Người sở hữu tư liệu sản xuất là gì

TS. HỒ TẤN PHONG

Nhiều năm ở nước ta đã quan niệm sở hữu là mục đích, cho rằng có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất XHCN để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu. Nhưng thực tiễn  vội vàng mở rộng phạm vi quốc hữu hóa, nôn nóng thực hiện hợp tác hóa – đồng nhất với tập thể hóa và nhiều sai lầm khác trong quản lý, phân phối…đã đưa tới một chế độ công hữu cùng làm chủ mà thực tế nhiều nơi, nhiều lúc là vô chủ. Rất nhiều ý kiến phê phán sở hữu toàn dân trước đây là hư ảo.

Sở hữu và vị trí của vấn đề này

Sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người về việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội. Điều này có nghĩa là khi nói về sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải, mà hết sức quan trọng là nói về quan hệ giữa người với người diễn ra sự chiếm hữu đó.

Người ta phân biệt hai loại sở hữu: loại sở hữu mang tính dân sự (sở hữu nhà ở, sở hữu đồ dùng cá nhân) và sở hữu tư liệu sản xuất.

Quan hệ sở hữu mà Marx đề cập, với tư cách là nội dung cơ bản mang tính quyết định trong 3 nội dung của quan hệ sản xuất, chính là nói loại sở hữu về tư liệu sản xuất. Tuyên ngôn Đảng cộng sản nói người vô sản không có sở hữu là nói về sở hữu tư liệu sản xuất.

Cuộc cách mạng mà Marx và Enghels thực hiện trong triết học và kinh tế chính trị liên quan đến việc nghiên cứu sở hữu trong mối quan hệ chặt chẽ với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất cũng như kiến trúc thượng tầng xã hội.

Bởi ở châu Âu, vào đầu thế kỷ XIX, những nhà kinh tế học cổ điển dường như không bàn đến vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất. Quyền sở hữu được cho là quyền tự nhiên. Ngay cả trong bản tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân sau Cách mạng tư sản Pháp 1789 cũng viết: “Sở hữu là quyền không thể xâm phạm và thiêng liêng của con người”. Con người sinh ra là đã có quyền sở hữu.

Nhà kinh tế học trường phái “tiểu tư sản” Proudhon là người đầu tiên đã phê phán gay gắt quan hệ sở hữu tư bản. Trong tác phẩm “Sở hữu là gì?” xuất bản năm 1840, tác phẩm làm ông nổi tiếng trên thế giới, ông đã phân tích sở hữu trên 2 mặt: mặt tích cực của sở hữu (tức là tư hữu) đảm bảo cho con người không bị lệ thuộc, được độc lập, tự do và mặt tiêu cực là sở hữu phá hoại sự bình đẳng. Ông  gọi quyền tư hữu là “quyền ăn cướp”. Do có chế độ tư hữu mà một số người không làm gì lại công khai chiếm đoạt kết quả lao động của người khác. Từ đó Proudhon chủ trương xóa bỏ  chế độ tư hữu – sở hữu tư bản – mà giữ lại tài sản cá nhân (tức sở hữu nhỏ của người tiểu sản xuất).

Marx và Enghels đã đánh giá rất cao sự phê phán của Proudhon về quan niệm coi sở hữu tư bản như quyền tự nhiên. Nhưng khi đề xuất chủ trương xóa bỏ sở hữu tư sản, bảo vệ tư hữu nhỏ thì tư tưởng Proudhon biểu hiện rõ rệt tính chất tiểu tư bản, 100% tiểu tư sản, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm nhuần tư tưởng tiểu tư sản.

Lần đầu tiên quan niệm của Marx về sở hữu tư liệu sản xuất quyết định bởi tính chất, trình độ phát triển lực lượng sản xuất được trình bày trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” (1846): Sở hữu tư nhân là một trong phương thức quan hệ cần thiết ở một giai đoạn phát triển nào đó của lực lượng sản xuất, khi lực lượng sản xuất phát triển đến một trình độ cao hơn thì quan hệ sở hữu sẽ thay đổi. Nhưng Marx cũng chỉ ra rằng tuy quan hệ sản xuất chịu sự quyết định trực tiếp của lực lượng sản xuất, nhưng với tư cách là thành tố quan trọng nhất, quyết định bản chất quan hệ sản xuất, quyết định bản chất chế độ kinh tế, quan hệ sở hữu là tiêu chí để phân biệt các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau.

Như vậy quan hệ sở hữu trong xã hội như thế nào thì kết cấu giai cấp, bản chất chính trị của xã hội sẽ như vậy. Sở hữu là một vấn đề kinh tế chính trị, phải có quan điểm chính trị khi bàn về vấn đề sở hữu chứ không chỉ thuần túy kinh tế khi xem xét vấn đề này.

Bàn đến vấn đề sở hữu là bàn đến vấn đề cốt lõi của một chế độ kinh tế – xã hội.

Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô, Đông Âu có quan hệ đến việc xác lập và thực hiện quan hệ sở hữu. Trung  Quốc sau bao năm cải cách lại phải quay về cuộc đại luận chiến “học Xã”, “học Tư”. Những thất bại trong xây dựng kinh tế ở nước ta trong những năm trước cũng liên quan đến sai lầm khi giải quyết vấn đề sở hữu. Sở hữu là vấn đề của mọi vấn đề.

Sở hữu là mục đích hay phương tiện?

Nhận thức vấn đề này chi phối đến việc giải quyết quan hệ sở hữu.

Nhiều năm ở nước ta đã quan niệm sở hữu là mục đích, cho rằng có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất XHCN để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu. Nhưng thực tiễn  vội vàng mở rộng phạm vi quốc hữu hóa, nôn nóng thực hiện hợp tác hóa – đồng nhất với tập thể hóa và nhiều sai lầm khác trong quản lý, phân phối…đã đưa tới một chế độ công hữu cùng làm chủ mà thực tế nhiều nơi, nhiều lúc là vô chủ. Rất nhiều ý kiến phê phán sở hữu toàn dân trước đây là hư ảo.

Muốn xóa bỏ tận cùng những bất bình đẳng giữa người thì phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Marx, Enghels đã từng phê phán những nhà kinh tế chính trị tiểu tư sản khi họ đề nghị xóa bỏ những mặt trái, tiêu cực của sở hữu tư bản nhưng vẫn giữ lại  nội dung tư hữu của nó. Như vậy xác lập chế độ công hữu để làm thay đổi mục đích của nền sản xuất xã hội, thay đổi kết cấu giai cấp, thay đổi bản chất chế độ chính trị xã hội. Sở hữu là mục đích. Tuy nhiên, sẽ là không biện chứng trong quan niệm sở hữu là mục đích khi nóng vội xác lập công hữu bất chấp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Mặt khác, cũng sẽ là sai lầm khi coi sở hữu chỉ là phương tiện để phát triển sản xuất. Vì phương tiện có thể dùng, có thể không dùng; có thể xác lập chế độ công hữu hoặc không xác lập chế độ đó. Nói phát triển sản xuất một cách chung chung mà không gắn sự phát triển đó với mục đích gì thì đó là sai lầm có tính nguyên tắc, là quên đi điều Lênin căn dặn: Chính trị bao giờ cũng giữ vai trò ưu tiên so với kinh tế. Phải có quan điểm chính trị khi giải quyết những vấn đề kinh tế.

Tôi cho rằng xác lập chế độ công hữu là mục đích cuối cùng của công cuộc phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong quá trình phát triển ấy, thích ứng với các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao của lực lượng sản xuất thì xác lập chế độ công hữu vừa thúc đẩy sản xuất, chúng ta sẽ không bị chệch hướng.

Sở hữu pháp lý và sở hữu kinh tế

Xác lập quyền sở hữu về mặt pháp lý và thực hiện sở hữu về kinh tế là hai vấn đề khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Sở hữu pháp lý là điều kiện, là tiền đề cho sở hữu kinh tế. Nhưng chỉ dừng lại ở xác lập quyền sở hữu thôi thì chưa đủ. Mục đích cơ bản, cuối cùng khi giải quyết vấn đề sở hữu là thực hiện quyền về mặt kinh tế, nghĩa là sở hữu đó mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu. Quan hệ lợi ích là biểu hiện cô đọng, tập trung của quan hệ sở hữu. Ví như xác lập sở hữu toàn dân về đất đai thì nhân dân có quyền, có lợi gì về đất đai?

Thực hiện quyền sở hữu về mặt kinh tế quan hệ đến 2 loại vấn đề: thứ nhất là các hình thức, cơ chế thực hiện sở hữu, và thứ hai là sự phân cấp trong quan hệ sở hữu.

Thực tiễn kinh tế nước ta đã qua cho thấy nếu chỉ xác lập sở hữu pháp lý mà không có những hình thức và cơ chế phù hợp để thực hiện sở hữu đó về mặt kinh tế thì quan hệ sở hữu sẽ bị méo mó, biến dạng. Sở hữu toàn dân mà nhân dân không cảm nhận được gì từ đó là công hữu lại biến thành tư hữu, thành của riêng. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng là một hình thức xã hội hóa để giải quyết mâu thuẫn nói trên. Tìm ra những hình thức và cơ chế thực hiện sở hữu khó khăn hơn nhiều so với việc xác lập quyền sở hữu. Cần phải hướng trọng tâm nghiên cứu về những vấn đề này, làm cơ sở cho những chính sách, chủ trương giải quyết vấn đề sở hữu.

Về sự phân cấp trong quan hệ sở hữu quan hệ đến vấn đề “tổ hợp các quyền” gọi là quyền sở hữu. Tổ hợp ấy gồm các quyền: quyền sử dụng; quyền hưởng thụ: quyền chuyển nhượng (cho thuê, bán), quyền thế chấp; quyền mở mang thu hẹp hay thay đổi vật sở hữu từ bản chất, chức năng, cơ cấu tổ chức đến mục đích của vật sở hữu ấy; quyền hiến tặng, quyền phá huỷ hoặc thủ tiêu vật sở hữu nếu không vi phạm pháp luật. Từ đó xuất hiện khái niệm đồng sở hữu. Như trong doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước cùng giám đốc doanh nghiệp hoặc hội đồng quản trị và công nhân là đồng sở hữu.

Tôi cho rằng khái niệm đồng sở hữu chỉ phù hợp ở những phạm vi, thời gian nhất định. Người nắm quyền sở hữu có quyền nắm tất cả các quyền còn lại, hoặc phân cho những đối tượng những quyền khác nhau. Những đối tượng nắm một hay một số quyền trong thời hạn nào đó được tham dự vào quyền sở hữu, có lợi ích từ đó. Vì vậy họ trở thành đồng sở hữu chỉ ở phạm vi, mức độ và thời gian nào đó thôi.

Vì vậy sự phân cấp trong quan hệ sở hữu để có thể thực hiện có hiệu quả hơn sở hữu đó về mặt kinh tế cũng là đòi hỏi của cuộc sống.

Quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta

Nước ta phát triển theo định hướng XHCN. Định hướng đó đòi hỏi làm rõ CNXH cần quan hệ sở hữu gì?

Có người cho rằng trong các tác phẩm về “Hệ tư tưởng Đức”, “Tư bản”, Marx nói về sự xóa bỏ sở hữu TBCN và sự xác lập sở hữu cá nhân của người lao động không chỉ là sở hữu tư liệu cá nhân mà cả sở hữu tư liệu sản xuất. Tác giả viện dẫn câu Marx viết trong “Hệ tư tưởng Đức”: “Ở tất cả những sự chiếm lĩnh trước đây, một khối lượng lớn cá nhân con người bị phụ thuộc vào một công cụ sản xuất thôi. Còn trong sự chiếm lĩnh của người vô sản, của giai cấp công nhân sau này thì một khối lượng lớn công cụ sản xuất tất yếu phụ thuộc vào từng cá nhân và toàn bộ sở hữu thuộc về mọi người”.

Một số tác giả lại cho rằng phát triển quan hệ sở hữu dưới CNXH không phải là công hữu hóa mà là hữu sản hóa người lao động, là tư hữu. Họ cho rằng trong thời đại của cách mạng khoa học – công nghệ, kỹ thuật và công nghệ hiện đại cho phép người lao động có thể ở nhà để hoạt động sản xuất với máy tính, máy fax và những công cụ cá nhân hiện đại khác. Quá trình sản xuất sẽ chia nhỏ ra, tách ra thành những đơn vị sản xuất gia đình. Do đó để phù hợp với tính chất, trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất sở hữu cá nhân sẽ mở rộng. Từ cách nhìn nhận quá trình phát triển kinh tế như vậy mà các tác giả đặt ra vấn đề: Phải chăng sở hữu mà CNXH cần không phải là công hữu mà là tư  hữu?.

Trả lời vấn đề này trước hết cần trở lại với kinh điển, với câu  hỏi đã nêu ra có phải ý Marx muốn nói là sau khi xóa bỏ sở hữu TBCN sẽ xuất hiện sở hữu cá nhân người lao động về tư liệu sản xuất?

Không phải như vậy. Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Enghels đã phê phán Đuyrinh đã hiểu sai tư tưởng của Marx về sở hữu trong CNXH và khẳng định tư tưởng đúng đắn của Người là: “Sở hữu xã hội bao gồm ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, còn sở hữu cá nhân bao gồm các sản phẩm còn lại, tức là những vật liệu tiêu dùng…” (M.E. toàn tập. Tập 20 tr.186 – 187).

Trong câu nói của các nhà kinh điển như đã thành khẩu hiệu chiến đấu “xóa bỏ chế độ tư hữu” cũng đã nói rõ tư tưởng của Marx về vấn đề sở hữu trong xã hội tương lai. Tôi cho rằng trong những điều mà Marx và Enghels nói về sở hữu không có tư tưởng về sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất dưới CNXH.

Có thể trong bối cảnh thời đại lúc bấy giờ Marx, Enghels chưa dự đoán hết những điểm mới trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhân loại ví như cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ sở hữu, đã nói ở trên.

Đúng là có sự chia nhỏ, tách ra của quá trình sản xuất làm xuất hiện sở hữu cá nhân. Phải chăng đây là điểm mới? Nhưng trong nền kinh tế nhiều tầng các xí nghiệp mini, sản xuất kiểu gia đình chỉ có thể hoạt động được nếu chúng gắn với hoạt động của hệ thống tổ chức kinh tế xã hội.

Trong nền kinh tế tư bản hiện đại, hệ thống đó gồm những tập đoàn kinh tế, những công ty độc quyền đa quốc gia, xuyên quốc gia…nắm giữ những lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, chi phối hoạt động của cả nền kinh tế.

Thực tiễn kinh tế đó cũng đang và sẽ xuất hiện hôm nay và tương lai ở nước ta, điều này càng làm rõ thêm và khẳng định sự đúng đắn đặc trưng thứ 2 về CNXH ở VN, được đưa ra trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Nghĩa là tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về công hữu, còn không chủ yếu có thể thuộc những hình thức sở hữu khác, kể cả sở hữu cá nhân ª

Tài liêụ tham khảo

1. Marx, Enghels toàn tập, tập 20.

2. Văn kiện  Đại hội ĐCSVN lần thứ VIII.

3. Kinh tế Trung Quốc, đại luận chiến, tập 1,2, NXB Quản lý kinh tế, 1996.

4. Vấn đề sở hữu và các TPKT (Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hội đồng lý luận TƯ, tháng 6.1999)

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 146 THÁNG 12/2002

Filed under: Quyền sở hữu |