So sánh quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại và văn học hiện đại

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Đã hiểu!
Quảng cáo
  1. KHÁI NIỆM QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
    1. Quan niệm và miêu tả, trần thuật hai trong một của hình thức nghệ thuật

Nhà văn Nga M. Gorki từng nói Văn học là nhân học trong bài phát biểu tại hội nghị của các nhà nhân chủng học Nga vào năm 1928 thế kỉ XX. Thuật ngữ nhân học theo tiếng Nga là Chelovekovedenie có nghĩa là khoa nghiên cứu về con người, một sự chơi chữ của nhà văn. Vận dụng vào văn học có nghĩa là sự tái hiện, khám phá về con người. Hai chữ con người có nội hàm rất phong phú. Tất cả những gì thuộc về con người đều là phạm vi quan tâm của văn học. Tuy nhiên không phải cái gì của con người, ở bất kì nền văn học nào, nhà văn nào, cũng đều được đề cập, điều đó phụ thuộc vào cách hiểu về con người vào mỗi thời kì văn hoá, mỗi thể loại, mỗi tác giả, mỗi tác phẩm. Ở đây cần phải nói rõ, chúng tôi không nói về nội dung của hình tượng con người, mà nói về quan niệm trong hình thức thể hiện con người, cái quan niệm cho phép nhà văn đạt đến một chiều sâu nhất định trong nhận thức về con người. Đọc bất cứ tác phẩm văn học nào đều thấy có hình ảnh về con người, chân dung, hoạt động, trạng thái, tính chất của con ngườirất đa dạng và thường rất khác nhau, không lặp lại. Sự miêu tả ấy không bao giờ giản đơn chỉ là tái hiện cái vốn có, ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Ngược lại sự miêu tả ấy bao giờ cũng gắn liền với sự lựa chọn nhằm thể hiện cái nhìn, cách cảm, sự lí giải, giải thích về đối tượng miêu tả. Sự cảm nhận, lí giải, giải thích về con người ấy bằng phương tiện nghệ thuật được gọi là quan niệm nghệ thuật về con người. Quan niệm này gắn liền trong sự miêu tả, bằng các nguyên tắc, phương tiện, motiv miêu tả, không bao giờ tồn tại trừu tượng. Ví dụ, miêu tả Kiều Nguyễn Du viết: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, miêu tả Từ Hải, ông viết: Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Những người không thông thuộc nền văn hoá trung đại rất khó hiểu về các cách thức miêu tả vẻ đẹp như thế. Vẻ đẹp đã được miêu tả qua quan niệm văn chương trung đại về con người. Trong văn học cận, hiện đại người ta sẽ không miêu tả con người như thế nữa. Thơ, nhân vật nữ trong Con đường sáng của Hoàng Đạo được tả qua cảm thụ của nhân vật Duy: Cô có hai bàn tay nhỏ và trắng, những ngón tay thon thon hình búp hoa ngọc lan, những ngón tay đặt lên trán chàng sẽ làm dịu mọi vết thương, có đôi mắt trong và thơ ngây dưới hàng mi dài đen, một cái nhìn đủ khiến chàng chìm đắm vào trong biển êm dịu. Còn cặp môi, cặp môi thắm đương mỉm một nụ cười ý nhị, chàng ngây ngất muốn đặt một cái hôn nồng nàn say sưa. Nhà văn Nam Cao lại vẽ chân dung Thị Nở một cách khác, ông tả thị rất xấu xí, rồi kết: Nếu má thị phinh phính thì mặt thị được hao hao như mặt lợn (Chí Phèo).Đi tìm các nguyên tắc nghệ thuật ở đằng sau chi phối sự miêu tả con người như thế là nhiệm vụ của thi pháp học. Các nguyên tắc này không phải chỉ thuộc về một vài ví dụ đơn lẻ, mà phải thuộc về một chỉnh thể nghệ thuật như đã nói trên. Ở đây có nguyên tắc thuộc về cá tính của nhà văn, có nguyên tắc thuộc về một trào lưu văn học, có nguyên tắc thuộc về một thời kì văn học. Nhà văn có thể tự giác hay không tự giác trong việc đi theo một truyền thống, cũng có khi nhà văn chủ động thay đổi một quan niệm nghệ thuật nào đó, nhưng bao giờ hình thức nghệ thuật cũng được hậu thuẫn bởi một quan niệm nhất định.

  1. Nội hàm của quan niệm nghệ thuật về con người.

Quan niệm (từ tiếng latinh conceptio, có nghĩa là ý tưởng, quan niệm) là sự lí giải, cắt nghĩa, sự hiểu, khái niệm về thế giới và con người. Theo từ điển Bách khoa online tiếng Nga nó có hai nghĩa: 1. Hệ thống các quan điểm gắn bó nhau, nảy sinh từ nhau đối với một hiện tượng nào đó. Ví dụ quan niệm khoa học, Xác lập một quan niệm. 2. Ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm, trước tác. Ví dụ, quan niệm của bài báo, quan niệm nghệ thuật của tiểu thuyết.[1] Hầu hết các nhà nghiên cứu Nga đều hiểu quan niệm nghệ thuật theo nghĩa 2, còn trong công trình này chúng tôi hiểu theo nghĩa 1, tức là đi tìm cái quan niệm, tức hệ thống những cái nhìn, quan điểm có tính chất nghệ thuật đối với con người trong văn học. Có nhiều thứ quan niệm: quan niệm có tính triết học, quan niệm có tính tôn giáo, quan niệm có tính chính trị hay có tính khoa học. Các quan niệm ấy vào lúc nào đó có ảnh hưởng, chi phối sự miêu tả nghệ thuật, song quan niệm nghệ thuật là cái quan niệm (cái nhìn) đã hoá thân thành hình thức nghệ thuật[2], không còn là quan niệm trừu tượng chỉ có tính khái niệm thuần tuý. Quan niệm nghệ thuật về con người nói ở đây là một loại nội dung, cái lí, cái logic của sự miêu tả về con người, tức là nội dung của riêng hình thức. Nó trả lời câu hỏi vì sao nhà văn lại miêu tả con người như thế, chọn chi tiết như thế. Chớ lầm với nội dung tư tưởng của bản thân nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, nếu phân tích, đi tìm các phẩm chất của nhân vật, tư tưởng của nhân vật, lí tưởng, mục đích hoạt động của nhân vật, thì đó là tư tưởng của nhân vật, chứ không phải quan niệm nghệ thuật về nhân vật.

Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người là nó chỉ ra một giới hạn trong nhận thức, cảm thụ và miêu tả về con người của văn học. Nhà văn không thể miêu tả nhân vật, con người ngoài tầm nhìn của mình. Chẳng hạn khi viết: Làn thu thuỷ nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh là một quan niệm về vẻ đẹp gián tiếp, cũng như tả Kiều tắm mà viết :Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên, thì vẫn là quan niệm một vẻ đẹp ẩn dụ, gián tiếp, lấy vẻ đẹp thiên nhiên, ngọc ngà cao quý mà tả người đẹp, tránh lối miêu tả trực tiếp mà nhà văn lúc ấy cho là dung tục. Còn nếu so với chân dung của Thơ trong Con đường sáng thì quan niệm một vẻ đẹp khác, một giới hạn khác trong miêu tả về con người như thật. Nhà văn đã bỏ lối tả gián tiếp để ngắm nhìn cô gái trong vẻ đẹp trần thế, thế tục.

Quan niệm nghệ thuật về con người biểu hiện ở trên nhiều bình diện. Trước hết là bình diện thân thể, bởi thân thể là nền tảng của tồn tại người. Có thể nói không có thân thể thì không có miêu tả nghệ thuật. Nhưng thân thể trong văn học có thể được thể hiện theo quan quan niệm thần thoại, tôn giáo, chính trị, thẩm mĩ, tâm sinh lí, qua phương diện kinh tế, tiêu dùng hay quan niệm y học. Nhưng quan niệm nghệ thuật thường có nội hàm triết lí nghệ thuật. Xem Thi pháp Truyện Kiều (2002) của tôi sẽ thấy, nhân vật chính trong truyện có tính chất của con người vũ trụ, con người duy lí, con người tỏ lòng, nhưng nổi bật hơn hết là con người tâm lí, nó làm cho tiếng nói nghệ thuật đạt được một chiều sâu mới mà tác phẩm đương thời ít ai vươn tới được. Tuy vậy văn học trung đại là giai đoạn nặng vè chủ nghĩa cấm dục, thân thể bị che giấu và miêu tả theo các quy phạm. Văn học cận hiện đai miêu tả thân thể theo quan niệm chính trị. Thân thể là phương diện để trừng trị, hành hạ, càm tù. Văn học cách mạng nhấn mạnh con người phải hiến thân cho sự nghiệp giải phóng. Phải đến sau này thân thể mới được miêu tả trong tất cả các chiều kích: tự nhiên, xã hội, giới tính, tiêu dùng, thời thượng

Con người có thể được quan niệm về mặt địa vị, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác. Nhưng quan niệm nghệ thuật về con người thường khái quát hơn, vượt qua ranh giới nghệ nghiệp, tuổi tác. Chẳng hạn nhân vật Santiago trong Ông già và biển cả của Hemingwaykhông phải nói về ông già, không nói về nghề đánh cá đại dương. Quan niệm nghệ thuật ở đây biểu hiện ở con người tự ý thức về số phận và sức mạnh của nó.

Con người có thể được thể hiện qua hành động hoặc tâm lí, ý thức, có thể cả hai mặt hoặc chỉ một trong hai mặt đó.

Con người có thể được quan niệm qua giao tiếp, các từ ngữ xưng gọi như ông, anh, chị, bà, mày, tao, tớ, đứa, hắn, va, thị, y, chàng, nàng, ngài, đấng,bậc. Mõi cách xưng gọi mở ra một hướng miêu tả. Nếu gọi là chàng, nàng thí con người được miêu tả ngang hàng, thân mật, bình thường với người đọc. Còn nếu xưng gọi bằng hắn thì nhân vật được quan niệm thấp kém hơn con người bình thường. Nếu gọi là người hoặc ngài thì đó là con người cao hơn người thường hoặc có ý vị mỉa mai.

Con người có thể được hình dung qua các phương thức tu từ nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, nghịch dị, cái gì so với cái gì, qua hệ thống các chi tiết (motiv) nghệ thuật về tư thế, dáng điêu, động tác, màu sắc. Ví dụ trong tập thơ Gió lộng Tố Hữu luôn miêu tả những người trên đường cách mạng có dáng đi tới, bay lên, vươn ngực, đứng thẳng, sáng như saocủa con người tự do, còn kẻ thù thì được tả như loài cú vọ, loài sên, loài man rợ, bọn ngu hèn, theo lối đối lập có tính chính trị.(Xem: Thi pháp thơ Tố Hữu, 1987).

Các thể loại văn học khác nhau có sự thể hiện con người khác nhau, vì phương tiện nghệ thuật của chúng khác nhau.

Quan niệm nghệ thuật về con người hướng tới xem xét quan niệm chủ thể của người sáng tác đối với con người được miêu tả. Nghiên cứu văn học trước nay rất coi trọng nhân vật, nhưng thường xét nó từ phương diện khách thể, xem nhân vật khái quá nội dung gì, giai tầng nào của xã hội. Quan niệm nghệ thuật về con người là cách tiếp cận xem xét tính chủ thể trong việc xây dựng nhân vật, đó là một bình diện mới. Quan niệm nghệ thuật không phải đơn giản là vấn đề quan niệm về nhân vật cụ thể, mà là quan niệm về con người nói chung, như một phạm trù khái quát, qua đó mà miêu tả nhân vật cụ thể. Bởi vì văn học bao giờ cũng muốn nói một điều gì chung về con người, chứ không phải về nhân vật cụ thể. Nhân vật cụ thể chỉ là sản phẩm sáng tạo hư cấu, thường chỉ có ý nghĩa như một kí hiệu với nội dung cụ thể, còn quan niệm nghệ thuật có thể hiểu như là nghĩa, mô hình về con người của nhà văn..

Còn như nếu muốn tìm hiểu thi pháp nhân vật, thì đó cũng là nhân vật như một yếu tố của hệ thống nghệ thuật, có ý nghĩa thể hiện một chiều sâu khái quát nghệ thuật, chứ không phải là các cách thức miêu tả nhân vật cụ thể nào đó. Nhân vật với ý nghĩa cụ thể đó không phải là đối tượng của thi pháp học.

Người ta chia các nhân vật ra làm các loại hình như: chính, phụ, chính diện, phản diện. Người ta còn phân biệt loại hình nhân vật dẹt và nhân vật tròn, tức là phiến diện, nghèo nàn hay đầy đặn, đa diện (E.M. Forster). Có người phân biệt nhân vật tĩnh, nhân vật động (T. Docherty). Về mặt cấu trúc có người chia ra nhân vật mặt nạ, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng (L. Ginzburg). Những cách hình dung về chức năng và cấu tạo của nhân vật trong hệ thống hình tượng tự sự như thế cũng đã thể hiện ý thức về loại hình hình tượng nhân vật của nhà văn, song vẫn còn chưa đề cập quan niệm của nhà văn về con người, tức là các nguyên tắc lý giải, cảm thụ của chủ thể trong hình tượng con người.

Như vậy quan niệm nghệ thuật về con người đặt ra một bình diện mới cho thi pháp học, tức là cach miêu tả con người bằng phương thức nghệ thuật.

1.3. Cơ sở xã hội, lịch sử, văn hoá của quan niệm nghệ thuật về con người.

Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức đặc thù thể hiện con người trong văn học. Đó là những nguyên tắc cảm thấy, hiểu biết và miêu tả con người trong văn học. Nhưng các nguyên tắc đó có cơ sở sâu xa trong thực tế lịch sử. Marx từng nói đại ý: khi con người nguyên thủy chưa chinh phục được thiên nhiên thì họ tưởng tượng ra các thần, nhưng khi đã sáng tạo được thuốc súng, máy in thì họ sẽ không tưởng tượng về các thần như Hephaistos hay Apolon nữa. Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx nói: Trong tất cả các hình thái xã hội có trước chủ nghĩa tư bản các đặc điểm chung về đẳng cấp và tầng lớp được từng cá nhân riêng lẻ thời đó cảm nhận như là cá tính không thể tách rời (bẩm sinh) của họ. Ngược lại, Trong các xã hội có sự thống trị của tư hữu ruộng đất, thì các quan hệ tự nhiên chiếm ưu thế. Nơi nào tư bản thống trị thì các yếu tố được tạo thành bằng phương thức xã hội và lịch sử chiếm ưu thế[3]. Hiểu như vậy thì quan niệm nghệ thuật về con người xét về quy luật xã hội là một sản phẩm của lịch sử. Tất nhiên trong mỗi thời đại không chỉ có một mà có một số quan niệm nghệ thuật về con người khác nhau có tính ý thức hệ.

Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hoá, tư tưởng. Quan niệm con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong đó thể hiện sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác[4]. Cho nên dù quan niệm con người trong mỗi thời có thể đa dạng, nhưng vẫn mang dấu ấn của quan niệm thống trị trong thời ấy. Chẳng hạn, thời trung đaị phương Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo của Chúa trời; từ thời Phục Hưng đến Khai Sáng thì con người được xem là sản phẩm của tự nhiên tức là con người trần thế, đã được giải phóng khỏi các gọng kìm của giáo hội và đạo đức đẳng cấp, chủ nghĩa cấm dục mà tự làm chủ bản thân mình. Từ thế kỷ XIX thì con người được xem là sản phẩm vừa của tự nhiên vừa của xã hội, nhưng do hoàn cảnh xã hội quy định. Nửa cuối thế kỉ XIX F. Nietzsche tuyên bố Chúa đã chết, con người tự định lấy số phận của mình.

Nhưng sang thế kỉ XX quan niệm con người hoàn toàn do hoàn cảnh qui định được nhìn lại, tính chủ thể của nó được đề cao. Đến xã hội hậu công nghiệp với sự xuất hiện của tư trào hậu hiện đại, vị thế của con người lại bị lật ngược! Con người mà trước đây được coi là chúa tể của muôn loài, con người lí tính, bị tuyên bố là đã chết.

Quan niệm con người chính là sự khám phá về con người bằng nghệ thuật. Nó phản ánh cấu trúc của nhân cách con người và các hình thức phức tạp tương ứng trong quan hệ con người đối với thế giới[5]

Nhưng nếu chỉ chịu sự quy định của lịch sử, xã hội, văn hoá thì văn học làm sao phong phú được?

Quan niệm nghệ thuật về con người tất nhiên cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn đầy tính phát hiện độc đáo của nghệ sĩ. Đây là điều đã được phổ biến công nhận.

Trong các thể loại văn học khác nhau, do chức năng của hệ thống phương tiện biểu hiện khác nhau, quan niệm nghệ thuật về con người cũng có sự khác nhau quan trọng. Đó là những điểm cơ bản cần thiết trước khi đi sâu vào tìm hiểu các biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người.

1.4. quan niệm nghệ thuật về con người và sự phát triển của nghệ thuật

Nhiều nhà nghệ sĩ đã khẳng định rất đúng rằng một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với con người mới[6], với cách hiểu mới về con người hoặc bắt đầu bằng việc suy nghĩ lại các khám phá nghệ thuật của những người đi trước. Có người còn nhấn mạnh hơn: Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật [7]. Nhưng ở đây cần phần phân biệt: con người mới xuất hiện trong thực tế là một chuyện, mà sự suy nghĩ mới về con người ấy lại là một chuyện khác. Quả là sự vận động của thực tế làm nảy sinh những con người mới, và miêu tả những con người thực tế ấy sẽ làm văn học đổi mới. Nhưng còn có một khía cạnh khác nữa là đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm cho văn học đổi thay căn bản. Trong lịch sử văn học việc sử dụng lại các đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến. Shakespeare, Racine hầu như chẳng sáng tạo, hư cấu ra cốt truyện và nhân vật nào mới. Cốt truyện và nhân vật của họ đều vay mượn trong truyền thuyết, lịch sử hoặc huyền thoại, nhưng cách giải thích và cảm nhận của họ là mới, tạo thành tiếng nói nghệ thuật mới. Cũng vẫn là con người đã biết, nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ khác cũng tạo thành quan niệm nghệ thuật mới.

Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn không phải là bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải nào về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người. Mà chỉ ở trong giới hạn đó mới có khác biệt với các quan niệm thông thường và mới có tính sáng tạo. Do đó người ta có thể tiến hành so sánh các tác phẩm văn học khác nhau trên giới hạn tối đa đó mà hiểu được mức độ chiếm lĩnh đời sống của các hệ thống nghệ thuật. Chẳng hạn so sánh thi pháp của hai nhà văn Nga L.Tolstoi và F. Dostoievski, M. Bakhtin đã nhận thấy L.Tolstoi là bậc thầy phân tích tâm lý, ông đã phát hiện ra quy luật biện chứng cuả tâm hồn, miêu tả quá trình phát sinh, phát triển, chuyển hoá của các tình cảm, tư tưởng của con người. Con người như những gìong sông. Dostoievski thì không thế. Ông ghét tâm lý học đương thời và đi sâu vào bệnh lý học tâm thần và phát hiện các hiện tượng phi lôgíc, lạ lùng, không nhất quán, những hiện tượng không thể giải thích được bằng quan niệm tâm lý học hiện hành đương thời. con người trong tiểu thuyết của ông là con người ý thức, không phải nhân vật khách thể như nhân vật của Gogol[8].

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm luôn là một góc nhìn hướng vào con người trong một chiều sâu nào đó của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn vốn có của một hiện tượng văn học. Những tác phẩm minh hoạ, sử dụng nhân vật như những con cờ trên ván cờ tư tưởng tất nhiên rất xem nhẹ việc khám phá về con người tâm lí, tác giả của chúng, bằng lòng với một quan niệm thông dụng nào đó, do đó nội dung nhân văn trong sáng tác của họ thường nghèo nàn. Văn học xô viết thời kì đầu đã có người chủ trương bỏ phân tích tâm lí[9]. Nghệ sĩ đích thực là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành tựu của họ.

Quan niệm nghệ thuật về con người là hệ quy chiếu nội tại của chủ thể trong cảm nhận con người, phần nào gợi nhớ tới khái niệm hệ hình, mẫu gốc trong tâm phân học văn học, nhưng nó là một hướng nghiên cứu hoàn toàn khác bởi nó chỉ đề cập tới một khía cạnh của vô thức tập thể. Nghiên cứu mẫu gốc là truy tìm cội nguồn của hình tượng, ngược lên đến thần thoại, tô tem, những hình mẫu tối sơ vẫn còn được nhắc laị trong vô thức cộng đồng đời sau. Chẳng hạn Anh em nhà Caramazov của Dostoievski, Hăm lét của Shakespeare và Ơđíp làm vua của Sophocles có chung một mẫu gốc ở ám ảnh giết cha. Nhưng quan niệm nghệ thuật về con người xét trong toàn bộ là quan niệm sáng tạo, đổi mới, nó hướng về tương lai, là quan niệm độc đáo không thể lặp laị.


  • [1] Từ điển về những biểu đạt Словарь многих выражений cũng có nội dung tương tự.

[2] Từ điển mĩ học, A. A. Belaiev chủ biên, nxb Chính trị quốc gia, M., 1989, Mục từ Quan niệm nghệ thuật.hỉeu quan niệm nghệ thuật là nội dung của hình tượng nghệ thuật., tức quan niệm về nhân cách con người. Chúng tôi đã có bài bàn về khái niệm này. Xem: Vấn đề quan niệm nghệ thuật trong nghiên cứu hiện nay, Tạp chí văn học, số 1/1991. In trong sách: Lí luận và phê bình văn học, nxb Hội nhà văn, lần 1, năm 1996; nxb.Giáo dục, in lần thứ 5, năm 2015.

[3] K. Marx và F. Engels, Tác phẩm, t. 3, Hệ tư tưởng Đức, tr. 77, 733, tiếng Nga.

[4] Hoàng Trác Việt. Hệ hình tâm lí trong nghệ thuật, Bắc Kinh, 1992.

[5] G. Fridlender, Thi pháp chủ nghĩa hiện thực Nga, Leningrad, 1971, tr. 80.

[6] Johanese Becher, Thơ của tôi tình yêu của tôi, M., 1965, tr. 68.

[7] V. Sherbina, Quan niệm con người trong văn học thế kỉ XX, M., 1964, tr.3

[8] Bakhtin M. M. Những vấn dề thi pháp Dostoievski, nhiều người dịch, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1993.

[9] V. V. Kompaneetz. Nghệ thuật phân tích tâm lí trong văn xuôi xô viết những năm 20, nxb Khoa học, Lenỉngad, 1980.

Quảng cáo

Share this:

Có liên quan

  • 1. NGÔN TỪ VĂN HỌC LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG NGHỆ THUẬT
  • Tháng Mười Hai 24, 2021
  • NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT (tiếp)
  • Tháng Mười Hai 26, 2021
  • NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT (3, tiếp)
  • Tháng Một 1, 2022