Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững

Yêu cầu kép và những con số “biết nói”

Nhìn lại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta có thể thấy rõ những định hướng rất sâu sắc trong mục tiêu tổng quát, đó là: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...”.

Có thể thấy rằng, những định hướng ấy là căn cứ rất quan trọng, tạo hành lang phát triển cho đất nước. Trong đó, cụm từ “phát triển kinh tế nhanh, bền vững” cho thấy tầm nhìn xa nhưng rất thực tế của Đảng trong lãnh đạo, định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Trước đây, người ta vẫn lo ngại rằng, yêu cầu “phát triển nhanh” không thể song hành cùng yêu cầu “phát triển bền vững”. Nhìn ra nền kinh tế của thế giới, nhiều người càng khẳng định lo ngại này là có cơ cở. Một số nước vì muốn thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế mà sẵn sàng hạ thấp yêu cầu về bảo vệ môi trường, rồi việc phát triển nóng lại dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên thô, dẫn tới hậu quả là ô nhiễm nghiêm trọng và mất vốn liếng tài nguyên, của để dành cho thế hệ tương lai. Cùng với đó, việc phát triển kinh tế ở một số nước chỉ tập trung nơi thành thị; của cải xã hội làm ra được tập trung vào một số tầng lớp dân cư, còn lại người dân ở vùng sâu, vùng xa thì vẫn chìm trong nghèo nàn, lạc hậu. Như vậy, phát triển kinh tế càng nhanh mà không đồng đều, không toàn diện, sẽ tạo ra chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội càng nhiều, thậm chí phá vỡ rất nhanh các cấu trúc văn hóa, lối sống trong xã hội, tạo ra những lệch lạc và bất ổn trong xã hội. Điều này thì không chỉ là nguy cơ đối với các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển hàng đầu thế giới cũng phải đối mặt.

Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững
Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững
Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững
Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững
Tại sao phải phát triển nhanh và bền vững
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Dù nhiều khó khăn, Đảng ta vẫn quyết tâm đề ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Kết quả thời gian qua chứng minh rằng, định hướng chiến lược này là hoàn toàn đúng đắn. Đó là vì một nước đang phát triển và dân số khá đông như Việt Nam, lại trong môi trường cạnh tranh kinh tế quốc tế hiện nay, nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6% trở lên thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm các cân đối vĩ mô và an sinh xã hội. Thực tế, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh dần đều qua các năm: Năm 2016 là 6,21%; năm 2017 đạt 6,81% và đặc biệt năm 2018 lên tới 7,08% (là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua). Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, nền kinh tế đã phát triển theo xu hướng bảo đảm các yếu tố bền vững. Điều này thể hiện qua mấy điểm sau: Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể như năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,08%, thế nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn được kiềm giữ ở mức tăng 3,54% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là giữ ở mức tăng khoảng 4%). Động lực tăng trưởng trong những năm trước đây dựa nhiều vào xuất khẩu khoáng sản thô và tăng trưởng tín dụng thì trong mấy năm qua, động lực tăng trưởng đã chuyển sang ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,98%). Trong khi đó, ngành khai khoáng lại giảm 3,11%. Tăng trưởng tín dụng được giữ ở mức hợp lý là 13,3% (tăng trưởng tín dụng năm 2010 lên tới 27,65%), bảo đảm an toàn, cung cấp đủ vốn vay cho nền kinh tế. Việc cho vay không dàn trải, không cho vay vào các lĩnh vực rủi ro mà tập trung vào các ngành ưu tiên, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam cũng ở mức vừa phải, trong sức chịu đựng của doanh nghiệp, phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn (trong khi đó lãi suất cho vay VND bình quân năm 2011 là khoảng 18,3%/năm).

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện: Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346USD so với năm 2017); năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.

Tình hình tài chính quốc gia trong năm 2018 dần được cân đối. Tổng thu ngân sách Nhà nướctừ đầu năm đến thời điểm ngày 15-12-2018ước tính đạt 1.272,5 nghìn tỷ đồng; trong khi đó tổng chi ngân sách Nhà nướctừ đầu năm đến thời điểm ngày 15-12-2018ước tính đạt1.272,1nghìn tỷ đồng. Như thế là số thu đã lớn hơn số chi. Nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành nền kinh tế xuất siêu, thặng dư thương mại, với mức suất siêu cả năm 2018 là 7,21 tỷ USD.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã yêu cầu việc phát triển kinh tế phải song hành với vấn đề bảo vệ môi trường. Trong tất cả các dự án phát triển kinh tế đều phải đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào và thực hiện nghiêm túc. Ví như, khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Chính phủ đã yêu cầu nhà đầu tư bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng, cải tạo môi trường và có giải pháp để không tái phạm.

Thứ ba, đời sống nhân dân nhìn chung ngày càng được cải thiện. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, thu nhập bình quân một người/tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660.000 đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, 70% người dân Việt Nam được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Mặc dù trong mấy năm gần đây, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, nhưng tình trạng thiếu đói trong nông dân ở vùng sâu, vùng xa vào vụ giáp hạt giảm mạnh, năm 2018 giảm 42,1% so với năm trước.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2018 là 4.977 tỷ đồng, bao gồm 2.792 tỷ đồng quà thăm hỏi, hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.487 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 698 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Việc đầu tư hạ tầng cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa được quan tâm, tổ chức thực hiện, như: Các chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a... Hiện, 99,98% số xã và 98,8% số hộ nông dân có điện. Những công nghệ hiện đại, như mạng viễn thông 4G cũng được phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa.

Nguyên nhân của thành công và những vấn đề đang đặt ra

Chúng ta có thể chỉ ra mấy nguyên nhân cơ bản dẫn tới những thành tựu phát triển kinh tế thời gian qua: Điều rõ nhất là do những chủ trương, chiến lược đúng đắn của Đảng. Ngoài tầm nhìn của Đảng đã thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII thì thời gian qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có rất nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó cốt lõi là 3 nghị quyết: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 3 nghị quyết này là tiền đề cho những dịch chuyển về chính sách, hoàn thiện về thể chế cho việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thu hút mạnh vốn đầu tư của xã hội. Nhờ vậy, năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP.

Bên cạnh đó là tư duy quản lý mới và sự điều hành quyết liệt, liêm chính, kiến tạo của Chính phủ; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội. Trong hơn hai năm qua, có thể thấy rõ những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành hiệu quả nền kinh tế. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, gỡ bỏ 50% điều kiện kinh doanh, loại bỏ bớt các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể, năm 2018 xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực ASEAN. Đáng chú ý là tư duy quản lý của Chính phủ ngày càng đổi mới. Điều này thể hiện qua Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 vừa qua khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Cái gì mới, chưa biết quản lý thế nào thì cứ cho phát triển trong một khoảng thời gian, một không gian nhất định để nó tự bộc lộ tất cả ưu điểm, khuyết điểm”. Tư duy quản lý này rất phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ mà các quy định quản lý chưa định nghĩa được, chưa theo kịp.

Nhìn thấy những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại của nền kinh tế Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ. Trước hết, về cơ cấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua đã thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn chưa thay đổi căn bản. Mặc dù đã có sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành, từ khai thác tài nguyên chuyển sang phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ, song như vậy vẫn chưa đủ. Chất lượng tăng trưởng còn thấp và chưa thực sự ổn định, bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam, về tổng thể hiện nay năng lực còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh yếu, kể cả DNNN lẫn doanh nghiệp tư nhân. Đóng góp của khu vực DNNN chiếm 27-28% GDP, khu vực kinh tế hộ gia đình có quy mô rất nhỏ nhưng lại là khu vực sản xuất chiếm nhiều GDP nhất, khoảng 32% GDP. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp 18% GDP, còn khu vực doanh nghiệp tư nhân mới chỉ 8% GDP. Điều này cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân còn đóng góp quá ít so với tiềm năng và kỳ vọng. Cùng với đó, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn mang xu hướng đầu cơ, lệ thuộc, ít cạnh tranh, tinh thần doanh nghiệp nhìn chung còn yếu.

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính hiện vẫn còn cồng kềnh, mang nặng cơ chế xin cho. Ngân sách hiện nay dành cho trả lương, trả nợ chiếm phần lớn nên phần dành cho đầu tư công rất ít so với yêu cầu. Ngân sách vốn đã yếu lại phải nuôi bộ máy khổng lồ. Hiện, Việt Nam có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy Nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 công chức/1.000 dân. Con số này quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia là 17,64 công chức/1.000 dân; Philippines 13,03 công chức/1000 dân và Singapore là 25,69 công chức/1.000 dân. Cùng với đó, tổng số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách hiện lên tới 7 triệu người. Do đó, cần phải thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, môi trường cạnh tranh không cao, Việt Nam cần nỗ lực chuẩn bị nhân lực phát triển các ngành công nghệ cao. Theo một số chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là phải thúc đẩy xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và thay đổi phần gốc là cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, chú trọng đầu tư vào khối kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân là nền tảng để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có trình độ cao.

Nhóm phóng viên Báo QĐND(còn nữa)