So sánh sữa nutramigen và pregestimil năm 2024

Sữa có 3 chất đa lượng chính (chất đa lượng là chất mang lại năng lượng và cấu trúc chính để bé phát triển), đó là: Đường bột, đạm và chất béo. Trong đó thành phần hay làm bé dị ứng nhất là Đạm. Các nhà khoa học đã tìm ra cách để làm giảm khả năng gây dị ứng của sữa bằng cách thay đổi thành phầm Đạm này. Vậy làm sao để thay đổi Đạm?

  • Thay đổi hẳn loại đạm trong sữa: người ta từng nghĩ rằng bé dị ứng đạm sữa bò, thì mình thay sữa khác bé sẽ không dị ứng nữa (thay đổi hoàn toàn thành phần đạm thành loại khác). Ví dụ như thay vì dùng sữa bò, người ta dùng sữa dê, sữa đậu nành… Nhưng KHÔNG!!! Các nhà khoa học không hề khuyến khích dùng sữa dê, sữa đậu nành, sữa hạt… cho các bé dị ứng đạm sữa bò. Lý do là gì?
    • Sữa đậu nành: Xét về khả năng dị ứng thì tùy bé. Đối với các bé dị ứng thông qua IgE thì khoảng 85% các bé này có thể uống được sữa đậu nành. Tuy nhiên các bé dị ứng không thông qua IgE thì chỉ 60% các bé uống được. Vì vậy DRACMA vẫn không khuyên dùng sữa đậu nành cho các bé DƯĐSB. Tuy nhiên, bé nào đang uống sữa đạm đậu nành được và vẫn phát triển tốt thì không nhất thiết đổi sang sữa TPTP.
    • 92% các bé dị ứng đạm sữa bò cũng dị ứng với sữa dê. Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu để tìm ra các phản ứng dị ứng chéo với sữa các loại động vật có vú, và kết quả là:
      • Nguy cơ dị ứng chéo cao nhất với: sữa cừu, dê, trâu, nai
      • Nguy cơ dị ứng thấp hơn với: sữa lừa, ngựa, tuần lộc
      • Không có nguy cơ dị ứng với: sữa lạc đà, heo

Như vậy, để giảm nguy cơ dị ứng, các bé có thể dùng sữa lạc đà, hoặc sữa heo. Nhưng mà thị trường có sữa này không thì Khánh không biết nha. Bởi vậy, họ lại nghĩ ra các cách để thay đổi thành phần đạm khả thi hơn, có là cách sau đây.

  • Thủy phân đạm sữa: Nói nôm na “thủy phân” là một quá trình cắt nhỏ chuỗi protein, giúp nó giảm nguy cơ gây dị ứng cho bé. Và thủy phân “1 phần” hay “toàn phần” là nói về mức độ thủy phân và siêu lọc của quá trình này. Khả năng gây dị ứng càng ít khi mức độ thủy phân và siêu lọc càng tăng. Tại Mỹ và Canada, một loại sct được gọi là giảm nguy cơ dị ứng (hypoallergenic) khi nó chứng minh được ít nhất 90% trẻ DƯĐSB không có triệu chứng dị ứng khi dùng sữa.
    • Sữa TP1P: Chứa các oligopeptides, TLPT từ 3,000 – 10,000 Da. Tại Mỹ, sữa TP1P không được xem là sữa giảm nguy cơ dị ứng vì nó vẫn chứa các chuỗi peptides lớn, gây dị ứng cho trẻ nên không khuyến cáo dùng cho trẻ DƯĐSB. Tuy nhiên, đối với trẻ có nguy cơ dị ứng, sữa TP1P (và kể cả sữa TPTP) có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm trễ thời gian khởi phát tình trạng viêm da dị ứng, sữa TPTP vẫn hiệu quả hơn TP1P trong việc ngăn ngừa này.
    • Sữa TPTP: Chứa các peptides có TLPT dưới 3,000 Da. Có 3 loại sữa TPTP trên thị trường Mỹ là Alimentum, Nutramigen và Pregestimil, đây được xem là sữa giảm nguy cơ dị ứng (hypoallergenic), được sử dụng cho bé DƯĐSB. Nó chứa các chuỗi peptides đủ nhỏ để không gây dị ứng cho ít nhất 90% các trẻ. Các loại sữa TPTP hiện nay thường kèm theo free-lactose hoặc được bổ sung thêm MCT (Triglycerides chuỗi trung bình), nên nó có thể còn được dùng trong các tình trạng kém hấp thu đường tiêu hóa do xơ nang, hội chứng ruột ngắn, tiêu chảy kéo dài hoặc bệnh lý gan mật.
    • Sữa Amino acid: như Neocate, Elecare, Puramino (trước đây gọi là NutramigenAA), là loại sct được xem như không gây dị ứng (nonallergenic). Tuy nhiên nhược điểm là giá đắt và rất khó uống.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Điều QUAN TRỌNG cần lặp lại 3 lần.

Lựa chọn đầu tiên: SỮA MẸ!!!

Về ưu điểm của sữa mẹ so với sữa khác thì không cần bàn cãi rồi, mặc dù Khánh bán sct thiệt, nhưng mà phải khẳng định một điều là sct chỉ cố gắng làm giống sữa mẹ nhất có thể thôi, nhưng đồ pha-ke thì mãi mãi đâu bằng đồ auth được đúng hông các bạn. Bởi vậy, đừng có tự nhiên con đang uống sữa mẹ ngon lành không bị gì hết mà cho nó đi uống sct nha. À thôi đi hơi xa rồi, quay lại nào!

Câu hỏi trước giờ Khánh cũng hay hỏi:

Tại sao người cũng là động vật có vú, mà sữa mẹ không bị dị ứng, còn sữa bò thì bị dị ứng?

Vì sữa mẹ nó không giống sữa bò lắm đâu các bạn, thành phần sữa mẹ khác với sữa các động vật khác là không chứa beta-lactoglobulin. Nói nghe cho sang vậy thôi chứ Khánh cũng chưa tìm hiểu xem nó là cái gì, để tìm hiểu rồi bổ sung sau nghen. Chỉ đại loại là biết nó không giống sữa khác nên nó không gây dị ứng thôi haha. Nhưng mà nói chứ vẫn có một số đặc điểm protein mà sữa mẹ giống sữa bò, nên vẫn có một số case dị ứng với sữa mẹ các bạn nhé (mà ít ai nghiên cứu cái này nên có thể kết luận chưa được rõ ràng lắm). Tuy nhiên sữa mẹ vẫn có thể gây dị ứng nếu có một lượng nhỏ đạm sữa bò được tiết vào sữa mẹ (do mẹ có uống sữa bò), nên mặc dù sữa mẹ bản chất nó ko gây dị ứng, nhưng chế độ ăn của mẹ vẫn làm bé dị ứng.

Mẹ có cần kiêng đạm sữa bò khi cho con bú mẹ hay không?

Nếu mẹ không kiêng uống sữa bò mà con bú không có triệu chứng gì, vẫn phát triển tốt, thì mẹ không cần kiêng.

Tuy nhiên, nếu con vẫn có dị ứng sữa mẹ khi mẹ không kiêng sữa, thì mẹ nên thử kiêng sữa xem có cải thiện triệu chứng của con hay không, vì đạm sữa bò vẫn tiết một chút vào sữa mẹ làm con bị dị ứng (chứ ko phải nói về bản thân sữa mẹ làm con dị ứng). Lưu ý một chút, nếu mẹ phải kiêng sản phẩm từ sữa (sữa bò, phô mai, sữa chua…) thì mẹ sẽ có nguy cơ thiếu Canxi cho mẹ (chứ con thì không sợ thiếu, vì lượng Canxi trong sữa mẹ không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn của mẹ). Vì vậy mẹ nên bổ sung Canxi dạng thực phẩm chức năng liều 1000 mg/ngày nếu phải kiêng sữa nhé.

SỮA CÔNG THỨC cho bé DƯĐSB

Sữa mà bé DƯĐSB được dùng là các loại sữa giảm nguy cơ dị ứng – hypoallergenic, bao gồm: Sữa TPTP (eHFs) và sữa Amino Acid (AAFs). Phần lớn các bé cải thiện triệu chứng với sữa TPTP rồi, nên lựa chọn đầu tiên khi bé DƯĐSB mà không đủ sữa mẹ là Sữa TPTP.

Ngoài ra, vẫn có một số trẻ không uống được sữa TPTP, các trẻ này sẽ cần đến sữa Amino Acid. Những trường hợp trẻ cần dùng sữa Amino acid:

  • Trẻ DƯĐSB thông qua IgE, có nguy cơ cao phản vệ, chưa từng dùng sữa TPTP
  • Trẻ bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE)
  • Trẻ dùng sữa TPTP mà vẫn có triệu chứng dị ứng
  • Trẻ dùng sữa TPTP mà vẫn tăng trưởng kém

Một lựa chọn khác mà các nước châu Âu hay sử dụng là: sữa gạo TPTP (eRHF). Cần lưu ý rằng, tại châu Âu có nhiều hãng sữa dán nhãn “hypoallergenic” nhưng nó chỉ được TP1P, không dùng được cho bé DƯĐSB.

Trẻ trên 1 tuổi dùng sữa như thế nào?

Các bé DƯĐSB trên 1 tuổi vẫn được khuyến cáo dùng tiếp sữa mẹ hoặc sct cho trẻ dị ứng đến lúc 2 tuổi. Trẻ có thể dùng các loại sữa hạt, nước trái cây dạng tăng cường dinh dưỡng nhưng cần có can thiệp dinh dưỡng, vì một số loại dù được tăng cường dinh dưỡng nhưng vẫn không đủ theo nhu cầu của trẻ, thông thường hay bị thiếu chất béo và một số loại protein động vật. Sữa đậu nành hiện nay thường được tăng cường thêm vitamin D và Canxi rồi, nên nếu khi mua mà đọc kĩ thành phần, trẻ sẽ khó bị thiếu 2 chất này, tuy nhiên sữa đậu nành thường không được tăng cường thêm chất béo, có thể bạn sẽ cần bổ sung chất béo dạng dầu thực vật vào bữa ăn cho trẻ nhé.

Chỗ này vẫn còn sữa gạo, sữa hạt ngũ cốc, nước trái cây… nữa. Mà đang viết tới 3 giờ sáng rồi, lười đọc bài quá, thôi ghim ở đây rồi bữa nào đọc tiếp dịch bổ sung vô sau nghen.

Các bạn nhớ lưu ý một điều, nếu lớn mà bé còn dị ứng, các bạn sẽ có thói quen lựa chọn thực phẩm dán nhãn “dairy-free” nghĩa là “không chứa sữa” cho bé, tuy nhiên nó vẫn sẽ có nguy cơ gây dị ứng, vì có thể đúng là nó không trực tiếp dùng sữa để sản xuất, nhưng vẫn có protein sữa thông qua các thành phần bổ sung khác. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất vẫn có thể dùng chung với các thiết bị sản xuất sữa, nên khi dùng các bạn cần cẩn thận khi thử cho bé nhé.

Zeiger, R S et al. “Soy allergy in infants and children with IgE-associated cow’s milk allergy.” The Journal of pediatrics vol. 134,5 (1999): 614-22. doi:10.1016/s0022-3476(99)70249-0

Sicherer SH: Food allergy, Lancet 360:701–710, 2002.

Katz, Yitzhak et al. “Cross-sensitization between milk proteins: reactivity to a “kosher” epitope?.” The Israel Medical Association journal : IMAJ vol. 10,1 (2008): 85-8.

American Academy of Pediatrics. Committee on Nutrition. Hypoallergenic infant formulas. (2000). Pediatrics, 106(2 Pt 1), 346–349

Vandenplas, Yvan et al. “An extensively hydrolysed rice protein-based formula in the management of infants with cow’s milk protein allergy: preliminary results after 1 month.” Archives of disease in childhood vol. 99,10 (2014): 933-6. doi:10.1136/archdischild-2013-304727

——————————–

Những thông tin trong bài đều có nghiên cứu, đa số lấy từ textbook nên Khánh ko dẫn nghiên cứu, còn cái nào đọc nghiên cứu mới thì Khánh có dẫn nghiên cứu ở phía dưới cùng của bài. Nhưng mà trình độ đọc nghiên cứu của Khánh cũng chưa có giỏi lắm, chưa đủ để nhận xét toàn diện một nghiên cứu nó có ưu khuyết điểm gì, so sánh với nghiên cứu khác ra sao nên có khi sẽ bị lỗi trong bài. Bạn nào phát hiện lỗi nhớ nhắn Khánh sửa nha.

Những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi người là một cá thể khác nhau, có tình trạng cơ thể và bệnh lý đều khác nhau. Y học là thường xuyên thay đổi và cần phải cập nhật thường xuyên. Kiến thức Khánh ghi hôm nay, có khi ngày mai trên thế giới lại có nghiên cứu mới làm cho những gì Khánh viết trở nên lỗi thời. Vì vậy, Khánh mong rằng những gì Khánh viết sẽ giúp các mẹ phần nào chuẩn bị tâm lý, chứ các bạn đừng dùng nó để can thiệp vào việc điều trị của bác sĩ, cũng như đánh giá bất cứ một nhân viên y tế nào. Chỉ có bác sĩ điều trị cho bé là rõ nhất về tình trạng của con, và biết rõ nhất mình đang làm gì và cần làm gì nhất cho bé. Nếu có gì thắc mắc, các bạn hãy hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị của bé nhé. Hãy nhớ rằng thông tin trên mạng chỉ dùng để tham khảo thôi.