Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai

[alert style=”danger”]

Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông ca ngợi tài năng, đạo đức của người dân lao động, đồng thời bóc trần bản chất xấu xa của những kẻ gian tham, hung hiểm.

Câu chuyện này được kể lại theo truyện thơ Nôm Thạch Sanh (khuyết danh), ra đời khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, gồm 1812 câu thơ lục bát.

[/alert]

1. Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão nhà nghèo kiếm ăn bằng nghề đốn củi. Tuy tuổi đã 60 mà ông lão vẫn chưa có con nối dõi. Mặc dù đã nghèo khổ, hai vợ chồng ông lão ngày ngày vẫn hay giúp đỡ mọi người chẳng hề quản ngại vất vả nên được nhân dân xa gần đều ngợi khen. Cảm thấu tấm lòng nhân đức [1] của hai vợ chồng ông lão, Ngọc Hoàng [2] bèn sai thái tử [3] xuống đầu thai làm con.

Sau ba năm chín tháng, khi bà vợ sinh được một đứa con trai thì ông chồng đã qua đời. Đứa bé sinh ra trông khôi ngô tuấn tú, vừa lọt lòng mẹ đã biết đứng biết ngồi, bà liền đặt tên cho con là Thạch Sanh và tháng ngày gắng gượng rau cháo nuôi con.

Năm Thạch Sanh lên bảy thì bà cũng qua đời. Thạch Sanh sống lủi thủi một mình bên một gốc cây đa, với cả gia tài chỉ có một chiếc rìu và lại tiếp tục nghề của cha mẹ hàng ngày vào rừng đốn củi để nuôi thân. Năm mười ba tuổi, Sanh được Ngọc Hoàng phải một ông tiên vào loại giỏi nhất trên thiên đình [4] xuống dạy cho các môn võ nghệ và đủ mọi phép thần thông [5].

2. Một hôm, có gã hàng rượu tên là Lý Thông đi qua ngồi nghỉ mát ở gốc đa. Thấy Sanh là người có sức vóc khác thường, đoán là người được việc, Thông bèn lân la gạ chuyện rồi ngỏ ý muốn kết nghĩa anh em. Vốn lòng ngay dạ thẳng, Sanh vui vẻ nhận lời và về ở với Lý Thông.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Từ đó, được Thạch Sanh ra sức đỡ đần, mẹ con Lý Thông làm ăn buôn bán ngày càng giàu có. Thấm thoắt đã bảy năm qua.

Hồi ấy, ở trong vùng có một con Xà tinh [6], vốn là loài rắn đã thành tinh, chuyên phá phách, nhũng nhiễu nhân dân và bắt người ăn thịt. Quan quân triều đình nhiều lần kéo đến vây bắt nhưng không trừ nổi. Nhà vua dành bắt dân chúng lập miếu thờ và mỗi năm đem cúng cho nó một mạng người. Năm ấy không may đến lượt Lý Thông phải nộp mạng.

Nghe tin dữ, mẹ con hắn vô cùng hoảng hốt lo sợ, nhưng sau bàn mưu tính kế nghĩ ra một kế hiểm độc. Hôm đó, chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về, hắn giả mượn cớ giỗ cha, bày ra một mâm rượu thịt e hề, rồi cả hai mẹ con mời mọc chàng ân cần.

Sau đó, hắn nói với Thạch Sanh: “Đêm nay đến phiên anh phải đi canh miếu thờ để kiểm tra lại đĩa vàng chén ngọc theo lệnh nhà vua, ngặt vì dở cất mẹ rượu, vậy em chịu khó đi thay cho anh một đêm, đến sáng lại về”. Thạch Sanh không nghi ngờ gì cả, thuận đi ngay.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Sẩm tối hôm ấy, sau khi vượt qua mấy dặm rừng hoang tới miếu thờ, Thạch Sanh giở cơm nắm ra toan ăn thì Xà tinh hiện ra hình thù kì dị, nhe nanh giơ vuốt định vồ lấy chàng. Thạch Sanh liền vung rìu đánh nhau với yêu quái. Xà tinh giở ra nhiều phép biến hóa yêu mà, nhưng đều bị Thạch Sanh phá hết. Sau chàng dùng phép thần, tung lưới sắt bủa vây, lập tức con yêu quái phải hiện nguyên hình là một con trăn cực lớn, Thạch Sanh vung thần đao, chém chết, rồi cắt lấy đầu và đốt xác yêu quái.

Xác Xà tinh vừa cháy xong bỗng biến ra một bộ cung tên bằng vàng. Sanh mừng rỡ nhặt lấy cung tên và xách đầu yêu quái chạy thẳng một hơi về nhà.

Lý Thông vốn là đứa hiểm sâu thấy vậy dọa Thạch Sanh rằng Xà tinh là của vua nuôi để làm của báu nước nhà, giết nó đi thì bị tội chém đầu chẳng chơi, và khuyên Sanh nên trốn ngay đi kẻo vạ lây cả nhà, còn có chuyện gì thì mặc hắn lo liệu.

Tưởng thật, Sanh vội vã đi ngay và trở về sống ở gốc đa, mặc cho năm tháng trôi qua, nghĩ mình phận hẩm mong gì gặp may. Còn Lý Thông thì vội vào kinh tâu vua là hắn đã chém được đầu yêu quái. Vua kinh ngạc, sai quân đi khiêng đầu yêu quái về, bấy giờ mới tin là thực và hết lời ngợi khen, phong cho Lý Thông làm quan đô đốc [7] trong triều và cho hưởng lộc [8] nước rất hậu [9].

3. Cũng trong thời gian này, nhà vua làm lễ kén chồng rất long trọng cho công chúa Quỳnh Nga, con gái độc nhất của vua. Lễ kén chồng kéo dài nhiều đợt, nhưng nàng vẫn không ưng ý một người nào. Kể cả thế tử [10] các nước chư hầu cũng không ai làm đẹp lòng nàng cả.

Một hôm, công chúa dạo chơi trong vườn hoa, chẳng may bị một con Đại bàng bay ở trên cao xuống quắp bay đi. Lúc ấy, Thạch Sanh đang thẩn thơ bên gốc cây đa, thấy Đại bàng quắp một người bay qua, bèn giương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Chim rơi xuống, nhưng nó vội rút ngay tên ra và lại quắp lấy người, tiếp tục bay đi.

Thạch Sanh lần theo dấu máu tìm đến một hang núi thì không thấy tăm hơi Đại bàng đâu nữa.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Mất con gái quý, nhà vua xiết bao đau đớn, các quan cử ba đội quân ra sức tìm kiếm cũng không có kết quả. Nghe lời tâu của quần thần [11], vua bèn sai đô đốc Lý Thông trước kia có tài chém yêu tinh, đi tìm công chúa, hứa sẽ gả nàng và nhường ngôi báu cho.

Thông lo lắng mãi mới tìm ra được một kế là mở hội hát ở kinh đô trong mười ngày cho người dân các nơi về xem để do la tin tức Thạch Sanh. Mãi đến ngày thứ mười hắn mới gặp được Thạch Sanh bước vào rạp xem hát. Thông lại giả nhân giả nghĩa tay bắt mặt mừng đón tiếp người em “kết nghĩa” cũ rất trịnh trọng. Nhân đó, hắn cho Sanh biết việc vua sai hắn đi tìm công chúa bị loài yêu quái bắt.

Sanh thật thà cho Lý Thông biết ngay tung tích của yêu quái chính là Mãnh xà vương [12] ở hang núi, cũng chính là loài rắn đã thành tinh chuyên hóa làm chim đại bàng đi bắt người. Thế là Thông lại dùng lời đường mật, nhờ Sanh dẫn đi tìm công chúa. Thạch Sanh nhận lời. Đến chỗ của Đại bàng, Sanh dùng dây làm thang xuống hang sâu và dặn Thông hễ thấy đầu dây động đậy thì kéo lên.

Vừa xuống tới hang, đang lúng túng chưa biết cần đi về hướng nào, Sanh bỗng gặp ngay công chúa Quỳnh Nga cũng vừa đi ra. Cảm kích ơn nghĩa Thạch Sanh không quản hiểm nguy đã đến cứu mình, công chúa liền ngỏ ý xin kết nghĩa trăm năm. Sanh từ chối, cho nàng biết đây là việc của triều đình mà chàng lại muốn giữ trọn tình nghĩa anh em với Lý Thông. Nhưng công chúa vẫn quyết một lòng và nàng coi như đã “kết duyên” lành với chàng từ đấy.

Từ hôm bị trúng tên, Đại bàng bị thương nằm li bì một chỗ. Sanh đưa thuốc mê bảo công chúa dỗ Đại bàng uống, xong đem nàng buộc vào dây cho quân kéo lên. Lập tức Lý Thông sai quan quân đưa ngay công chúa về triều để hắn ở lại đánh yêu quái. Kì thực quân vừa đi khỏi, hắn vội vã ra sức lăn đá lấp kín cửa hang để hại Thạch Sanh.

Còn Quỳnh Nga công chúa lúc ấy mỏi mắt trông vời về phía sau không thấy chàng đâu cả, nàng bỗng bàng hoàng uất ức, mắc bệnh câm ngay từ bữa đó.

4. Lại nói về phần Thạch Sanh, sau khi cứu công chúa ra khỏi hang thì bị Lý Thông khuân đá lấp kín cửa hang không cho chàng ra nữa. Chàng tức giận giương cung bắn phá lâu đài của Xà vương. Giữa lúc đó, con yêu quái chợt tỉnh cơn mê. Thấy có người lạ đột nhập [13] đang phá phách nhà cửa và cướp mất vợ hắn, hắn bừng bừng nổi giận xông vào đánh nhau kịch liệt với Thạch Sanh.

Hai bên giao chiến với nhau đến vài trăm hiệp [14] mà vẫn không phân thắng bại. Xà vương trổ hết mọi phép yêu mà ghê gớm ra nhưng đều bị Thạch Sanh dùng phép thần thông phá hết. Cuối cùng hết phép, Đại bàng biến thành con chim nhỏ như con chim khách, toan trốn đi, nhưng Thạch Sanh đã kịp thời hóa phép phủ vây lưới sắt và giương cung bắn chết.

Sau đó, Sanh vung thần đao [15] phá tan cung điện đồ sộ nguy nga của Mãnh xà vương, nhân đó cứu được cả con vua Thủy tề [16] bị Đại bàng bắt nhốt trong cũi sắt đã một năm ròng. Thái tử cảm tạ ơn sâu của Thạch Sanh và mời chàng xuống thủy cung [17] chơi.

Thạch Sanh được vua Thủy tề tiếp đãi rất trọng thể, ban cho trăm lạng vàng bạc để cảm ơn, nhưng Thạch Sanh từ tạ [18] không nhận. Thủy vương lại khẩn khoản mời chàng ở lại hẳn dưới thủy cung nhưng chàng cũng nhất định từ chối. Thủy vương đành giữ chàng ở lại chơi vài ngày.

Thái tử dẫn chàng đi xem khắp năm cung trong ngoài. Hai người mải mê dạo chơi, bất ngờ lạc bước dưới thành trì của một loài yêu quái. Nó vốn là con Hồ tinh [19] chín mắt rất lợi hại và ngạo ngược [20] chưa ai trị nổi. Nó hóa thành một cô gái xinh đẹp đứng đón đường ngỏ lời trêu ghẹo hai chàng.

Thạch Sanh liền vạch chân tướng [21] nó là loài yêu quái, nó bèn hiện hình thành Hồ tinh chín mắt, xông vào toan vồ bắt cả hai chàng.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Thạch Sanh vung đao thần, rồi giương cung, bổ búa, đấu quyền [22] với nó suốt một ngày ròng nó vẫn không nao núng. Sau chàng dùng phép thần giao tranh với nó, nó mới chịu thua và phải hiện nguyên hình là con hồ li (tức con cáo). Thạch Sanh rộng lượng tha cho nó được sống để tu tỉnh [23].

Ban thưởng công lao, vua Thủy tề liền phong cho chàng làm quốc trạng [24]. Chàng xin trở về dương thế [25]. Để đền ơn Thạch Sanh, Thủy vương nghe lời thái tử biếu chàng chiếc đàn thần của Ngọc Hoàng thượng đế đã ban cho vua hồi trước. Sau đó, thái tử đưa tiễn chàng về. Thạch Sanh lại trở về sống bên gốc đa như cũ.

5. Công chúa Quỳnh Nga từ lúc thoát nạn yêu quái lại bị bệnh câm. Vua cha vô cùng thương xót, buồn bã, đành ra lệnh hoãn việc hôn nhân của nàng với Lý Thông để chữa cho nàng khỏi bệnh đã. Vua thì lo lắng thuốc thang và khấn vái Trời Phật; Lý Thông thì lập đàn mời pháp sư, phù thủy [26] cúng lễ linh đình, hàng tháng ròng mà Quỳnh Nga vẫn “chẳng nói chẳng rằng, miệng hoa âm ỉ chẳng hằng nói chi”.

Còn nói về Trăn tinh và Mãnh xà vương sau khi chết, hồn chúng không ai cúng lễ, đành sống bơ vơ, chui rúc bụi hồ, rồi chuyên đi ăn trộm, bắt gà, bắt chó quấy nhiễu, tàn hại người dân để kiếm ăn. Một đêm, chúng tình cờ gặp nhau và kể lể cho nhau nghe về số phận của mình, rồi bàn kế báo thù Thạch Sanh.

Chúng lẻn vào kho nhà vua ăn trộm vàng bạc rồi giả tảng trỏe đi trở lại để bọn lính canh dõi theo chân chúng tới gốc đa. Chúng quẳng đồ ăn trộm vào chỗ Thạch Sanh đang nằm ngủ để đổ vạ cho chàng. Quả nhiên, Thạch Sanh bị bắt, giải về trình Lý Thông. Thông rất kinh ngạc, sai quân đem tống giam Thạch Sanh. Hắn ra lệnh phải căn phòng nghiêm mật và rắp tâm đợi ba ngày sau sẽ tự ý thừa mệnh [27] lệnh triều đình, đem xử tử luôn chàng đi cho kín chuyện cũ.

Ngồi trong ngục, Thạch Sanh buồn tình đem đàn ra gảy… Không ngờ tiếng đàn thần bỗng nỉ non, thánh thót như oán, như than, vạch tội Lý Thông ăn ở bất nhân phụ nghĩa [28] và trách nàng công chúa không giữ lời ước hẹn.

“Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai mang công chúa dưới hang trở về…”

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Tiếng đàn văng vằng bay thấu vào tới cung vua, Quỳnh Nga đang ngồi ủ rũ mày hoa [29], thoắt nghe thấy tiếng đàn ai oán như khóc, như than bỗng khỏi câm liền. Nàng thốt lên nụ cười nói tâu với vua cha xin cho đòi người gảy đàn vào cung để nàng gặp mặt. Nàng tỏ bày luôn sự tình được kể lể trong tiếng đàn ai oán cho nhà vua biết. Nhờ đó Thạch Sanh được giải oan [30].

Nhà vua bèn mở yến tiệc đãi chàng, phong cho chàng hai chức quận công [31] do hai lần có công trạng lớn và cho kết duyên với công chúa Quỳnh Nga.

Còn về phần Lý Thông, vua giao cho Thạch Sanh tùy ý xử tội. Sanh xin vua tha tội chết cho hắn và cho hắn trở về quê quán làm ăn. Nhưng hai mẹ con hắn về đến giữa đường thì bị Ngọc Hoàng sai Thần Sét đánh chết đúng như lời hắn đã thề nguyền khi kết nghĩa anh em với Thạch Sanh xưa kia.

Do tội bạo ngược, ăn ở hai lòng của hắn, Ngọc Hoàng lại bắt Lý Thông hóa làm kiếp bọ hung, đời đời sống trong nhơ bẩn.

6. Được tin công chúa Quỳnh Nga kết duyên với Thạch Sanh là một anh chàng khố rách nghèo hèn, thế tử các nước chư hầu trước kia từng bị công chúa cự tuyệt bèn nổi giận, rủ nhau hợp binh kéo đến báo thù. Khí thế quân mười tám nước chư hầu vô cùng mạnh mẽ, đi tới đâu làm cho núi lở, sông cạn tới đó, phá tan hoang luôn năm cửa ải. Quân triều đình đi tiếp ứng tới đâu bị đánh tan tác tới đấy.

Nhà vua vô cùng hoảng sợ bèn vời Thạch Sanh vào và nhờ chàng đem binh đi đánh giặc. Thạch Sanh tâu với nhà vua cứ để cho quân địch kéo đến bao vây kinh thành, chàng sẽ ra tay.

Chờ cho giặc bổ vây bốn mặt thành trùng trùng điệp điệp và không ngớt lời reo hò khiêu khiacsh, Thạch Sanh mới đem đàn thần ra gảy. Đàn bỗng kêu lên “tích tịch tình tang”, vạch ra điều hơn lẽ thiệt, phải trái phân minh cho hàng vạn quân địch nghe.

“Đàn kêu nhân nghĩa thủy chung
Thánh tha thánh thót muôn lòng xôn xao…”

Tiếng đàn khi cứng rắn đanh thép, lúc lại mềm rẻo khuyên lơn khiến cho quân tướng mưới tám nước dần dần phải thoái chí [32], quy hàng một loạt. Chúng xin cấp lương ăn để về nước. Thạch Sanh ra lệnh cấp cho chúng mười tám hộc [33] lương. Chúng chê ít, Thạch Sanh sai đem chiếc niêu của chàng ra thổi cơm cho chúng ăn. Quân mười tám nước trông thấy niêu cơm đều hết thảy ngao ngán.

Thạch Sanh đố chúng ăn hết sẽ trọng thưởng. Hàng vạn quân lính ào ào ăn mãi mà niêu cơm cứ vơi rồi lại đầy, ăn không sao hết được. Thế là một lần nữa chúng lại nhất loạt phải quy phục chàng.

Sau khi chiến thắng quân mười tám nước chư hầu, Thạch Sanh được nhà vua làm lễ nhường ngôi cho chàng, để chàng đem tài ra trị vì đất nước. Quỳnh Nga công chúa cũng được nhà vua ban chiếu [34] phong cho làm hoàng hậu. Hai năm sau, hoàng hậu Quỳnh Nga sinh được một trai, một gái, thế là đất nước thịnh trị [35], gia đình hòa vui…

Truyện cổ Việt Nam Đỗ Quang Lưu kể
(Theo Truyện thơ khuyết danh)
Nguồn : Kể chuyện 5, trang 109, NXB Giáo dục – 1984

[alert style=”danger”]

[/alert]

Chú giải trong truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

[1] Nhân đức: có lòng tốt, biết nhường người. [2] Ngọc Hoàng: ông Trời (theo quan niệm xưa) sinh ra cõi tiên (trên trời) và cõi trần (dưới mặt đất). [3] Thải tử: con vua, được chọn để nối ngôi vua cha. [4] Thiên đình: (cũ) triều đình ở trên trời do Ngọc Hoàng ngự trị. [5] Phép thần thông: (cũ) phép biến hóa màu nhiệm. [6] Xà tinh: (xà: rắn; tinh: yêu tinh) rắn đã thành yêu tinh. [7] Đô đốc: (cũ) viên tướng chỉ huy toàn thể quân đội. [8] Lộc: lương của quan lại thời phong kiến. [9] Hậu: đầy đủ, thừa thãi. [10] Thế tử: con trai cả của vua hay của vua chưa hầu (vua nước phụ thuộc). [11] Quần thần: các quan trong triều. [12] Mãnh xà vương: (mãnh xà: rất dữ; vương: vua chúa) đây chỉ con rắn chúa đã thành tinh, chuyên biến hình thành chim đại bàng đi bắt người. [13] Đột nhập: xông vào một cách bất ngờ. [14] Hiệp: chỉ từng quãng thời gian ngắn hai bên xông vào đấu võ với nhau. [15] Thần đao: ý nói thanh đao có sức mạnh ghê gớm (như thần). [16] Thủy tề (Thủy vương) (cũ) ông vua được Ngọc Hoàng giao cho cai quản các sông, ngòi. [17] Thủy cung: cung điện của vua Thủy tề ở dưới nước. [18] Từ tạ: cảm ơn và không nhận (chối từ). [19] Hồ tinh: con hồ li (tứ con cáo) đã hóa thành yêu tinh. [20] Ngạo ngược: hỗ xược, ngang bướng. [21] Chân tướng: bộ mặt thật, bản chất thật. [22] Quyền: môn võ dùng tay chân không (cũ), hoặc dùng nắm đấm (mới) để đánh đối phương. [33] Tu tỉnh: nhận biết và sửa chữa lỗi lầm của mình. [24] Quốc trạng: ý nói được tôn là người tài giỏi bậc nhất (trạng) của quốc gia. [25] Dương thế: (dương gian) cõi đời. [26] Pháp sư, phù thủy: (cũ) những người có thuật làm phép trừ được ma quỷ. [27] Thừa mệnh: thi hành theo mệnh lệnh trên, vâng lệnh trên mà làm. [28] Bất nhân phụ nghĩa: ăn ở độc ác, không có lòng thương người (lòng nhân) và phản bội tình nghĩa của người khác(phụ nghĩa). [29] Mày hoa: chỉ vẻ mặt xinh đẹp của người thiếu nữ. [30] Giải oan: làm cho hết nỗi oan. [31] Quận công: danh vị (tước): công, hầu, bá, tử, nam) mà vua chúa phong kiến phong cho các quan to hoặc những người có công lớn. [32] Thoái chí: nhụt chí, sa sút ý chí. [33] Hộc: đồ dùng để đong lường ngày xưa, bằng mười đấu. [34] Chiếu: văn bản của nhà vua được công bố ra. [35] Thịnh trị: (đất nước) thịnh vượng và yên ổn. [alert style=”danger”]

[/alert]

Phân tích giá trị nội dung khi soạn bài Thạch Sanh

1. Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông ca ngợi đạo đức, tài năng và nguyện vọng chân chính của người lao động

Truyện Thạch Sanh ca ngợi phẩm cách của những người lao động nghèo khổ, giàu lòng nhân đạo. Gia đình họ Thạch đói nghèo nhưng thương người:

“Vợ thì gánh nước liền tay
Để đem bố thí người vay lỡ đường.
Chồng thì khơi cống khơi mương
Luôn tay cuốc thuổng sửa đường người qua”.

Đây không chỉ là chuyện làm việc nghĩa. Cuộc sống tâm hồn, tình cảm của gia đình họ Thạch rộng hơn, cao hơn. Chẳng thế mà khi về già, sắp vĩnh biệt đứa con yêu quí, Thạch bà vẫn căn dặn:

“Từ nay mẫu tử biệt ly,
Khuyên con nhớ lấy nhân nghì hiểu trung”.

Tác giả truyện Thạch Sanh không những nhìn thấy tấm lòng nhân đạo của người lao động mà còn đặc biệt ca ngợi tài năng đức độ của họ nữa.

Về đức, trước hết Thạch Sanh là người thiết tha yêu quê hương làng mạc. Dù “giang sơn” chỉ “một gánh củi cành trên vai”. Dù của nhà chỉ là một gốc đa hiu quạnh, Thạch Sanh vẫn khước từ cảnh giàu sang phú quý của vua Thủy tề để trở về với mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Đối với Lý Thông, người anh em kết nghĩa, Thạch Sanh thật thà tin yêu hắn. Khi biết Lý Thông là kẻ bất nhân, chàng vẫn rộng lòng tha thứ; vẫn mong hắn tu tỉnh. Khi hắn gặp khó khăn, chàng sẵn sàng giúp đỡ.

Đối với những người mắc nạn, chàng ra tay cứu giúp. Với những lực lượng thù địch của con người chàng thẳng tay trừng trị.

Thạch Sanh yêu và ghét cũng rạch ròi, phân minh. Yêu thương, trân trọng con người nên chàng tin người và khoan dung trước lỗi lầm của con người. Với lũ giặc ngoại xâm hung hãn của mười tám nước chư hầu, chàng không đánh chúng bằng gươm giáo, tên ná mà đã đánh bại chúng bằng tiếng đàn nhân nghĩa.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Thạch Sanh chém Chằn tinh (Xà tinh)

Thạch Sanh có đức lại có tài. Tài của Thạch Sanh là sự hun đúc của chính nghĩa. Phép thần thông biến hóa như Xà tinh, Đại bàng, Hồ tinh và hung hãn như tướng quân mười tám nước chư hầu, thế mà trước sau bọn chúng đều bị lưỡi búa, mũi tên, chiếc đàn, niêu cơm màu nhiệm của Thạch Sanh khuất phục.

Sức mạnh của chính nghĩa và tinh thần chiến đấu dũng cảm đã thắng áp bức bóc lột, đánh bại lũ yêu quái hung ác trên mặt đất (Thạch Sanh chém chằn tinh, Thạch Sanh bắn Đại bàng), dưới nước (Hồ tinh), đánh bại các lực lượng tàn bạo trong nước (Lý Thông) và ngoài nước (quân xâm lược mười tám nước).

Trong quá trình đấu tranh ấy, lực lượng chính nghĩa không ngừng lớn mạnh. Buổi đầu, vũ khí của Thạch Sanh chỉ có một con dao, một cái búa. Sau khi giết Xà tinh chàng có thêm bộ cung tên vàng. Cây đàn tam huyền là phần thưởng của chàng sau khi đánh bị Hồ tinh. Hình ảnh niêu cơm của Thạch Sanh ăn hết lại đầy tượng trưng cho khả năng kinh tế vô tận của nhân dân góp vào chiến công vào chiến thắng.

Chính vì đấu tranh cho chính nghĩa mà tài năng của Thạch Sanh ngày càng trở lên vô địch. Cuộc đời của chàng là một chuỗi chiến thắng của chính nghĩa. Thắng lợi cuối cùng của Thạch Sanh là lên làm vua, làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời.

2. Truyện Thạch Sanh bóc trần bản chất tàn bạo, xảo quyệt của bọn bóc lột

Khi soạn bài Thạch Sanh, cần phân tích rõ hai nhân vật chính.

Nếu như Thạch Sanh là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa: lòng dạ ngay thẳng và tốt bụng, giúp đỡ người không hề tính toán, không nề gian nguy, mang bản chất của người lao động thật thà, chất phác, v.v… thì Lý Thông là người đại diện cho bọn bóc lột gian tham, hung hiểm, giả nhân giả nghĩa.

Lý Thông là kẻ thủ đoạn và quỷ quyệt. Họ Lý ra làm quan bằng con đường mưu mô, lừa đảo cướp công của kẻ khác. Thông không chỉ cướp công chém Xà tinh của Thạch Sanh mà còn luôn tìm cách giết hại chàng. Ngay cái tình “huynh đệ” của họ Lý cũng chỉ là sự lợi dụng sức lao động của Thạch Sanh mà thôi.

Những ý nghĩ và hành động hèn mạt, độc ác của họ Lý đều xoay xung quanh hai mục đích: danh và lợi. Lý Thông từ một lái buôn, do gian ngoan mà làm đến chức “đô đốc quận công”…

Tác giả viết truyện Thạch Sanh nhằm giáo dục con người, và khuyên người ta “nhân nghì hiểu trung”. Cho nên tên gián ác Lý Thông, mặc dù được Thạch Sanh tha tội chết, hắn vẫn bị trời đánh, phải hóa kiếp làm con bọ hung chui rúc trong nhơ bẩn.

3. Một số điểm hạn chế trong Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Khi viết truyện Thạch Sanh, quan điểm đạo đức của tác giả căn bản là đạo đức chân chính của nhân dân; nhưng tư tưởng của tác giả lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến. Cho nên nội dung tư tưởng của tác phẩm không tránh khỏi những hạn chế nhất định.

Cụ thể là việc thể hiện nhân vật Thạch Sanh và cách giải quyết mối quan hệ giữa hai nhân vật Thạch Sanh – Lý Thông còn lúng túng. Thật thà, tin người, độ lượng trước lỗi lầm của con người là một trong những nét nổi bật của phẩm cách Thạch Sanh. Dụng ý của tác giả là muốn cường điệu hóa các chi tiết đó để nhấn mạnh lòng nhân ái, thủy chung của Thạch Sanh và từ đó nhấn mạnh cái triết lý thông thường, phổ biến mà cũng là nguyện vọng của quần chúng là “ở hiền gặp lành”.

Vì vậy, tác giả không muốn Thạch Sanh có thái độ cứng rắn hơn trong việc “đối xử” với một kẻ thù nguy hiểm như Lý Thông (đối với các lực lượng thù địch khác của con người như Xà tinh, Đại bàng, Hồ tinh, Thạch Sanh rất cương quyết). Chắc rằng ý thức về lòng trung thành với “lời thề kết nghĩa anh em” ràng buộc, chi phối tác giả trong cách giải quyết vấn đề…

Mặc dầu bị những hạn chế nhất định, nhưng tác giả đã đứng về phía nhân dân lao động bị áp bức bóc lột, đã nói được nguyện vọng tha thiết của quần chúng. Giá trị chủ yếu của truyện Thạch Sanh là ở chỗ đó.

Tác giả của câu chuyện Thạch Sanh là ai
Thạch Sanh bắn Đại bàng

Lưu ý giá trị nghệ thuật khi soạn bài Thạch Sanh

Truyện Thạch Sanh là truyện tả sự việc. Kết cấu của truyện chặt chẽ. Sự việc được sắp xếp mạch lạc, hợp lý, theo thứ tự thời gian. Tác giả đặt nhân vật phản diện Lý Thông và nhân vật chính diện Thạch Sanh vào thế tương phản, khiến cho cả hai nhân vật đều nổi bật.

Nhân vật Thạch Sanh tiêu biểu cho lực lượng chính nghĩa của quần chúng lao động. Đời sống cả chàng giản dị nhưng tài đức có thừa. Một mình chàng đã đương đầu với lũ yêu quái, với lũ giặc ngoại xâm mà từ vua đến quan quân đều khiếp sợ.

Nhân vật Lý Thông được tác giả xây dựng khá thành công. Thâm hiểm, xảo trá, gian tham, độc ác, bất nghĩa là những đặc tính của hắn. Hắn đánh lừa Thạch Sanh để thế mạng. Hắn vừa dọa nạt vừa giả nghĩa để cướp công Thạch Sanh chém Xà tinh. Hắn giả vờ quý trọng Thạch Sanh để nhờ chàng dò la tin tức công chúa. Hắn định giết Thạch Sanh vì sợ bị tiết lộ sự thực. Tất cả những điều đó, nói rõ bản chất xấu xa của hắn.

Lời văn trong truyện là lời nói mộc mạc, tự nhiên của quần chúng nhân dân, ít chữ Hán và điển tích (trong bản kể thơ Nôm). Tuy vậy cũng không tránh khỏi vụng về, dễ dãi trong khi dùng từ, đặt câu.

Tóm lại, trong quá trình soạn bài Thạch Sanh, cần hiểu được nghệ thuật truyện Thạch Sanh, căn bản là nghệ thuật bình dân, phù hợp với nội dung tác phẩm – một cau chuyện được xây dựng trên cơ sở một truyện cổ tích kết hợp với yếu tố thần thoại – cho nên tác phẩm dễ đi sâu vào lòng người và được nhiều lứa tuổi ưa thích.

Ý nghĩa truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông

Thạch Sanh – Lý Thông là một trong những truyện thơ Nôm khuyết danh (tức truyện không rõ tên tác giả) có giá trị trong nền văn chương cổ nước ta, truyện vừa mang tính chất anh hùng ca, vừa mang màu sắc thần thoại. Truyện Thạch Sanh đã lưu truyền lâu đời trong dân gian và được nhân dân rất ưa thích, thường kể truyền miệng cho nhau nghe (truyện Thạch Sanh trên đây được lược kể lại bằng văn xuôi dựa theo truyện thơ).

Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông có giá trị nhân đạo sâu sắc, do đó nó có tác dụng giáo dục tình yêu lao động, yêu nhân dân, yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Mặc dù truyện có một số điểm hạn chế, chúng ta vẫn rút ra được bài học lớn: bài học đấu tranh tiêu diệt mọi lực lượng gian tà.

Nhân vật chính trong truyện là chàng Thạch Sanh, từ lâu đã trở thành hình ảnh một con người mẫu mực, lí tưởng toàn diện về đạo đức, nhân nghĩa, về tài năng và chiến công anh hùng trong quan niệm của quần chúng nhân dân.

Qua truyện kể chúng ta được biết đó là người khẳng khái, hào hiệp, lòng ngay dạ thẳng, coi trọng điều nhân nghĩa hơn tiền tài danh vọng, cứu giúp người không nề gian nguy hiểm nghèo, không mảy may tính toán, vụ lợi.

Qua thời gian, Thạch Sanh đã trở thành một hình tượng tiêu biểu cho truyền thống về đạo đức và tính cách anh hùng của dân tộc Việt Nam trong những câu chuyện cổ tích.

Nhà thơ Tố Hữu có lần đã ví anh Giải phóng quân như sau:

“Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi.
Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mĩ”.

Qua mấy câu thơ trên, chúng ta càng hiểu thêm vì sao Thạch Sach từ xưa đến nay đã trở thành nhân vật điển hình trong văn chương dân gian cổ và được nhân dân ta hết sức yêu mến.