Phong trào Bình dân học vụ ở Việt Nam trong những năm 1945 1946

QĐND - Năm 1938, Nha Học chính Đông Pháp ghi nhận: 95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì. Chỉ ít ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 8-9-1945, Nha Bình dân học vụ đã được thành lập. Công cuộc học tập của dân tộc Việt bước lên tầm cao mới, để đến hôm nay, giáo dục Việt Nam hoàn thành và vượt Mục tiêu thiên niên kỷ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Phong trào Bình dân học vụ ở Việt Nam trong những năm 1945 1946

Bác Hồ trực tiếp dạy chữ cho một lớp Bình dân học vụ.

Kỳ tích của giáo dục

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Trong đó, nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống giặc đói. Ít ngày sau đó, ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.

Đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Bác viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học chữ ở tư gia dạy cho những người không biết chữ. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử. Công việc này, mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp đỡ”.

Phong trào Bình dân học vụ ở Việt Nam trong những năm 1945 1946

Tranh cổ động do Ty Tuyên truyền văn nghệ Thái Nguyên phát hành nhằm cổ động cho phong trào sản xuất và Bình dân học vụ trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và thấy rõ trách nhiệm của mình là chỉ trong vòng một năm, ai ai cũng phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những nhà có nhà ở rộng rãi mở lớp học tư gia cho bà con xóm giềng, nhiều hòa thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ để làm lớp. Dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi...Các nhà hảo tâm ủng hộ những khoản tiền lớn để in sách vần Quốc ngữ, mua cả một khối lượng lớn phấn, giấy, mực... Ở những lớp học buổi tối ở nông thôn, mọi loại đèn sẵn có đều được tận dụng như dầu lạc, dầu nhựa trám, hạt bưởi... Những người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Những giáo viên truyền bá Quốc ngữ cũ, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, hướng đạo sinh đều ghi tên dạy và làm tuyên truyền viên. Lớp học khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Lớp đông giáo viên, lớp một thầy một trò. Chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập. Để tăng cường và đẩy mạnh việc học, việc hỏi chữ được thiết lập. Những người nào đọc được các chữ viết trên các bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng...

Chỉ một năm sau ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập, 75.000 lớp học được mở với hơn 95.000 giáo viên. Kết quả, có hơn 2.500.000 người thoát nạn mù chữ. Thật là một kỳ tích của nền giáo dục non trẻ!

Bình dân học vụ trong nhà tù thực dân

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Tháng 4-1946, Pháp chiếm lại Côn Đảo. Những năm 1946-1948, thực dân Pháp liên tục đưa hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước đày ra Côn Đảo. Trong cuộc đấu tranh ở nhà tù giai đoạn này, việc học tập nổi lên rất tích cực và trở thành điểm sáng trong hoạt động đấu tranh của tù nhân. Điển hình là phong trào Bình dân học vụ trong những năm 1947-1948. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xóa nạn mù chữ, tù nhân Côn Đảo tổ chức phong trào Bình dân học vụ ở tất cả các khám. Người học bao gồm cả chính trị phạm lẫn thường phạm, trong đó phần lớn là những chiến sĩ xuất thân từ nông dân, dân nghèo thành thị, phu phen thất học mới tham gia kháng chiến thì bị địch bắt. Người dạy phần đông là những người có tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ trước đây như: Trần Nhật Quang, Phạm Gia, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Đống, Nguyễn Văn Mẹo, Trần Văn Sử, Nguyễn Văn Giỏi, Nguyễn Sáng, Lưu Văn Lê, Võ Văn Nguyệt… Trần Nhật Quang bị địch tra tấn làm mù một con mắt vẫn cặm cụi thức khuya chép những bài tập đánh vần cho anh em trong khám.

Để tổ chức đồng loạt ở các khám, Ban chấp hành tù nhân đã cử ra ở mỗi khám một ủy viên phụ trách Bình dân học vụ để hướng dẫn và tổ chức việc xóa mù chữ. "Phương pháp i tờ" do Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ đề xướng trước đây được vận dụng cho tù nhân học tập. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn khoảng 3 tháng, nhiều tù nhân chưa biết chữ đã có thể viết được. Tuy điều kiện khổ sai nhưng tù nhân vẫn dành thời gian học tập thích hợp. Các khám ở An Hải, Sở Củi, Lò Vôi thường học buổi trưa, Nhà Bếp, Sở Chỉ tồn, Sở Bản chế học buổi tối. Những người mang án tử hình bị địch còng chân thì bố trí người ngồi ở giữa dạy hai người bên cạnh. Mỗi khi đến phiên đổi còng thì “thầy” và “trò” lại đổi vai cho nhau.

Để cổ vũ cho phong trào Bình dân học vụ, Hội Tù nhân đã tổ chức các hoạt động văn nghệ với những tiết mục do anh em tự dàn dựng như tù Sở Củi có đêm văn nghệ với ca cảnh “Xóa nạn mù chữ”, cổ động phong trào bằng những lời ca sinh động. Có đêm văn nghệ, anh em tù tổ chức dàn dựng màn đồng ca “Đời sống mới” và nhạc cảnh “Bảo vệ thóc vàng” thiết thực hướng về các hoạt động của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của đất nước lúc đó. Nhiều tù nhân vì tham gia các hoạt động Bình dân học vụ mà bị địch tra tấn dã man với tội “gây mất trật tự”. Phong trào Bình dân học vụ trong nhà tù đã góp phần rất lớn động viên các chiến sĩ cách mạng nung nấu ngày trở về tham gia cuộc kháng chiến đang diễn ra sôi nổi từng ngày.

Học chữ bằng thơ

Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước giành được độc lập, tuy nhiên, chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp đã khiến trình độ dân trí của người Việt khi ấy rất thấp. Vì thế, để nhân dân dễ tiếp thu kiến thức, nhiều cách dạy và học được sáng tạo. Trong đó, phổ biến nhất là dùng các bài thơ, vè, văn vần-một hình thức văn học rất gần gũi với đời sống nhân dân ta.

Để khuyến khích việc học, chế diễu những người lười biếng, các cô thôn nữ ca: “Anh ăn mặc đẹp trai, mặt mày sáng sủa/ Mà dốt đặc cán mai, chữ chi chưa biết chữ chi/Qua cổng chợ làng cúi khom xuống mà đi/Cụ Hồ đã có lời khuyên ta đi học, anh có nhớ gì không anh?”. Rồi cả bằng thái độ quyết liệt: “Anh về thưa với mẹ cha/ Xong lớp Bình dân học vụ/ rồi hãy qua bỏ trầu!..”.

Lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm cũng đã trở thành một động lực học hành: “Bác Hồ khuyên dạy ngày đêm/ Thoát nạn mù chữ mới thắng được bầy sói lang”.Và:“Làm dân một nước cộng hòa/ Phải lo biết chữ mới là đáng dân”, hay: “Cụ Hồ lo việc học hành/ Chỉ mong non nước rạng danh muôn đời”.

Tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cũng được cụ thể hóa bằng việc học: “Cụ Hồ kêu gọi thi đua diệt dốt/ Bà con mình cùng tới lớp bình dân/Thi đua học tập chuyên cần/ Đến ngày bầu cử ghi hai chữ ân nhân: Cụ Hồ!...”. Hay:“Tuổi cao mắt mạ có mờ/Dằn lòng son sắt mạ chờ Bác vô/Đêm đêm nhẩm đọc i tờ/ Cầu sao viết được chữ Hồ Chí Minh/ Nêu lên lá phiếu đinh ninh/Khắc sâu trong dạ mối tình Bắc Nam…”.

Và hơn thế, từ những ngày đầu tiên của công cuộc chiến đấu với “giặc dốt”, nhân dân ta đã xác định học không chỉ để xóa mù chữ, mà đó là việc của cả đời: “Giỏi như đến bậc Cụ Hồ/ Người còn phải học huống hồ chúng ta”.

ĐỨC HUY(tổng hợp)