Rối loạn thần kinh thực vật tim đập nhanh

Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh, cảm thấy lo lắng khi bác sĩ chẩn đoán là “rối loạn thần kinh tim”. Họ không rõ đây là tình trạng gì, có nặng lắm không, ảnh hưởng thế nào đến tim và sức khỏe…?

Rối loạn thần kinh tim là gì?

Thần kinh tim ở đây là nói đến hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh thực vật là một phần của hệ thần kinh, có nhiệm vụ điều khiển hoạt động của nhiều cơ quan như mạch máu, dạ dày, ruột, gan, thận, bàng quang, hệ sinh dục, đồng tử, tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt, tuyến tiêu hóa… và cả trái tim của chúng ta. Nhiều tiến trình của cơ thể như là huyết áp, tần số thở, nhịp tim… đều do sự điều khiển của hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh thực vật làm việc tự động, con người không thể tự ý điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh này, chẳng hạn như không thể bắt tim ngừng đập, hay điều khiển để tim đập nhanh hơn, đập chậm hơn được.

Rối loạn thần kinh thực vật tim đập nhanh

Rối loạn thần kinh tim hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là tên gọi chung của các hiện tượng rối loạn không rõ nguyên nhân liên quan đến các hiện tượng như tim đập nhanh hoặc tim đập chậm, dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất hay loạn nhịp tim... Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có cảm giác đau tức, đau nhói, nặng nề ở vùng tim hoặc nặng ngực, mệt mỏi, khi ngủ hay mơ…
Rối loạn thần kinh tim xảy ra là do tình trạng không ổn định của hệ thần kinh thực vật, có thể do căng thẳng thần kinh, do những lo lắng trong cuộc sống, do những tác động đến cơ thể như khói bụi, môi trường sống, khói thuốc lá… Cần lưu ý là đây không phải là một bệnh tim thực thể, có nghĩa là không có thành phần, bộ phận nào của tim bị tổn thương thật sự. Chính vì vậy, khi khám tim, làm các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, bác sĩ thường không ghi nhận bất thường nào hoặc tổn thương bệnh lý nào của tim, và trước những triệu chứng kể trên, bác sĩ đưa ra chẩn đoán “rối loạn thần kinh tim”.

Điều trị bệnh thế nào?

Rối loạn thần kinh tim thường lành tính, có tiên lượng tốt và có thể chữa trị hiệu quả khi xác định rõ nguyên nhân dẫn tới rối loạn cũng như nhờ vào sự hợp tác của người bệnh trong việc thay đổi lối sống tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ thường hạn chế dùng thuốc điều trị cho những trường hợp rối loạn thần kinh tim. Nếu cần, bác sĩ sẽ kê toa thuốc an thần cho những trường hợp người bệnh xúc động mạnh, khó ngủ hoặc mất ngủ hoặc dùng thuốc làm chậm nhịp tim cho những trường hợp tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, bên cạnh các thuốc hỗ trợ như vitamin B, C..

Một điều quan trọng trong điều trị rối loạn thần kinh tim là người bệnh cần áp dụng lối sống có lợi cho sức khỏe như: không nên thức khuya, sinh hoạt điều độ, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi; sắp xếp đi du lịch khi thuận tiện; tránh những tình huống, những việc có thể gây xúc động quá mức hoặc căng thẳng tinh thần (như đọc truyện tình cảm, xem phim hành động…); tránh sử dụng các chất kích thích như hút thuốc và ngửi khói thuốc, uống rượu, trà đậm, cà phê; tránh ăn uống quá độ, nên ăn nhiều rau quả; cần tập thể dục, chơi thể thao đều đặn

ThS.BS NGÔ BẢO KHOA - Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn

Rối loạn thần kinh tim (hay suy nhược thần kinh tim) là một trong những chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn thần kinh thực vật, làm người bệnh bị ảnh hưởng và tin rằng họ mắc bệnh tim. Nhưng trái tim của họ thì hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ tổn thương nào và nỗi sợ hãi khiến các triệu chứng càng ngày càng trầm trọng. Đau tức ngực, đánh trống ngực, thở dốc, tim đập quá nhanh hoặc loạn nhịp, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi,… – người bệnh bị rối loạn thần kinh tim tin rằng họ cảm nhận thấy các triệu chứng này rất rõ rệt.
Rối loạn thần kinh tim thường là lành tính và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nó có thể gây ra nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nhiều người bệnh cho biết, họ cảm thấy sợ hãi bởi vì khi đi khám không được chẩn đoán bệnh. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thiếu sức sống, mệt mỏi vì tình trạng tim loạn nhịp thường xuyên.

Rối loạn thần kinh thực vật tim đập nhanh
Rối loạn thần kinh thực vật tim đập nhanh

Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết rối loạn thần kinh tim
Mặc dù thường không có tổn thương thực thể nào tại tim, nhưng các triệu chứng của rối loạn thần kinh tim cũng tương tự như triệu chứng của hầu hết các bệnh về tim mạch, bao gồm:
Khó thở: thường liên quan đến việc co thắt và rối loạn chức năng của cơ hoành vùng ngực, dẫn đến cảm giác không thở được một hơi đầy đủ. Người bệnh thường có xu hướng tránh đi vào những nơi đông đúc và thích ngồi ở gần cửa sổ để đón không khí trong lành.
Mệt mỏi: Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức bất thường và thường khó hồi phục kể cả sau khi đã được nghỉ ngơi.
Đau ngực: Cảm giác đau nhói âm ỉ ở ngực, có thể là một cơn đau cấp tính, đến và đi nhanh chóng; cũng có thể là cảm giác đau liên tục và mạn tính. Biểu hiện này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, dù là người trẻ, trung niên, hay người già.
Đánh trống ngực: Cảm giác tim đập mạnh bất thường và dồn dập, thường xảy ra khi căng thẳng và gắng sức.
Chóng mặt: Cảm giác choáng váng nhẹ, quay cuồng, đứng không vững hoặc muốn ngất. Triệu chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi mức độ bệnh.
Tăng thông khí: Là tình trạng thở nhanh và sâu, giống với hơi thở sau khi chạy bộ một quãng đường dài, người bệnh có cảm giác như không thể lấy đủ không khí vào phổi và muốn ngất xỉu.
Rối loạn thần kinh tim chữa ra sao?
Khi bị rối loạn thần kinh tim, bạn không nên lo lắng quá, vì càng lo nghĩ, căng thẳng nhiều thì bệnh tình sẽ càng thêm nặng. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và điều chỉnh lối sống cho lành mạnh.
Các liệu pháp tự nhiên:
Tốt nhất bạn nên được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1 đến 3 tháng ở những nơi yên tĩnh. Nếu có điều kiện, có thể về nghỉ dưỡng ở các vùng đồng quê. Đồng thời, thực hiện thay đổi lối sống và từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe:
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê....
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Những bộ môn hữu ích cho người bị rối loạn thần kinh tim là đi bộ, bơi lội, yoga, thái cực quyền... Nghiên cứu cho thấy tập thể dục ít nhất 30 phút/ lần, từ 3 đến 5 lần/ tuần sẽ làm cải thiện đáng kể sức khỏe, đặc biệt với những người có các vấn đề về tâm lý.
- Không hút thuốc lá và cũng nên khuyên người thân trong gia đình bỏ thuốc.
- Nên tránh những tình huống hay những việc có thể gây xúc động mạnh quá mức hoặc căng thẳng tinh thần như đọc truyện tình cảm, lâm li bi đát, xem phim hành động…
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tích cực, tránh căng thẳng, lo nghĩ.
Sử dụng thuốc theo chỉ định:
Nếu cần điều trị bằng thuốc cho chứng rối loạn thần kinh tim thì các thuốc chẹn beta giao cảm là lựa chọn phổ biến nhất, đôi khi kèm theo thuốc an thần. Tuy nhiên, các thuốc này không tác động được tới nguyên nhân gây rối loạn, mà chủ yếu làm giảm triệu chứng. Mặt khác, nếu sử dụng không đúng liều hoặc quá liều thuốc chẹn beta giao cảm thì người bệnh có nguy cơ gặp phải rối loạn nhịp tim nhanh trầm trọng hơn, thuốc này cũng không sử dụng cho những người bị bệnh hen, bệnh đường hô hấp vì tăng nguy cơ gây co thắt phế quản./.

Gia Hân (t/h)