So sánh cách mạng lào và cách mạng việt nam năm 2024

Mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam nói chung, mối quan hệ giữa Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện nay. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tương lai của mối quan hệ Lào - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mãi mãi xanh tươi. “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam vẫn mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Năm nay là năm đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân hai nước Lào và Việt Nam. Hai nước chúng ta đã có những hoạt động hết sức phong phú để kỷ niệm hai ngày lịch sử trong quan hệ giữa hai nước: 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2007) và 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam (18-7-1977 - 18-7-2007).

Mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam nói chung, mối quan hệ giữa Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, vốn đã có truyền thống tốt đẹp từ hơn 70 năm nay, là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện nay.

1. Quan hệ giữa hai Đảng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc

Trong lịch sử đấu tranh lâu dài, kiên cường và bất khuất của dân tộc Lào đều luôn gắn bó với cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam anh em, đặc biệt kể từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ba nước Đông Dương rơi vào cùng cảnh ngộ là nô lệ của nước khác. Vì vậy, sự gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau, cùng đấu tranh giành độc lập dân tộc của ba dân tộc Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia trở thành quy luật khách quan, vì sự tồn tại và phát triển của cả ba dân tộc. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đã có biết bao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ba nước bị đàn áp, nhưng những phong trào đấu tranh đó đã để lại bài học quý báu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta sau này.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của ba nước Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ của mình để đi tìm con đường cứu nước và đem chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tuyên truyền ở Đông Dương. Hạt giống cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ cách mạng gieo vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong thời gian đó đã nảy mầm và phát triển nhanh chóng, trở thành phong trào cách mạng sôi sục của quần chúng, dẫn đến việc thành lập Đảng cách mạng để lãnh đạo cuộc đấu tranh của ba nước Đông Dương - đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930. Trong Cương lĩnh chính trị của Đảng lúc đó đã nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh cách mạng Đông Dương là cuộc đấu tranh dân tộc dân chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội; lực lượng chính của cách mạng là công nhân, nông dân; nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng là sự lãnh đạo của Đảng cộng sản”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đứng đầu, liên minh chiến đấu giữa các nước Đông Dương nói chung, giữa Lào và Việt Nam nói riêng đã làm cho cuộc đấu tranh của hai dân tộc chúng ta tiến lên giành thắng lợi có tính chất lịch sử: Tuyên bố độc lập và thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 và tuyên bố độc lập ở Lào vào ngày 12-10-1945. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, do có sự giúp đỡ tận tình và phối hợp chặt chẽ với nhau, quân và dân hai nước đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chiến thắng lẫy dừng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương…

Vì cuộc đấu tranh cách mạng ở Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển và để phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 đã quyết định thành lập Đảng cách mạng ở mỗi nước. Ngày 22-3-1955, tại Lào đã tổ chức Đại hội đầu tiên của Đảng Nhân dân Lào. Việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Lào bởi Đảng đi theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin; là người kế thừa sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương và truyền thống anh dũng của các anh hùng đã hy sinh vì dân tộc; đại diện chân chính cho giai cấp công nhân và người lao động…

Ngay từ khi thành lập, Đảng Nhân dân Lào đã đương đầu với thử thách mới: tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong tình hình hết sức khó khăn và phức tạp đó, hai Đảng đã tiếp tục đoàn kết, tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ suốt 20 năm liền để giải phóng đất nước. Hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta đã cùng “chia ngọt, sẻ bùi, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, mối quan hệ đó là mối quan hệ cùng chung một chiến hào đấu tranh và hy sinh xương máu của các chiến sĩ cách mạng của hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.

Trong suốt thời kỳ đấu tranh chống kẻ thù chung, nhân dân hai nước chúng ta đã làm nên những kỳ tích lịch sử vĩ đại. Biết bao bài thơ, bài ca và bài viết đã diễn tả về mối quan hệ Lào - Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là sự đánh giá của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước:

- Bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1963, sau khi hai nước Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao được 1 năm:

Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt- Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long

- Trong buổi lễ bế mạc Hội nghị tổng kết và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh ở Lào ngày 21-9-1965, Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản đã đánh giá: “Khi ôn lại lịch sử đấu tranh trong 20 năm qua, không kể trong trường hợp nào và ở đâu, hai anh em Lào và Việt Nam chúng ta đều sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng… hai anh em chúng ta đã cùng chia ngọt sẻ bùi, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng vui có nhau. Quan hệ giữa chúng ta là quan hệ đặc biệt. Chính trong cục diện mà hai anh em chúng ta kề vai sát cánh bên nhau cùng chiến đấu đó, chúng ta đã cùng nhau làm cho Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trở thành hiện thực và tràn đầy sức sống về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc thiết lập quan hệ kiểu mới giữa hai Đảng và hai nước anh em”.

- Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản còn đánh giá về mối quan hệ Lào - Việt Nam: “Trong lịch sử của cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như thế này… Đảng, nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ qua, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân hai nước chúng ta đã hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của hai nước chúng ta. Sự hy sinh và tinh thần trong sáng hiếm có đó đã làm cho tài sản quí giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và chăm lo luôn được củng cố và ngày càng có giá trị cao…”.

- Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đã đánh giá về mối quan hệ Lào - Việt Nam: “Mối quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước Lào và Việt Nam là quan hệ hữu nghị cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả bao la, đẹp hơn trăng rằm, thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất, tình hữu nghị tốt đẹp đó đã được xây dựng nên bởi tinh thần trong sáng, vì thế không kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi”.

Trong Đại hội lần thứ II của Đảng Nhân dân Lào tháng 2-1972, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào Cay-xỏn Phôn-vi-hản đã nói về nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc cách mạng Lào như sau: “…Sở dĩ cách mạng Lào có thể giành được những thắng lợi to lớn liên tiếp đó là nhờ có Đảng Mác – Lê-nin lãnh đạo, mà trước đó là Đảng Cộng sản Đông Dương; do sức mạnh của liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương, nhất là mối quan hệ hết sức mật thiết, có tính chất đặc biệt, lâu dài và toàn diện giữa Đảng ta và Đảng Lao động Việt Nam, với nhân dân Việt Nam và với cách mạng Việt Nam; tăng cường đoàn kết và phối hợp giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia trong liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương…

Từ đó hai Đảng luôn kề vai sát cánh bên nhau, lãnh đạo cách mạng ở mỗi nước và giành được thắng lợi ngày càng to lớn, dẫn đến thắng lợi cuối cùng là hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vào năm 1975. Đây là bước ngoặt lịch sử, hết sức quan trọng của cuộc cách mạng Lào và Việt Nam.

2. Mối quan hệ giữa hai Đảng sau khi đất nước được giải phóng

Sau thắng lợi năm 1975, hai nước bước vào thời kỳ cách mạng mới. Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được thành lập vào ngày 2-12-1975, cuộc cách mạng của Lào bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Còn Việt Nam đã hoàn thành việc thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng, khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã trở thành Đảng cầm quyền và có nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào không ngừng củng cố, bảo vệ và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em. Điều đó được thể hiện trong các văn kiện quan trọng của Đảng, trong đường lối đối ngoại của Đảng, được thông qua trong các Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng như trên các diễn đàn quan trọng khác của của khu vực và quốc tế. Tất cả đều thể hiện thiện chí và lập trường không thay đổi, trước sau như một của toàn Đảng, toàn dân Lào trong việc bảo vệ, gìn giữ tình hữu nghị vĩ đại với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của mỗi thời kỳ cách mạng của mình.

Trong cuốn sách “Một số kinh nghiệm cơ bản và một số phương hướng mới của cách mạng Lào” xuất bản năm 1971, một trong tám bài học chủ yếu của cuộc cách mạng Lào, Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản đã chỉ rõ, việc kết hợp đúng đắn tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản chân chính, coi trọng việc không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông dương và coi đây là tính tất yếu lịch sử của cả ba dân tộc, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Lào, là một trong những nghĩa vụ quốc tế của nhân dân Lào, của Đảng không chỉ trong thời kỳ đấu tranh gian khổ để giải phóng đất nước trước kia, mà còn trong thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình ngày nay. Khối liên minh đoàn kết chiến đấu giữa cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam, giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam lại càng đặc biệt và hiếm có. Điều đó cho thấy liên minh không chỉ được xây dựng trên cơ sở của mối quan hệ đặc biệt mà còn vì sự tồn tại của hai dân tộc, vì nền độc lập vĩnh viễn và vì sự phát triển thịnh vượng của hai dân tộc chúng ta. Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản nhấn mạnh rằng: “Hiện nay, hai nước chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân chúng ta càng có điều kiện hơn để thắt chặt tình hữu nghị vĩ đại anh em và tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt, không gì lay chuyển nổi giữa hai dân tộc. Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam anh em, Đảng ta quyết tâm củng cố và tăng cường tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước cho mãi mãi bền vững, mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa hai bên trong điều kiện lịch sử mới để giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì nền độc lập bền vững, vì sự phát triển thịnh vượng của nhân dân hai nước và vì sự ổn định của khu vực...”.

Trong khi tình hình thế giới những năm cuối của thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX có sự biến động to lớn, phức tạp, hai Đảng đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân hai nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Trong hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tiếp tục truyền thống đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, hai Đảng chúng ta đã tăng cường quan hệ mật thiết, giúp đỡ và hợp tác toàn diện, đồng thời tìm những hình thức và phương pháp hợp tác ngày càng phù hợp với tình hình thực tế và tiềm năng ở mỗi nước. Sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước: Quan hệ chính trị vững chắc là cơ sở cho các quan hệ khác, lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước trao đổi các cuộc gặp gỡ cả chính thức và nội bộ; lãnh đạo các cấp ở Trung ương, địa phương và các bộ, ngành đã thường xuyên gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm.

Các chuyến thăm của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của hai nước trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, nâng quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực hợp tác, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt cho nhân dân và thế hệ trẻ của hai nước với những phương pháp và hình thức phong phú, nhất là trong dịp kỷ niệm những ngày lịch sử lớn của hai dân tộc năm 2007. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Chum-ma-ly Say-nha-sỏn và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh ngày 17-7-2007 vừa qua, đã cùng ôn lại truyền thống của mối quan hệ giữa hai Đảng từ khi xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930 trở lại đây. Ngoài ra, hai bên còn đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc biên soạn lịch sử mối quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, phối hợp trao đổi về lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới; kinh nghiệm xây dựng Đảng, tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các địa phương hai nước. Trên cơ sở các hoạt động đó, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của hai bên được đẩy mạnh. Hợp tác theo dự án, theo kế hoạch hợp tác đã ký kết hàng năm giữa hai Chính phủ, đề ra chiến lược hợp tác đầu tư lâu dài giai đoạn từ 2001 - 2010, hợp tác có trọng điểm… đã làm cho hợp tác kinh tế - thương mại gần đây đã có bước tiến triển rõ rệt.

Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong các nước đầu tư vào Lào, với khoảng 70 dự án, trị giá khoảng 516 triệu đôla Mỹ (từ 18 dự án trong những năm 1993 - 2000, lên 52 dự án những năm 2001-2007), riêng năm 2006, kim ngạch trao đổi thương mại hai bên đạt 260 triệu đô la Mỹ, tăng 59% so với những năm trước. Hiện nay, hai bên đang phấn đấu để kim ngạch thương mại đạt 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 và 2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp và nhanh chóng; hai nước Lào, Việt Nam đang tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, còn các thế lực thù địch lại đang ra sức hoạt động chống phá, bôi nhọ và tìm mọi cách phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, hơn lúc nào hết, hai Đảng, hai Nhà nước chúng ta cần tăng cường hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-sỏn Phôn-vi-hản đã xây dựng và vun đắp trong nhiều thập kỷ qua. Tình hữu nghị đó đã được các nhà lãnh đạo và các thế hệ chiến sĩ cách mạng của hai nước tiếp tục phát triển, trở thành tài sản quý giá của cả hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng hai nước, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước vững mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định lại quyết tâm và coi đây là nghĩa vụ của mình trong việc cùng nhau tiếp tục bảo vệ và phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam cho ngày càng có hiệu quả và đơm hoa kết trái, trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và tự lực tự cường, phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có, phù hợp với thông lệ quốc tế và tính chất đặc biệt của mối quan hệ giữa hai nước.

Kỷ niệm hai ngày lịch sử của hai nước năm nay, chúng ta càng thấm thía và biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã giành sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ quý báu, có hiệu quả và kịp thời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũngnhư trong thời gian xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Trong tình hình mới này, chúng tôi coi việc hợp tác với các đồng chí Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt đó vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ cao cả của mình. Trên tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tương lai của mối quan hệ Lào - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mãi mãi xanh tươi như Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản đã từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam vẫn mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.