Nguyên nhân và kết quả là gì

III. NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ

Mục lục

  • 1 1. Khái niệm nguyên nhân và kết quả
  • 2 2. Tính chất của mối liên hệ nhân quả
  • 3 3. Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả
    • 3.1 a. Nguyên nhân sinh ra kết quả
    • 3.2 b. Tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân
  • 4 4. Ý nghĩa phương pháp luận
  • 5 Tác phẩm, tác giả, nguồn

1. Khái niệm nguyên nhân và kết quả

  • Nguyên nhân là sự tương tác giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra những biến đổi nhất định
  • Kết quả là những biến đổi xuất hiện do sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra.
  • Phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ, trong đó nguyên cớ là hiện tượng không gây ra kết quả nhưng xúc tiến việc xuất hiện kết quả ấy.
  • Phân biệt nguyên nhân với điều kiện. Điều kiện không sinh ra kết quả nhưng là cái đảm bảo cho kết quả được sinh ra. (ví dụ: điều kiện vật chất là điều kiện để sinh viên học tốt. Nguyên nhân học tốt là tổng hợp các phương pháp khoa học phù hợp với bộ môn).

2. Tính chất của mối liên hệ nhân quả

  • Tính khách quan: mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ vốn có và tồn tại trong bản thân của các sự vật. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không. Đối lập với chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm cho rằng nguyên nhân của mọi sự vật, hiện tượng là một thực thể tồn tại bên ngoài sự vật, hiện tượng.
  • Tính phổ biến: Mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân. Quan điểm này cũng đồng thời là nội dung cơ bản của nguyên tắc quyết định luận. Ngược lại với nó, vô định luận cho rằng có những hiện tượng không có nguyên nhân.
  • Tính tất yếu: nghĩa là một nguyên nhân nhất định trong những điều kiện nhất định bao giờ cũng gây ra một kết quả nhất định. “nhân nào, quả đó”. Song vì trong thiên nhiên không bao giờ có những sự vật tuyệt đối giống nhau nên nói một cách chính xác hơn, tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả có thể hiểu như sau: nếu các nguyên nhân và điều kiện càng ít khác nhau bao nhiêu thì các kết quả do chúng gây nên cũng càng ít khác nhau bấy nhiêu.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

a. Nguyên nhân sinh ra kết quả

  • Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả. Vì vậy, nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả. Liên hệ nhân quả là liên hệ nối tiếp nhau về mặt thời gian của các hiện tượng.

Chú ý: không phải sự nối tiếp nào trong thời gian của các hiện tượng cũng đều biểu hiện mối liên hệ nhân quả. Cái phân biệt mối liên hệ nhân quả với mối liên hệ nối tiếp nhau về mặt thời gian chính là ở chổ ngoài sự nối tiếp nhau về mặt thời gian, giữa nguyên nhân và kết quả còn có mối quan hệ sản sinh, quan hệ trong đó nguyên nhân sinh ra kết quả.

  • Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp:
    • Cùng một nguyên nhân có thể gây nên những kết quả khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
    • Cùng một kết quả có thể được gây nên bởi những nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hay tác động cùng một lúc.
    • Khi các nguyên nhân tác động cùng một lúc lên sự vật thì hiệu quả tác động của từng nguyên nhân với sự hình thành kết quả sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào hướng tác động của nó: Nếu các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo cùng một hướng thì chúng sẽ gây nên ảnh hưởng cùng chiều với sự hình thành kết quả. Nếu các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo các hướng khác nhau thì chúng sẽ làm suy yếu, thậm chí hoàn toàn triệt tiêu tác dụng của nhau.
    • Phân loại nguyên nhân: Căn cứ vào tính chất, vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân loại các nguyên nhân: nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu; nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài; nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ.

b. Tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân

  • Nguyên nhân sinh ra kết quả. Nhưng sau khi xuất hiện, kết quả không giữ vai trò thụ động đối với nguyên nhân, trái lại, nó ảnh hưởng tích cực ngược trở lại đối với nguyên nhân nếu nguyên nhân đó chưa mất đi. Chẳng hạn như một người luôn có ý thức và làm tròn nghĩa vụ đạo đức của mình đối với xã hội thì người đó tìm thấy hạnh phúc và được xã hội đồng tình ủng hộ. Sự đồng tình ủng hộ đó tác động trở lại đối với chính người ấy, tiếp tục thúc đẩy,động viên làm cho người đó càng thêm tin tưởng vào những chuẩn mực đạo đức của xã hội và nỗ lực hơn nữa để làm tròn nghĩa vụ.
  • Nguyên nhân và kết qủa có thể chuyển hóa cho nhau tùy ở mối quan hệ cụ thể khi xem xét.

4. Ý nghĩa phương pháp luận

  • Thứ nhất, để hiểu biết một hiện tượng cần tìm nguyên nhân của nó.
    • Cần tìm nguyên nhân của hiện tượng trong những mặt, những sự kiện, những mối liên hệ đã xảy ra trước khi hiện tượng xuất hiện.
    • Trong quá trình đi tìm nguyên nhân của hiện tượng phải chú ý đến quan hệ sản sinh của nguyên nhân đối với kết quả, trong đó cần hết sức tỉ mỉ, thận trọng, vạch ra cho được kết quả tác động của từng mối liên hệ trong việc làm nảy sinh hiện tượng.
  • Thứ hai, để loại bỏ một hiện tượng nào đó cần loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh ra nó và ngược lại.
  • Thứ ba, vì một hiện tượng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trong hoạt động thực tiễn cần tuỳ hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp hành động thích hợp:
    • Các nguyên nhân khác nhau có tác dụng khác nhau, nên trong hoạt động thực tiễn cần dựa trước hết vào các nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong.
    • Các nguyên nhân có thể tác động cùng chiều hoặc ngược chiều nhau cho nên muốn đẩy nhanh sự phát triển của một hiện tượng nào đó chúng ta phải làm cho các nguyên nhân tác động cùng chiều với chiều vận động của mối liên hệ nhân quả
  • Thứ tư: Phải tính đến tác động ngược trở lại của kết quả đối nguyên nhân để dự kiến các phương án hành động mới

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Giáo trình Triết học Mác Lênin
  • Đại học An Giang

Có thể bạn muốn xem