So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Mỹ Linh – (Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) cho biết, bệnh sởi, sốt xuất huyết là các loại bệnh khác nhau nhưng có biểu hiện ban đầu tương đồng nhau. Do đó, người bệnh dễ bị nhầm lẫn dẫn đến chẩn đoán sai bệnh. Việc phát hiện và phân biệt giữa bệnh sốt xuất huyết và sởi sẽ giúp cho người bệnh trong việc theo dõi và chăm sóc.

1. Phân biệt bằng nguyên nhân gây bệnh

1.1 Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết:

So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus có tên là Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus có tên là Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4).

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết. Có hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả. Một người đã mắc sốt xuất huyết type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

1.2 Nguyên nhân gây bệnh sởi:

So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết
Sởi do một chủng virus morbillivirus, họ Paramyxoviridae gây nên.

Sởi là bệnh do một chủng virus morbillivirus, họ Paramyxoviridae - loại virus cấp tính gây nên. Virus sởi hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng… Ở nhiệt độ 56 độ C bị diệt trong 30 phút.

Virus sởi có hai kháng nguyên:

- Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).

- Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin).

Virus morbillivirus có tính chất nguy hiểm và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

2. Phân biệt qua triệu chứng của bệnh:

2.1 Sốt xuất huyết có các triệu chứng

Cơ thể sốt cao, có thể sốt đến trên 40 độ C, hốc mắt bị đau hoặc đau đầu; cổ bị sưng hạch.

Cơ thể trong trạng thái mệt mỏi; đau khớp, đau cơ; buồn nôn, nôn; trên cơ thể và mặt bị phát ban đỏ.

Đây là những triệu chứng ban đầu. Đến khi bệnh tiến triển thì có thể thêm các triệu chứng khác như:

Chảy máu mũi, nướu; bụng đau dữ dội; thở khó khăn và luôn bồn chồn.

Xuất huyết dưới da và nổi các vết trông giống như bị bầm tím. Khi đi ngoài, phân có lẫn cả máu.

2.2 Sởi có các triệu chứng

Sốt cao từ 39 - 40 độ C.

Người nhức mỏi.

Mắt đỏ do viêm kết mạc.

Mũi chảy dịch.

Ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn.

Người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti.

So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết
Cơ thể phát ban nốt đỏ là triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết và sởi.

3. Phân biệt bằng đường lây truyền

3.1 Sốt xuất huyết lây truyền như thế nào?

Sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra nên bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác nhanh chóng. Các con đường lây bệnh phổ biến:

Lây nhiễm từ muỗi sang người: Muỗi vằn Aedes aegypti mang mầm bệnh và cắn người khỏe mạnh sẽ truyền virus Dengue sang cơ thể người đó. Sau khi truyền nhiễm bệnh xong, muỗi vẫn có khả năng lây lan virus tiếp tục cho những người khác.

Lây nhiễm từ người sang muỗi: Đây có thể là những người đã có triệu chứng sốt xuất huyết, chưa có dấu hiệu hoặc không xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, muỗi sẽ nhiễm bệnh sau khi đốt người mang trong mình virus Dengue. Thời gian lây truyền virus sang muỗi có thể diễn ra 2 ngày trước thời điểm người bệnh có các dấu hiệu sốt xuất huyết và kéo dài đến 2 ngày sau khi hết sốt.

Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung kim tiêm: Không loại trừ khả năng một người khỏe mạnh vẫn có thể bị lây nhiễm virus thông qua việc nhận máu hoặc dùng chung kim tiêm với người mắc bệnh. Tuy nhiên, con đường lây nhiễm này thường ít phổ biến hơn so với đường muỗi đốt.

3.2 Sởi lây truyền như thế nào?

Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12 -15 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4 - 5 ngày sau khi phát ban. Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất, do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.

4. Phân biệt bằng diễn biến bệnh

4.1 Diễn biến bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết cũng có thể nhầm với sốt thường và sốt virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như:

Giai đoạn sốt: Diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu theo các triệu chứng:

Người bệnh đột nhiên bị sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C.

Có thể bị buồn nôn, nôn mửa, chán ăn.

Đau nhức đầu, hốc mắt, các khớp, mỏi cơ, uể oải, có thể có hiện tượng viêm long đường hô hấp trên.

Có khả năng xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da.

Nếu nặng thì người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn nhiều, lúc này xét nghiệm công thức máu có thể thấy hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh.

Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này xảy ra ở ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Bệnh nhân có xu hướng giảm sốt hoặc hết sốt và rất nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sốt xuất huyết thì đây là lúc bệnh mới bắt đầu thể hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Ở trường hợp sốt xuất huyết điển hình, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số biểu hiện:

Các vết phát ban nổi dần, nhiều lên từ nhẹ tới nặng, cảm thấy ngứa ngáy.

Chảy máu cam, hoặc chảy máu lợi, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.

Xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen, nôn mửa ra máu tươi hoặc cục máu đông.

Xuất huyết trong ổ bụng hoặc xuất huyết não gây nguy hiểm tới tính mạng.

Hạ huyết áp do thiếu nước, không bù đủ dịch, giảm khối lượng tuần hoàn dẫn tới sốc.

Các biểu hiện khác: li bì hoặc kích thích, vật vã, đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, đầu đau dữ dội,...

Các triệu chứng trên là những triệu chứng có thể gặp ở các trường hợp sốt xuất huyết điển hình. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng trên mà có thể tự khỏi hoặc là bệnh diễn biến âm thầm rồi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm một cách đột ngột.

Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết
Khi mắc sốt xuất huyết hoặc sởi cần thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

4.2 Diễn biến bệnh sởi

Giai đoạn khởi phát của bệnh sởi thường thể hiện qua những triệu chứng như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao.

Bệnh sởi biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát. Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân.

Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1 - 2 tuần sau các vết thâm mới biến mất. Thông thường, bệnh sởi kéo dài khoảng từ 7 - 10 ngày. Trong thời gian bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm nhanh chóng, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng như: tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là viêm não, mù lòa, viêm cơ tim... Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hoặc gây dị tật thai nhi.

5. Bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?

5.1 Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có diễn tiến nhanh, rất dễ bùng phát thành dịch lớn và gây tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng trong và sau sốt xuất huyết như: Xuất huyết não, suy tim, suy thận, tràn dịch màng phổi, sốc do mất máu, sinh non, sẩy thai...

5.2 Sự nguy hiểm của bệnh sởi

Bệnh sởi có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

So sánh bệnh sởi và sốt xuất huyết
Phòng ngừa bệnh sởi bằng cách tiêm phòng cho trẻ.

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi

Phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng cho trẻ (nếu có).

Đây là những bệnh rất dễ lây lan trong các môi trường như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cần cách ly và để trẻ ở nhà khi bị bệnh.

Luôn giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp.

Hạn chế tối đa đến những vùng đang có dịch.

Khi bị những bệnh trên có thể có các biến chứng, do vậy người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của thầy thuốc.

Hãy lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu tệ hơn, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.