correlates of restless legs syndrome: results from the 2005 National Sleep Foundation Poll. Chest. 2006 Jan;129(1):76-80. doi: 10.1378/chest.129.1.76.

[24] Ancoli-Israel S. The impact and prevalence of chronic insomnia and other sleep disturbances associated with chronic illness. Am J Manag Care. 2006 May;12(8 Suppl):S221-9.

[25] Keshavan MS, Diwadkar VA, Montrose DM, Stanley JA, Pettegrew JW. Premorbid characterization in schizophrenia: the Pittsburgh High Risk Study. World Psychiatry. 2004 Oct;3(3):163-8. 

[26] Holbert RC, Khurshid KA, Averbuch R, Khawaja IS. Sleep and schizophrenia. Psychiatric Annals. 2016;46(3):192–196.

[27] Karatsoreos IN. Links between Circadian Rhythms and Psychiatric Disease. Front Behav Neurosci. 2014 May 6;8:162. doi: 10.3389/fnbeh.2014.00162. 

[28] Mahfoud Y, Talih F, Streem D, Budur K. Sleep disorders in substance abusers: how common are they? Psychiatry (Edgmont). 2009 Sep;6(9):38-42. 

[29] Ohayon MM, Roth T. Place of chronic insomnia in the course of depressive and anxiety disorders. J Psychiatr Res. 2003 Jan-Feb;37(1):9-15. doi: 10.1016/s0022-3956(02)00052-3.