Noông sản là gì

Nông sản là một trong những hàng hóa thiết yếu, không thể thiếu đối với sản xuất và tiêu dùng của người dân của mỗi quốc gia, có nhiều quan điểm khác nhau về nông sản, cụ thể như sau:

Theo quan điểm của liên minh Châu Âu: Mặc dù không đề cập đến một định nghĩa cụ thể nào về nông sản, nhưng đã đưa ra một danh sách các mặt hàng được coi là nông sản bao gồm: Động vật sống, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau khi giết mổ, sản phẩm từ sữa, các sản phẩm có nguồn gốc động vật, cây sống và các loại cây trồng khác, rau, thâm, củ và quả có thể ăn được; cà phê, chè, phụ gia và các loại gia vị; ngũ cốc; các sản phẩm xay xát, hạt và quả có dầu; nhựa cánh kiến đỏ, gôm, nhựa cây và các chất nhựa; các loại rau khác; mỡ, dầu động vật hoặc thực vật; các chế phẩm từ thịt; đường và các loại kẹo đường; ca cao và các chế phẩm từ ca cao; các chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột, bột; các chế phẩm từ rau, hoa quả và thực vật; các phụ gia có thể ăn được hỗn tạp; đồ uống, rượu mạnh và giấm; thuốc lá và các sản phẩm tương tự. Từ danh mục các mặt hàng trên cho thấy, quan điểm của EU về cơ bản có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của WTO, tuy nhiên, nếu so sánh với quan điểm nông sản của FAO thì quan điểm về nông sản theo WTO có điểm khác biệt là có tính cho một số mặt hàng chế biến.

Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, thì nông sản bao gồm các sản phẩm từ hàng hóa chưa chế biến như đỗ tương, ngũ cốc, lúa mỳ, gạo và bông thô đến các thực phẩm và đồ uống đã được chế biến có giá trị cao như xúc xích, bánh, bia rượu, các đồ gia vị được bán lẻ trong các cửa hàng, tiệm ăn.

Theo Tổ chức nông lương thế giới, nông sản phẩm/sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp là bất kỳ sản phẩm hay hàng hóa nào, dù là thô hay đã chế biến, được trao đổi trên thị trường cho mục đích tiêu dùng của con người (không kể nước, muối và các chất phụ gia) hay thức ăn cho động vật.

Theo định nghĩa của Hiệp định về chương trình thuế quan ưu đãi cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) thì sản phẩm nông nghiệp có nghĩa là: Nguyên liệu nông nghiệp thô/các sản phẩm chưa chế biến được liệt kê trong các Chương 1 đến 24 của Hệ thống cân đối (HS) và các nguyên liệu nông nghiệp thô/các sản phẩm chưa chế biến tương tự được nêu trong các đề mục của Hệ thống cân đối; và các sản phẩm đã qua sơ chế nhưng hình thức không thay đổi nhiều so với sản phẩm gốc. Có thể hiểu khái niệm nông sản một cách khái quát như sau: nông sản hay nông phẩm là sản phẩm do ngành sản xuất nông nghiệp tạo ra. Còn nông sản phẩm hàng hóa là nông sản được sản xuất ra từ nông nghiệp và được đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Theo hiệp định nông nghiệp, các hiệp định và nguyên tắc WTO, nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như:

+) Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như: lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi…

+) Các sản phẩm phái sinh: như bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt…

+) Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như: bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bong xơ, da động vật thô…

Tất cả các sản phẩm còn lại trong hệ thống thuế mã HS được xem là sản phẩm phi nông nghiệp (còn được gọi là sản phẩm công nghiệp)

Theo Quan điểm của Việt Nam: Với cách hiểu đơn giản, nông sản là sản phẩm của ngành nông nghiệp trong đó ngành nông nghiệp sẽ bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng nông nghiệp sẽ còn cả lâm nghiệp và thủy sản, theo quan điểm mới, trong kết quả ngành nông nghiệp không tính giá trị hoạt động lâm nghiệp và thủy sản. Hiện nay, cách hiểu về nông sản có phần thu hẹp hơn, tập trung chủ yếu vào sản phẩm thu được từ đất, khi đó,nông sản được hiểu là  sản phẩm hàng hóa được làm ra từ tư liệu sản xuất đất đai.

Tổng hợp từ các quan điểm trên cho thấy: “Nông sản là sản phẩm của hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm thành phẩm hoặc bán thành phẩm thu được từ cây trồng, vật nuôi hoặc sự phát triển của cây trồng, vật nuôi (không bao gồm sản phẩm của ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp)”. Đây là khái niệm rộng và tương đối phức tạp, vì thế để phù hợp với nội dung nghiên cứu, luận án sẽ đi sâu nghiên cứu với một số mặt hàng nông sản cụ thể thuộc nhóm cây trồng (sản phẩm làm ra từ tư liệu sản xuất đất đai). Đối với những nội dung cần khái quát chung về nông sản sẽ sử dụng  theo khái niệm nông sản (đã trình bày ở trên) kết hợp với cách phân loại hàng hóa của SITC2 phiên bản 3 (World Bank, 2016), theo cách phân loại này, nông sản sẽ bao

gồm các nhóm hàng hóa là SITC0, SITC1, SITC2 và SITC4. Tuy nhiên, trong nhóm SITC2 không tính đến SITC27 (phân bón thô/khoáng sản) và SITC28 (quặng kim loại/kim loại phế liệu) – bởi hai nhóm hàng hóa này không phù hợp với quan điểm về nông sản của WTO.

  • Đặc điểm của nông sản

Nông sản bao gồm những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân ở mỗi quốc gia, đây là sản phẩm của ngành nông nghiệp mà bản chất là kết quả của quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Do vậy, nông sản mang một số đặc điểm của hoạt động sản xuất nông nghiệp:

+) Tính thời vụ:

Quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản luôn mang tính thời vụ bởi các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển theo quy luật sinh vật nhất định. Mặt khác, do sự biến thiên về điều kiện tự nhiên khí hậu làm cho mỗi loại cây trồng có sự thích ứng riêng, tạo nên những mùa vụ khác nhau trong sản xuất. Vào khoảng thời gian chính vụ, nông sản thường dồi dào, phong phú về chủng loại, chất lượng khá đồng đều và giá rẻ, ngược lại, khi trái vụ thì nông sản khan hiếm, chất lượng không đều nhau và giá bán thường cao.

+) Nông sản phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên

Nông sản chịu tác động lớn từ điều kiện tự nhiên, đặc biệt là các điều kiện về đất đai, khí hậu và thời tiết. Đa phần các nông sản đều rất nhạy cảm với các nhân tố ngoại cảnh, do vậy, mọi sự thay đổi về điều kiện tự nhiên đều tác động trực tiếp tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng

Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường, cho sản lượng thu hoạch cao, chất lượng tốt, ngược lại, nếu điều kiện tự nhiên không thuận lợi như nắng nóng hoặc giá rét kéo dài gây hạn hán hoặc bão lụt sẽ gây sụt giảm về năng suất và sản lượng cây trồng

+) Chất lượng nông sản ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng

Chất lượng nông sản luôn là tiêu chí đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm khi quyết định mua hàng. Tại các quốc gia phát triển, đối với hoạt động nhập khẩu nông sản, ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe đặt ra về chất lượng, vệ sinh ATTP, kiểm dịch, xuất xứ,… của loại hàng hóa này. Nguyên nhân chính là do chất lượng của nông sản sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, khi đời sống người dân được nâng lên thì chất lượng nông sản cũng cần được cải thiện tương ứng.

+) Nông sản có tính đa dạng

Nông sản có đặc điểm đa dạng cả về chủng loại và chất lượng, bởi nông sản được sản xuất từ các địa phương khác nhau với các nhân tố về địa lý, tự nhiên khác nhau, mỗi vùng, mỗi hộ dân, mỗi trang trại có phương thức sản xuất khác nhau với các giống nông sản khác nhau cho nên chủng loại cũng khác nhau, nông sản rất dễ bị hư hỏng, ẩm mốc, biến chất… do đó, chỉ cần để một thời gian ngắn trong môi trường không bảo đảm về độ ẩm, nhiệt độ, nông sản sẽ bị hư hỏng, giảm chất lượng