Phụ nữ chậm kinh lâu nhất là bao nhiêu ngày

Chậm kinh là một hiện tượng phổ biến ở phụ nữ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này không phải lúc nào cũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu kéo dài quá 35 ngày hoặc xảy ra thường xuyên thì người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu một số thông tin cơ bản về trễ kinh, các nguyên nhân và cách xử lý.

\>> Xem thêm:

  • Cốc nguyệt san: Hướng dẫn sử dụng cho người lần đầu dùng
  • Sùi mào gà – Nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng ngừa
  • Bệnh giang mai: Hình ảnh, nguyên nhân, dấu hiệu

Chu kỳ kinh nguyệt là khoảng thời gian từ ngày bắt đầu hành kinh của một kỳ đến ngày bắt đầu của kỳ tiếp theo và lặp lại mỗi tháng. Chu kỳ kinh nguyệt có thể dao động từ 21 đến 35 ngày, thường là 28 ngày. Thời gian hành kinh mỗi kỳ là 2-7 ngày. Lượng máu kinh mất đi trong một chu kỳ thường là khoảng 50-150ml. Máu hành kinh có màu đỏ thẫm, sền sệt và có thể có cục máu. Nếu kinh nguyệt không xuất hiện trong vòng 35 ngày tính từ ngày hành kinh gần nhất thì được coi là chậm kinh. Trong trường hợp số ngày mất kinh kéo dài trong đến 3 chu kỳ liên tiếp thì được coi là vô kinh.

Phụ nữ chậm kinh lâu nhất là bao nhiêu ngày
Chậm kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt trong một thời gian dài hơn bình thường (Nguồn: Internet)

Trễ kinh bao lâu thì bất thường?

Theo các chuyên gia y tế, những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ổn định thì việc trễ kinh dưới 5 ngày không có gì đáng lo. Tuy nhiên, nếu trễ kinh trên 5 ngày thì cần lưu ý đến hai khả năng là đang mang thai hoặc có thể mắc một số bệnh phụ khoa hoặc các bệnh lý khác. Để biết chắc chắn nguyên nhân gây ra chậm kinh, bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và hướng dẫn chữa trị kịp thời.

Một số nguyên nhân gây ra chậm kinh

Một số nguyên nhân gây ra chậm kinh:

Mãn kinh sớm

Mãn kinh là thời điểm buồng trứng ngừng sản xuất trứng và không xuất hiện kinh nguyệt. Mãn kinh trung bình xảy ra vào khoảng 51 tuổi. Hiện tượng các chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trở nên ít đều đặn trong những năm gần mãn kinh. Một số phụ nữ có thể bắt đầu mãn kinh sớm hơn, trước 40 tuổi. Đây là một tình trạng di truyền hoặc do một số yếu tố khác như hút thuốc, phẫu thuật buồng trứng hoặc điều trị ung thư.

Rối loạn lo âu kéo dài

Stress ảnh hưởng đến các hoóc-môn được tiết ra từ não và sau đó ảnh hưởng đến các hoóc-môn khác được tiết ra từ buồng trứng, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Cả stress thể chất và tâm lý đều có thể gây ra trễ kinh. Nếu tình trạng ngày càng nặng dẫn đến chậm kinh ba kỳ liên tiếp hoặc hơn thì nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe. Khi tình trạng rối loạn ổn định có thể mất vài tháng hoặc hơn để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

\>> Xem thêm:

  • Tinh trùng vón cục: Nguyên nhân & Các biện pháp điều trị
  • Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
    Phụ nữ chậm kinh lâu nhất là bao nhiêu ngày
    Stress ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt (Nguồn: Internet)

Đa nang buồng trứng (PCOS)

PCOS là một rối loạn nội tiết tố khiến cơ thể người bệnh sản xuất quá nhiều hoóc-môn nam (androgen). Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và gây ra chậm kinh hoặc không có kinh. Nếu mắc phải PCOS, bệnh nhân sẽ có một số triệu chứng khác ngoài chậm kinh như: tăng cân/khó giảm cân, vô sinh, mụn trứng cá, rụng tóc hoặc thưa tóc, mọc râu hoặc lông nhiều ở mặt hoặc cơ thể.

Dùng biện pháp tránh thai

Một số loại thuốc tránh thai có thể làm cho phụ nữ không có kinh nguyệt. Điển hình là thuốc tránh thai có chứa các loại hormone Estrogen và Progestin, có thể làm ức chế sự rụng trứng. Do đó, sau khi ngừng uống thuốc tránh thai, có thể mất từ 3-6 tháng để chu kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại. Một số biện pháp tránh thai khác như cấy hoặc tiêm cũng có khả năng gây ra hiện tượng trễ kinh.

Béo phì

Béo phì có thể làm tăng sản xuất estrogen, một loại hormone sinh dục quan trọng. Việc estrogen tăng cao có thể dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và thậm chí là ngừng kinh hoàn toàn. Giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng này.

\>> Xem thêm: 9 Dấu hiệu rụng trứng dễ nhận biết, đơn giản

Đang mang thai hoặc cho con bú

Đối với những người mang thai, cơ thể của họ sẽ không bài tiết lớp niêm mạc tử cung hàng tháng. Đó là lý do tại sao xuất hiện hiện tượng không có kinh nguyệt khi mang thai. Sau khi sinh, việc cho con bú cũng có thể làm trì hoãn sự trở lại của kinh nguyệt. Tình trạng này là do hormone prolactin ức chế sự rụng trứng.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, như thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị ung thư,… Nếu người bệnh nghi ngờ thuốc đang dùng gây ra chậm kinh, thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Mắc bệnh phụ khoa

Một số bệnh phụ khoa có thể là nguyên nhân của hiện tượng trễ kinh như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), u nang buồng trứng, viêm nhiễm phụ khoa,… Những bệnh này gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và tạo điều kiện cho sự phát triển của niêm mạc tử cung. Nếu nhận thấy có các triệu chứng khác như đau bụng dưới, ra máu bất thường, khó mang thai, cần đi khám phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Phụ nữ chậm kinh lâu nhất là bao nhiêu ngày
Một số bệnh phụ khoa có thể gây trễ kinh (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu cho thấy đang bị chậm kinh

Kinh nguyệt không xuất hiện đúng thời gian theo chu kỳ bình thường là dấu hiệu nhận biết trễ kinh nhanh nhất. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu khác nhau tùy theo nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Đau đầu.
  • Đau vùng xương chậu.
  • Mụn trứng cá.
  • Rụng tóc.
  • Rậm lông, đặc biệt nhiều ở mặt.

Chẩn đoán chậm kinh như thế nào?

Để chẩn đoán trễ kinh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt, tiền sử bệnh tật của người bệnh và gia đình. Bác sĩ cũng sẽ khám phụ khoa để phát hiện những vấn đề không bình thường ở cơ quan sinh sản. Đối với người chưa có kinh nguyệt lần nào, bác sĩ sẽ khám ngực và cơ quan sinh dục để xác định cơ thể có phát triển bình thường ở tuổi dậy thì không.

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm khi chẩn đoán chậm kinh nguyệt. Xét nghiệm máu có thể giúp xác định xem có mang thai hay không bằng cách đo lượng hormone human chorionic gonadotropin (hCG) trong máu. Hormone này chỉ được sản xuất ở phụ nữ mang thai và có thể phát hiện được từ 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai.

Xét nghiệm máu cũng có thể giúp chẩn đoán tình trạng rối loạn nội tiết tố bằng cách đo lượng các hormone như estrogen, progesterone, prolactin, thyroid stimulating hormone (TSH) và follicle stimulating hormone (FSH) trong máu. Những hormone này có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng.

Phòng ngừa tình trạng chậm kinh

Để phòng ngừa tình trạng chậm kinh, cần chú ý đến các điều sau:

  • Vệ sinh vùng kín: Đây là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là khi có kinh nguyệt hoặc sau khi hoạt động tình dục. Nên chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ có nồng độ pH hợp lý. Không nên rửa sâu bên trong âm đạo vì có thể làm mất cân bằng vi khuẩn và gây viêm nhiễm vùng kín.
  • Giảm căng thẳng: Khi rơi vào tình trạng căng thẳng, não bộ sẽ tiết ra các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline, làm giảm sản xuất các hormone sinh dục như estrogen và progesterone. Điều này có thể làm trì hoãn hoặc ngừng kinh nguyệt tạm thời. Hãy tìm cách giảm bớt căng thẳng bằng cách thư giãn, thiền, tập thể dục hoặc nói chuyện với bạn bè, người thân.
  • Duy trì cân nặng ổn định: Béo phì sẽ làm tăng sản sinh estrogen. Ngược lại, giảm cân quá nhanh hoặc ăn kiêng quá khắt khe khiến estrogen giảm, gây ra chậm kinh hoặc ngừng kinh. Vì vậy, cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý để giữ cho cân nặng ổn định.
  • Tập luyện hợp lý: Tập luyện quá sức sẽ khiến cho cơ thể không có đủ năng lượng để duy trì các chức năng sinh lý, bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Thiết lập cường độ tập luyện hoặc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể để khôi phục lại chu kỳ kinh nguyệt.
    Phụ nữ chậm kinh lâu nhất là bao nhiêu ngày
    Thư giãn và ăn uống lành mạnh giảm nguy cơ trễ kinh (Nguồn: Internet)

Chậm kinh không phải là bệnh lý, nhưng tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Phụ nữ nên quan tâm và chăm sóc cho sức khỏe sinh sản của mình để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.